“Đại gia” CNTT ráo riết chuẩn bị nhân lực

(ĐTCK-online) Hai “đại gia” trong làng CNTT thế giới, IBM và Intel, sau khi khai trương Trung tâm Dịch vụ toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam và khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chíp bán dẫn trị giá 1 tỷ USD tại TP.HCM, đang chạy đua trong việc tuyển dụng nhân sự.

Nhà máy của Intel sẽ được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2009, còn Trung tâm Dịch vụ toàn cầu của IBM đã hoạt động được hơn 3 tháng.

Trao đổi với phóng viên ĐTCK-online về vấn đề tuyển dụng nhân sự cho nhà máy của Intel, ông Don MacDonald, Phó chủ tịch Tập đoàn Intel cho biết, nếu hoạt động hết công suất, Nhà máy cần tuyển dụng 4.000 - 4.500 nhân công Việt Nam. Lộ trình tuyển dụng được ông MacDonald tiết lộ rằng, trong năm 2007 bắt đầu tuyển dụng khoảng vài trăm người, năm 2009 con số này là khoảng 2.000 người và đến năm 2011, khi nhà máy hoạt động hết công suất, Nhà máy sẽ cần khoảng 4.000 - 4.500 người. Trong khi đó, IBM cũng đã thông báo kế hoạch tuyển hàng ngàn kỹ sư CNTT trong 2-3 năm tới. IBM cho biết, sẽ thiết lập mối quan hệ với các viện, trường của Việt Nam để thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng của mình.

Bà Trần Thị Quyên, Giám đốc Nhân sự của IBM Việt Nam cho biết, IBM sẽ tăng cường lực lượng lao động cho các trung tâm dịch vụ của IBM tại Việt Nam . “Khi số lượng khách hàng và dự án phát triển phần mềm của IBM tại nước ngoài tăng lên, tất yếu sẽ cần tuyển thêm đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng, cũng như yêu cầu phát triển của Công ty”, bà Quyên nhấn mạnh. Với đà phát triển của IBM tại thị trường Việt Nam hiện nay, bà Quyên tin rằng, đội ngũ lao động làm việc cho các trung tâm của IBM tại Việt Nam hàng năm sẽ tăng cao. Mặc dù không cho biết chính xác số lượng lao động IBM dự định tuyển dụng trong năm nay, nhưng bà Quyên khẳng định, con số này sẽ không hề nhỏ. Hiện tại, tổng số nhân viên làm việc cho IBM và các dự án của IBM tại Việt Nam là khoảng 500 người.

Tuy nhiên, số lượng nhân lực không phải là vấn đề khó khăn đối với Intel và IBM, mà quan trọng là chất lượng. Intel thừa nhận, hầu như phải đào tạo lại các nhân viên mới sau khi tuyển dụng. Theo ông MacDonald, chính sách chung của Intel là khi đầu tư vào một quốc gia nào đó, đi kèm với kế hoạch đầu tư là chương trình đào tạo, tập huấn. Những người lao động được tuyển dụng sẽ được Intel đào tạo cả chương trình đào tạo cứng và mềm. “Cứng là về kỹ thuật, còn mềm là về kỹ năng làm việc”, ông MacDonald nói.

Trong khi đó, IBM cũng quan niệm rằng, đào tạo và tự đào tạo là một nhân tố quan trọng giúp các nhân viên có thể thích ứng với môi trường làm việc liên tục thay đổi. Vì thế, bà Quyên gợi ý, để thỏa mãn nhu cầu của các nhà tuyển dụng, các tổ chức đào tạo cần cập nhật chương trình giảng dạy, nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức và kinh nghiệm thực tế gắn liền với yêu cầu công việc và chuyên môn của các công ty. Điều này đảm bảo cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận luôn các vị trí chính trong công ty, chứ không phải ở vị trí học việc, hay phải đào tạo lại. Để khắc phục tình trạng này, IBM đã hợp tác với 20 cơ sở đào tạo đại học để đào tạo sinh viên các công nghệ dựa trên chuẩn mở, các chương trình kết hợp giữa nghiên cứu và học thuật.