Đại gia địa ốc sắp nổ cùng “bom” nợ đáo hạn

Đại gia địa ốc sắp nổ cùng “bom” nợ đáo hạn

Nợ của các “ông lớn” là vấn đề thường xuyên được nhắc tới, nhưng không phải ai cũng quan tâm đến sự cấp bách khi các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng sắp đến ngày đáo hạn đang đe dọa doanh nghiệp.

“Bom” nợ đáo hạn sắp nổ

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG - HOSE) hiện đang phải đối mặt với khoản nợ gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, cuối tháng này, QCG phải trả 55,5 tỷ đồng (lãi suất 17%/năm) cho Ngân hàng liên doanh Việt - Nga - Chi nhánh Đà Nẵng. Ngày 21/7/2012, hợp đồng vay vốn 26 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Gia Lai đáo hạn,… Và tới cuối năm nay, QCG phải thanh toán 51,7 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh 1.

Như vậy, từ giờ đến cuối năm, QCG phải trả nợ ngân hàng hơn 214 tỷ đồng, trong đó khoản “nóng nhất” là hai hợp đồng đáo hạn trị giá hơn 80 tỷ đồng trong tháng 6 và tháng 7/2012. Trong khi đó, tiền mặt của QCG chỉ hơn 9 tỷ đồng.

Một “con nợ khủng” thường xuyên được điểm danh trong thời gian này là CTCP Sông Đà - Thăng Long (STL - HNX). STL khiến nhà đầu tư giật mình với khoản nợ khổng lồ tính bằng nghìn tỷ đồng. Nhưng sẽ còn nghiêm trọng hơn khi biết rằng “bom” nợ sắp nổ khi khoản vay ngắn hạn của STL lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính, STL không công bố thời gian đáo hạn nợ nhưng rõ ràng, trong năm nay, STL khó tránh khỏi việc phải thanh toán cả nghìn tỷ đồng. Tiền mặt của STL chỉ còn hơn 13 tỷ đồng, các khoản phải thu chỉ hơn 80 tỷ đồng. Vì vậy, dòng tiền sẵn có chẳng thấm vào đâu so với nợ phải trả.

 

Tháo “ngòi nổ” bằng cách nào?

Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, doanh thu của nhiều DN chỉ đủ trả lãi chứ chưa tính đến nợ gốc. Chính vì vậy, nhiều hợp đồng nợ vay trị giá trăm tỷ đồng tới ngày đáo hạn thực sự là thách thức lớn với DN.

Theo giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội, khi vay nợ, các DN đã có kế hoạch trả nợ. Cách phổ biến nhất là dùng nợ “đắp” nợ, tức là phát hành trái phiếu lấy tiền trả nợ đáo hạn. Họ thường viện cớ cần tiền cho dự án A, B, C nào đó nhưng thực chất là trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều biến chuyển rõ nét như hiện nay, phát hành trái phiếu cũng đang gặp nhiều khó khăn.

DN còn “phao” trái phiếu chuyển đổi và phát hành thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, cách này cũng gặp nhiều khó khăn do vì cổ đông hiện hữu không ai muốn mua, phát hành riêng lẻ thì không có đủ hấp dẫn nhà đầu tư khác.

Có một biện pháp đang được DN chờ mong nhưng dường như rất khó xảy ra đó là tiêu thụ được hàng hóa. Hiện nay, hàng tồn kho của DN, đặc biệt là DN BĐS đang ở mức báo động.

Có thể kể ra một số DN có chỉ số hàng tồn kho cao ngất ngưởng. Tính đến 31/3/2012, hàng tồn kho của STL là 1.086 tỷ đồng, của QCG là 3.350 tỷ đồng, của VMD là 1.782 tỷ đồng,… Thậm chí, có ông lớn trong ngành BĐS đang đau đầu khi trị giá hàng tồn kho lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.

Nếu giải phóng được lượng hàng tồn kho khổng lổ này, rõ ràng khoản nợ trăm tỷ không thể làm khó được các DN. Tuy nhiên, làm thế nào để bán được hàng lại đang là vấn đề nhức nhối.

Mặc dù lãi suất đang giảm nhưng chưa xuống đến vùng hấp dẫn, các ngân hàng cũng chưa thực sự mặn mà với cho vay bất động sản. Trong khi đó, nhà đầu tư lại chờ đợi giá bất động sản giảm sâu hơn nữa mới quyết định mua vào. Chính vì vậy, kỳ vọng tiêu thụ được hàng để lấy tiền trả nợ ngân hàng của các DN dường như rất khó khả thi.