Hành trình dài của Deutsche Bank
Thông tin Deutsche Bank sẽ ra mắt dịch vụ lưu ký tiền số vào năm 2026 không phải là quyết định bất ngờ, mà là kết quả của một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng kéo dài nhiều năm. Theo báo cáo từ Bloomberg, ngân hàng này sẽ hợp tác với sàn giao dịch Bitpanda (Áo) và công ty công nghệ Taurus (Thụy Sĩ) để cung cấp dịch vụ cho phép khách hàng lưu trữ Bitcoin và các loại tiền số khác.
Điều đáng chú ý là Deutsche Bank đã "ấp ủ" ý tưởng này từ năm 2020, thời điểm mà nhiều ngân hàng truyền thống vẫn còn "e dè" với tiền số. Tuy nhiên, thay vì vội vàng nhảy vào như một số đối thủ, Deutsche Bank đã chọn cách tiếp cận thận trọng, từng bước xây dựng năng lực và hiểu biết về thị trường này.
Năm 2023, ngân hàng đã nộp đơn xin giấy phép lưu ký tài sản số tại Đức và thông báo kế hoạch hợp tác với Taurus. Cuối năm 2024, Deutsche Bank bắt đầu phát triển blockchain layer-2 riêng trên Ethereum sử dụng công nghệ ZKsync. Những động thái này cho thấy Deutsche Bank không chỉ muốn "dắt chân" vào thị trường tiền số mà có tham vọng trở thành người dẫn đầu.
Dịch vụ lưu ký chỉ là bước đầu trong kế hoạch tổng thể của Deutsche Bank. Ông Sabih Behzad, Trưởng phòng tài sản số của Ngân hàng đã tiết lộ vào tháng 6 rằng, Deutsche Bank đang cân nhắc về khả năng gia nhập thị trường stablecoin, thậm chí phát hành đồng stablecoin riêng.
Ông Behzad cũng cho biết, Ngân hàng đang đánh giá việc phát triển giải pháp "tiền gửi token hóa" cho thanh toán, một bước tiến đáng kể trong việc số hóa dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Việc Deutsche Bank hợp tác với Bitpanda từ tháng 6/2024 để cải thiện thanh toán crypto cũng cho thấy họ không chỉ dừng lại ở việc "thử nghiệm" mà đã có những bước đi cụ thể và nghiêm túc.
Cuộc đua toàn cầu của các "ông lớn" ngân hàng
Quyết định của Deutsche Bank cũng được thúc đẩy bởi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Chỉ cùng ngày Bloomberg đưa tin về kế hoạch của Deutsche Bank, Sparkassen-Finanzgruppe - một tập đoàn ngân hàng lớn khác của Đức - đã công bố sẽ cung cấp dịch vụ giao dịch tiền số cho 50 triệu khách hàng.
Con số 50 triệu khách hàng này không phải nhỏ - nó tương đương với khoảng 60% dân số Đức. Điều này cho thấy thị trường tiền số ở châu Âu đã đủ lớn và được chấp nhận rộng rãi để các ngân hàng truyền thống không thể tiếp tục "phớt lờ".
Deutsche Bank không phải là ngân hàng đầu tiên và chắc chắn không phải cuối cùng gia nhập cuộc đua crypto. Trên thực tế, nhiều "ông lớn" ngân hàng toàn cầu đã có những động thái tương tự trong những năm gần đây.
Tại Mỹ, JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - đã phát triển JPM Coin từ năm 2019 và liên tục mở rộng dịch vụ blockchain. Goldman Sachs đã cung cấp dịch vụ giao dịch Bitcoin futures từ năm 2021. Bank of America, dù vẫn thận trọng với Bitcoin, đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu blockchain và các ứng dụng.
Tại châu Âu, các ngân hàng Thụy Sĩ như UBS và Credit Suisse (trước khi sáp nhập) đã sớm cung cấp dịch vụ tiền số cho khách hàng giàu có. Standard Chartered của Anh đã thành lập bộ phận tài sản số riêng và tích cực đầu tư vào các startup tiền số.
Tại châu Á, DBS Bank của Singapore được coi là "tiên phong" khi ra mắt sàn giao dịch tiền số riêng từ năm 2020. Mitsubishi UFJ Financial Group của Nhật Bản đã phát triển đồng stablecoin riêng và đầu tư vào nhiều công ty lĩnh vực tiền số.
Ngay cả các ngân hàng trung ương cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phát triển đồng Euro số với kế hoạch ra mắt vào 2026-2027. Fed của Mỹ vẫn đang "cân nhắc" nhưng đã có nhiều nghiên cứu về đồng USD số.