Thị trường rơi sâu không chỉ là nỗi buồn của các nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường rơi sâu không chỉ là nỗi buồn của các nhà đầu tư cá nhân.

Đầu tư chứng khoán trái tay: "Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh đã khiến danh mục đầu tư của nhiều doanh nghiệp sản xuất ghi nhận khoản lỗ nặng.

Giai đoạn 2020 - 2021, thị trường chứng khoán thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sản xuất. Không thể phủ nhận, giai đoạn thị trường một mạch đi lên, cổ phiếu nào cũng tăng giá mạnh, những doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi tranh thủ đầu tư cổ phiếu cũng kiếm lời kha khá. Nhiều doanh nghiệp thoát lỗ hoặc báo lãi đột biến nhờ hoạt động này. Tuy nhiên, sang năm 2022, tình hình đã thay đổi khi thị trường đi xuống.

Báo cáo tài chính quý III/2022 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho thấy, tại ngày 30/9/2022, danh mục đầu tư chứng khoán có giá gốc 190,95 tỷ đồng thì Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 78,6 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào cổ phiếu NLG có giá gốc 71,07 tỷ đồng, phải trích lập gần 31,1 tỷ đồng; 52,89 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS, trích lập dự phòng 24,6 tỷ đồng; 27,01 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu KBC, trích lập dự phòng 6,38 tỷ đồng; 39,98 tỷ đồng đầu tư vào các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 16,61 tỷ đồng.

Tuy vậy, nhờ hoạt động cốt lõi (sản xuất - kinh doanh cá tra) rất tốt nên kết thúc 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn báo lãi hơn 1.815 tỷ đồng, tăng trưởng 179,7% so với cùng kỳ và vượt 13,4% kế hoạch năm.

Nhà Đà Nẵng trích lập dự phòng 123,3 tỷ đồng cho khoản đầu tư có giá gốc 399,3 tỷ đồng tại ngày 30/9/2022.

Tại Công ty cổ phần Nhà Đà Nẵng (mã NDN), một trong những doanh nghiệp ngành sản xuất gây chú ý với danh mục đầu tư cổ phiếu lớn giai đoạn trước, phải trích lập dự phòng tới 123,3 tỷ đồng cho khoản đầu tư có giá gốc 399,3 tỷ đồng tại ngày 30/9/2022. Trong đó, Công ty trích lập dự phòng 52,6 tỷ đồng cho cổ phiếu SHB, trích lập dự phòng 45,1 tỷ đồng cho cổ phiếu VHM, trích lập 16,1 tỷ đồng cổ phiếu TCB…

Tính tới cuối quý III, danh mục đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng chiếm 28,3% tổng tài sản. Như vậy, Công ty dùng phần lớn tài sản đi đầu tư chứng khoán. Với việc đầu tư chứng khoán thua lỗ, trong khi mảng kinh doanh lõi chỉ ghi nhận 2,38 tỷ đồng doanh thu, Công ty báo lỗ tới 123,99 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Cùng kỳ năm ngoái, Công ty lãi hơn 214 tỷ đồng.

Đầu tư tài chính cũng làm trầm trọng thêm khó khăn của Công ty cổ phần Thép Tiến Lên (mã TLH) trong 9 tháng đầu năm nay. Trên báo cáo tài chính quý III/2022, Thép Tiến Lên đã ghi nhận khoản dự phòng giảm giá chứng khoán tại ngày 30/9/2022 là 60,8 tỷ đồng cho danh mục đầu tư có giá vốn 138,2 tỷ đồng.

Công ty trích lập dự phòng 11 tỷ đồng với khoản đầu tư vào cổ phiếu SHB; trích lập 11,98 tỷ đồng cổ phiếu VIX; trích lập 8,5 tỷ đồng cổ phiếu IJC và trích lập 29,3 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác.

Dù danh mục đầu tư chứng khoán của Thép Tiến Lên chỉ chiếm 2,9% tổng tài sản, nhưng do hoạt động kinh doanh lõi gặp khó khăn (giá thép giảm sâu, tồn kho lớn), lợi nhuận 9 tháng 2022 giảm 71,2% so với cùng kỳ, ghi nhận 121,78 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Hoá An (mã DHA), tại ngày 30/9/2022, Công ty đã trích lập 24,1 tỷ đồng trong danh mục 88,5 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu, tương đương 27,2% giá trị danh mục. Trong danh mục đầu tư chứng khoán của Công ty, chiếm chủ yếu là khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG, với giá vốn là 80,3 tỷ đồng. Đà giảm mạnh của cổ phiếu HPG thời gian qua đã tạo gánh nặng dự phòng cho doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, kinh doanh vật liệu xây dựng này.

DHA đang dành 18,9% tổng tài sản đầu tư vào cổ phiếu. Được biết, trong 9 tháng đầu năm, với lợi nhuận gộp đi ngang, lợi nhuận sau thuế đã giảm 28,6% về 40,4 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 56,1% kế hoạch năm, chủ yếu do hoạt động đầu tư chứng khoán thua lỗ.

Sau đợt phát hành 550.000 cổ phiếu ESOP của Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14, tương đương 5% lượng cổ phiếu lưu hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vào ngày 18/6/2022, tỷ lệ sở hữu của Công ty cổ phần Licogi 14 tại công ty này đã giảm từ 51% về 48,57%, chuyển từ công ty con sang công ty liên kết. Theo đó, thay vì hợp nhất kết quả kinh doanh vào báo cáo tài chính,

Licogi 14 ghi nhận khoản đầu tư có giá gốc hơn 56 tỷ đồng vào Công ty Đầu tư tài chính Licogi 14 như khoản đầu tư tài chính. Theo đó, danh mục đầu tư tài chính của Licogi 14 tại ngày 30/9/2022 có giá gốc 105,3 tỷ đồng.

Với danh mục đầu tư này, tại ngày 30/9/2022, Licogi 14 phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tới 68,7 tỷ đồng, tạm lỗ 65,2% tổng danh mục. Với việc thua lỗ chứng khoán, lợi nhuận 9 tháng đầu năm âm 15,61 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 39,05 tỷ đồng.

Tin bài liên quan