Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nên nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn

0:00 / 0:00
0:00
Phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm, theo nhận xét của Uỷ ban Kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nền nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, là những vấn đề, theo các cơ quan của Quốc hội, cần được quan tâm đánh giá kỹ.

Sáng 23/10, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch năm 2024.

Tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, ông Thanh khái quát.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề cụ thể.

Đó là, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm sâu , các thị trường xuất khẩu lớn giảm hoặc tăng rất thấp . Xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm (13,9% so với cùng kỳ), cho thấy nhu cầu đầu vào cho sản xuất tiếp tục chậm lại. Tiêu dùng phục hồi chưa vững chắc, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý (quý I tăng 13,9% đến quý III chỉ còn tăng 7,3%).

Đầu tư tư nhân 9 tháng tăng 2,3%, chỉ bằng khoảng 1/6 mức tăng trước đại dịch. Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc khá mạnh (Chỉ số IIP của ngành quý I giảm 2,9%, quý II giảm 0,7%, 9 tháng tăng thấp 3,5%). Du lịch quốc tế phục hồi chậm .

“Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững”, ông Thanh phản ánh.

Theo báo cáo, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) còn nhiều tồn tại, hạn chế, tỷ lệ nợ xấu thị trường TPDN tăng. Tính đến 30/6/2023 đã có 118 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 165 nghìn tỷ đồng (bao gồm 109 nghìn tỷ đồng TPDN chậm trả đã đáo hạn từ 2022), chiếm 11,8 % giá trị TPDN đang lưu hành – cơ quan thẩm tra dẫn chứng con số.

Theo Ủy ban Kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức 3% (3,56%) . Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/9/2023 chỉ tăng 6,92%. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh tiếp tục nêu vấn đề.

Cạnh đó, theo cơ quan của Quốc hội, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao.

Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán NSNN, cân nhắc xây dựng dự toán thu NSNN tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.

Tin bài liên quan