Tổng thống Mỹ Obama ký thành luật kế hoạch cải tổ Phố Wall - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Obama ký thành luật kế hoạch cải tổ Phố Wall - Ảnh: Reuters

"Đại kế hoạch" cải tổ Phố Wall chính thức thành luật

11h đêm qua (ngày 21/7 - theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức ký thành luật dự thảo cải cách ngành tài chính sâu rộng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo sự ổn định kinh tế tốt hơn.

Đạo luật mới dài 2.323 trang, mang tên "Bảo vệ người tiêu dùng và cải cách Phố Wall Dodd-Frank", trong đó Dodd-Frank là từ ghép tên của Thượng nghị sỹ Christopher Dodd và Hạ nghị sỹ Barney Frank, hai nhà tài trợ chính của đạo luật này trong Quốc hội Mỹ.

 

Dodd-Frank được xem là một bước ngoặt mang tính lịch sử, khi đánh giá lại toàn bộ các quy định trong hệ thống tài chính Mỹ. Đây là dự luật cải cách mạnh mẽ và sâu rộng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 tới nay.

 

Theo hãng tin AP, đạo luật Dodd-Frank sẽ mang lại cho Chính phủ của Tổng thống Obama những quyền lực mới để ngăn chặn các công ty có khả năng đe dọa tới nền kinh tế, thành lập một cơ quan mới bảo vệ người tiêu dùng và giám sát chặt chẽ hơn thị trường tài chính.

 

Phát biểu tại lễ ký, ông Obama cho rằng, đạo luật mới sẽ giúp đỡ dân chúng trong cuộc sống hàng ngày, từ ký các hợp đồng, hiểu rõ các khoản lệ phí, cho tới nhận thức được những nguy cơ.

 

Ông đã gọi đạo luật cải cách này là "sự bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ nhất trong lịch sử". Thêm nữa, đạo luật này không chỉ tốt cho người tiêu dùng mà còn cho cả nền kinh tế Mỹ, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định tốt hơn, chấm dứt việc dùng tiền nộp thuế của người dân để tung ra các gói cứu trợ.

 

Đạo luật đưa ra một loạt biện pháp cải cách thị trường Phố Wall, ngăn chặn nguy cơ các thể chế tài chính lớn sụp đổ gây ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, kiểm soát các khoản tiền thưởng và ngăn chặn những khoản đầu tư rủi ro. Đồng thời, tạo ra một cơ chế bảo vệ người gửi tiền tại các ngân hàng dưới sự giám sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

 

Cụ thể, Dodd-Frank sẽ áp dụng các khoản phí và hạn chế mới đối với các ngân hàng lớn nhất Mỹ, đặt ra những giới hạn đối với thị trường phái sinh trị giá 450.000 tỷ USD cũng như bảo vệ người tiêu dùng trước các tài sản thế chấp và thẻ tín dụng.

 

Theo tờ Market Watch, các quy định mới về tổ chức xếp hạng tín dụng, ngân hàng, quỹ đầu tư, và lĩnh vực thế chấp trị giá 450.000 tỷ USD có thể diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, đạo luật yêu cầu các nhà điều hành nhanh chóng áp dụng các điều khoản mới trong vòng 6 đến 18 tháng.

 

Ví dụ như Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) dự kiến sẽ chịu trách nhiệm thực thi 95 điều khoản và FED thực hiện 54 điều khoản.

 

Đạo luật yêu cầu hội đồng giám sát bình ổn tài chính hợp tác cùng với FED trong việc yêu cầu các ngân hàng “có nhiều khả năng phá sản” áp dụng các giới hạn nghiêm ngặt về vốn và đòn bẩy; hướng dẫn Chính phủ tổ chức các cuộc kiểm toán bất thường và liên tục đối với các chương trình tín dụng của FED; và thành lập “Quy tắc Volcker” để giới hạn các hoạt động giao dịch độc quyền của các ngân hàng lớn.

 

Bên cạnh đó, Dodd-Frank  cũng buộc các ngân hàng lớn dần rút hầu hết vốn ra khỏi các quỹ đầu cơ và tư nhân trong vài năm,  thành lập hệ thống mới để xóa bỏ các ngân hàng khổng lồ bị thua lỗ tương tự như Lehman, từ đó sự phá sản của các ngân hàng này không đẩy các thị trường vào vòng xoáy chết.

 

Tuy nhiên, các nghị sỹ Cộng hòa mô tả đạo luật này như là một gánh nặng đối với các ngân hàng cỡ nhỏ và những doanh nghiệp dựa vào chúng. Họ cho rằng, đạo luật sẽ khiến người tiêu dùng tốn kém và cản trở tăng trưởng việc làm.