Đầu tư Thương mại SMC (SMC) dự kiến có lãi trong quý I/2024 nhờ thanh lý tài sản và khoản đầu tư tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC - sàn HOSE) giải trình về biện pháp khắc phục việc cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/4 do lỗ luỹ kế và kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp.
Đầu tư Thương mại SMC (SMC) dự kiến có lãi trong quý I/2024 nhờ thanh lý tài sản và khoản đầu tư tài chính

Ngày 8/4/2024, Đầu tư Thương mại SMC nhận được Quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) về việc đưa cổ phiếu SMC vào diện bị cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/4/2024 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong Báo cáo kiểm toán năm 2023 là số âm, đồng thời lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong hai năm 2022 và 2023 là số âm.

Để khắc phục tình trạng lỗ luỹ kế và kinh doanh thua lỗ 2 năm liên tiếp, Đầu tư Thương mại SMC cho biết, đã tăng cường áp dụng các giải pháp kinh doanh để có hiệu quả cao, dự kiến quý I/2024 sẽ có lãi đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính và thanh lý tài sản.

Ngoài ra, trong quý II/2024, công ty tiếp tục bám sát tình hình thực tế của vĩ mô, của ngành thép và doanh nghiệp để có những giải pháp điều hành và vận hành các hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty đem lại hiệu quả tích cực.

“Với kết quả dự kiến như trên, Công ty phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát”, Đầu tư Thương mại SMC kỳ vọng.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 dự kiến tổ chức ngày 27/4 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong năm 2024, Đầu tư Thương mại SMC đặt kế hoạch doanh thu 13.500 tỷ đồng, giảm 1,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 925,3 tỷ đồng.

Năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu đạt 13.702 tỷ đồng, hoàn thành 67,7% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ tới 925,3 tỷ đồng so với kế hoạch lãi 150 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, trong năm 2023, tính tới cuối năm, Công ty đã giảm 465 nhân sự, tương ứng giảm 33% so với thời điểm cuối năm 2022, về 934 nhân sự.

Về định hướng kinh doanh, trong năm 2024, SMC tiếp tục chương trình tái cơ cấu toàn hệ thống trên tinh thần tinh gọn, đa nhiệm và linh hoạt; quản trị tồn kho và mua hàng trên nguyên tắc cẩn trọng, phù hợp, linh hoạt, dự trữ tồn kho tối ưu bám sát với diễn biến thị trường; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh chú trọng cả về chất và lượng, kết hợp tăng cường quản trị kiểm soát các khoản phải thu và rủi ro công nợ…

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, SMC trình cổ đông không trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông và cũng sẽ không trả cổ tức năm 2024.

Về kế hoạch huy động vốn, Đầu tư Thương mại SMC trình cổ đông kế hoạch chào bán riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 730 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, chào bán tối đa 20 nhà đầu tư và triển khai trong năm 2024. Trong đó, số tiền huy động được sử dụng để thanh toán các khoản nợ vay của Công ty, thanh toán các khoản nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ sẽ tăng từ 736,8 tỷ đồng, lên 1.466,8 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, sau khi tiếp tục lỗ trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, Đầu tư Thương mại SMC đã nâng lỗ luỹ kế lên 168,9 tỷ đồng và bằng 23,1% vốn điều lệ. Trong đó, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 1.025,1 tỷ đồng, hay hiểu đúng hơn Công ty đang sử dụng 1.025,1 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn trên 1 năm).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/4, cổ phiếu SMC giảm 250 đồng, về 10.450 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan