Năm nay, May 10 đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 26,7% so với năm 2022.

Năm nay, May 10 đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 26,7% so với năm 2022.

Doanh nghiệp dệt may loay hoay gỡ rối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đơn hàng từ các thị trường lớn suy giảm, doanh nghiệp dệt may nỗ lực tìm thị trường mới và đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Đặt mục tiêu thấp hơn

Ngày 14/3, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 337 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 11% và 16% so với mức thực hiện năm ngoái.

Tuy nhiên, trước thềm đại hội cổ đông thường niên (dự kiến diễn ra vào ngày 23/4), trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo TNG cho biết, đầu tháng 4, Công ty đã điều chỉnh các chỉ tiêu này theo hướng thấp hơn nhiều, với doanh thu 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 299 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm ngoái, chỉ tiêu doanh thu đi ngang, trong khi lợi nhuận chỉ tăng không đáng kể.

Trước thềm đại hội cổ đông thường niên, TNG đã điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh theo hướng thấp hơn nhiều dự định ban đầu.

Theo lãnh đạo TNG, kết quả kinh doanh quý I và dự kiến quý II vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ. Riêng tháng 3 vừa qua, doanh thu đạt 561 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, sang quý III, doanh thu và lợi nhuận của Công ty có thể sẽ sụt giảm, bởi theo dự đoán, các doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ xả ra một lượng hàng tồn kho lớn, tạo áp lực lên giá và doanh thu tiêu thụ của Công ty.

Bức tranh kinh doanh quý IV của ngành dệt may xuất khẩu cũng khó đoán định, bởi đơn hàng dệt may có tính mùa vụ và thị trường Trung Quốc là một ẩn số. Với quy mô dân số 1,4 tỷ người, nếu Trung Quốc mở cửa hết thị trường, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sẽ tăng 10%, bởi sức mua lớn.

Với tình hình thị trường xuất khẩu kém tích cực, năm nay, Tổng công ty cổ phần May 10 (mã M10) đặt kế hoạch doanh thu 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 26,7% so với kết quả ghi nhận trong năm 2022.

“Xung đột giữa Nga và Ukraine chưa kết thúc, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu, đẩy giá dầu và giá nguyên liệu, vật tư, năng lượng cho các ngành sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Hoạt động logistics tiếp tục khó khăn đẩy giá tăng thêm, làm giảm tốc độ phục hồi, tăng trưởng của tất cả các nền kinh tế”, lãnh đạo May 10 phân tích bối cảnh này ảnh hưởng đến tình trạng đơn hàng của Công ty.

Tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM), tình hình khó khăn của thị trường xuất khẩu đã phản ánh trên kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu 2 tháng đạt 21 triệu USD, tương đương 74% cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1,178 triệu USD, tương đương 70% cùng kỳ.

Về tình hình đơn hàng, tính đến cuối tháng 3, Công ty mới nhận khoảng 80% kế hoạch đơn hàng trong quý II và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý III.

Nhận định được Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra, trong năm 2023, ngành dệt may còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhu cầu trên thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định. Đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính giảm, hoặc tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, các đối tác xuất khẩu cũng đòi hỏi khắt khe hơn, như giá bán thấp hơn, thời gian giao hàng nhanh hơn, chất lượng cao hơn và chuyển đổi sang sử dụng vải có thành phần sợi tái chế, trong khi đề xuất giá nhập thấp hơn…

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2023 do S&P Global thực hiện cho thấy cả sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đều giảm mạnh khi nhu cầu khách hàng giảm. Trong đó, tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần thứ 4 trong 5 tháng qua và số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài lần đầu tiên giảm trong 3 tháng trở lại đây.

Cắt giảm chi phí, tìm kiếm thị trường mới

Tối ưu hóa chi phí là cách mà các doanh nghiệp dệt may đang thực hiện để ứng phó với tình trạng đơn đặt hàng và giá bán đều sụt giảm. Lãnh đạo May 10 khẳng định, “năm nay, Tổng công ty sẽ thực hành nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí một cách toàn diện để ứng phó với khó khăn của thị trường”.

Ngoài ra, Công ty cũng tập trung phát triển thị trường nội địa. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc 10, Việt Nam với quy mô 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, nhóm dân số trung lưu cũng gia tăng là thị trường tiềm năng cho ngành may mặc.

Trong khi đó, TNG cho biết, trước sức cầu ở thị trường truyền thống như Mỹ và EU sụt giảm, Công ty đẩy mạnh đơn hàng vào các thị trường khác. Hiện doanh số xuất khẩu của TNG sang Canada đạt mức tăng trưởng tốt, phần nào bù đắp được cho sự sụt giảm đơn hàng vào Mỹ. Ngoài ra, tại thị trường Nga, khách hàng của TNG đang phát triển tốt cũng là một yếu tố thuận lợi.

Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu của TCM, có thể thấy doanh nghiệp này chủ động đẩy mạnh thị trường châu Á khi Mỹ và EU vẫn đối mặt với lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế. Trong hai tháng đầu năm 2023, doanh số xuất khẩu sang các nước châu Á chiếm 75% tổng doanh thu xuất khẩu của Công ty. Riêng thị trường Hàn Quốc chiếm gần 29%, Nhật Bản chiếm hơn 24% - tương đương tỷ trọng của thị trường Mỹ (24,77%). Trong khi thị trường châu Âu chỉ đóng góp 3,8%, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang Anh (3,5%).

Bên cạnh tìm kiếm thị trường, một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy để chuẩn bị đón sóng thị trường phục hồi. Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) vừa thông qua Nghị quyết về việc chi 700 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nhà máy May Sông Hồng - Xuân Trường trong năm 2023.

Ngày 22/4 tới, May Sông Hồng sẽ tiến hành đại hội cổ đông, nhưng đến thời điểm này, Công ty chưa tiết lộ chỉ tiêu kinh doanh năm nay.

Cầu yếu, cạnh tranh cao, các bên mua càng đòi hỏi nhà cung cấp đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn. Trong đó, các doanh nghiệp bên mua hướng tới các sản phẩm có yếu tố bền vững nhiều hơn. TCM cho biết, xu hướng tất yếu của dệt may Việt Nam là phát triển bền vững, các sản phẩm thời trang không gây tác hại cho môi trường. TCM đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) hoạt động như mô hình dệt may khép kín thu nhỏ, cung cấp khoảng 8% tổng doanh thu của Công ty hiện nay.

Tình hình khó khăn của ngành dệt may có thể kéo dài đến quý IV/2023 và hy vọng mùa lễ hội cuối năm sẽ kéo nhu cầu đơn hàng lên cao hơn, giúp doanh nghiệp có động lực trở lại.

Tin bài liên quan