Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát: Áp lực “pha loãng” sau phát hành

Nếu việc tăng vốn hoàn tất theo kế hoạch, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (mã VPG, sàn HoSE) sẽ tăng gấp 2 lần, nhưng bài toán pha loãng khá hóc búa.

Lợi nhuận giảm

Trong bối cảnh hiện nay, các lợi thế có thể tạo ra thu nhập cho Việt Phát không còn. Chẳng hạn, năm 2018, Công ty có khoản thu khá lớn với mức tăng đột biến 345% so với năm 2017, do đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu thanh toán bằng thư tín dụng L/C. Công ty đảm bảo thanh toán các khoản L/C trả chậm với ngân hàng bằng các sổ tiết kiệm tiền gửi. Nhưng năm 2019, tiền gửi tiết kiệm đảm bảo các khoản thanh toán L/C trả chậm giảm, nên doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm mạnh, từ 74,6 tỷ đồng xuống 27 tỷ đồng.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Đức, Tổng giám đốc Việt Phát cho biết, các giao dịch L/C trả chậm của Công ty đang mở tại các ngân hàng như VPBank, VietinBank, Agribank, tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm 3 tháng đến 6 tháng gửi tại ngân hàng.

Thực tế, số tiền gửi của Việt Phát tại ngân hàng thời điểm cuối năm 2019 đã giảm khá nhiều so với đầu năm. Cụ thể, đầu tư tài chính ngắn hạn của Công ty thời điểm cuối năm 2019 là 103,4 tỷ đồng, khá nhỏ so với số dư 657,6 tỷ đồng của đầu năm.

Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát: Áp lực “pha loãng” sau phát hành ảnh 1

Trước bối cảnh trên, Việt Phát đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 khá khiêm tốn, dù kế hoạch doanh thu tăng so với năm 2019. Cụ thể, doanh thu thuần mục tiêu là 2.800 tỷ đồng, tăng 21,79% so với năm 2019. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận dự kiến chỉ là 72 tỷ đồng, thấp hơn kết quả thực hiện năm 2019 (gần 73 tỷ đồng). Tương tự, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch chỉ là 56 tỷ đồng, giảm 1,2 tỷ đồng so với thực hiện năm 2019. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần là 2%, trong khi thực hiện năm 2019 là 2,49%.

Áp lực pha loãng hiện hữu

Nói về kế hoạch lợi nhuận giảm dù doanh thu tăng, ông Đức cho biết, mọi năm, Đại hội đồng cổ đông đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế bằng khoảng 3% doanh thu thuần. Trong các năm qua, tỷ lệ này không thực hiện được, nên Hội đồng Quản trị trình Đại hội đồng cổ đông năm 2020 giảm tỷ lệ lợi nhuận sau thuế xuống bằng 2% doanh thu thuần cho khả thi.

Việc tìm kiếm lợi nhuận nhọc nhằn là vậy, nhưng Việt Phát vẫn khá quyết tâm thực hiện đợt phát hành tăng vốn điều lệ. Theo đó, với vốn điều lệ hiện là 264,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 347,2 tỷ đồng, Việt Phát dự kiến tăng vốn gấp đôi trong năm 2020.

Với kế hoạch tăng vốn này, tác động pha loãng thu nhập khá lớn, bởi khi lợi nhuận chưa tăng kịp tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ, thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ bị giảm do lợi nhuận sau thuế sau phát hành được chia cho lượng cổ phiếu nhiều hơn.

Cụ thể, với trường hợp của Việt Phát, năm 2019, lợi nhuận sau thuế là 57,2 tỷ đồng, vốn điều lệ 264,5 tỷ đồng, thì thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 2.162 đồng. Năm 2020, nếu Công ty vẫn giữ nguyên lợi nhuận 57,2 tỷ đồng, nhưng vốn điều lệ tăng lên 529 tỷ đồng, thì thu nhập trên mỗi cổ phiếu chỉ còn 1.081 đồng. Nhưng với lợi nhuận sau thuế như kế hoạch 2020 chỉ là 56 tỷ đồng, thì thu nhập trên mỗi cổ phiếu sẽ còn 1.059 đồng.

Một số đợt phát hành có thể còn làm pha loãng tỷ lệ biểu quyết (cổ đông bị giảm tỷ lệ nắm giữ sau phát hành). Song với tính chất là đợt chào bán theo phương thức thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu, đợt phát hành này của Việt Phát không làm giảm tỷ lệ nắm giữ, nếu các cổ đông thực hiện quyền mua. Hơn nữa, với thị giá cổ phiếu vẫn ở mức trên 23.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá phát hành chỉ là 10.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư có thể sẽ mất khá nhiều lợi ích kinh tế nếu từ bỏ quyền mua.

Tin bài liên quan