Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) - Ảnh: M.Minh

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) - Ảnh: M.Minh

Đại biểu Quốc hội: Nghị quyết 68/NQ-TW đã đặt kinh tế tư nhân đúng chỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9 bày tỏ sự phấn khởi về những quan điểm, chính sách lớn mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành cho kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68.

Nghị quyết 68/NQ-TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được đánh giá là bước ngoặt quan trọng, đột phá, nhằm khơi thông nguồn lực và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9 bày tỏ sự phấn khởi về những quan điểm, chính sách lớn mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành cho kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68.

Kinh tế tư nhân đã được đặt đúng chỗ

Là người có 10 năm tham gia đề xuất các chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân, trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nói rằng, bản thân cảm thấy rất hưng phấn khi Nghị quyết 68 được ban hành.

Theo ông Thân, tại Nghị quyết 68, kinh tế tư nhân đã thực sự đặt được đúng chỗ, đúng vai trò và sứ mệnh của mình.

Kinh tế tư nhân - bao gồm cả FDI, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm 5 triệu hộ cá thể… là những người bỏ vốn, khởi sự đầu tư kinh doanh, không cần ai giục, họ vẫn tự thúc đẩy, tự làm ăn và hoàn thiện mình.

"Họ chỉ khao khát có một hệ sinh thái môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để phát triển", ông Thân nói.

Theo ông Thân, thương trường như chiến trường, trong đó doanh nghiệp là người "cầm súng" chiến đấu. Để thành công, ngoài cố gắng của doanh nghiệp thì cần có chủ trương đúng đắn, thực thi chính sách đồng bộ, quyết liệt của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) khẳng định, kinh tế tư nhân đã và đang đóng góp lớn vào nền kinh tế, giúp tăng trưởng GDP, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.

Theo đại biểu, 40 năm trước, khi chúng ta thực hiện Đổi mới (Đại hội Đảng VI năm 1986), Trung ương Đảng công nhận nền kinh tế là nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế cá thể, từ đó kinh tế cá thể đã có sự đóng góp lớn cho đất nước.

Lần này Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-TW về kinh tế tư nhân, hướng đến mục tiêu năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) trả lời bên hành lang Quốc hội (Ảnh: M.M)
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) trả lời bên hành lang Quốc hội (Ảnh: M.M)

Ủng hộ chủ trương này, ông Ngân cho rằng muốn doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt đất nước thì phải có nhiều hơn nữa các tập đoàn lớn, đủ mạnh, sánh vai với các tập đoàn lớn thế giới.

Muốn vậy, cần phải có những cơ chế, thể chế ưu đãi đặc biệt với doanh nghiệp tư nhân.

"Chúng ta ao ước hàng triệu doanh nghiệp tư nhân để phát triển đất nước, thì phải làm sao khơi thông chính sách cho đội ngũ doanh nghiệp lớn lên thành các tổng công ty, tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Hòa Phát, Thaco…", ông Ngân nói.

Để những chủ trương, quyết sách lớn của Nghị quyết 68/NQ-TW nhanh chóng đi vào cuộc sống, vị đại biểu kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ được luật hóa tại Kỳ họp thứ 9 này.

Theo đó, Quốc hội đang và sẽ bàn đến sửa nhiều luật, trong đó có Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới, phải phản ánh được tư duy, chủ trương của Nhà nước vào trong luật.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, chủ trương của Đảng ban hành, song cần nhanh chóng sửa đổi các luật liên quan nhằm đồng bộ hóa chính sách, xóa bỏ hiện trạng "rừng luật" hiện nay, như vậy mới khiến kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển.

Thay đổi triệt để mọi định kiến về kinh tế tư nhân

Phân tích các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 68/NQ-TW, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội) nói rằng: "Nghị quyết 68 đã thay đổi triệt để mọi định kiến về kinh tế tư nhân".

Theo ông Hiếu, tinh thần Nghị quyết khẳng định vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng và khẳng định luôn trong Nghị quyết: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia".

Thông điệp của Nghị quyết 68 khác với Nghị quyết 10/NQ-TW năm 2017 ở 3 khía cạnh: Một là giảm phiền hà (cắt giảm giấy phép kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính…); hai là là tăng sự bảo vệ, an toàn của doanh nhân; ba là khơi thông nguồn lực.

"Trong đó, tăng mức độ bảo vệ là quan điểm rất mới", ông Hiếu nhấn mạnh.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội)

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội)

Theo đó, Nghị quyết 68 giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp nói chung, tư nhân nói riêng thể hiện ở quan điểm chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", người dân được phép làm tất cả những điều mà luật pháp không cấm; chủ trương không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Ông Hiếu cho rằng, trong kinh doanh thì rủi ro và sai lầm là khó tránh khỏi; ngoài rủi ro về thị trường thì còn rủi ro về pháp lý, thể chế thuộc về khách quan và không thể lường trước được.

"Nghị quyết 68 nêu bật quan điểm cái gì chưa rõ thì ưu tiên áp dụng việc xử lý bằng luật dân sự, thay vì luật hình sự. Điều này tạo điều kiện cho doanh nhân có cơ hội làm lại", ông Hiếu nói.

Vị đại biểu bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng khi các quyết sách về tinh gọn, sáp nhập bộ máy được thực hiện cả Trung ương và địa phương, thủ tục hành chính sẽ thông thoáng, nhanh hơn rất nhiều, điều này sẽ tạo bệ phóng để tinh thần Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống.

Về phía doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, sẽ không có chỗ cho doanh nghiệp chậm chân, kinh doanh bằng mô hình cũ, do đó doanh nghiệp cần mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, vật liệu mới để tăng tốc bứt phá.

Tin bài liên quan