Đầu tư tuần qua: Khánh thành bệnh viện 5.800 tỷ đồng, khởi công cây cầu 2.265 tỷ đồng, hủy thầu một dự án PPP

Tuần qua, TP.HCM khánh thành dự án Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu, vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng; Hải Phòng khởi động Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào vốn 2.265 tỷ đồng…

Đường nối Vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình được tăng vốn thêm 340 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Dự án).

Cụ thể, tổng mức đầu tư Dự án là 5.326,5 tỷ đồng (tăng 340,5 tỷ đồng). Được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn I (2017 - 2021): 2.839 tỷ đồng (tăng 243 tỷ đồng). Giai đoạn II (2021 - 2025): 2.487,5 tỷ đồng (tăng 97,5 tỷ đồng); được triển khai khi có chủ trương về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu nguồn vốn, giai đoạn I, vốn ngân sách trung ương (trái phiếu Chính phủ) là 1.200 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng theo quy định của pháp luật); vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác là 1.639 tỷ đồng (tăng 243 tỷ đồng).

Giai đoạn II, cân đối trong kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Từ năm 2017 đến năm 2021, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hoàn chỉnh nền đường và cầu cống trên tuyến theo quy mô Dự án đối với những đoạn chưa có tuyến; triển khai thông tuyến theo quy mô mặt đường giai đoạn I của Dự án.

Từ năm 2021 đến năm 2025, triển khai giai đoạn II của Dự án; hoàn thành toàn tuyến theo quy mô Dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quyết định đầu tư Dự án theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, tập trung nguồn lực, bố trí đủ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện, hoàn thành dứt điểm Dự án giai đoạn I năm 2021. Ưu tiên bố trí nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai giai đoạn II và hoàn thành toàn tuyến theo đúng tiến độ.

Tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo quy hoạch được duyệt, đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu; chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu, nội dung giải trình liên quan đến dự án và hiệu quả đầu tư dự án; không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện Dự án.

Xu hướng “Việt Nam+1” của nhà đầu tư Nhật Bản

Khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng đầu tư thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), mở rộng sản xuất dự án hiện hữu tại Việt Nam.

Mới đây, cụm từ “Việt Nam + 1” đã được ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM nhắc đến khi đề cập chuyện các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. “Đây là xu hướng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có dự án sản xuất tại Việt Nam”, ông Hirai Shinji nói.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp Nhật Bản có nhà máy tại Khu chế xuất Linh Trung và Tân Thuận đã đến Văn phòng Jetro TP.HCM để tìm hiểu thông tin về việc mở rộng sản xuất ở một số tỉnh, thành phố khác ở phía Nam. Hay một số công ty như Towa và Furukawa đã có nhà máy ở TP.HCM, Bình Dương… đang tìm hiểu về thành công của Acecook khi đầu tư ở Vĩnh Long để khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại tỉnh này.

Theo ông Hirai Shinji, trước xu hướng này, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang nghiên cứu để đưa thuật ngữ “Việt Nam + 1” vào các ấn phẩm chính thức.

Đại diện của Jetro cũng nhắc lại chuyện 15 doanh nghiệp Nhật Bản được Chính phủ nước này lựa chọn hỗ trợ vốn cho Chương trình “Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài” đều đang hoạt động sản xuất ở Việt Nam. Sự hỗ trợ này giúp doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất hoặc đầu tư nhà máy mới.

Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang tìm cách tăng đầu tư, mở rộng sản xuất các dự án hiện hữu tại nhiều địa phương phía Nam. Đơn cử tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã tăng vốn trên 87 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam tăng gần 8 triệu USD, Công ty TNHH Oto Vina tăng 10 triệu USD... Theo tổng hợp, có gần 30 dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào địa phương này, với tổng vốn đăng ký hơn 300 triệu USD, chủ yếu là dự án tăng vốn.

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Đồng Nai với 420 dự án, trong đó có 370 dự án sản xuất tại các khu công nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 6,1 tỷ USD. Các doanh nghiệp nước này đã hiểu khá rõ môi trường, chính sách ưu đãi của tỉnh, nên không khó để đưa ra quyết định rót thêm vốn đầu tư.

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc Khối xuyên biên giới, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Recof Việt Nam nhìn nhận, khu vực Đông Nam Á là điểm đến đầy hứa hẹn cho các thương vụ M&A và Việt Nam là một trong những nơi hấp dẫn nhất.

Theo tổng hợp, trong 9 tháng đầu năm nay, giữa Nhật Bản và Việt Nam đã có 19 giao dịch M&A được công bố. Trong đó, đáng chú ý là Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba; Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…

“Nhiều giao dịch vẫn bị hạn chế do ảnh hưởng của Covid-19 và chúng tôi kỳ vọng, hoạt động M&A sẽ phát triển mạnh vào năm 2021, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong năm nay”, đại diện Recof nhận định.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc thời gian gần đây cũng tích cực trong các hoạt động M&A. Một số thương vụ đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm nay như SK Investment III (công ty con của SK Group) đã nhận được hơn 12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu của Imexpharm Corporation; Lotte Chemical (thuộc Tập đoàn Lotte) đã mua lại Công ty VinaPolytech; gần đây nhất, GS Caltex đã chi 39 tỷ đồng (gần 1,7 triệu USD) để mua 16,7% cổ phần của VI Automotive Service (công ty mẹ của VietWash)…

Theo các chuyên gia, hoạt động M&A ở Việt Nam có triển vọng sáng sủa trong năm tới, khi nhà đầu tư nước ngoài tìm đến doanh nghiệp trong nước để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo vẫn là đối tác chính của hoạt động này.

Dự án Khu du lịch Thiên Đàng (Quảng Ngãi): 9 lần gia hạn vẫn chưa thực hiện

Sáng 14/10 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp để nghe và cho ý kiến đối với dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì với đầy đủ các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: ông Nguyễn Tăng Bính, Đặng Ngọc Dũng, Võ Phiên và đại diện các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan.

Cổng đón tiếp vào "Thiên đàng" bốn mùa tại Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng
Cổng đón tiếp vào "Thiên đàng" bốn mùa tại Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng

Tại buổi làm việc, sau khi nghe Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi báo cáo về tình hình đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng, các sở, ngành và địa phương đều thống nhất cao cần sớm thu hồi dự án này vì chủ trương đầu tư đã có từ rất lâu, nhưng đến nay Nhà đầu tư vẫn chưa triển khai thực hiện và nhiều lần xin điều chỉnh, gia hạn. Ngoài ra, cử tri nơi triển khai dự án cũng bức xúc, mong muốn có nhà đầu tư mới để đầu tư khu du lịch tại đây được khang trang, phát triển hơn.

Trên cơ sở các ý kiến đó, ông Đặng Văn Minh cho rằng, dự án Khu du lịch Thiên Đàng được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2004, đã qua 16 năm nhưng việc triển khai dự án không đạt được mục tiêu, tiến độ đề ra. Sự chậm trễ này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính, theo ông Đặng Văn Minh, vẫn là năng lực về tài chính, tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực đầu tư du lịch của chủ đầu tư có vấn đề.

“Dự án đã qua 9 lần gia hạn, cho thấy Nhà đầu tư không có khả năng để thực hiện dự án. Vì vậy, đến thời điểm này, không có lý do gì để tỉnh tiếp tục gia hạn cho nhà đầu tư, cần phải kết thúc dự án”- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhấn mạnh.

Qua đó, ông Đặng Văn Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi và các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện đầu tư của dự án để tham mưu cho UBND tỉnh xử lý theo quy định của Luật Đầu tư; trường hợp xử lý có phát sinh vướng mắc thì đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra toàn diện dự án, báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vượt thẩm quyền, UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến. Hoàn thành trước 31/12/2020.

Dự án Khu du lịch Thiên Đàng do Công ty cổ phần Đầu tư Thiên Đàng (nay đã sáp nhập thành Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Nam Chu Lai) làm chủ đầu tư, được Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2005, với vốn đăng ký gần 200 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh, đến cuối năm 2017, tổng vốn đầu tư Dự án được nâng lên gần 8.000 tỷ đồng. Dự án chia làm 5 phân khu, gồm: Thiên Đàng mùa thu, Thiên Đàng mùa hè, Thiên Đàng mùa đông, Thiên Đàng mùa xuân và Thiên Đàng bốn mùa. Thế nhưng, hiện chỉ có phân khu Thiên Đàng bốn mùa hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng diện tích hơn 32 ha, các phân khu còn lại chưa triển khai.

Đột phá hạ tầng giúp Đồng Nai tạo “cú hích” phát triển

Hàng trăm tỷ đồng đã được Đồng Nai huy động đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua, giúp địa phương tạo “cú hích” phát triển kinh tế - xã hội.

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (thứ 4 từ phải sang) và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bấm nút khởi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (thứ 4 từ phải sang) và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bấm nút khởi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Tháng 4/2018, tỉnh Đồng Nai chính thức thực hiện lễ thông xe hầm chui Tân Phong trên đường Đồng Khởi, TP. Biên Hòa.

Hầm chui Tân Phong là một hạng mục thuộc Dự án nút giao Tân Phong, được thiết kế bằng bê tông cốt thép dọc theo đường Đồng Khởi với phần hầm kín dài 50 m, hầm hở dài 380 m và đường dẫn 2 đầu hầm dài 220 m. Mặt cắt hầm kín gồm 2 chiều xe chạy với 4 làn xe, chiều rộng 15 m. Mặt cắt ngang hầm hở gồm 2 chiều xe chạy với 4 làn xe, chiều rộng 14 m. Vận tốc thiết kế hướng chính 60 km/h và đường gom 2 bên hầm 40 km/h. Tổng vốn đầu tư 259 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh.

Nút giao Tân Phong kết nối 4 phường có mật độ phương tiện giao thông lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Sau khi đưa vào khai thác sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông cho nội ô TP. Biên Hòa.

Tại huyện Nhơn Trạch, địa phương có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất của tỉnh Đồng Nai, vào tháng 6 vừa qua, tuyến đường nối vào cảng Phước An (đoạn từ đường ĐT 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành) cũng được thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Lê Thành Mỹ, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch cho rằng, việc hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường nối vào cảng Phước An có ý nghĩa rất lớn về kết nối giao thông, giúp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuyến đường này cũng sẽ giúp khai thông thế bế tắc về kết nối giao thông đối với các KCN trên địa bàn.

Trong tương lai, khi dự án đường ĐT 319 hoàn thành thi công, một trục giao thông từ cảng Phước An nối thẳng đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, địa phương luôn xác định việc đầu tư hạ tầng là đầu tư cho phát triển, do đó, trong 5 năm qua, Đồng Nai đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

“Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng thông tin truyền thông... được quan tâm đầu tư. Nhiều công trình quan trọng đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho tỉnh và làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân”, ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng Nai nằm ở vị trí cửa ngõ TP.HCM, đồng thời cũng là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bởi vậy, việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho địa phương. Không chỉ mang giá trị kết nối, một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ còn thúc đấy phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa.

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai đã khởi công xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, chiều dài 99 km, trong đó đoạn đi qua Đồng Nai có chiều dài hơn 51 km. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo dự kiến, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động sau 2 năm thi công.

Chỉ sau đó 2 ngày, tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên tuyến Hương lộ 2 thuộc xã Long Hưng, TP. Biên Hòa. Dự án cầu Vàm Cái Sứt có tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ) dự kiến hoàn thành xây dựng sau 18 tháng thi công.

Cầu Vàm Cái Sứt là hạng mục quan trọng trong dự án xây dựng đường Hương lộ 2 của tỉnh Đồng Nai, nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự án sẽ được tỉnh khởi công trong tháng 10 này.

Theo ông Cao Tiến Dũng, khi hoàn thành xây dựng đường Hương lộ 2 sẽ kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, qua đó kết nối trung tâm hành chính TP. Biên Hòa với TP.HCM. “Các phương tiện giao thông có thể lưu thông theo tuyến đường này để đi từ Đồng Nai đến TP.HCM, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông”, ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tỉnh Đồng Nai xác định, trong 5 năm tới, việc huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.

Với mục tiêu đó, hàng loạt dự án hạ tầng đã sẵn sàng bấm nút để triển khai thực hiện. Một trong những dự án đó chính là dự án xây dựng siêu sân bay Long Thành.

Theo quy hoạch, khi hoàn thành, Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất của cả nước với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong 5 năm qua (2015-2020), Đồng Nai đã huy động các nguồn lực được hơn 440.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, hiện nay đơn vị đang đàm phán với các tổ chức quốc tế để vay vốn cho dự án xây dựng sân bay Long Thành. Về tiến độ, việc khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I sẽ thực hiện trong năm 2021. “Sẽ không lùi tiến độ cuối cùng của dự án sân bay Long Thành là đưa giai đoạn I vào hoạt động trong năm 2025”, ông Phiệt khẳng định.

Để đảm bảo tiến độ khởi công dự án sân bay Long Thành, gần 2 năm qua, Đồng Nai đã tập trung tối đa nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng. Cam kết với Chính phủ về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, ông Cao Tiến Dũng cho biết, trong tháng 10, địa phương sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực ưu tiên hơn 1.800 ha để phục vụ khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn I. Trong quý II/2021, Đồng Nai sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án hơn 5.000 ha cho chủ đầu tư.

Ngoài siêu dự án sân bay Long Thành, còn các dự án đường cao tốc mang tính kết nối liên vùng đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai như: Biên Hòa- Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, cùng các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 cũng sẽ được triển khai.

Ở góc độ địa phương, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh Đồng Nai cũng thực hiện trong những năm tới như xây dựng cầu Thống Nhất, đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đường ven sông Cái… với số vốn thực hiện lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Với các dự án giao thông quy mô rất lớn đang được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai như là một đại công trường của cả nước.

Bình Định: Bổ sung 116 tỷ đồng dự án mở rộng đường Xuân Diệu, TP. Quy Nhơn

UBND tỉnh Bình Định vừa bố trí 116 tỷ đồng vốn ngân sách để đầu tư một số hạng mục chỉnh trang tại dự án mở rộng đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn.

Một góc tuyến đường Xuân Diệu mở rộng, TP Quy Nhơn hiện nay
Một góc tuyến đường Xuân Diệu mở rộng, TP Quy Nhơn hiện nay

Cụ thể, số vốn trên được dành đầu tư cho các hạng mục: Khu cà phê treo, khu trò chơi trẻ em, khu thể dục thể thao tự do và khu thể dục thể thao tập trung được tổ chức lại thành công viên đường dạo bộ, với diện tích hơn 19.691 m²; khu đường sách - triển lãm du lịch có diện tích hơn 10.315 m²; khu vườn thực vật có diện tích hơn 10.465 m²; khu triển lãm tượng điêu khắc kết hợp TDTT hơn 3.903 m².

Trong tổng kinh phí khoảng 116 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý hỗ trợ 50% tổng dự toán các hạng mục nêu trên; ngân sách TP Quy Nhơn tự cân đối bố trí đủ phần kinh phí còn lại.

UBND tỉnh Bình Định giao cho các sở kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng phối hợp với UBND TP Quy Nhơn thực hiện đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đối với một số hạng mục thuộc Dự án đầu tư mở rộng đường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn).

Giao UBND TP Quy Nhơn chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng các hạng mục nêu trên, trình cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Được biết, dự án mở rộng đường Xuân Diệu được triển khai thực hiện năm 2019, với tổng kinh phí thực hiện gần 244 tỷ đồng. Trong đó, 13 hạng mục của dự án được điều chỉnh, bổ sung trong diện tích 6,255 ha thuộc 11,1 ha của đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên biển Xuân Diệu phê duyệt tại Quyết định 203/QĐ-UBND ngày 23/1/2018 của UBND tỉnh.

Giải mã “cơn sốt” đầu tư nước ngoài vào giáo dục

Đầu tư nước ngoài vào giáo dục tăng nhiệt khi các nhà đầu tư “ngoại” nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ lĩnh vực còn nhiều dư địa này, nhất là tiềm năng số hóa giáo dục.

Wall Street English đã được mua lại khi có khoản lỗ ròng 1,4 triệu USD. Trong ảnh: Trung tâm Wall Street English tại 21 - Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Ảnh: S.T
Wall Street English đã được mua lại khi có khoản lỗ ròng 1,4 triệu USD. Trong ảnh: Trung tâm Wall Street English tại 21 - Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Ảnh: S.T

Không có nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam được công bố trong 9 tháng năm 2020. Theo Công ty cổ phần FiinGroup, giai đoạn này ghi nhận Quỹ đầu tư tư nhân Praxis Capital Partners (Hàn Quốc) cùng với một số nhà đầu tư tổ chức khác đã đầu tư thành công vào một trường liên cấp quốc tế tại Hà Nội. Nhưng tên trường và các điều khoản chi tiết của thương vụ này đến nay vẫn là ẩn số.

Thương vụ MS English 2 Pte. Ltd (Singapore) - công ty con của Myanmar Strategic Holdings Ltd (Myanmar) - mua lại Công ty TNHH Wall Street English tại TP.HCM được nhắc đến nhiều hơn, bởi Wall Street English được mua lại khi vẫn gánh khoản lỗ ròng 1,4 triệu USD, còn doanh thu chưa kiểm toán trong vòng 12 tháng (tính đến ngày 30/4/2020) đạt xấp xỉ 13,8 triệu USD và tổng tài sản là 3,4 triệu USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Enrico Cesenni, CEO của Myanmar Strategic Holdings cho biết, thương vụ mua lại Wall Street English Việt Nam được thực hiện theo thỏa thuận “nghĩa vụ đối ứng danh nghĩa” và được thanh toán bằng tiền cộng với việc đảm lãnh những trách nhiệm pháp lý nhất định, trong đó có việc cam kết cung cấp dịch vụ giáo dục cho các học viên hiện có của Wall Street English Việt Nam.

Ông Enrico Cesenni không tiết lộ giá trị thương vụ trên, nhưng nguồn thạo tin của Báo Đầu tư hé lộ, những con số chưa được kiểm chứng cho thấy, các cổ đông sáng lập Wall Street English Việt Nam đã đầu tư hàng chục triệu USD vào hệ thống giáo dục này, sau đó bán lại cho Myanmar Strategic Holdings với giá 6 triệu USD vào tháng 7/2020.

Về cơ bản, đây là thương vụ thua lỗ và rút lui khỏi thị trường của các nhà đầu tư Wall Street English Việt Nam, khi thị trường dạy tiếng Anh ở Việt Nam ngày càng cạnh tranh rất khốc liệt cả về giá cả và hình thức khuyến mại với các trung tâm tiếng Anh nhan nhản ở khắp các tỉnh, thành phố.

Về lý do mua lại Wall Street English Việt Nam, CEO của Myanmar Strategic Holdings cho biết, thương vụ cho thấy khả năng triển khai và phát triển của Wall Street English Myanmar khi 2 đơn vị này có nét tương đồng về mô hình kinh doanh và cơ hội tăng trưởng.

Tháng 7/2020, Myanmar Strategic Holdings đã công bố kế hoạch huy động 6 triệu USD để không chỉ cấp vốn duy trì hoạt động của Wall Street English Việt Nam, mà còn nhắm đến việc tăng tốc độ mở rộng quy mô và các hoạt động hiện có. Cũng trong tháng 7, MS English 2 Pte. Ltd được ghi nhận rót hơn 257.000 USD vào Wall Street English Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực này trong 9 tháng năm 2020 lên tới 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần tăng vọt lên 51,41 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

“Điều đó thể hiện chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài là ưu tiên lựa chọn hình thức đầu tư góp vốn, hợp tác với các cơ sở giáo dục trong nước đang hoạt động tốt, có uy tín để mở rộng thị trường, tăng quy mô hoạt động, nhằm giảm thiểu các rủi ro về thị trường và pháp lý khi mở mới các cơ sở giáo dục tại Việt Nam”, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thị trường (FiinResearch) của FiinGroup cho biết.

Covid-19 có ảnh hưởng ngắn hạn, nhưng to lớn tới lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Về mặt tiêu cực, trong thời gian giãn cách xã hội, dịch bệnh đã đẩy một số cơ sở giáo dục tư nhân có tiềm lực tài chính yếu tới nguy cơ thua lỗ, phá sản. Song dịch bệnh cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục cả ở hệ thống trường công lập và tư thục. Các trường đã nhanh chóng thích nghi, chuyển sang hình thức học trực tuyến, qua truyền hình… cùng với các học liệu được số hóa nhằm kết nối học sinh với giáo viên, đảm bảo tính liên tục của hoạt động giảng dạy.

Đây cũng là chiến lược mà Myanmar Strategic Holdings áp dụng cho Wall Street English Việt Nam. Ông Enrico Cesenni cho rằng, việc học từ xa và trực tuyến đã được xem là liệu pháp giáo dục hàng đầu thời Covid-19 khi các trường học buộc phải đóng cửa trong thời gian dài. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc áp dụng phương pháp học từ xa và trực tuyến vẫn chưa phổ biến, không chỉ ở Việt Nam và Myanmar, mà còn trên toàn cầu.

“Chúng tôi nhận thấy xu hướng học tập từ xa đang phát triển với tốc độ nhanh chóng - thậm chí còn nhanh hơn mức ảnh hưởng của Covid-19. Và với dòng vốn đầu tư nước ngoài, các cơ sở giáo dục ở Myanmar và Việt Nam sẽ hướng đến các tiêu chuẩn giáo dục cao nhất ngay cả trong thời điểm khó khăn này”.

Theo ông Enrico Cesenni, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, bởi thị trường này vẫn còn nhiều dư địa để hiện đại hóa và tăng trưởng hơn nữa do sự gia tăng thu nhập khả dụng và khả năng chi tiêu của người dân.

Về dài hạn, ông Lê Xuân Đồng cho rằng, lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam được kỳ vọng có tiềm năng tăng trưởng tốt và tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài, bởi nhiều yếu tố thuận lợi. Đáng kể là tỷ lệ đô thị hóa và thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định trong các năm tới.

Cùng với đó, mức sống ở các đô thị ngày càng được cải thiện. Các bậc cha mẹ Việt Nam có xu hướng dành ngân sách lớn hơn để con cái họ được hưởng thụ các dịch vụ giáo dục có chất lượng cao từ nhóm các trường tư thục và các trường quốc tế tại Việt Nam, bên cạnh việc đi du học.

Đà Nẵng: Một dự án nghỉ dưỡng ven biển tăng vốn gấp 6 lần

UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý điều chỉnh tổng vốn từ 380 tỷ đồng lên 2.112,8 tỷ đồng tại Dự án Khu nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định 3520/QĐ-UBND cấp quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh tăng vốn dự án Khu nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển do Công ty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát làm chủ đầu tư từ 380 tỷ đồng lên 2.112,8 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển Đà Nẵng
Phối cảnh dự án Khu nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển Đà Nẵng

Theo đó, chấp thuận điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án và tăng tổng vốn đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển do Công ty TNHH Khách sạn và Biệt Thự Nam Phát làm chủ đầu tư tại đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Cụ thể, sau khi điều chỉnh quy mô và mục tiêu đầu tư, dự án sẽ xây dựng 86 căn biệt thự và căn hộ cao cấp; khu khách sạn nghỉ dưỡng đạt chuẩn 4-5 sao (cao 18 tầng), kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống và các dịch vụ giải trí khác như dịch vụ thể thao, chăm sóc sức khỏe…. Tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh tăng từ 380 tỷ đồng lên 2.112,8 tỷ đồng.

“Việc chấp thuận điều chỉnh dự án lần này nhằm giúp nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án đến hoàn thành công trình theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt”, ông Phạm Đình Thành Hoàng, Trưởng phòng Doanh nghiêp, kinh tế tập thể và tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng) cho hay.

Được biết, dự án này trước đó đã được Vinacapital và Nam Phát khởi công vào năm 2015 với tổng diện tích dự án hơn 15 ha, nằm kề Khu Nghỉ dưỡng biển Đà Nẵng, trên trục đường Trường Sa nối liền trung tâm Đà Nẵng và phố cổ Hội An.

Dự án do VinaCapital phát triển, bao gồm 85 căn biệt thự với tổng diện tích sàn là 21.624 m2 và một khách sạn 18 tầng với tổng diện tích sàn là 29.825 m2.

Bên cạnh đó là các công trình tiện ích khác như spa, nhà hàng, câu lạc bộ thể thao, khu vui chơi trẻ em, sân tennis, hồ bơi, bãi đậu xe... với tổng diện tích sàn hơn 12.000 m2.

Theo tìm hiểu, dự án này có tên thương mại Fusion Resort & Villas do Tập đoàn Lodgis, liên doanh giữa Warburg Pincus và VinaCapital, được thành lập vào tháng 11/2016 có trụ sở tại Singapore làm chủ đầu tư.

Hai con đường huyết mạch phát triển của Thái Bình

Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh là nhà đầu tư tuyến đường Thái Bình-Hà Nam nối với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và xây dựng đường ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình.

Thi công công trình cầu Trà Lý trên tuyến đường ven biển Thái Bình.
Thi công công trình cầu Trà Lý trên tuyến đường ven biển Thái Bình.

Cách đây hơn 10 năm, Doanh nhân Hoàng Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh sau bao năm xa quê lập nghiệp đã về đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Bình - Hà Nam nối với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cách đây gần 2 năm, doanh nghiệp đã trúng thầu xây dựng tuyến đường ven biển - đây là hai con đường huyết mạch phát triển của tỉnh Thái Bình.

Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh thành lập từ năm 2000, tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân Phương Anh tại tỉnh Điện Biên, vốn liếng ban đầu trên 2 tỷ đồng. Chỉ sau 20 mươi năm, Phương Anh trở thành công ty có quy mô lớn với vốn điều lệ là 2.267 tỷ, tổng tài sản trên 6.500 tỷ đồng (năm 2018). Trung thành với 6 chữ : Uy tín - Chất lượng - Tiến độ, Công ty Phương Anh nhận được nhiều hợp đồng xây dựng lớn trên nhiều tỉnh, thành phố.

Năm 2009, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình đầu tư của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh, đó là đầu tư về quê hương Thái Bình. Công ty đã chủ động đề xuất lập dự án và được Chính phủ, UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận là nhà đầu tư tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Dự án có điểm đầu là cầu Thái Hà vượt sông Hồng thuộc xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, Thái Bình), điểm cuối nối với Quốc lộ 10 tại km 66+815 thuộc xã Đông Hải (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Cùng với tuyến chính, còn có tuyến nhánh vào Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần, Nhà hạt quản lý đường bộ, Trường tiểu học, Trung học cơ sở, Trạm y tế xã Thái Phương.

Tuyến đường có tổng chiều dài 26,2 km, đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, thiết kế hai chiều xe, vận tốc 100 km/giờ. Nền đường chính rộng 22,5 m, gồm bốn làn xe cơ giới 4x3,75 m và hai làn xe thô sơ 2x2,0 m (mỗi chiều đường có 2 làn xe cơ giới và một làn xe thô sơ), dải phân cách rộng 1,5 m cùng hệ thống đường gom hai bên, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông. Tổng vốn đầu tư trên 4.666 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Bà Hoàng Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, khi khởi công dự án đầu tư tuyến đường Thái Bình - Hà Nam nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đúng thời điểm suy thoái kinh tế chạm đáy, rất nhiều khó khăn ập đến, nhất là lãi suất ngân hàng lên rất cao tới 21%/năm. Để khắc phục khó khăn về tài chính, giai đoạn đầu, Công ty Phương Anh đã huy động nguồn lực tài chính lớn cùng nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vật tư

Quá trình thi công tuyến đường bộ nối Thái Bình - Hà Nam cần khối lượng vật tư, vật liệu, phương tiện thiết bị rất lớn, trong khi đó lại không có đường vận chuyển vào, không có mặt bằng tập kết xe máy thiết bị, vật tư. Công ty đã tìm giải pháp tập kết các nguồn nguyên vật liệu ở đầu tuyến và đặc biệt đã mở cảng đường sông kịp thời phục vụ vật tư, vật liệu cho toàn tuyến.

Diện tích mặt bằng cần giải phóng cũng rất lớn, gần 200 ha, chiều dài trên 26 km đi qua rất nhiều xóm làng, nhà dân, công trình công cộng, cụm công nghiệp... Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương và bằng cách làm trực tiếp khách quan, minh bạch, thấu đáo quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân, nên khâu giải phóng mặt bằng vốn rất phức tạp đã được thực hiện nhanh, tạo điều kiện cho thi công đáp ứng tiến độ.

Trong quá trình thi công, để xử lý nền đất yếu của khu vực đồng ruộng trũng, Công ty đã áp dụng công nghệ hiện đại là đóng cọc cát mang lại hiệu quả cao.

Thực hiện cam kết với tỉnh Thái Bình quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức thực hiện thành công dự án, sau 10 năm ròng rã, ngày 23/12/2019, liên danh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nam Bắc cùng tỉnh Thái Bình long trọng tổ chức lễ chuyển giao Dự án tuyến đường bộ nối Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Dự án được UBND tỉnh Thái Bình đánh giá cao về quá trình phối hợp, triển khai đúng tiến độ và đạt chất lượng công trình; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cấp giấy chứng nhận phù hợp về chất lượng; được Trung tâm Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải (Đại học Giao thông - Vận tải) giám định và cho kết quả công trình hoàn thành phù hợp với thiết kế, chất lượng đáp ứng các yêu cầu của dự án.

Đây là dự án giao thông trọng điểm khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Bình, Hà Nam. Một con đường mới gánh trọng trách là tuyến giao thông huyết mạch kết nối nhiều huyện phía Tây Bắc của tỉnh, kết nối Thái Bình với Vành đai IV của Thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Tương lai, tuyến đường sẽ đấu nối vào dự án đường bộ ven biển Thái Bình đang được thi công, tạo thành tuyến giao thông hiện đại, liên hoàn giúp Thái Bình, nhất là Khu kinh tế kết nối thuận tiện hơn nữa với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng để đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh, một trong những đơn vị tham gia đấu thầu quốc tế gói thầu dự án đường ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình. Với năng lực, kinh nghiệm, Công ty đã trúng thầu.

Ngày 14/2/2019, tại xã Thái Hòa (huyện Thái Thụy), UBND tỉnh Thái Bình đã long trọng tổ chức lễ động thổ, khởi công Dự án Tuyến đường bộ ven biển với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương.

Tuyến đường ven biển Thái Bình có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP. Hải Phòng, điểm cuối với tỉnh Nam Định, chiều dài 34,42 km, trong đó đoạn qua huyện Thái Thụy dài 11,63 km, qua huyện Tiền Hải dài 22,036 km và huyện Giao Thủy (Nam Định) dài 0,72 km. Tuyến đường được xây dựng theo quy mô cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tuyến có tới 11 cầu, trong đó có 5 cầu lớn vượt sông Trà Lý, sông Hồng, sông Diêm Hộ, cầu sông Lân 1 và sông Lân 2 cùng 6 cầu trung và nhỏ. Các cầu lớn được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực theo công nghệ dầm đúc hẫng, chịu động đất cấp VII, tải trọng va tàu 2.000 DWT.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 3.872 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác 1.593 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT 1.289 tỷ đồng.

Dự án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT - một trong các hình thức huy động vốn xã hội, tiết kiệm nguồn vốn Chính phủ, địa phương, tạo nguồn thu ngân sách và thu hút nguồn vốn từ các hoạt động dịch vụ, tạo nhiều việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia, địa phương.

Mặc dù Covid-19 gây khó khăn, nhưng Công ty Phương Anh vẫn bố trí tổ chức thi công tốt và đảm bảo tiến độ. Đến nay, toàn bộ mặt nền đường trên địa bàn huyện Thái Thụy đã cơ bản hoàn thành và đang thi công cầu Trà Lý với tổng giá trị thưc hiện là trên 460 tỷ đồng. Công ty tích cự phấn đấu đến Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình đạt khối lượng 550 tỷ đồng và dự kiến đầu năm 2021 sẽ hợp long cầu Trà Lý.

Dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình hoàn thành đi vào hoạt động thiết thực phục vụ các dự án quy hoạch trọng điểm như Khu Kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, cảng Diêm Điền, Trung tâm Điện lực Thái Bình, các cụm công nghiệp 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy… Tuyến đường sẽ kết nối gần nhất nền kinh tế các tỉnh Nam Định, Thái Bình với sân bay quốc tế Cát Bi, cảng biển Hải Phòng, cửa khẩu Quảng Ninh; tạo quỹ đất lớn cho đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo thuận lợi trong cứu hộ, cứu nạn, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và tăng cường quốc phòng, an ninh ven biển, đặc biệt góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, du lịch của cả vùng ven biển Bắc bộ.

Song song với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh tích cực trong các hoạt động nhân đạo. Công ty đã tài trợ xây mới Trường tiểu học Minh Tân 2 tầng, 8 phòng học với trang thiết bị đạt chuẩn; trao tặng tỉnh Thái Bình 2 máy thở và 10 máy trợ thở phục vụ phòng chống Covid-19.

Sẽ có thêm nhiều tiện ích mới cho việc lựa chọn nhà thầu qua mạng

Cục Quản lý đấu thầu sẽ triển khai nhiều cải tiến về hạ tầng mạng đấu thầu quốc gia nhằm gia tăng tiện ích cho cả bên mời thầu và bên dự thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã sôi nổi đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng hoạt động đấu thầu qua mạng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã sôi nổi đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng hoạt động đấu thầu qua mạng.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu tại Hội nghị Đấu thầu qua mạng vừa được tổ chức sáng nay (14/10) tại Hà Nội.

Bất chấp tình hình thời tiết mưa to gió lớn, hơn một trăm đại biểu từ các địa phương khu vực phía Bắc, các bộ, ban ngành Trung ương và nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoặc có vốn Nhà nước chi phối đã có mặt tại Hội nghị sơ kết tình hình triển khai đấu thầu qua mạng 9 tháng đầu năm đã cho thấy sức hút rất lớn của hoạt động lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Trên thực tế, hoạt động triển khai đấu thầu qua mạng trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có những chuyển biến rất tích cực, vượt xa so với chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/2020/ NQ – CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020.

Theo báo cáo của Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có 36.628 bên mời thầu, 111.799 nhà thầu đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó có 27.710 nhà thầu đăng ký tham gia đấu thầu điện tử. Về thông tin đấu thầu đăng tải trên Hệ thống, có 368.283 kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 90.741 thông báo mời thầu được đăng tải.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 67.672 (chiếm tỷ lệ 84,9% số gói thầu thuộc diện ĐTQM). Tổng giá trị gói thầu đầu thầu qua mạng đạt 198.585 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 51,8%).

Cần phải nói thêm rằng, Nghị quyết số 01 đặt mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ về số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng phải đạt 60% và tỷ lệ về giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng phải đạt 25%.

“Ngoài những tiện ích nổi trội; sự đồng hành và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương đã giúp công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng đã thực sự có bước nhảy vọt, góp phần mang lại sự công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu”, ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá.

Ngoài việc tiết kiệm chi phí, rút ngắn đáng kể thời gian lựa chọn nhà thầu (trung bình từ 5-8 ngày) so với đấu thầu truyền thống, đấu thầu qua mạng cũng giúp công tác lựa chọn nhà thầu của nhiều chủ đầu tư diễn ra suôn sẻ trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội do Covid -19.

Trong số các bộ, ban ngành Trung ương tích cực triển khai công tác đấu thầu qua mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ nhất với 372 gói thầu đấu thầu qua mạng chiếm tỷ lệ 96,6% với tổng giá trị 651,5 tỷ đồng. Văn phòng Quốc hội xếp thứ hai với 96 gói thầu, đạt tỷ lệ 96,15%, tổng giá trị 121,3 tỷ đồng. Xếp thứ ba là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với 349 gói thầu, đạt tỷ lệ 96,1%, tổng giá trị 511,8 tỷ đồng…

Về phía các địa phương, Thanh Hóa đứng đầu với 935 gói thầu được đấu thầu qua mạng, chiếm tỷ lệ 95,8% và tổng giá trị là 3.949,5 tỷ đồng. Bình Phước tiếp tục giữ vững phong độ khi đứng thứ hai với 541 gói thầu, chiếm tỷ lệ 93,6%, tổng giá trị 3.658,1 tỷ đồng. Đồng Nai có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên vị trí thứ ba với 238 gói thầu, chiếm tỷ lệ 92,6%, tổng giá trị 2.544,8 tỷ đồng.

Trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tích cực triển khai đấu thầu qua mạng, đứng đầu là Tổng công ty Thép Việt Nam với 25 gói thầu được đấu thầu qua mạng, đạt tỷ lệ 96,2%; trong khi đó, Tập đoàn Điện lực đứng đầu về giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng giá trị lên tới 36.161,9 tỷ đồng.

Đại diện Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia ghi nhận, các gói thầu đấu thầu qua mạng càng thu hút nhiều nhà thầu tham dự càng có tỷ lệ tiết kiệm cao. Tỷ lệ giảm giá cao nhất trong lĩnh vực xây lắp là 50%; lĩnh vực hàng hóa là 76%. Đặc biệt, có gói thầu dịch vụ phi tư vấn giá 238 triệu đồng, giá trúng thầu là 18 triệu đồng, giảm giá 92%.

Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia trong năm 2020, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã có những bước cải tiến lớn như triển khai tiện ích cho bên mời thầu, nhà thầu có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp trên Hệ thống; cho phép nhà thầu kê khai dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm khi tham gia đấu thầu qua mạng; mở rộng phạm vi áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ; nâng cấp phần mềm cung cấp thông tin đấu thầu trên thiết bị qua mạng.

Đặc biệt, trong năm 2021, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia sẽ đưa vào vận hành mạng đấu thầu quốc gia qua mạng tổng thể theo hình thức PPP.

“Cùng với những quy định mới tại Thông tin số 05/2020/BKHĐT ngày 30/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/TT – BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, những thay đổi, cải tiến nói trên sẽ giúp hoạt động đấu thầu qua mạng sẽ được gia tăng cả về chất và lượng trong thời gian tới”, lãnh đạo Trung tâm kỳ vọng.

Giữ cam kết với nhà đầu tư BOT nhìn từ vụ việc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Sau 4 năm đưa vào vận hành, khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã bị lỗ 6.700 tỷ đồng, đây là số lỗ cao bất thường, tương đương 12% chi phí đầu tư.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị lỗ 6.700 tỷ đồng chỉ sau 4 năm đưa vào vận hành, khai thác.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị lỗ 6.700 tỷ đồng chỉ sau 4 năm đưa vào vận hành, khai thác.

Việc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) bị lỗ 6.700 tỷ đồng chỉ sau 4 năm đưa vào vận hành, khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là thông tin không mới với các nhà đầu tư hạ tầng trong nước.

Nói không mới là vì, với một dự án hạ tầng quy mô vốn đầu tư hơn 44.000 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn kéo dài hơn 30 năm, thì việc bị lỗ trong 5 - 10 năm đầu tiên đưa vào vận hành là điều đã được dự trù trong phương án tài chính. Thế nhưng, việc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có số lỗ cao bất thường, tương đương 12% chi phí đầu tư chỉ sau thời gian không dài khai thác, trong khi lại là tuyến cao tốc có tăng trưởng lưu lượng phương tiện tốt hơn dự báo, thì lại là vấn đề rất cần phải mổ xẻ, phân tích thấu đáo.

Cần phải nói thêm, Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Thường trực Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì huy động vốn, thành lập Vidifi để thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó Nhà nước có trách nhiệm tham gia từ 30 đến 50% tổng vốn, phần còn lại do nhà đầu tư tham gia và được thu phí hoàn vốn.

Việc Nhà nước tham gia hỗ trợ tài chính là điều kiện tiên quyết để không chỉ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mà hầu hết dự án đường bộ cao tốc, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang triển khai, có thể đảm bảo khả năng hoàn vốn.

Tuy nhiên, khi triển khai Dự án (năm 2007), do điều kiện khó khăn, Nhà nước không thể bố trí phần vốn ngân sách tham gia ngay từ đầu theo hình thức PPP. Trong khi nhu cầu xây dựng tuyến đường hết sức cấp bách, nếu để chậm trễ thì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, vì vậy, Thường trực Chính phủ đã quyết định đầu tư Dự án theo cơ chế thí điểm, cho Vidifi được vay vốn theo lãi suất sát lãi suất thị trường; Nhà nước sẽ bố trí trả dần các khoản tham gia, hỗ trợ đối với Dự án sau khi xây dựng xong.

Theo đó, với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 4.069 tỷ đồng, Vidifi vay VDB để chuyển toàn bộ cho các địa phương từ năm 2008 đến 2010, Nhà nước sẽ hoàn trả dần trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Với các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD), Chính phủ bảo lãnh cho VDB vay và cho Vidifi vay lại để thực hiện, Nhà nước trả dần các khoản nợ gốc khi đến hạn (thời gian từ 13 đến 30 năm). Một phần vốn tham gia của Nhà nước (khoảng 5.200 tỷ đồng) được bố trí từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các khu đô thị, khu công nghiệp hình thành sau khi xây dựng tuyến đường.

Cho đến thời điểm này, ngoài khoản tiền 4.069 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng đã được Quốc hội bố trí vốn và đang chờ giải ngân, 2 khoản hỗ trợ còn lại (tổng trị giá hơn 11.000 tỷ đồng) chưa có hướng xử lý, khiến chủ đầu tư vẫn phải trả nợ lãi phát sinh với lãi suất 10%/năm, ảnh hưởng rất lớn tới phương án tài chính.

Bên cạnh các khoản hỗ trợ chưa được kích hoạt, thì mức phí sử dụng đường bộ tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 bị bó cứng trong suốt thời gian qua cũng khiến phương án tài chính của Dự án không như kỳ vọng ban đầu.

Có lẽ, câu chuyện của Vidifi tại Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không phải là cá biệt, mà đang xuất hiện tại một loạt dự án hạ tầng giao thông khác như Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Tình trạng chung tại các dự án này là các cam kết hỗ trợ của Nhà nước, vì nhiều lý do, đã không thể thực hiện theo đúng kế hoạch, khiến nhà đầu tư lâm vào cảnh khó khăn.

Chính phủ đang kêu gọi các nhà đầu tư trong nước tham gia dự án đường cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP và một số dự án hạ tầng hàng không lớn, do vậy, việc sớm cụ thể hóa những cam kết tại các dự án đã triển khai là hết sức cần thiết để tạo niềm tin với nhà đầu tư, với các tổ chức tín dụng.

Thực tế hoạt động thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các dự án BOT giao thông cho thấy, để có thể phát triển bền vững thị trường, thì một trong những nguyên tắc cao nhất là phải bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước, nhưng cũng phải đảm bảo để nhà đầu tư có lợi. Chỉ khi nào, các bên cùng có lợi, cùng phát triển, tạo dựng được niềm tin, thì mới kêu gọi được thêm vốn trong dân, vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cùng làm PPP. Đây cũng là điều mà cộng đồng nhà đầu tư rất mong đợi khi những điều khoản trong Luật PPP vốn được thiết kế để tạo ra bước đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng những năm tới, sẽ được quy định chi tiết hơn trong thời gian tới.

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông là quy hoạch quốc gia có xét đến kết nối quốc tế, định hướng phát triển đồng bộ với hạ tầng thông tin và truyền thông các địa phương, bao gồm hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình.

Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời bao gồm không phận, vị trí quỹ đạo vệ tinh mà Việt Nam có chủ quyền.

Quy hoạch nhằm góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia đồng thời bảo đảm khả năng thông suốt về hạ tầng thông tin và truyền thông trong hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh lãnh thổ của quốc gia, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương, giảm sự bất bình đẳng giữa các vùng, miền; bảo đảm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương và lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại; góp phần tạo ra nhiều việc làm, ổn định sinh kế, hạn chế bất bình đẳng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số...

Một trong những nguyên tắc lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 là bền vững và dài hạn: Bảo đảm lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc lập quy hoạch cũng cần bảo đảm các nguyên tắc khác như: Bảo đảm tính khả thi trong triển khai, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực của quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng phương hướng, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước.

Bảo đảm tính kế thừa và tính mở để tiếp cận các phương pháp quy hoạch hiện đại; bảo đảm tính liên kết không gian, thời gian trong hoạt động quy hoạch; bảo đảm an toàn thông tin mạng và tính dự phòng trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng các nguồn lực để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các sự cố, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh...

Nội dung lập quy hoạch thực hiện theo quy định tại Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, gồm các nội dung chủ yếu: Phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; đánh giá thực trạng hạ tầng thông tin và truyền thông; dự báo phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trong thời kỳ quy hoạch; xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trong thời kỳ quy hoạch, gồm hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình; phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ;...

Thời hạn lập quy hoạch không quá 12 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện lập quy hoạch theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả.

Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông lập quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định, bảo đảm hiệu quả, đúng tiến độ.

Hải Phòng khởi động Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào vốn 2.265 tỷ đồng

Chiều 13/10, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức lễ khởi động Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào, có tổng mức đầu tư hơn 2.265 tỷ đồng.

Đây là sự kiện quan trọng chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào
Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào

Cầu Rào bắc qua sông Lạch Tray là một trong những cây cầu có lịch sử hình thành lâu đời của thành phố Cảng, được đưa vào khai thác từ năm 1980 và hoàn thành xây dựng lại năm 1989. Hơn 40 năm qua, cây cầu đã bền bỉ với vai trò của mình, phục vụ đời sống dân sinh và góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố.

Những năm gần đây, công trình đang ngày một xuống cấp, bề rộng phần xe chạy 7m hiện nay không đáp ứng được nhu cầu khai thác vận tải ngày càng tăng và thường xuyên gây ùn tắc giao thông cục bộ trong khu vực.

Phát biểu tại lễ khởi động, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thực hiện chủ trương của Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào 1.

Theo đó, dự án được HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 27/3/2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 62/NQ-HĐND ngày 09/12/2019. Mục tiêu của Dự án là xây dựng Cầu Rào mới thay thế cầu cũ đã xuống cấp và xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường Lạch Tray.

Đây là dự án có thiết kế hiện đại, có ý nghĩa quan trọng góp phần tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc, chỉnh trang đô thị tại khu vực cửa ngõ phía Nam vào trung tâm thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng Cầu Rào và nút giao khác mức được thực hiện trên địa bàn các quận Ngô Quyền, Hải An, Dương Kinh, Lê Chân, là công trình giao thông cấp đặc biệt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.265 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, dự án có 2 phần gồm xây mới cầu Rào và phần nút giao. Phần cầu chính được xây dựng là cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu dài 456,5 m, rộng 30,5 m, 11 nhịp; cầu có 3 vòm thép và 6 nhịp dẫn - là biểu tượng của cánh sóng, đang vươn xa về phía biển. Quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên.

Trong đó, phần nhịp chính dài 115 m (dài hơn 15 m so với nhịp chính của cầu vượt Nguyễn Văn Linh). Các cầu nhánh phía đường Lạch Tray, Thiên Lôi, Ngô Gia Tự có 2 nhánh rẽ lên- xuống, kết cấu dầm bản bê tông cốt thép, dạng hoa thị đơn trộn dòng, bề rộng mặt cắt ngang 9m, kết nối với nút giao tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến kết hợp kênh hóa bằng các đảo giao thông ở tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến kết hợp kênh hóa bằng các đảo giao thông ở tầng 1 để đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường 353 và đường Lạch Tray.

Cùng với việc đầu tư xây dựng mới Cầu Rào, Dự án sẽ chỉnh trang tuyến đường Lạch Tray từ Cầu Rào đến ngã tư Thành Đội, theo hướng mở rộng vỉa hè hai bên từ 4 đến 5m.

“Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế xã hội. Nhiệm kỳ 2015-2020, bằng các nguồn vốn của Trung ương, nguồn ngân sách thành phố và các nguồn xã hội hóa, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xây dựng 46 cây cầu các loại với tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng. Với nguồn lực tập trung đầu tư cho phát triển giao thông, Hải Phòng đã ngày càng khẳng định là đầu mối giao thông quan trọng, là cửa ô từ các địa phương bạn vào thành phố và là cửa chính vươn ra biển”, ông Tùng nhấn mạnh.

Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, Cầu Rào sẽ mang đến cho thành phố Hải Phòng một cửa ngõ văn minh và hiện đại. Cùng với các công trình cầu khác của thành phố như: cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Võ Nguyên Giáp, cầu Bính, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện...

Cầu Rào sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước cụ thể hoá Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đó là, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.

Hủy thầu Dự án PPP cao tốc Bắc Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu

Mặc dù gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu, nhưng đến ngày12/10, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu vẫn không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Đối với Dự án PPP thành phần (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, Bộ GTVT sẽ báo cáo của Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.
Đối với Dự án PPP thành phần (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, Bộ GTVT sẽ báo cáo của Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.

Đối với Dự án PPP thành phần (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, Bộ GTVT sẽ báo cáo của Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.

Chiều nay (12/10), Bộ Giao thông - Vận tải đã công bố thông tin cập nhật về tình hình triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, đến cuối ngày 12/10/2020, Bên mời thầu là các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải đã tổ chức đóng/mở thầu toàn bộ 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo đúng quy định.

Cụ thể, Dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu; riêng đối với dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Như vậy, trong tổng số 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu có 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo); 1 dự án thành phần (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Đối với 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết là Bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại; các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ,... sẽ được xác định cố định. Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu. Trên cơ sở kết quả đánh giá về tài chính, Bên mời thầu trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020 (nếu không phát sinh tình huống đấu thầu phức tạp).

Đối với 1 dự án thành phần (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu), mặc dù Bên mời thầu đã gia hạn thời điểm đóng thầu từ ngày 2/10/2020 đến ngày 12/10/2020 và gửi thông báo đến các nhà đầu tư qua sơ tuyển; tuy nhiên, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và khoản 4 Điều 80 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải quyết định hủy thầu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét chuyển đối hình thức đầu tư. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư.

Danh sách các nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu

* Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn: Liên danh Công ty cổ phần Licogi16 - Công ty CP FECON - Công ty cổ phần đầu tư 468 - Công ty TNHH xây dựng Điền Phước - Công ty cổ phần Hạ tầng và Phát triển đô thị FECON.

* Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt: Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần xây dựng số 2; Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam Công ty cổ phần xây dựng Tân Nam - Công ty cổ phần HCJ.

* Đoạn Nha Trang - Cam Lâm: Liên danh Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân, Công ty Cổ phần Trường Long; Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải.

* Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo: Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam - Công ty cổ phần đầu tư Horizon - Công ty cổ phần Hải Đăng - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam; Liên danh Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư giáo dục phát triển công nghệ năng lượng Việt Nam - Công ty cổ phần Fecon; Liên danh Công ty Cổ phần tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hải Thạch - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 194.

“Thổi còi” đề xuất tạm dừng thu phí BOT Quốc lộ 2

Đề xuất tạm dừng thu phí Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên vào cuối ngày 13/10/2020 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam rất có thể phải lùi thời gian thực hiện.

Trạm thu phí Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên.
Trạm thu phí Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên.

Đúng 2 ngày sau khi nhận được đề xuất tạm dừng thu phí Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên (Km7+880 - Km29+800) vào cuối ngày 13/10/2020 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có ý kiến chỉ đạo chính thức về vấn đề này.

Công văn số 10109/BGTVT-ĐTCT ngày 8/10/2020 của Bộ GTVT nêu rõ, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đàm phán với nhà đầu tư để xác định thời điểm dừng thu phí và thực hiện thủ tục chuyển giao công trình dự án theo quy định tại hợp đồng dự án, quy định pháp luật có liên quan.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2020 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 1/2020, trong đó có nội dung liên quan quyết toán các dự án BOT, BT trước thời điểm Thông tư số 166/2011/TT-BTC, ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành, Bộ GTVT đã có Văn bản số 6824/BGTVT-ĐTCT, ngày 15/7/2020 giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, tại Văn bản số 7228/TCĐBVN-TC ngày 6/10/2020 đề xuất tạm dừng thu phí Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên Km7+880 - Km29+800, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa báo cáo kết quả thực hiện rà soát quy định hợp đồng, quy định pháp luật tại từng thời kỳ; chưa thực hiện đàm phán với nhà đầu tư, chưa cập nhật các khoản thu, chi, các thông số tài chính khác để xác định lại thời hạn thu phí của Dự án theo quy định tại hợp đồng đã ký.

Liên quan kiến nghị tạm dừng thu phí Dự án, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình dự án.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức đàm phán với nhà đầu tư về các nội dung còn tồn tại, vướng mắc trên nguyên tắc tuân thủ các điều kiện hợp đồng dự án đã ký, quy định của pháp luật tại từng thời kỳ để quyết định, tránh phát sinh khiếu kiện và các chi phí khác liên quan; chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước pháp luật và trước Bộ trưởng Bộ GTVT”, Công văn số 10109 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký nêu rõ.

Được biết, tại Văn bản số 6824 về nội dung thực hiện quyết toán các dự án BOT, BT trước thời điểm ban hành Thông tư số 166/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước tại Văn bản số 715/KTNN-TH, ngày 8/7/2020, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm thỏa thuận với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Nghị quyết của Chính phủ theo 2 nguyên tắc.

Cụ thể, cơ quan quản lý hợp đồng BOT tổ chức rà soát quy định hợp đồng và pháp luật tại thời kỳ ký hợp đồng, nếu không có quy định khác với hợp đồng đã ký, thì căn cứ quy định chuyển tiếp quy định tại khoản 1, Điều 52, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP để thực hiện công tác quyết toán như sau: “Nhà đầu tư thực hiện Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án và Giấy chứng nhận đầu tư”; trường hợp có những điều kiện hợp đồng trái với quy định pháp luật từng thời kỳ, thì sẽ bị vô hiệu.

Được biết, Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên có tổng mức đầu tư do Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh là 772,753 tỷ đồng, trong đó, vốn BOT là 496,712 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước tham vào Dự án là 276,042 tỷ đồng, thời gian bắt đầu thu phí là ngày 15/8/2008.

Theo Hợp đồng điều chỉnh số 8219/GTVT-KHĐT ngày 20/12/2007 được ký giữa Bộ GTVT và Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2, Dự án có thời gian thu phí hoàn vốn 13 năm 7 tháng và thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm 6 tháng, dự kiến kết thúc vào tháng 1/2025 với giá trị quyết toán phần vốn BOT là 491,247 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 156 tỷ đồng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, số thu tại Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên đã rà soát đến thời điểm 31/8/2020 là 1.332 tỷ đồng và số chi đến ngày 31/8/2020 dự kiến là 1.025,036 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát quy định của pháp luật, Hợp đồng dự án, các văn bản của Kiểm toán Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT để xác định ngày dừng thu phí của Dự án.

Cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án làm rõ các nội dung vướng mắc của Dự án. Đến nay, Dự án vẫn còn một số nội dung tồn tại chủ yếu, trong đó, nổi cộm là chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian khai thác và lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong thời gian thi công.

Hiện nay, các cơ quan chức năng chưa hướng dẫn việc đưa 2 loại chi phí để tính toán vào phương án tài chính Dự án. Tại Văn bản số 7228, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngày 5/10/2020, tập thể lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã họp và ban hành Thông báo kết luận số 304/TB-TCĐBVN về phương án giải quyết vướng mắc một số Hợp đồng dự án BOT. Trong đó kết luận, chưa có đủ cơ sở pháp lý đưa chi phí này để tính toán vào phương án tài chính Dự án. Phương án tài chính không tính chi phí này sẽ giảm thời gian thu hoàn vốn khoảng 6 tháng 5 ngày.

Liên quan đến thời gian thu phí tạo lợi nhuận của nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đối với Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, do số thu thực tế cao hơn so với số thu theo hợp đồng đã ký, nên thời gian thu phí hoàn vốn của Dự án rút ngắn so với dự kiến trong hợp đồng, vì vậy, việc rút ngắn thời gian thu phí tạo lợi nhuận là phù hợp. Tổng cục Đường bộ Việt Nam tính toán thời gian thu phí tạo lợi nhuận theo phương pháp lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư quy đổi về thời gian thu phí hoàn vốn, thì thời gian thu phí tạo lợi nhuận còn 3 năm 3 tháng 4 ngày, giảm 2 tháng 26 ngày.

“Như vậy, phương án tài chính sau khi loại bỏ chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian khai thác và lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong thời gian thi công và tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận của nhà đầu tư như trên, dự kiến, Dự án kết thúc việc thu phí vào cuối ngày 13/10/2020”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 đã có văn bản phản đối đề xuất tạm dừng thu phí của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; đồng thời khẳng định, chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian khai thác và lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong thời gian thi công đã được xác lập trong hợp đồng BOT đã ký và không trái với bất kỳ quy định pháp luật nào.

Theo doanh nghiệp dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi văn bản tạm dừng thu phí cho Công ty trước thời điểm dừng thu 7 ngày trong khi còn rất nhiều vấn đề liên quan như bảo trì, quyền và nghĩa vụ người lao động chưa có hướng giải quyết.

“Hợp đồng BOT được ký kết trên nguyên tắc tự do thỏa thuận, không phải là mệnh lệnh hành chính, do vậy Công ty không có cơ sở thực hiện dừng thu phí vào ngày 13/10”, văn bản của Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 nêu rõ.

TP. Hồ Chí Minh: Hợp long cầu Phước Lộc tăng kết nối cho huyện Nhà Bè

Sáng 12/10, TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức hợp long cầu Phước Lộc, huyện Nhà Bè sau 7 năm đình trệ. Dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư hơn 405 tỷ đồng.

Cầu Phước Lộc có chiều dài 386m bao gồm 13 nhịp bê tông cốt thép, mặt cắt ngang 10,5m. Cầu đảm bảo lưu thông cho 2 làn xe hỗn hợp cùng lề bộ hành và hệ thống lan can bảo vệ. Phần đường đầu cầu phía xã Phước Kiển dài 143m, phía xã Phước Lộc dài 180m. Dự án cầu Phước Lộc cũng gồm hợp phần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh.

Sau khi hợp long, các nhà thầu thi công sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để Cầu Phước Lộc hoàn thành toàn bộ công trình trước Tết Nguyên Đán năm 2021. Ảnh: Lê Toàn.
Sau khi hợp long, các nhà thầu thi công sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để Cầu Phước Lộc hoàn thành toàn bộ công trình trước Tết Nguyên Đán năm 2021. Ảnh: Lê Toàn.

Dự án có tổng mức đầu tư: 405 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng 230 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, di rời hạ tầng kỹ thuật 119 tỷ đồng. Để phục vụ xây dựng cầu Phước Lộc TP.HCM đã giải toả 90 hộ, trong đó có 9 hộ dân tái định cư.

Dự án đầu tư Xây dựng cầu Phước Lộc được phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2008 với 5 gói thầu xây lắp. Tháng 6/2012, dự án được khởi công gói thầu xây lắp cầu chính kết cấu nhịp đúc hẫng cân bằng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên gói thầu này phải tạm dừng thi công từ tháng 7/2013.

Tới tháng 7/2017, huyện Nhà Bè phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Xây dựng cầu Phước Lộc và tiến hành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Năm 2019, công tác giải phóng mặt bằng đã được đẩy nhanh tiến độ. Tới tháng 6/2020, công tác giải phóng mặt bằng được hoàn thành và được bàn giao cho chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông) sau 7 năm đình trệ.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết hiện tại công trình xây dựng cầu Phước Lộc đã hoàn thành phần hạ tầng móng trụ cầu và đang thi công kết cấu thượng tầng, hợp long cầu. Khối lượng thi công đạt 90%.

“Hôm nay, sau khi hoàn thành công tác hợp long, các nhà thầu thi công sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công Cầu Phước Lộc để thông xe tuyến cầu chính phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong tháng 12/ 2020 và hoàn thành toàn bộ công trình trước Tết Nguyên Đán năm 2021”, ông Phúc nói.

Cầu Phước Lộc mới sẽ thay thế cầu hiện hữu. Cầu Phước Lộc cũ là cầu liên hợp dầm thép bản bê tông cốt thép dài 72m, mặt cầu chỉ rộng 2,3m, không có lề bộ hành và đã xuống cấp trầm trọng. Quá trình sử dụng cầu Phước Lộc cũ khống chế phương tiện qua cầu, chỉ cho người và xe hai bánh lưu thông, tải trọng khống chế là 0,5 tấn. Do đó, trong nhiều năm việc lưu thông của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn trong lưu thông, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, đô thị hoá.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ đổ vốn vào lĩnh vực điện khí tại Việt Nam

Nhìn thấy cơ hội đầu tư trong lĩnh vực điện khí, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ đổ hàng tỷ USD vào khu vực ASEAN, trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong tầm ngắm.

Nhu cầu đầu tư năng lượng của Việt Nam lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Nhu cầu đầu tư năng lượng của Việt Nam lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Theo kế hoạch, Dự án Nhà máy Điện khí LNG Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) có tổng công suất thiết kế 4.000 MW, sẽ khởi công xây dựng vào quý I/2021 và vận hành thương mại giai đoạn I vào năm 2024. Đây là dự án đầu tư theo hình thức IPP (dự án điện độc lập) với tổng mức đầu tư ước tính 6 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phát cho ngành năng lượng trong nước.

Có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, ông John Rockhold, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chân Mây LNG - chủ đầu tư Dự án cho biết, ông rất hài lòng vì Quy hoạch điện VIII đã đánh giá đúng vai trò của các dự án năng lượng tái tạo. Quan trọng hơn, Dự án Điện khí LNG Chân Mây đã được địa phương trao quỹ đất khá hào phóng.

“Có vẻ, điện khí tự nhiên vẫn còn mới mẻ với Việt Nam, nhưng chúng tôi sẽ tập trung mạnh vào đầu tư LNG, dù những đảm bảo để các dự án năng lượng tái tạo hay LNG được thuận lợi trong khâu truyền tải vẫn cần phải bàn thảo thêm và có được sự đồng thuận từ doanh nghiệp nhà nước đang nắm khâu truyền tải tại Việt Nam là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)”, ông John Rockhold cho hay.

Nhu cầu đầu tư năng lượng của Việt Nam lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp Hoa Kỳ có tiềm lực tài chính mạnh.

Điện khí LNG Chân Mây không phải là dự án duy nhất có vốn Hoa Kỳ đổ vào mảng điện khí tại Việt Nam. Trước đó, Bộ Công thương và Tập đoàn AES đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc triển khai thực hiện Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ 2, sử dụng khí LNG với quy mô 2.200 MW.

Và chỉ vài tháng trước, ông Irtiza Sayyed, Chủ tịch toàn cầu Exxon Mobil cho biết, tập đoàn này muốn tranh thủ thời cơ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Cụ thể, mong muốn của Exxon Mobil là đầu tư vào chuỗi cảng, kho khí LNG và các nhà máy sản xuất điện từ LNG với công nghệ hiện đại nhất tại Hải Phòng. Quy mô của dự án sản xuất điện từ LNG lên đến hơn 4.000 MW, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2030.

Còn với chuỗi điện khí có công suất khoảng 3.000 MW tại Long An, Exxon Mobil sẽ bảo đảm cung cấp liên tục đầy đủ LNG trực tiếp từ Hoa Kỳ và từ một số nước khác. Việc nhập khẩu LNG sẽ góp phần tạo dựng cán cân thương mại hài hòa, cùng có lợi giữa 2 nước.

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ từ đầu cầu Hoa Kỳ bằng hình thức trực tuyến, ông Adam Boekhold, Giám đốc Điều hành Cơ quan Phát triển Tài chính Hoa Kỳ cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực điện khí. “Vài năm tới, vốn từ Hoa Kỳ đầu tư mảng năng lượng tại ASEAN sẽ gia tăng mạnh mẽ với hàng tỷ USD và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam ở trong tầm ngắm”, ông Adam Boekhold nói.

Theo ông John Rockhold, nhu cầu đầu tư năng lượng của Việt Nam lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp Hoa Kỳ có tiềm lực tài chính mạnh. Vấn đề là phải nhanh chóng đưa những thỏa thuận đã ký kết vào thực thi bằng việc sớm xóa bỏ những vấn đề còn vướng mắc.

TP.Hồ Chí Minh: Khánh thành dự án Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu, vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng

Hôm nay (12/10), TP.HCM tổ chức khánh thành Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh.

Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM được khởi công vào tháng 6/2016. Dự án này xây dựng trên tổng diện tích 55.594 m2, diện tích sàn xây dựng 112.582 m2 tại phường Tân Phú, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Ảnh Lê Toàn.
Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Ảnh Lê Toàn.

Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP HCM là một trong năm bệnh viện thuộc Đề án Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.Hồ Chí Minh.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh có quy mô 1000 giường bệnh, được xây dựng với đầy đủ gồm các khu khám chữa bệnh ngoại trú, khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, khu hành chính, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ. Hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ hoàn chỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh khi bệnh viện vận hành hết quy mô thiết kế.

Điểm nhấn dự án này là khối nhà chính nằm ở vị trí trung tâm khu đất, có diện tích xây dựng 16.925 m2, tổng diện tích sàn phần nổi 84.351 m2, diện tích sàn tầng hầm 28.230 m2. Khối nhà này cao 10 tầng bao gồm khối đế 3 tầng, 2 khối tháp cao 6 tầng, tầng kỹ thuật, 2 tầng hầm.

Trước khi khánh thành, Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã tiếp nhận khám, chữa bệnh cho bệnh nhân từ ngày 2/10. Theo ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu thì bước đầu Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân/ngày. Dự kiến đến cuối tháng 12/2020 năng lực tiếp nhận sẽ nâng lên 1.000 bệnh nhân/ngày. Đến quý I năm 2021, khi Cơ sở 2 đủ điều kiện tiếp nhận bệnh nhân nội trú tất cả bệnh nhân điều trị nội trú sẽ chuyển sang Cơ sở 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu giúp giảm quá tải bệnh nhân ung bướu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Hà Nội: Khánh thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

Đây là dự án sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), được hoàn tất sau 2 năm 4 tháng thi công. Lễ thông xe diễn ra sáng nay, 11/10.

Lễ cắt băng khánh thành công trình cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
Lễ cắt băng khánh thành công trình cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng tuyến đường cao tốc đô thị tiêu chuẩn cao tại phía Tây thành phố (từ nút giao Mai Dịch đến nút giao Nam Thăng Long) của đường vành đai 3 chạy dọc khu vực ngoại ô Hà Nội. Tổng chiều dài phần cầu và đường dẫn là 5,4 km, trong đó phần cầu cạn dài 4,8km.

JICA đã ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định vốn vay trị giá 20.591 triệu yên cho dự án này vào năm 2013 và công tác thi công được khởi động vào năm 2018.

Trong nhiều năm qua, JICA đã hợp tác đầu tư xây dựng đường vành đai 3 tại Hà Nội. Vốn vay ODA Nhật Bản được sử dụng đầu tư cho “Dự án xây dựng cầu Thanh Trì”, “Dự án xây dựng đường vành đai 3 tại TP. Hà Nội” và “Dự án xây dựng đường quốc lộ 3 mới và mạng lưới giao thông khu vực”.

Dự án cầu Thanh Trì kết nối với đường vành đai 3 được hoàn thành năm 2007. Tiếp đó, đoạn đường nối từ phía Bắc và phía Nam đến cây cầu lần lượt được hoàn thành vào năm 2009 và 2010. Đến năm 2012, đoạn đường dài 9km nối từ nút giao Quốc lộ 32 đến phía Bắc Hồ Linh Đàm - thuộc phía Tây Nam của khu vực đường vành đai 3 - đã được thông xe. Cuối cùng, vào năm 2014, đoạn đường nối Tp. Hà Nội và Tp. Thái Nguyên cũng đã được hoàn thiện.

Năm 2020, với sự kiện thông xe của dự án này, tuyến đường vành đai đi qua trung tâm thành phố Hà Nội được hoàn thiện, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông cho khu vực trung tâm thành phố và tăng hiệu quả của hoạt động vận tải và hậu cần, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại khu vực này.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tiếp tục thi công các dự án đầu tư xây dựng công, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong quá trình xây dựng.

Việc duy trì công tác thi công các dự án vốn vay ODA của JICA đã giúp ổn định công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cho tới nay, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những nút thắt về cơ sở hạ tầng cơ bản. JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, theo chính sách của Chính phủ Nhật Bản trong chương trình “Đối tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng”.

Tin bài liên quan