Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT trả lời cổ đông

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT trả lời cổ đông

ĐHCĐ May Sông Hồng (MSH): Chuỗi cung ứng dệt may dịch chuyển, doanh nghiệp sẽ phải thích ứng linh hoạt hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ĐHCĐ thường niên 2023 Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã: MSH) tổ chức sáng 22/4 đã cho thấy bức tranh thay đổi khá lớn của ngành dệt may Việt Nam. Những doanh nghiệp lớn, đầu tư sản xuất theo chiều sâu mới có cơ hội bứt phá trở lại.

Năm 2022, May Sông Hồng đạt 5.521 tỷ đồng doanh thu, tăng 16,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 439 tỷ đồng, giảm 19,1% so với năm 2021. Dù vậy. Công ty vẫn đảm bảo chi trả cổ tức 25% bằng tiền mặt. So với kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua, doanh thu của Công ty tăng 12,7%, lợi nhuận trước thuế thấp hơn 12,2%.

Nguyên nhân chủ yếu là giá vốn hàng bán tăng nhanh ở mức 22,9% một phần do ảnh hưởng của tình trạng lạm phát trên thế giới cũng như các vấn đề về gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt container đã khiến giá nguyên vật liệu tăng lên. Tỷ trọng giá vốn hàng bán so với doanh thu thuần là gần 85%, tăng so với 80,4% trong 2021.

Không đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra nhưng xét trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều bất lợi, việc MSH vẫn đảm bảo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, đảm bảo cổ tức 25% bằng tiền mặt cho cổ đông là những nỗ lực lớn.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch MSH đánh giá: “Đội ngũ kinh doanh đã rất linh hoạt chủ động trong việc khai thác các khách hàng và đơn hàng mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu hàng hóa của các nhà máy. Hoạt động sản xuất của các nhà máy được duy trì tương đối ổn định và đón đầu được hồi phục nhu cầu hàng may mặc từ các thị trường xuất khẩu”.

Trước những diễn biến bất thường trên thị trường như nhu cầu giảm, chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu đang dịch chuyển theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, đại hội đã thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu thuần 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, giảm 13% và 20% so với thực hiện 2022, cổ tức dự kiến 15-35%. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, đây là kế hoạch thận trọng, nếu điều kiện thuận lợi về cuối năm, Công ty có thể đạt kết quả cao hơn.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT điều hành Đại hội.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT điều hành Đại hội.

Các giải pháp trọng tâm mà MSH thực hiện trong năm 2023 bao gồm tiếp tục phát triển các khách hàng FOB truyền thống và tiềm năng, thị trường chăn ga gối nệm và logistics để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng doanh thu của Công ty. Giữ ổn định công việc cho cán bộ nhân viên bằng cách đa dạng hóa khách hàng và chủng loại hàng hóa, tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cho khách hàng như phát triển mẫu, đầu tư bảo vệ môi trường để nâng cao niềm tin của các khách hàng chiến lược của Công ty.

Tiết kiệm các chi phí đầu tư, tiếp tục khâu số hóa quản trị để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động.

Thảo luận tại đại hội:

Đề nghị cập nhật hoạt động của Nhà máy Sông Hồng 10 và tiến độ Nhà máy Xuân Trường 2?

Nhà máy Nghĩa Phong (Sông Hồng 10) được xây dựng trên diện tích 8 ha, quy hoạch là nhà máy xanh, hiện đại, nhằm sản xuất theo đơn của các khách hàng lớn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và sụt giảm của thị trường, hiện nhà máy chưa phát huy hết công suất thiết kế (hiện thu hút khoảng trên 2.000 công nhân, bằng ½ so với công suất thiết kế).

Theo kế hoạch, quý III năm nay, May Sông Hồng sẽ khởi công tiếp Nhà máy Xuân Trường 2 trên diện tích khu đất là 10 ha. Nhà máy có quy mô thu hút khoảng 3.000 lao động. Dự kiến, sau 10 tháng thi công, nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

Như vậy quy mô lao động của May Sông Hồng sẽ tăng lên tới 15.000 người, sẵn sàng cho thị trường hồi phục trở lại vào năm 2024.

Với lượng lao động rất lớn, công tác tối ưu hóa chi phí ở MSH được thực hiện ra sao?

Với đặc thù sản xuất FOB là chủ yếu, chúng tôi có khối chuẩn bị sản xuất và khối tác nghiệp tác chiến trực tiếp. May Sông Hồng không tự phụ nhưng tự hào là nơi có đội ngũ lao động xuất sắc. Chẳng hạn như khối Nghiên cứu- phát triển hiện quy tụ gần 100 nhân sự trẻ, tốt nghiệp các trường đại học lớn trên cả nước về làm việc.

Số lượng nhân sự khối back của MSH không nhiều nhưng có thể đảm nhận khối lượng công việc rất lớn. Mười mấy nghìn lao động nhưng chỉ có 2 người làm công tác tổ chức cán bộ, mỗi tháng Công ty chi 100 tỷ tiền lương, phụ cấp nhưng chỉ có 4-5 người quản lý. Nói điều đó để thấy về nhân lực là MSH đã tiết kiệm tối đa, sử dụng hiệu quả nhất.

Tôi vẫn thường nói với HĐQT và Ban tổng giám đốc, dù khó khăn thế nào, cổ tức cho cổ đông có thể thấp hơn, lợi nhuận có thể thấp hơn, Công ty cũng phải giữ vững chính sách cho người lao động, còn công nhân là còn nhà máy, để mất công nhân là nhà máy mất. Khi thị trường thuận lợi, họ lại làm tốt cho công ty.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc trao đổi với các cổ đông

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc trao đổi với các cổ đông

Sự thay đổi và dịch chuyển về chuỗi dệt may toàn cầu sẽ có tác động như thế nào đến doanh nghiệp? Giải pháp ứng phó của May Sông Hồng là gì?

Các tập đoàn Mỹ, châu Âu đang dịch chuyển nhà máy sang các vị trí địa lý gần như Trung Mỹ, châu Phi để hạ giá thành vận chuyển, nhân công. Dù vậy, hàng phức tạp, hàng khó họ vẫn làm ở Việt Nam. Đây là xu hướng tốt cho các doanh nghiệp lớn.

Các tập đoàn lớn như Wal-mart, Columbia, Target vẫn gia tăng đơn hàng với MSH. Tình hình khó khăn chung nhưng chúng tôi vẫn đang phát triển ổn định, tài chính lành mạnh.

Về đơn hàng năm nay, Sông Hồng năm nào cũng có đơn hàng, có điều là hàng nhiều hay ít. Đặc thù của dệt may là tháng Hè làm đơn hàng mùa Đông, tháng Đông lại làm hàng Hè. Như tôi đã đề cập, hiện hàng dệt kim các hãng có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường khác nên quý III có thể sẽ chút khó khăn về đơn hàng, quý 4 thì đơn hàng lại dồi dào.

Tin bài liên quan