Để không bị “Ngài thị trường” kích động...

Để không bị “Ngài thị trường” kích động...

(ĐTCK) Nguyên tắc đầu tư giá trị quan trọng nhất là tìm mua và nắm giữ lâu dài cổ phiếu của những công ty tốt và đang có giá trị thấp hơn giá trị nội tại.

Khoảng cách giữa hai giá trị này càng cao thì biên độ an toàn càng lớn và lợi nhuận thu về trong tương lai càng cao. Rất nhiều NĐT trên thế giới thành công lớn với nguyên tắc này, trong đó có Warren Buffett. Tuy nhiên, tại Việt Nam , đầu tư giá trị rất khó áp dụng, tại sao?

Để không bị “Ngài thị trường” kích động... ảnh 1


Tâm lý giao dịch và thu lời ngắn hạn luôn hiện hữu ở hầu hết NĐT cá nhân Việt Nam
 

Dòng tiền ngắn hạn

Một hiện tượng thường xuyên xảy ra ở TTCK Việt Nam đó là dòng tiền “nóng” chảy nhanh vào thị trường và nhanh chóng rút ra. Tâm lý giao dịch và thu lời ngắn hạn luôn hiện hữu ở hầu hết NĐT. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư giá trị phải là dòng tiền dài hạn, cho phép NĐT hưởng thành quả từ việc giá cổ phiếu tăng mạnh lên đúng giá kỳ vọng, kèm theo việc thụ hưởng cổ tức hàng năm. Việc nắm giữ cổ phiếu dài hạn sẽ hạn chế được những trạng thái tâm lý mua bán bốc đồng qua các giai đoạn tăng giảm của thị trường, đồng thời giúp NĐT tiết kiệm thời gian do ít phải quan tâm đến diễn biến thị trường hàng ngày. Thật sự là không ai muốn tham khảo ngôi nhà của mình đang ở mức giá nào hàng ngày cả.

 

Môi trường kinh doanh kém cạnh tranh và thiếu hiệu quả

Đầu tư giá trị đòi hỏi phải có các DN tốt, triển vọng với giá trị DN bền vững qua năm tháng, nhưng các DN này ở Việt Nam là rất ít. Ngành nghề mà đầu tư giá trị đang hướng tới đó là những ngành cơ bản như: bảo hiểm, tiêu dùng, tài chính - ngân hàng… Tuy nhiên, ngành bảo hiểm ở Việt Nam chưa thực sự phát triển theo đúng nghĩa của một lĩnh vực triển vọng, thiếu tính chuyên nghiệp trong việc quản lý tiền, đầu tư tài chính kém hiệu quả. Ngành hàng tiêu dùng cũng chưa được phát triển theo đúng nghĩa, thiếu ý tưởng kinh doanh và tham vọng mở rộng thị trường. Ngành ngân hàng thì gặp các vấn đề trong quản lý rủi ro, quản lý nợ xấu và nhiều cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường do thiếu các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư nắm giữ. Do đó, rất khó áp dụng phong cách đầu tư giá trị vào những ngành được coi là phù hợp với phong cách đầu tư này.

 

Xu hướng đầu tư vào các công ty đa ngành

Ngành nghề càng đơn giản, hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao, tỷ số P/E thấp là điều kiện để có thể áp dụng đầu tư giá trị. Vậy nhưng, xu hướng của đa số NĐT là đầu tư vào các công ty có nhiều hoạt động kinh doanh phức tạp, nhiều dự án “hoành tráng” ở nhiều mảng hoạt động khác nhau.

Bên cạnh đó, những ngành được coi là đầu tư tốt là những ngành ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Điều này ít có ở Việt Nam , do việc quản lý DN chưa xứng tầm, ít có DN có nền tảng kinh doanh cốt lõi với doanh thu, lợi nhuận bền vững. Chỉ một số ít DN đáp ứng được tiêu chí mà đầu tư giá trị hướng tới như BVH, DPM, DBC.

 

… và không am hiểu DN

W.Buffett chỉ ra rằng, cần đầu tư vào những công ty mà NĐT hiểu rõ nhất, đó là những công ty có mạng lưới, cấu trúc hoạt động đơn giản, dễ hiễu. W.Buffett đặc biệt quan tâm đến năng lực và đạo đức của ban lãnh đạo, các nhà quản lý của công ty. Nếu không tin tưởng vào ban quản lý thì ông nhất định không đầu tư, dù con số lợi nhuận hay những chỉ số khác là hấp dẫn. Tuy nhiên, phần lớn NĐT ở Việt Nam quan tâm đến thông tin “đội lái”, thông tin nội gián, các chiêu trò làm giá hơn và chưa thực sự nghiên cứu kỹ năng lực, phẩm chất đạo đức của ban lãnh đạo công ty.

Đáng chú ý, nghiên cứu kỹ các chỉ tiêu tài chính là điều mà NĐT Việt Nam thường hay bỏ qua. Điều này khiến cho việc dự báo, định giá sơ bộ giá cổ phiếu để tìm ra biên độ giá an toàn trong trường hợp mua vào cổ phiếu hầu như bị bỏ ngỏ hoặc thiếu chính xác. W.Buffett từng nói: “Để là NĐT thành công, chúng tôi đọc hàng trăm báo cáo thường niên của các công ty”. Đây là điểm tạo ra sự khác biệt lớn giữa ông và các NĐT khác.

 

Nhầm lẫn thời điểm mua

Chọn thời điểm mua thích hợp là một trong những yếu tố cơ bản để phân biệt NĐT thành công với NĐT không thành công. Vấn đề quan trọng là phải kiên nhẫn chờ những cổ phiếu tốt được thị trường định giá thấp, mệnh giá thấp hơn giá trị nội tại. Sự kiên nhẫn chính là khác biệt lớn và là phẩm chất luôn thiếu đối với NĐT Việt Nam .

NĐT thường mua cổ phiếu khi có sự điều chỉnh mạnh về giá hoặc đi xuống trong thời gian dài và chọn thời điểm bán ra khi thị trường hoảng loạn. Trong khi đó, theo W.Buffett, cần phải “tham lam khi mọi người sợ hãi”. Cụ thể, lúc thị trường sợ hãi là lúc cổ phiếu tốt cũng như cổ phiếu xấu đều bị bán ra mạnh và đó chính là thời điểm NĐT cần điềm tĩnh, tự do lựa chọn và mua vào cổ phiếu tốt.

Nhiệm vụ của NĐT giá trị là phải xác định cho được cổ phiếu tốt có thị giá thấp hơn giá trị nội tại. Điều quan trọng là cổ phiếu tốt nhưng giá không hời và cổ phiếu giá hời nhưng chất lượng không tốt thì không phải là đối tượng đầu tư tốt. Chỉ có cổ phiếu tốt, giá hời mới là đối tượng đầu tư đúng theo chiến lược đầu tư giá trị.

Tóm lại, để dẹp bỏ được những rào cản tâm lý, sáng suốt và kiên nhẫn tìm kiếm cổ phiếu có giá trị là điều tương đối khó, nhưng không phải không khả thi. Điều quan trọng là NĐT có thực sự theo đuổi phong cách đó một cách chủ động và không bị “ngài thị trường” kích động.