Gói kích cầu thứ hai còn tiếp tục, dệt may vẫn là ngành đứng đầu trong danh sách nhận được sự hỗ trợ.

Gói kích cầu thứ hai còn tiếp tục, dệt may vẫn là ngành đứng đầu trong danh sách nhận được sự hỗ trợ.

Dệt may sẽ cán đích

(ĐTCK-online) Mặc dù các thị trường truyền thống gặp khó khăn, nhưng nhờ sự chủ động tìm kiếm thị trường mới, thị trường tiểu ngạch… nên kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2009 ước tăng 1%, đạt mục tiêu 9,2 tỷ USD.

Linh hoạt thị trường ngoại

Ông Vũ Đức Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên nhiều nước giảm nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam, song các nhà sản xuất Việt Nam đã năng động không chịu nằm yên chờ thị trường thế giới hồi phục, mà tìm đến những thị trường ngách như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, châu Phi, Đông Âu cũ… Năm nay, các doanh nghiệp có bước đột phá xuất khẩu sản phẩm mới, như sợi tăng 165% so với cùng kỳ, có đơn vị xuất khẩu tới 80% năng lực sản xuất; xuất khẩu vải sang thị trường Trung Đông; xuất khẩu khăn bông, phụ liệu.

Tấn công thị trường tiểu ngạch, thị trường mới, song với nhiều doanh nghiệp, đó là bài toán không dễ giải. Những thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, dung lượng tới 7 - 8 tỷ USD, trong khi các thị trường mới chỉ khoảng 100 - 200 triệu USD. Nếu không cân đối hợp lý, bỏ ra nhiều chi phí, mất nhiều công sức xâm nhập thị trường mới, cuối cùng dung lượng thị trường quá bé, khai thác sẽ không hiệu quả. Đơn cử như thị trường Campuchia, mới đây một vài doanh nghiệp Việt Nam đã đưa hàng sang, nhưng với một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người 400 USD/năm thì khó thể là một thị trường tiềm năng.

Với những thị trường ngách như vậy, doanh nghiệp có giải pháp nào để kinh doanh hiệu quả? Đại diện CTCP May Nhà Bè cho hay, nếu thị trường nào đã có doanh nghiệp Việt Nam mở hệ thống rồi thì những người đi tiếp theo sẽ dựa trên hệ thống đó để phân phối, khai thác, mở rộng mặt hàng. Cách làm này phù hợp với những đơn vị có mặt hàng không cạnh tranh nhau và đang được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khuyến khích phát huy trong toàn bộ thành viên Tập đoàn.

Hiện mỗi ngày Việt Nam xuất khẩu 30 - 40 triệu USD hàng dệt may, các đơn hàng cho quý IV đang được gấp rút thực hiện, cho phép kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2009 đạt 9,1 - 9,2 tỷ USD, dù giá giảm 14 - 15%. Tuy vậy, sự phục hồi kinh tế thế giới chưa chắc chắn nên theo lãnh đạo Vinatex, các nhà nhập khẩu vẫn rất "rụt rè" cả về giá và số lượng. "Đơn hàng về doanh nghiệp nhiều, nhưng không có nghĩa thị trường đã hoàn toàn hồi phục. Thực tế, Việt Nam mới đóng góp 10 tỷ USD trong tổng kích cỡ hơn 100 tỷ USD toàn thị trường dệt may thế giới. Đơn hàng của Việt Nam tăng có thể vì lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam, chứ chưa hẳn do thị trường tốt lên", ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex nhận xét.

Năm 2010, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải tiếp tục bảo vệ lợi thế cạnh tranh của mình nếu không muốn kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. "Tất cả các nước xuất khẩu dệt may đều nhìn vào dệt may Việt Nam năm 2009 và họ sẽ có hành động để năm 2010 hạn chế suy giảm kim ngạch. Vì thế, nếu không cố gắng thì dù kinh tế thế giới sáng sủa hơn nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam chưa chắc đã gặp thuận lợi. Cải thiện nâng cao khả năng cạnh tranh trên cả khía cạnh giá thành dịch vụ là yếu tố quyết định", ông Trường nói và nhận định, nếu giữ được thế mạnh, năm 2010 dệt may Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 10 - 10,5 tỷ USD.

Kiên trì thị trường nội

Bên cạnh thị trường xuất khẩu chuẩn bị cán đích, thị trường dệt may nội địa cũng sôi động không kém. Các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, nhiều vùng miền trên cả nước. Số liệu thống kê của Vinatex cho thấy, tính từ đầu năm tới nay, doanh thu từ thị trường nội địa của các đơn vị thành viên tăng khá so với cùng kỳ năm 2008. Chẳng hạn, Việt Tiến đạt 560 tỷ đồng (tăng 100 tỷ đồng), Nhà Bè đạt 380 tỷ đồng, May 10 đạt 160 tỷ đồng…

Năm nay, Vinatex đã xây dựng các phòng xét nghiệm sinh thái, triển khai dựng thông số trắc nghiệm người Việt Nam để có thông số chuẩn về vóc dáng người Việt Nam, từ đó sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Đây là cách làm được nhiều nước có nền dệt may tiên tiến áp dụng và rất thành công.

Nói đến khả năng đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, không thể không nhắc đến đóng góp của gói kích cầu đem lại giá vốn thấp cho doanh nghiệp. Hiệu ứng lớn hơn với những doanh nghiệp dệt may là hỗ trợ về tinh thần từ chính sách "hà hơi tiếp sức" mang lại. Năm 2010, gói kích cầu thứ hai còn tiếp tục, dệt may tiếp tục là ngành đứng đầu trong danh sách nhận được sự hỗ trợ. Đây sẽ là động lực tốt cho ngành tiếp tục phát triển với mục tiêu cao hơn.