ĐHCĐ ACB: Lợi nhuận quý I/2022 khởi sắc, mục tiêu cả năm lãi trên 15.000 tỷ đồng

ĐHCĐ ACB: Lợi nhuận quý I/2022 khởi sắc, mục tiêu cả năm lãi trên 15.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 7/4/2022, Ngân hàng Á Châu (ACB - sàn HOSE) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Quý I/2022 đạt 4.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

Trả lời cổ đông về lợi nhuận quý I/2022 tại ĐHĐCĐ sáng nay (7/4), ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết, lợi nhuận hợp nhất khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Tín dụng đến hết quý I/2022 tăng 5,2% so với đầu năm, huy động tăng 1,6%. Tỷ lệ CASA đạt 27% tại thời điểm cuối quý I/2022.

Mảng dịch vụ và bảo hiểm đều tăng trưởng tốt. Thu nhập ngoài lãi đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, bancasurance dẫn đầu thị trường. Hiện tỷ lệ CASA của Ngân hàng đạt khoảng 24%, với lợi thế về ngân hàng số, mục tiêu cuối năm CASA khoảng 28 - 29% là khả thi.

Trong năm nay, ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16% (đầu năm Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu 10%), phí dịch vụ và banca cũng sẽ tăng trưởng tốt.

Tỷ lệ nợ xấu cải thiện hơn chỉ ở mức 0,74%, bao phủ nợ xấu khoảng 200%. Vừa qua, ACB có trích lập dự phòng khoảng 2.300 tỷ đồng do ảnh hưởng của Covid-19.

Đầu năm 2022, tình hình khách hàng cơ cấu đã cải thiện tốt từ 27.000 tỷ đồng cơ cấu trong năm 2021, đến quý I/2022 chỉ còn 15.000 tỷ đồng, từ đó hy vọng mức hoàn nhập dự phòng sẽ tốt hơn trong năm nay.

Trong quý I/2022, tình hình nợ xấu cải thiện về còn 0,74%. Năm qua, tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhưng quý I/2022 đã cải thiện tốt, ACB tự tin đã cải thiện nợ xấu dưới 1%. Dự phóng cũng không xấu hơn mức trích lập dự phòng tăng thêm.

Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, nếu tình hình khả quan thì khoản này sẽ hoàn nhập và tạo ra một khoảng thu nhập bất thường cho ACB trong năm nay.

Đánh giá về quản trị rủi ro, ông Phát cho biết, ở mảng ngân hàng, từng ngân hàng có khẩu vị rủi ro khác nhau. Riêng với ACB, khẩu vị rủi ro phải đảm bảo tuân thủ cho toàn hàng, do đó sẽ không có ý kiến của một cá nhân nào, vì phải đảm bảo cho khẩu vị chung của cả ngân hàng.

Danh mục kinh doanh của ACB khá là đặc thù, mảng cá nhân chiếm 63%, SME chiếm 31% trong tổng bán lẻ. Mảng bán lẻ chiếm 94% tổng cho vay, đây là tỷ trọng cao trong ngành. Riêng bất động sản, tỷ lệ cho vay ở mức thấp, chiếm 4,9%. Mảng khách hàng cá nhân của ACB có 1/3 là hỗ trợ khách hàng vay đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

Theo ông Từ Tiến Phát, NIM tăng trưởng tốt, cải thiện, tăng 0,4% so với cuối năm 2020, ở mức 3,9%.

Đây là nỗ lực cải thiện của ACB, lãi suất cho vay trong năm 2021 giảm mạnh, đây là hoạt động hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, ACB đã cải thiện tỷ lệ CASA, thu hút được nguồn vốn giá rẻ, do đó đã giúp NIM cải thiện tốt.

Cũng theo ông Phát, tỷ lệ CASA (tỷ lệ huy động vốn không kỳ hạn) đến nay là 27%. Ngân hàng đã đầu tư để tăng trưởng CASA trong nhiều năm qua, triển khai nhiều sản phẩm miễn phí, hoàn tiền đến 2%.

ACB cũng đẩy mạnh phát triển ngân hàng số. Trong tháng 4/2022 này, Ngân hàng sẽ ra thêm sản phẩm mới về ngân hàng số để thu hút khách hàng.

Đồng thời, ACB cũng đã tích hợp hệ sinh thái số từ fintech, kỳ vọng CASA của ACB sẽ tăng trưởng cao hơn mức 27% lên khoảng 28 - 29% tới cuối năm nay.

Ngân hàng số là mảng trọng tâm của ACB. Xây dựng ngân hàng số dựa vào 4 trụ cột chính. Xây dựng thương hiệu, đội ngũ ngân hàng số, mô hình vận hành chuyên biệt, tích hợp hệ sinh thái số bên ngoài.

Phát biểu tại đại hội cổ đông sáng nay, ông Phát cũng cho hay, chiến lược của ACB trong thời gian tới đang thực thi chiến lược 2019 - 2024.

ACB sẽ phát triển nhanh số lượng khách hàng, trọng tâm thứ 2 là phát triển ngân hàng số dựa vào 3 trụ cột (ngân hàng số, chuyển đổi quy trình công nghệ số, chuyển đổi dữ liệu và chuyển từ phân phối truyền thống sang phân phối tự động). Vừa qua, ACB đang tiến hành chuyển đến những khu công nghiệp.

Mục tiêu lợi nhuận trên 15.000 tỷ đồng

Năm 2022, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 558.187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 421.897 tỷ đồng, cũng tăng 11%.

Dư nợ cho vay đạt 398.299 tỷ đồng, tăng 10% và sẽ được điều chỉnh tăng đến mức cao hơn khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu tăng đến 25%, kỳ vọng đạt 15.018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Chủ tịch Trần Hùng Huy cho biết, thời gian qua, dù dịch bệnh nhưng ACB đã cố gắng hoàn thành chỉ tiêu được ĐHĐCĐ giao. Trong đó, nhờ phần lớn vào ngân hàng số đã giúp hoàn thành hoạt động nhất là trong thời gian bị hạn chế giao tiếp xã hội.

Năm 2021, dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng ACB đã vượt các kế hoạch được giao. Kết thúc năm 2021, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 25% và hoàn thành 113% kế hoạch.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của ACB đạt 527.770 tỷ đồng, tăng 18,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,2% lên 361.913 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 0,77%.

Kế hoạch tăng trưởng của ACB trong năm 2022 sẽ tập trung thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng gia tăng tỷ trọng ngân hàng thuần túy trong tổng doanh thu.

Tập trung phát triển những địa phương còn phát triển thấp, đẩy mạnh thị phần những địa phương đang có thị phần cao, tập trung phát triển khách hàng qua mảng ngân hàng số, giúp có nguồn thu dài hạn.

"Đầu năm nay, ACB đã bổ nhiệm Tổng giám đốc mới là ông Từ Tiến Phát. Chúng tôi cũng ghi nhận đóng góp của ông Đỗ Minh Toàn đã gắn bó với ACB trong suốt 10 năm vừa qua", ông Huy nói.

Theo đánh giá của HĐQT ACB, hoạt động năm 2022 mặc dù khó khăn hơn, nhưng vẫn có cơ hội xuất phát từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước đã xuống đáy sẽ đi lên nhanh hơn.

Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý II/2022, do đó, đòi hỏi một sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn. Việc quản trị và điều hành để vừa tiết giảm hợp lý chi phí vốn, vừa bảo đảm thanh khoản và nắm bắt cơ hội mở rộng cho vay là một vấn đề mà các ngân hàng sẽ đối diện thường trực trong năm 2022.

Về kế hoạch tăng vốn, ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới).

Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia theo báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2021.

Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.

Như vậy, nếu như tăng vốn thành công, Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất của ACB với tỷ lệ sở hữu 6,92%.

HĐQT ACB cho rằng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với ACB nhằm tăng thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng.

Đồng thời, Ngân hàng còn có thêm nguồn vốn để xây dựng văn phòng làm việc, cải tạo, sửa chữa, di dời trụ sở kênh phân phối; đầu tư vào các dự án thực hiện chiến lược 2019 - 2024.

Còn kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, ACB dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2022 là 0,6% lợi nhuận sau thuế của ngân hàng theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm 2022.

Tin bài liên quan