ĐHCĐ Phát Đạt (PDR): Dư nợ trái phiếu còn khoảng 1.400 tỷ đồng, tự tin đã vượt qua khó khăn

ĐHCĐ Phát Đạt (PDR): Dư nợ trái phiếu còn khoảng 1.400 tỷ đồng, tự tin đã vượt qua khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) "Nhìn số tuyệt đối của phát hành riêng lẻ thì cổ đông thấy có vẻ thiệt, nhưng là cổ đông lớn, tôi thấy không thiệt. Lúc khó khăn nhất, tôi đã chấp nhận bán tài sản 300 tỷ đồng với giá 200 tỷ đồng để có được dòng tiền hỗ trợ Công ty".

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR - sàn HOSE) chia sẻ cùng cổ đông trong Đại hội cổ đông 2023 diễn ra sáng nay 30/6.

Tại đại hội, ông Đạt chia sẻ thông tin tích cực với lợi nhuận quý II/2023 đạt khoảng 360 tỷ đồng, Danh Khôi đã trả cho Phát Đạt hơn 800 tỷ đồng và sẽ tiếp tục trả từ đây đến cuối năm.

Theo ông Đạt, điểm tích cực của PDR là năm 2022 đã tất toán nhiều lô trái phiếu trước hạn, giữ uy tín với trái chủ cũng như cổ đông. Các chỉ số tiêu biểu cho sức khỏe doanh nghiệp đều được duy trì ở mức tốt. Cho đến thời điểm này, ông Đạt tự tin cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của PDR đã đi qua.

Năm 2022, tổng doanh thu PDR ghi nhận 5.339 tỷ đồng (bao gồm doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ, chuyển nhượng cổ phần ở các công ty con và doanh thu khác). Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.482 tỷ đồng và 1.161 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản tăng 11,15%, 20.552 tỷ đồng lên 22.843 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 13,7%, từ 8.145 tỷ đồng lên 9.261 tỷ đồng.

Tổng nợ vay của Phát Đạt là 4.440 tỷ đồng (so với khoảng 5.265 tỷ đồng vào cuối quý III/2022), trong đó có khoảng 2.510 tỷ đồng là trái phiếu. So với quy mô hoạt động và tài sản hiện có của Phát Đạt, số nợ này đang nằm trong ngưỡng khá an toàn và đảm bảo thanh khoản trong năm 2023.

Lãnh đạo Công ty cho biết, Phát Đạt chú trọng đến việc gia tăng quỹ đất để đảm bảo chiến lược phát triển bền vững. Hiện tổng diện tích đất thuộc danh mục đầu tư lên đến 7.434 ha. Trong đó, các dự án đáng chú ý đang triển khai là Cadia Quy Nhon, Bình Dương Tower, 223 Trần Phú – Đà Nẵng, Serenity Phước Hải, Bắc Hà Thanh và 39 Phạm Ngọc Thạch, TP. HCM.

Năm 2023, Phát Đạt đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.800 tỷ đồng (gồm cả doanh thu tài chính, chuyển nhượng cổ phần ở công ty con, công ty liên kết), lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, sau thuế 680 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến bằng cổ phiếu tối thiểu 15%.

Phát Đạt có kế hoạch triển khai hơn 13.000 sản phẩm tại các thị trường đang có nhu cầu lớn như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Đà Nẵng, kỳ vọng mang lại doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng.

ĐHCĐ cũng tiến hành thông qua phương án phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cụ thể, Công ty chào bán 20% cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu (tương ứng phát hành thêm 134 triệu cổ phiếu), giá chào bán 10.000 đồng/CP, để tạo nguồn vốn bổ sung phát triển các dự án trọng điểm và chào bán 10% cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, giá chào bán 10.000 đồng/cp (dự thu về 671,6 tỷ đồng) để tái cơ cấu các khoản vay. Mục tiêu là để giải quyết nhu cầu vốn trong bối cảnh thị trường vốn hiện tại vừa nâng tầm nội lực tài chính trong dài hạn.

Đồng thời, ĐHCĐ tiến hành thông qua nội dung miễn nhiệm, và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028, bao gồm ông Nguyễn Văn Đạt, ông Bùi Quang Anh Vũ, ông Nguyễn Tấn Danh, ông Lê Quang Phúc và ông Trọng Gia Vinh và nhân sự mới được đề cử là ông Dương Hảo Tôn.

Ông Tôn là Chủ tịch HĐTV của Công ty TNHH Bất động sản 189 và đang không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại PDR. Ông được nhóm cổ đông gồm Công ty TNHH Phát Đạt Holdings, ông Bùi Quang Anh Vũ, bà Trần Thị Hường, bà Đoàn Thị Thanh Giang, bà Phạm thị Mỹ Phương và bà Nguyễn Thị Phương Thảo đại diện cho 11,44% vốn đề cử.

Thảo luận tại Đại hội

Chia sẻ với cổ đông về việc phát triển dự án, ông Đạt cho biết, vừa qua, PDR đã xong được pháp lý Astral city. Nếu không có gì thay đổi, tháng 7, Công ty sẽ có chủ trương triển khai dự án ở Bình Dương, tháng 8 được giao dự án ở Bình Định, trong tháng 7-8 có quy hoạch dự án ở Phước Hải.

Trong đó, trả lời thắc mắc về việc bắt tay với đối tác Nhật trong dự án Tower Bình Dương, vị Chủ tịch cho hay, hiện Công ty có nhiều đối tác muốn tham gia, nhưng kết quả cụ thể thì chưa quyết định.

Về vấn đề phát hành thêm sẽ khiến cổ phiếu bị pha loãng, ông Đạt nói: "Tăng vốn để tiếp tục xây dựng, phát triển dự án, có dự án tương lai. Lúc này, chịu thiệt một chút, nhưng bước đi sắp tới là không có rủi ro, là bền vững".

Còn việc lo ngại đợt phát hành không thành công, ông Đạt cho biết, Phát Đạt đã tìm kiếm được các nhà đầu tư từ mấy tháng trước. "Cổ đông yên tâm. Những gì Phát Đạt làm là đúng quy định pháp luật", ông nói.

Đồng thời, ông Đạt đã đưa ra đề nghị rằng: "Phát hành riêng lẻ thì giá phải bằng giá trị sổ sách, nếu cổ đông riêng lẻ không mua thì tôi mua".

Mục đích của đợt phát hành, Phát Đạt sẽ dùng số tiền thu được từ đợt phát hành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp để trả nợ trái phiếu (tại 31/3/2023, Phát Đạt còn gần 1.400 tỷ đồng nợ trái phiếu); còn tiền thu được từ phát hành cho cổ đông hiện hữu (dự kiến 1.300 tỷ đồng) là đưa tiền vô để phát triển dự án (dự án Bình Định, KDC Bắc hà Thanh, dự án tại Quy Nhơn, và dự án Nguyễn Thị Minh Khai – các dự án mang lại dòng thu trong 2023-2024).

Đích đến của Phát Đạt là trong năm nay, hoặc chậm nhất đầu năm sau, các khoản nợ ngắn hạn phải được dứt điểm. Và với dòng tiền từ 4 dự án (Nguyễn Thị Minh Khai, Bình Dương; dự án Bình Định, Bắc Hà Thanh; Dự án Phước Hải) và thứ 5 là dòng tiền từ thu hồi nợ từ Danh khôi, thì dự kiến đến năm sau, Phát Đạt sẽ không có khoản nợ ngắn hạn đáng kể nào.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc Ban lãnh đạo Công ty có bị bán giải chấp cổ phiếu không, ông Đạt chia sẻ, có hiện tượng này vào tháng 11 và 12 năm ngoái, nhưng trong 5 tháng trở lại thì PDR không có vấn đề về giải chấp.

Đại hội kết thúc, tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Tin bài liên quan