ĐHCĐ Dệt may Thành Công (TCM): Quý I/2024 ước lãi 2,5 triệu USD, tăng trưởng 9%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM - sàn HOSE) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
ĐHCĐ Dệt may Thành Công (TCM): Quý I/2024 ước lãi 2,5 triệu USD, tăng trưởng 9%

Đơn hàng tăng trưởng, kỳ vọng đạt mục tiêu 2024

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt hơn 3.707 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 161,2 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 21% so với thực hiện của năm ngoái. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 12% bằng tiền hoặc bằng cổ phiếu tùy theo tình hình thực hiện kinh doanh của Công ty.

Chia sẻ kết quả kinh doanh quý I, lãnh đạo Công ty cho biết, trong quý đầu năm, TCM ước đạt doanh thu 39 triệu USD, tương đương khoảng 967 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ước đạt 2,5 triệu USD, tương đương 62 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.

Về tình hình đơn hàng, hiện đơn hàng quý II đã xác nhận được 85%, quý III nhận được 80%, theo tình hình này Công ty kỳ vọng hoàn thành mục tiêu năm 2024.

Trong tháng 01/2024, TCM và Tập đoàn Eland (Hàn Quốc) đã có thỏa thuận để thực hiện đơn hàng 10 triệu sản phẩm may, gấp đôi so với năm trước.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc Eland cam kết đặt đơn hàng 10 triệu sản phẩm (gấp đôi so với năm 2023), vậy Eland có cam kết đơn hàng cho các năm sau không, TCM cho biết, việc Eland có đặt hàng tiếp hay không phụ thuộc vào khả năng thực hiện đơn hàng năm 2023 của Dệt may Thành Công vì Công ty và Eland là hai công ty kinh doanh độc lập, hoạt động kinh doanh cần đảm bảo yếu tố hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Về giá cước vận tải biển ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh của Công ty, lãnh đạo TCM cho biết, Công ty bán hàng chủ yếu giao đến cảng đi, khách hàng phụ trách chi phí vận chuyển nên nếu chi phí tăng thì khách hàng sẽ tìm cách chia sẻ chi phí theo nhà sản xuất.

TCM xác định, trong giai đoạn đầy biến động như hiện nay thì yếu tố quan trọng nhất trong việc quản trị rủi ro là tốc độ nhanh chóng. TCM tập trung thiết lập hệ thống ERP để tăng cường kết nối dữ liệu sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhanh cho quá trình ra quyết định, phương pháp làm việc ra quyết định nhanh hơn.

Tại Đại hội, cổ đông đã nêu câu hỏi về vấn đề bạo loạn ở Bangladesh cuối năm 2023 khiến các nhà máy ở đó đóng cửa vô thời hạn, ngành dệt may Việt Nam nói chung và TCM nói riêng có tận dụng được cơ hội này không?

Lãnh đạo TCM cho biết, tình hình đình công ở Bangladesh xuất phát từ yêu cầu tăng lương tối thiểu vì công nhân sống dưới mức nghèo khổ, khi các nhà máy đóng cửa thì đơn hàng thị trường Mỹ tăng hơn ở Việt Nam, đồng thời với đơn giá tăng do tăng lương tối thiểu cộng với các yếu tố về trách nhiệm xã hội với người lao động thì ngành dệt may Việt Nam nói chung và Thành Công nói riêng sẽ có lợi thế. Tuy nhiên, nếu xét về hàng dệt may giá trị cao thì Thành Công cần tập trung cạnh tranh với Trung Quốc vì lợi thế của Bangladesh chỉ là nhân công giá rẻ.

Với câu hỏi giá bông hiện đang tăng mạnh có ảnh hưởng đến lợi nhuận của TCM không, lãnh đạo TCM cho biết, giá bông tăng từ năm 2023 đến quý I/2024, tuy nhiên hiện nay đang chững lại do vậy không thể nói giá bông tiếp tục tăng. Đối với quy trình sản xuất khép kín của Thành Công, khi giá bông tăng thì kinh doanh sợi được hưởng lợi nhưng kinh doanh sản phẩm may sẽ gặp khó khăn vì phải tìm cách tăng giá bán, do vậy việc giá bông tăng hay giảm không thể xác định là lợi thế hay bất lợi một cách rõ ràng. Do đó, Dệt may Thành Công tập trung vào hai điểm. Thứ nhất, khi giá bông tăng hoặc giảm, công ty tối ưu hiệu quả kinh doanh sợi thông qua tận dụng giá mua bông để nhà máy sản xuất và bán sợi. Thứ hai, khi giá bông tăng, Công ty cố gắng thuyết phục bên mua hàng tăng giá mua sản phẩm may.

Mua lại nhà máy dệt SY Vina, chuyển nhượng dự án Vĩnh Long, Trảng Bàng

TCM đầu tư vào nhà máy dệt SY Vina. Chia sẻ về dự án này, lãnh đạo TCM cho biết đang cần giấy phép nhuộm, SY Vina là nhà máy nhuộm hiện đang hoạt động nên việc mua lại nhà máy là giải pháp hiệu quả, tiết kiệm hơn với việc đầu tư mới nhà máy nhuộm ở Vĩnh Long, do đó việc mua lại SY Vina sẽ giúp Công ty có giấy phép luôn, giúp TCM mở rộng phân khúc sản phẩm sang mặt hàng vải dệt thoi để phát triển thêm đơn hàng sản phẩm may giá trị cao. Sản phẩm từ nhà máy SY Vina được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Công suất hiện nay là 3 triệu mét vải/năm và năm 2023 mới thực hiện 1 triệu mét. Đến tháng 3 năm nay đã vận hành công suất 1,5 triệu mét, giúp tăng hiệu quả sản xuất và dự kiến lợi nhuận hoạt động dương do đơn hàng từ Eland Korea và hỗ trợ quản lý điều hành từ Thành Công. Từ quý II/2024 SY Vina sẽ có hoạt động tốt và đóng góp vào hoạt động của TCM.

Chia sẻ về giá chuyển nhượng dự án Vĩnh Long, Trảng Bàng, TCM cho biết giá chuyển nhượng dự án Vĩnh Long quanh mức 100 USD/m2, giá chuyển nhượng dự án Trảng Bàng dự kiến 3,5 triệu USD, hiện chưa tìm được nhà đầu tư. Hai thương vụ này chưa bao gồm trong kế hoạch năm 2024, trường hợp chuyển nhượng thành công sẽ ghi nhận lợi nhuận trong năm.

Trên thị trường chứng khoán, tạm chốt phiên giao dịch sáng 8/4, cổ phiếu TCM đạt thị giá 43.750 đồng/cổ phiếu, giảm 0,57% so với phiên giao dịch trước đó.

Tin bài liên quan