ĐHCĐ Nhơn Trạch 2 (NT2): Kế hoạch lãi 462 tỷ đồng, giảm 26%, sau tháng 6 sẽ hết nợ nước ngoài

ĐHCĐ Nhơn Trạch 2 (NT2): Kế hoạch lãi 462 tỷ đồng, giảm 26%, sau tháng 6 sẽ hết nợ nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều cổ đông NT2 cho rằng, lãnh đạo lên kế hoạch năm 2021 thận trọng, do nửa cuối năm không chịu lãi vay nợ nước ngoài nữa, công ty cũng không phải chi trả khoản bảo hiểm liên quan đến khoản nợ này.

ĐHCĐ 2021 CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, với sản lượng 4.600 kWh, tăng 18%, tổng doanh thu 7.713 tỷ đồng, tăng 26% nhưng lãi sau thuế kế hoạch 462 tỷ đồng, giảm 26% so với thực hiện năm 2020. Cổ tức dự kiến 15%.

NT2 dự báo giá thị trường điện vẫn còn tiếp tục thấp do nguồn cung năng lượng tái tạo, trong khi công ty vẫn phải tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh, nên phải lên xuống máy dẫn đến rủi ro trong vận hành. Đồng thời, giá nguyên liệu tăng làm giảm tính cạnh tranh trong thị trường điện và sản lượng hợp đồng tháng (Qc) phân bổ thấp, giá hợp đồng giảm. Đây là những yếu tố tác động đáng chú ý tới hoạt động của công ty trong năm 2021.

Đối với NT2, cụ thể các yếu tố làm sụt giảm chỉ tiêu lợi nhuận năm 2021 là giá điện giảm 37,59 đồng/kWh từ ngày 1/1/2021. Giá khí lập kế hoạch năm 2021 cao hơn 20,6% so với năm 2020 (7,21/5,9744), cao hơn 8% so với năm 2019 (7,21/6,66) nên làm giảm cạnh tranh và lợi nhuận trong thị trường điện. Ảnh hưởng nguồn năng lượng tái tạo, và tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài làm giảm nhu cầu phụ tải của hệ thống điện.

Theo đó, NT2 sẽ thống nhất giá điện hợp đồng (Pc) với phương án IR 11,5%. Đồng thời, làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) để phân bổ Qc năm 2021 cao nhất có thể nhằm tạo thuận lợi trong thị trường điện, phối hợp cùng các đối tác EVN/A0/EPTC, PV GAS và các bên liên quan đế tối ưu hoá thời gian phát điện.

Ông Ngô Đức Nhân, Giám đốc NT2 cho biết, thông thường Qc quý 3 các năm trước thấp, nhưng năm nay sẽ cao vì các nhà máy xuống máy trùng tu, đại tu, còn NT2 chỉ tiểu tu 1 tổ máy 7 ngày nhưng đặt mục tiêu chỉ làm trong 5 ngày, tăng thời gian vận hành. Hiện Công ty chuẩn bị cho 100.000 giờ sửa chữa tiếp theo vào năm 2023, nhưng cần chuẩn bị từ bây giờ, để làm việc cùng các đối tác sao cho giảm được chi phí sửa chữa trên 1kwh

Bên cạnh đó, ông Nhân cho biết, năm nay công ty phải trả nợ nước ngoài vào tháng 6 tới và hết kỳ này là hết nợ nước ngoài.

Ông Hồ Công Kỳ, đại diện cổ đông lớn Nhà nước là Tổng công ty Điện lực dầu khi Việt Nam (PVPower) cho biết, NT2 là khoản đầu tư có hiệu quả nhất đến thời điểm này của Tập đoàn. Những nhà đầu tư đi cùng NT2 từ đầu đều thấy rõ, tính đến 31/12/2020, NT2 tròn 10 năm vận hành thương mại, cung cấp lên lưới điện quốc gia 45 tỷ kWh, đến nay 45,9 tỷ kWh. Bình quân mỗi năm NT2 phát 4,5 tỷ kWh. Đây là các con số rất ấn tượng.

Tuy nhiên, năm 2021 sẽ có khó khăn hơn, NT2 đã nêu các yếu tố tác động, trong đó ông Kỳ nhấn mạnh các cơ chế quản lý nhà nước, Chính phủ, Bộ Công thương ngày càng minh bạch và chặt chẽ hơn. Hiện theo quy định mới của Bộ Công thương về đàm phán giá điện, nhất là dự án mới, và dự án chuyển đổi như Nhơn Trạch 2, trước đây không khống chế IRR, nhưng nay đã khống chế IRR không quá 12% suốt vòng đời dự án. Chính vì vậy, năm 2020, đội ngũ NT2 đã hoàn thành đàm phán ký phụ lục hợp đồng Mua bán điện với IRR 11,5% - là không dễ tí nào.

Bên cạnh đó, theo ông Kỳ, thị trường đang giai đoạn củng cố mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, rồi sẽ chuyển đổi sang giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nên mức độ cạnh tranh kinh khủng, chưa kể năng lượng tái tạo vào nhanh quá, càng khốc liệt hơn.

Đại diện cổ đông lớn PV Power còn cho rằng, nguồn nguyên liệu đầu vào thì xu hướng tất yếu là nguồn giá rẻ ngày càng giảm, sẽ phải sử dụng nguồn gia cao như Sao Vàng Đại Nguyệt, sắp tới có thể phải sử dụng cả LNG nhập khẩu, và máy móc thiết bị đầu tư hơn 10 năm, công nghệ ngay càng cũ so với thế hệ hiện nay.

Dù vậy, nhiều cổ đông cho rằng, lãnh đạo lên kế hoạch năm 2021 thận trọng, do nửa cuối năm không chịu lãi vay nợ nước ngoài nữa, công ty cũng không phải chi trả khoản bảo hiểm liên quan đến khoản nợ này, ước tính của cổ đông chi phí tài chính có thể tiết kiệm 50 tỷ đồng chưa được tính vào kế hoạch chung. Bên cạnh đó, khoản chênh lệch tỷ giá cũng chưa được tính đến. Và ước tính giá khí đang cao hơn giá thị trường cũng chưa điều chỉnh.

Theo đó nhiều cổ đông đề nghị công ty có thể đưa thêm nội dung chia cổ tức 15%-20%, thay vì để ở mức 15%.

Ông Lê Việt An, Kế toán trưởng NT2 cho biết, chênh lệch tỷ giá gồm 2 phần. Trong đó, phần 1 nằm trong lợi nhuận sau thuế khoảng 600 tỷ đồng trên BCTC – là lãi chênh lệch tỷ giá 2012 - 2014. Khoản chênh lệch tỷ giá tại thời điểm đó là Công ty lãi, nếu Thông tư 56 có hiệu lực từ năm 2011 chứ không phải từ 2015 thì NT2 phải trả lại cho EVN số tiền đó, do lãi thu về, lỗ thì được EVN hoàn trả lại.

Đây là khoản đánh giá lại khoản vay ngoại tệ trên nguyên tắc thận trọng thì chưa chia cổ tức. Sau khi hoàn thành trả nợ vay vào tháng 6/2021, Ban điều hành báo cáo HĐQT và sẽ xin ý kiến nếu cân đối được dòng tiền thì xin ý kiến chia cổ tức cho khoản lợi nhuận sau thuế đó.

Phần chênh lệch tỷ giá thứ 2 là phát sinh các năm 2016 - 2020 đang dự kiến, khi đàm phán EVN tại thời điểm 2011 - 2014 thống nhất tỷ giá tạm trên hợp đồng mua bán điện, sau này đám phán lại hợp đồng mua bán điện theo Thông tư 56 thì các bên xác định lại tỷ giá trên hợp đồng mua bán điện. NT2 dự kiến thu về 400 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá, nhưng thu hồi con số này vẫn đang thực hiện. Nguyên tắc là phải ký xong phụ lục, rồi làm việc cùng EVN để ký phụ lục bổ sung.

Về vấn đề chia cổ tức, sau ngày 1/6 trả nợ xong, Công ty cân đối dòng tiền sẽ trình HĐQT và xin ý kiến cổ đông xử lý vấn đề này

Cổ đông thắc mắc, dòng tiền sau trả nợ khoảng 1.000 tỷ đồng có tính đến việc hoàn trả lại cho cổ đông (bằng hình thức cổ tức ưu đãi chẳng hạn) không?

Ông Nhân, Giám đốc NT2 cho biết, tháng 6/2021 hết trả nợ nước ngoài, hết 2031 mới hết khấu hao, như vậy, thời gian khấu hao dài hơn thời gian trả nợ. Hết trả nợ thì lợi hơn là không chịu thêm chi phí lãi vay, nhưng phải bù vào cho khoản khấu hao còn lại.

Công ty sẽ có dòng tiền mạnh sau khi hết khấu hao, lợi nhuận tăng lên. Khấu hao có 2 giai đoạn, hết 2025 là hết khấu hao phần thiết bị, hết 2031 hết khấu hao phần xây dựng. Do vậy, phải hết khấu hao mới bổ sung vào lợi nhuận được, có lợi nhuận mới tính đến cổ tức được.

Còn về cổ tức 10% còn lại của năm 2020, ông Nhân cho biết, Công ty đang khó khăn về dòng tiền nên HĐQT có phê duyệt khoản vay trong nước bổ sung nguồn vốn, tập trung trả nợ vào 1/6, sau khi trả nợ, sẽ làm kế hoạch dòng tiền để trình HĐQT, báo cáo cổ đông để chia nốt 10% còn lại.

Tin bài liên quan