Đại hội cổ đông FPT: “Đặt cược” vào con đường cao tốc mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với ban chủ toạ, tập trung vào mảng bán dẫn và triển vọng lĩnh vực này với FPT.

Chiều 10/4, ĐHĐCĐ Công ty cổ phần FPT diễn ra tại Hà Nội đã thu hút đông đảo cổ đông tham gia. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cảm ơn cổ đông và nhấn mạnh: “Nhờ các vị mà chúng tôi có vốn, có cơ hội và nguồn lực để phát triển”.

Trong phần thảo luận, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với ban chủ toạ, tập trung vào mảng bán dẫn và triển vọng lĩnh vực này với FPT. Một số câu hỏi đáng chú ý:

Vấn đề thiếu nguồn nhân lực mảng bán dẫn ra sao và FPT có ký hợp đồng hợp tác với đối tác nào để cung cấp nguồn lực?

- Ông Trương Gia Bình: Khi sang Đài Loan (Trung Quốc) để tìm hiểu về bán dẫn, tôi đã choáng ngợp khi gặp 1 công ty có 600 nhân viên phần mềm, và doanh thu gần 1 tỷ USD. Tôi cảm giác mình có lỗi vì trước đó rất lâu tôi từng đến Đài Loan thăm TSMC khi họ còn nhỏ mà không hiểu bán dẫn cũng là phần mềm, nếu ngày ấy hiểu bán dẫn là phần mềm thì giờ đã khác.

Ngành bán dẫn vẫn còn không gian rất lớn nữa là phát triển phần mềm cho bán dẫn. Mình có lực lượng lao động. Mediatech mở công ty ở Mỹ nhưng thiếu người, toàn tuyển người Việt Nam.

FPT chuẩn bị cho lĩnh vực bán dẫn thế nào và làm gì cho lĩnh vực bán dẫn?

Ông Trương Gia Bình: Chúng ta ký với Đài Loan đào tạo nhân lực, ký kết với loạt các đơn vị để có đầu ra. Khi có đầu ra thì các thanh niên Việt Nam sẽ làm. Làm phần mềm lương là 1 thì bán dẫn lương là 3. Hấp dẫn cả về công việc và thu nhập. Đặc biệt, làm việc trong ngành bán dẫn cần biết nói tiếng Trung. Ví dụ các cơ sở bán dẫn của Nga có nhiều chuyên gia Đài Loan sang làm việc. Người Nga ở Nga và phải nói tiếng Trung, bởi không nói tiếng Trung thì sẽ “ra khỏi ngành bán dẫn”.

Làm thế nào để Việt Nam hay FPT cạnh tranh được với Ấn Độ và “Với 5 lĩnh vực trụ cột thì AI, phần mềm đã có hợp đồng triệu đô vậy năm bao nhiêu những trụ cột còn lại có như vậy?”

Ông Trương Gia Bình: Ấn Độ đi trước Việt Nam rất lâu nhưng về công việc, Việt Nam đang cho thấy chất lượng thực hiện tốt và được hài lòng hơn Ấn Độ.

Công việc quy mô trăm triệu USD họ hài lòng với chúng ta hơn. Vì với người Ấn Độ thì thay đổi yêu cầu công việc là phải thêm tiền để làm. Còn người Việt Nam thì muốn làm tốt nhất nên tạo nên hai thái độ hoàn toàn khác. Khách hàng khi làm việc với Việt Nam, với FPT họ luôn ngạc nhiên rằng trong thời gian Covid, không dự án nào lỡ hẹn và vẫn đạt 100 điểm hài lòng của khách hàng. ‘Chip" tuy đến nay chưa có hợp đồng triệu USD nhưng đã có khách hàng hẹn: “FPT làm ra bao nhiêu con đều mua hết”.

Trong phần trình bày về định hướng chiến lược FPT 2024-2026 trước đó, ông Trương Gia Bình chia sẻ, cách đây hai tuần, hiệp hội các Chủ tịch, tổng giám đốc các công ty Nhật Bản đã sang Việt Nam làm việc, trong những đơn vị họ làm việc có FPT. Họ hợp tác với Việt Nam dựa trên 5 từ khoá: AI, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. 5 từ khóa trọng yếu này được nói một cách dễ nhớ là: “tuệ - bán - xe - số - xanh”. Ông Bình nhận định, 5 từ này đã quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ vừa qua và tiếp tục duy trì trong 1/4 thế kỷ còn lại.

"Với 5 từ khoá đó, Việt Nam được chọn, thời khắc của chúng ta đã đến!", ông Bình nhấn mạnh và giải thích, lợi thế của Việt Nam nằm ở nguồn nhân lực. Đây chính là chìa khoá để lĩnh vực bán dẫn được đặt cược vào Việt Nam.

Năm 2023 FPT đạt doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 9.203 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 7.788 tỷ đồng. Mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt 2023 là 20%, trong đó đã thực hiện chi trả 10% trong năm 2023, trả 10% còn lại sau khi ĐHCĐ phê duyệt.

Năm 2024, FPT đặt kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đồng loạt tăng khoảng 18% so với kết quả năm 2023. Trong cơ cấu doanh thu, khối Công nghệ dự kiến sẽ đem về doanh thu nhiều nhất với 31.449 tỷ đồng, tăng hơn 21% và chiếm gần 51% tổng doanh thu. Hai khối Viễn thông và Giáo dục, đầu tư khác mục tiêu doanh thu tăng trưởng lần lượt 11% lên 17.600 tỷ đồng và tăng 14% lên 6.100 tỷ đồng. Về lợi nhuận, khối Công nghệ dự kiến đóng góp 5.195 tỷ đồng Lợi nhuận trước thuế (LNTT), tăng 25%, khối Viễn thông đem về 3.508 tỷ đồng trong khi LNTT khối Giáo dục, đầu tư và khác dự kiến đạt 2.172 tỷ đồng (tăng 9%).

Đại hội đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2024 là 20%.

Tin bài liên quan