ĐHCĐ năm 2022: BAF tham vọng lớn, tiềm lực tài chính hạn chế

ĐHCĐ năm 2022: BAF tham vọng lớn, tiềm lực tài chính hạn chế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán BAF – sàn HOSE) dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh tham vọng, đại hội dự kiến tổ chức sáng ngày 15/3 tại TP.HCM.

Theo đó, trong năm 2022, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 43% về 5.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 24,8% lên 402 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty dự kiến mảng kinh doanh nông sản đóng góp 4.000 tỷ đồng doanh thu, chiếm 67,2% tổng doanh thu và lợi nhuận dự kiến 64 tỷ đồng, chiếm 16% tổng lợi nhuận; mảng chăn nuôi đóng góp 1.272 tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng doanh thu và lợi nhuận dự kiến 294 tỷ đồng, chiếm 73% tổng lợi nhuận; và mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi đóng góp 678 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng doanh thu và lợi nhuận dự kiến 45 tỷ đồng, chiếm 11% tổng doanh thu.

Như vậy, Công ty dự kiến đóng góp lợi nhuận lớn nhất đến từ mảng chăn nuôi, trong đó chủ yếu cung cấp ra thị trường giống heo bố mẹ, heo thịt và heo cai sữa với tổng 259.130 con trong năm 2022. Được biết, trong năm 2021, Công ty chỉ cung cấp ra thị trường 155.180 con heo.

Để thực hiện tham vọng này, Công ty đồng thời trình cổ đông kế hoạch triển khai thêm 10 dự án mới trong năm 2022 để mở rộng quy mô kinh doanh bao gồm:

Thứ nhất, dự án Đông An Khánh tại Tây Ninh với quy mô 14,9 ha, quy mô trại 5.000 heo, dự kiến khởi công quý I/2022.

Thứ hai, dự án Phú Yên 2 tại tỉnh Phú Yên với quy mô 25 ha, quy mô trại 30.000 heo thịt, dự kiến khởi công quý II/2022.

Thứ ba, dự án trang trại Xanh 2 tại Tây Ninh với diện tích 10,6 ha, quy mô 30.000 heo thịt, khởi công quý I/2022.

Thứ tư, dự án Thiên Phú Sơn tại Bình Phước với diện tích 10,6 ha, quy mô trại 1.500 heo nái và 10.000 heo thịt, dự kiến khởi công quý II/2022.

Thứ năm, dự án Hải Đăng tại Tây Ninh với quy mô 50 ha, quy mô trại 10.000 heo nái và 60.000 heo thịt, dự kiến quý I/2022.

Thứ sáu, trại Thanh Hoá 2 tại Thanh Hoá với quy mô 15 ha, quy mô trại 30.000 heo thịt, dự kiến khởi công quý II/2022.

Thứ bảy, dự án trại Tây Kỳ tại Nghệ An với quy mô 35 ha, quy mô trại 60.000 heo thịt, khởi công quý III/2022.

Thứ tám, dự án nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định với quy mô 3,5 ha, công suất 200.000 tấn/năm, khởi công quý IV/2022.

Thứ chín, dự án nhà máy giết mổ chế biến BAF Meat Bình Phước với quy mô 4,7ha, quy mô giết mổ 240 con/giờ, khởi công quý III/2022.

Thứ mười, dự án nhà máy giết mổ chế biến BAF Meat Hoà Bình với quy mô 8 ha, quy mô giết mổ 240 con/giờ, dự kiến khởi công quý IV/2022.

Mặc dù Công ty chưa công bố vốn đầu tư dự kiến cho từng dự án, tuy nhiên với việc triển khai đồng bộ 10 dự án cùng trong năm 2022, điều này sẽ đòi hỏi quy mô vốn tương đối lớn khi đồng bộ triển khai nhiều dự án tại nhiều tỉnh thành.

Trong khi đó, tính tới 31/12/2021, Công ty chỉ sở hữu 348,1 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 6,4% tổng tài sản. Ngoài ra, tài sản Công ty chủ yếu gồm tồn kho và các khoản phải thu lên tới 3.951,1 tỷ đồng, chiếm 72,4% tổng tài sản.

Mới đây, ngày 7/3/2022, BAF thông qua kế hoạch đầu tư 2 dự án nuôi heo tại Gia Lai với tổng quy mô 120 ha, cung cấp 10.000 nái và 120.000 heo thịt/lứa, tổng vốn đầu tư hai dự án không quá 35% tổng tài sản, tương đương 1.910 tỷ đồng.

Như vậy, rõ ràng với việc tài sản Công ty chủ yếu nằm ở bên thứ ba là các khoản phải thu lên tới 2.863,4 tỷ đồng, trong khi lượng tiền mặt thực tế sở hữu chỉ có 348,1 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ là một thách thức không nhỏ cho việc huy động vốn triển khai đồng bộ nhiều dự án cùng một thời điểm trong năm 2022.

Ai sẽ hỗ trợ BAF về vốn, kinh nghiệm?

BAF chỉ mới được thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tuy nhiên Công ty liên tục thực hiện tăng vốn, vốn điều lệ thời điểm hiện tại đã 780 tỷ đồng, bằng 26 lần so với thời điểm thành lập.

Trong đó, người gây dựng thương hiệu của BAF là bà Bùi Hương Giang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty. Trước khi cổ phiếu niêm yết trên sàn, bà Giang từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty, tuy nhiên đã miễn nhiệm ngày 2/3/2021.

Bà Giang sinh năm 1980 tại Hải Phòng, trước khi bắt đầu đảm nhiệm Giám đốc điều hành ngành nông sản tại BAF từ tháng 6/2020, bà Giang từng giữ quản lý kinh doanh ngành nông sản nguyên liệu Thức ăn chăn nuôi CTCP Tân Long (từ 2007 - 2013); giữ quản lý kinh doanh ngành nông sản nguyên liệu Thức ăn chăn nuôi CTCP HUM (từ 2014 - 6/2020).

Ngoài ra, trong Báo cáo tài chính tính tới 31/12/2021, Công ty đang ghi nhận 168,6 tỷ đồng phải thu CTCP Tập đoàn Tân Long, tổ chức mà bà Giang đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong một thời gian dài trước khi trở thành lãnh đạo công ty mới thành lập với ngành nghề khá tương đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Tập đoàn Tân Long được thành lập năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi; sản xuất - kinh doanh gạo; xuất khẩu - nhập khẩu hạt; khai thác và chế biến khoáng sản - sản xuất hoá chất; sản xuất cơ khí công nghệ cao.

Tên tuổi Tập đoàn Tân Long gắn liền với ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty.

Lãnh đạo chủ chốt giảm sở hữu khi niêm yết, ai sẽ là cổ đông lớn để nhà đầu tư đặt niềm tin?

Cơ cấu cổ đông của BAF tính tới 31/12/2021.

Cơ cấu cổ đông của BAF tính tới 31/12/2021.

Chỉ trong vòng 1 năm trước thời điểm niêm yết, cơ cấu cổ đông của BAF có sự biến động rất mạnh khi bà Bùi Hương Giang đã giảm sở hữu từ 80% về chỉ còn 13,25% vốn điều lệ; ông Nguyễn Anh Tuấn và bà Vũ Thị Thuỳ Dung đồng loạt bán ra toàn bộ cổ phiếu giảm sở hữu từ 10% vốn điều lệ về 0%; Công ty chỉ có một cổ đông cá nhân mới là ông Phan Ngọc Ân, Chủ tịch HĐQT nâng sở hữu từ 0 lên 6,35% vốn điều lệ; còn lại tới 80,39% trôi nổi bên ngoài thuộc về nhóm cổ đông khác.

Cổ phiếu BAF mới niêm yết ngày 3/12/2021. Như vậy, trước thời điểm niêm yết hàng loạt lãnh đạo và cổ đông lớn giảm sở hữu, lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài tăng mạnh từ 0% lên 80,39% vốn điều lệ, điều này cũng đặt ra sự hoài nghi về ai mới thực sự đang là cổ đông lớn để những nhà đầu tư bên ngoài tin tưởng.

BAF có tiếp tục tăng quy mô tài sản bằng mua bán chịu với đối tác, nhà cung cấp và khách hàng?

Kể từ khi thành lập, để tăng quy mô tài sản, BAF liên tục thực hiện chiến lược tăng khoản phải thu ngắn hạn bên tài sản và đồng thời tăng phải trả người bán ngắn hạn bên nguồn vốn. Tính tới 31/12/2021, phải trả người bán ngắn hạn đạt tới 3.774,3 tỷ đồng, chiếm 69,2% tổng nguồn vốn.

Cơ cấu phải trả người bán ngắn hạn của BAF tính tới 31/12/2021.

Cơ cấu phải trả người bán ngắn hạn của BAF tính tới 31/12/2021.

Công ty thuyết minh các khoản phải trả nhà cung cấp lớn như 803,6 tỷ đồng CTCP Kinh doanh thương mại Thịnh Phát; 617,2 tỷ đồng CTCP Nông sản MOGB Quốc tế; 608 tỷ đồng CTCP CBOT Việt Nam; 438,6 tỷ đồng CTCP Nông sản TZAN Quốc Tế ...

Tương tự, tài sản các khoản phải thu ngắn hạn đạt tới 2.863,4 tỷ đồng, chiếm 52,5% tổng tài sản.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Công ty chỉ là 1.454,8 tỷ đồng, chiếm 26,7% tổng nguồn vốn. Như vậy, nợ phải trả đang bằng 2,8 lần vốn chủ sở hữu. Được biết, với chiến lược mua bán chịu với đối tác, nhà cung cấp và khách hàng, Công ty có thể đẩy nhanh quy mô tài sản. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp đang niêm yết cũng trong lĩnh vực chăn nuôi, hiệu quả sử dụng tài sản ROA đang cho thấy kém hiệu quả hơn.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là trước thời điểm niêm yết công ty thực hiện chiến lược mua bán chịu với đối tác, nhà cung cấp và khách hàng để tăng quy mô tài sản, nhưng sau khi niêm yết, liệu chiến lược này có tiếp tục diễn ra và làm cách nào để Công ty tăng hiệu quả ROA, cũng như quản trị được các khoản phải thu nói trên?

Tin bài liên quan