Đại hội OGC bất thành, đa phần dự án trục trặc, trình xin cổ đông xoá nợ

Đại hội OGC bất thành, đa phần dự án trục trặc, trình xin cổ đông xoá nợ

(ĐTCK) Ngày 20/6/2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 lần thứ nhất và không gây bất ngờ khi Đại hội bất thành.

Sau 2 lần kiểm tra tư cách cổ đông, Đại hội không thể tiến hành bởi số cổ đông tham dự chỉ đại diện cho 10,1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Dự kiến tại Đại hội 2020, OGC sẽ xin ý kiến cổ đông một số vấn đề quan trọng như phân phối lợi nhuận năm 2019; thay đổi tên Công ty và thay đổi trụ sở chính; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty…

2019 là năm thứ 2 liên tiếp Công ty có kết quả kinh doanh có lãi trên báo cáo tài chính hợp nhất nhưng trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ lại có kết quả lỗ và chưa bù đắp được các khoản lỗ luỹ kế của các năm trước. Theo đó, Công ty chưa đủ điều kiện để thực hiện chia cổ tức do đang lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính.

Trao đổi bên lề Đại hội, nhóm cổ đông có mặt quan tâm tới việc triển khai và khai thác các dự án của OGC, cũng như vấn đề thu hồi công nợ.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông, đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản, các dự án nổi bật của OGC bao gồm Toà nhà Star City Lê Văn Lương (Tập đoàn đang hỗ trợ chủ đầu tư nghiệm thu đưa dự án vào sử dụng, đủ điều kiện làm sổ đỏ cho khách hàng, từ đó thu hồi số tiền nợ tại dự án này khoảng 20 tỷ đồng); Dự án 25 Trần Khánh Dư (dự án quy mô 900 tỷ đồng hiện vẫn dừng triển khai); Dự án Lega Fashion House (tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, đang thương thảo để tiếp tục phát triển); Dự án Công viên hồ điều hoà Nam Trung Yên (tổng mức đầu tư ban đầu 1.600 tỷ đồng, đang đề xuất phương án thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo điều kiện chuyển nhượng dự án); Dự án Toà nhà hỗn hợp văn phòng và chung cư Lê Văn Lương (tổng mức đầu tư dự kiến 1.400 tỷ đồng, chưa thể triển khai và đang có hướng chuyển cho đối tác)…

Về thu hồi công nợ và thanh toán nợ, HĐQT đã phê duyệt các chủ trương bán nợ, đàm phán với đối tác với giá trị thu hồi khoảng 30% giá trị khoản nợ nhưng cũng không thu hồi được và không có đối tác mua nợ. Công ty đã thực hiện khởi kiện một số đối tác, nhưng số tiền thu hồi được không đáng kể so với khoản nợ, việc thi hành án kéo dài, không hiệu quả.

Dự kiến tại Đại hội, Ban lãnh đạo Công ty đề xuất thông qua phương án giao và uỷ quyền cho HĐQT xem xét, quyết định việc xoá nợ, bán các khoản nợ xấu đã lập dự phòng và có tuổi nợ trên 3 năm theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019 trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Trong đó, các khoản nợ phải thu ngắn hạn đã lập dự phòng khoảng 2.158 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn đã lập dự phòng khoảng 525 tỷ đồng.

Năm 2019, Công ty chưa hoàn thành kế hoạch đã đặt ra chủ yếu do việc tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại dương (OCH) dẫn đến tăng khoản trích lập dự phòng các khoản lỗ luỹ kế tại Công ty này. Một số khoản nợ khó đòi đã trích lập dự phòng chưa thu hồi được theo kế hoạch nên chưa hoàn nhập được dự phòng trong năm.

Bên cạnh đó trong năm 2019, Công ty phát sinh thêm chi phí khi quyết toán với thầu phụ một số công trình đã hoàn thành, quyết toán với với chủ đầu tư trong thời gian trước đây (Toà nhà VNT Nguyễn Trãi).

Mới đây, Ocean Group đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 với tổng doanh thu dự kiến 1.008,56 tỷ đồng, giảm 21,81% so với kế hoạch chưa điều chỉnh (1.289,85 tỷ đồng), nhưng tăng 45,51% so với mục tiêu lợi nhuận trước điều chỉnh, lên 207,55 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2020, OGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 147,2 tỷ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong kỳ Ocean Group thu về 257 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính cao gấp hơn 10 lần cùng kỳ, nên lợi nhuận sau thuế đạt gần 220 tỷ đồng, gấp hơn 34 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan