Đầu tư công: Chờ qua đại dịch sẽ bùng nổ, nhiều nhóm ngành hưởng lợi

Đầu tư công: Chờ qua đại dịch sẽ bùng nổ, nhiều nhóm ngành hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp xây lắp đang nỗ lực duy trì hoạt động thi công, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

Nỗ lực duy trì hoạt động thi công

Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần Đạt Phương cho biết, hiện tại, thủ tục giải ngân của các dự án đầu tư công đều rất thuận lợi, tuy nhiên, vướng mắc chính của Công ty lại nằm ở khâu thi công.

Xây lắp là một trong ba mảng hoạt động chính của Đạt Phương. Công ty đang được biết là nhà thầu thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm, trong đó có gói thầu thi công nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối Quốc lộ 1 đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết của cao tốc Bắc - Nam.

Vướng mắc của Đạt Phương cũng như nhiều nhà thầu xây dựng khác nằm ở chỗ nhiều địa phương đang thực hiện phong tỏa để phòng chống dịch bệnh, việc vận chuyển vật tư, vật liệu gặp nhiều khó khăn, nhân công xây dựng cũng thiếu trầm trọng vì chính sách “ai ở đâu ở yên đó”. Tiến độ thi công các công trình giao thông chỉ đạt 30 - 50% so với kế hoạch. Các nhà thầu đều đang ngóng chờ dịch bệnh được kiểm soát sẽ thúc đẩy tốc độ thi công nhanh trở lại.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án trọng điểm của TP. Hà Nội, nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4 km, mặt cắt ngang 19,25 m (4 làn xe), chiều cao tĩnh không 11 m. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 2.500 tỷ đồng. Cũng bởi tầm quan trọng của dự án với giao thông Thủ đô, trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các kỹ sư, công nhân vẫn tích cực thi công ngày đêm trên công trường dự án.

Đại diện Tổng công ty Vinaconex - nhà thầu chính của dự án - cho biết, tổng cộng 30 cán bộ, công nhân của Công ty đang chia làm 2 mũi thi công 3 ca liên tục trong ngày.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhà thầu đã bổ sung hàng loạt biển báo theo kiến nghị của Bộ Y tế. Từ vài tháng trước, nhà thầu đã yêu cầu toàn bộ công nhân không tụ tập bên ngoài công trường, ăn, ở tại lán trại và ăn theo ca để giữ khoảng cách.

Hiện tại, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất nhiều tới công tác thi công trên công trường. Để đảm bảo tiến độ đề ra, nhà thầu đã bố trí thêm ca làm việc ban đêm cho công nhân đỡ vất vả.

Tại công trường xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, công nhân cũng tất bật triển khai các hạng mục để xây dựng trạm bơm nước. Hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến được khởi công ngày 2/10/2020 với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 18 tháng. Hầm được thiết kế bằng kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng theo hướng đường Lê Văn Lương - Tố Hữu với chiều dài 475 m.

Hiện tại, trên công trường đang triển khai 9 mũi thi công với khoảng 50 - 60 công nhân thường trực để gấp rút hoàn thiện hạng mục 2 cống ngầm, đáp ứng thoát nước vào mùa mưa lũ sắp tới.

Mỗi buổi sáng, trước khi vào công trường, tất cả cán bộ, công nhân đều phải thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang. Cùng với đó, có một bộ phận theo dõi, ghi tên toàn bộ người ra, vào công trường để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chờ bật dậy vào cuối năm

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 31/7/2021 đạt 169.335,05 tỷ đồng, đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%).

Nếu không tính những khoản vốn chưa được phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021 nêu trên thì tỷ lệ giải ngân đạt 42,48%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng trong 7 tháng đầu năm, theo giới chuyên gia, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương, nơi có những dự án trọng điểm, đặc biệt là khu vực phía Nam. Dù vậy, đầu tư công được đánh giá là đầu kéo khả thi nhất đóng góp vào tăng trưởng GDP cho giai đoạn 6 tháng cuối năm và cả năm 2022, bởi các động lực tăng trưởng như xuất nhập khẩu, tiêu dùng đang suy yếu do tác động tiêu cực của đại dịch.

Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, ban hành tháng 6/2021, đã nêu rõ định hướng tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách. Đồng thời, Nghị quyết đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95 - 100% kế hoạch được giao; trong đó, đến hết quý III/2021, giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt tất cả các tỉnh chậm nhất vào tháng 12/2021.

Các chủ đầu tư đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch cho đến hết tháng 12/2021, đồng thời tất toán hết các công trình có nguồn vốn kéo dài từ năm 2020. Đây sẽ là nhóm được tập trung giải ngân mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021, trong đó, đến hết 31/12/2021 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch giải ngân đầu tư công công bố vào đầu năm 2021 là 2,5 triệu tỷ đồng và được nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng vào ngày 24/5 vừa qua – tăng hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn trước. Riêng năm 2021, vốn đầu tư công kế hoạch gần 600.000 tỷ đồng.

Với định hướng này, các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất – kinh doanh gắn với đầu tư công được nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đưa vào danh sách xem xét, chọn lọc cho giai đoạn nửa cuối năm.

Những nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công có thể kể tới là bất động sản, vật liệu xây dựng, xây dựng, thi công công trình, logistics và cảng biển sau khi hạ tầng hoàn thiện. Nhóm ngân hàng cũng có thể hưởng lợi gián tiếp khi được tăng cường cấp tín dụng để giải ngân trong lĩnh vực này.

Tin bài liên quan