Đấu thầu chọn nhà đầu tư Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM)

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi thu hồi Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (còn gọi là khu Mả Lạng), TP.HCM sẽ đấu thầu để chọn nhà đầu tư mới thực hiện Dự án, nhằm xóa khu “ổ chuột” giữa trung tâm Thành phố.
Đấu thầu chọn nhà đầu tư Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM)

Chấm dứt dự án với Tập đoàn Bitexco

Dự án khu Mả Lạng có diện tích hơn 6,8 ha. Nơi đây trước năm 1975 là nghĩa địa, sau đó được Thành phố di dời, rồi nhiều người dân đến sống với nhiều ngôi nhà siêu nhỏ, chỉ rộng hơn 3 m2. Số liệu thống kê của UBND quận 1 cho thấy, có đến 758 căn nhà có diện tích dưới 30 m2, hầu hết không đảm bảo yêu cầu về sinh hoạt tối thiểu, giao thông, vệ sinh, môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Vì thế, khu vực này thường được gọi là khu “ổ chuột” giữa khu trung tâm sầm uất tại TP.HCM. Do điều kiện sống không đảm bảo, Thành phố có chủ trương di dời để chỉnh trang đô thị từ năm 2000.

Ban đầu, Dự án được giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Đến năm 2006, Dự án được chuyển giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco để xây dựng tổ hợp đa chức năng, gồm cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ, bệnh viện. Trong đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới, thay thế bệnh viện hiện tại ở số 125 - Lê Lợi, quận 1 đã xuống cấp. Ngoài dự án bệnh viện, nhà đầu tư còn xây dựng khu căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và khu vực tái định cư dành cho khoảng 900 hộ dân.

Được giao Dự án từ năm 2006, nhưng đến năm 2017, các cơ quan chức năng mới bắt đầu cùng Tập đoàn Bitexco lên phương án bồi thường, thu hồi đất và tái định cư cho người dân.

Theo kế hoạch ban đầu, việc di dời, tái định cư bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2018 (khi đó có 1.363 hộ dân với 7.228 người bị ảnh hưởng). Thế nhưng, suốt từ năm 2018 đến năm 2023, việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân không thực hiện được do vướng pháp lý và các quy định pháp luật thay đổi.

Do không tiến triển, cuối tháng 3/2023, UBND quận 1 ra quyết định hủy bỏ thông báo thu hồi đất đối với dự án trên.

Sau khi hủy các quyết định thu hồi đất, TP.HCM cũng thông báo đến Tập đoàn Bitexco rằng, không có cơ sở để xem xét tiếp tục thực hiện Dự án vì các căn cứ pháp luật trước đây không còn phù hợp với quy định chuyển tiếp tại Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020.

Về phía Tập đoàn Bitexco, doanh nghiệp cho biết đã trang trải các chi phí liên quan đến việc thực hiện dự án như đo vẽ lập bản đồ hiện trạng, nghiên cứu khả thi dự án, thiết kế…, với chi phí hơn 10,8 tỷ đồng.

Phía Bitexco cho biết, sau khi chấm dứt dự án, nhà đầu tư đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND TP.HCM hoàn trả chi phí hợp lý liên quan những công việc mà doanh nghiệp đã làm tại Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh và Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Sài Gòn mới. Tuy vậy, đến nay, doanh nghiệp chưa được UBND TP.HCM hoàn trả.

Đấu thầu chọn nhà đầu tư mới

Thông tin từ UBND quận 1 cho biết, hiện tại, người dân được khôi phục quyền mua bán, cho tặng, thừa kế, cầm cố nhà, nhưng vẫn bị hạn chế xây dựng mới vì dự án vẫn nằm trong quy hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị của Thành phố.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh có rất nhiều vướng mắc, phức tạp, nhiều năm chưa giải quyết được. Dự án đã được thu hồi và Thành phố đang triển khai các khâu để làm thủ tục đấu thầu mới.

Bà Mai thông tin thêm rằng, ngày 27/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. “Dựa trên quy định của Nghị định 24/2024/NĐ-CP, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan đấu thầu chọn nhà đầu tư mới cho Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh”, bà Mai cho biết.

Với các quy định đấu thầu mới, nhiều người dân tại khu Mả Lạng kỳ vọng, dự án này sẽ được giải quyết dứt điểm để người dân có cuộc sống ổn định.

Bà Phạm Thị Huyền, người dân sống ở khu Mả Lạng từ năm 1970 mong muốn Thành phố sớm tìm được nhà đầu tư triển khai dự án. “Tôi sẵn sàng di dời để làm dự án, nhưng mong Nhà nước đền bù thỏa đáng, đừng để quy hoạch treo quá lâu như trước, khiến cuộc sống của chúng tôi rất khổ sở”, bà Huyền bày tỏ nguyện vọng.

Tin bài liên quan