Ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ với cổ đông

Ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ với cổ đông

ĐHCĐ TNG: Duy trì ngành lõi, mở rộng thêm bất động sản công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiến lược đa dạng hóa hoạt động sang mảng bất động sản công nghiệp bên cạnh củng cố mảng dệt may truyền thống đã được ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG công bố tại ĐHCĐ sáng 25/4.

Năm 2021, TNG đặt kế hoạch doanh thu 4.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng, tăng 7% và 14% so với thực hiện năm 2020. Đây là kế hoạch kinh doanh thận trọng nhất bởi theo ông Nguyễn Văn Thời, nếu tình hình thị trường duy trì như hiện nay, Công ty có thể đạt được 6.000 tỷ đồng doanh thu và 249 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cho từng nhà máy, từng khoản mục chi phí đều được dự toán. Các giám đốc nhà máy sẽ xây dựng kế hoạch cho từng nhà máy của mình, sau đó được Hội đồng công ty xem xét phê duyệt, sau khi 2 bên thảo luận và thống nhất các điều chỉnh, Công ty mẹ ký chấp nhận kế hoạch, từ đó là căn cứ để từng nhà máy thực hiện. Con số doanh thu và lợi nhuận được tổng hợp từ các kế hoạch chi tiết này”, ông Thời cho biết.

Đại hội thông qua mức cổ tức 8% năm 2020 bằng cổ phiếu.

Đại hội thông qua mức cổ tức 8% năm 2020 bằng cổ phiếu.

Quý I, doanh thu thuần của Công ty đạt gần 911 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ tuy nhiên giá vốn hàng bán cũng tăng cao nên TNG chỉ lãi sau thuế 22 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.

Theo chia sẻ của lãnh đạo TNG, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng mới ký với khách hàng trong quý I/2021 có đơn giá thấp hơn với cùng kỳ từ 5 - 10% trong khi các chi phí đầu vào, chi phí phải trả cho người lao động không giảm dẫn đến chi phí cho một sản phẩm tăng so với cùng kỳ. Giảm giá vốn xuống thấp hơn trong quý II, cùng như đàm phán các đơn hàng có giá cao hơn đang được Công ty triển khai mạnh mẽ.

Với các đơn hàng thực hiện trong quý II, ông Thời chia sẻ, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Công ty sẽ vượt so với cùng kỳ.

Cho đến thời điểm này, các nhà máy đã nhận đủ đơn hàng cho hết quý III năm nay. Có nhà máy đã nhận đủ đơn hàng cho cả năm và phải từ chối các đơn hàng mới.

“Năm nay chúng tôi kỳ vọng ngành may sẽ trở về như năm 2019”, ông Thời chia sẻ.

3 mặt hàng có triển vọng biên lợi nhuận gấp 5 lần hàng may truyền thống (sản xuất theo phương thức ODM) của TNG đang có tín hiệu khả quan là găng tay và lều cắm trại, sản xuất bông nguyên phụ liệu.

“Mặt hàng găng tay Walmart đang đề nghị TNG sản xuất số lượng lớn, bán trực tiếp cho họ không qua Decathlon nữa. Còn lều cắm trại thì Decathlon đang thúc đẩy TNG mở rộng sản xuất số lượng lớn”, các giám đốc nhà máy của TNG cho biết.

Vấn đề cổ đông quan tâm đặc biệt là định hướng mở rộng sang mảng bất động sản công nghiệp của TNG. Hiện TNG đang tập trung hoàn thiện dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 và nghiên cứu nhiều dự án tiềm năng.

Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 1 có diện tích đất 70 ha, hiện đã san lấp đạt 42 ha. Cụm Công nghiệp Sơn Cẩm 1 được cấp phép ngành nghề dệt, nhuộm và đã có cấp phép DTM cho ngành dệt nhuộm. Bên cạnh đó có lợi thế nguồn nước từ Sông Cầu, thời hạn cho thuê đất tới năm 2068. Hiện đã có các nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề thuê 100 ha để họ thiết lập chuỗi sản xuất khép kín từ dệt nhuộm may tại đây. Nếu như vậy, TNG sẽ phải thúc đẩy mở rộng triển khai Sơn Cẩm 2 và 3.

“Đối với yêu cầu dưới 30 ha, TNG có thể cung ứng ngay. Chúng tôi đặt mục tiêu trong năm nay 2021 sẽ đền bù và san lấp hết, cung ứng ra thị trường 70 ha”, ông Thời cho biết.

Với dự án TNG Village 1, tính đến hết quý I/2021, TNG đã bán được 105 căn và đã bàn giao đưa vào sử dụng số căn hộ này.

Theo tiết lộ của Chủ tịch TNG, Công ty đang nghiên cứu 2-3 dự án bất động sản tiềm năng khác tại Thái Nguyên với quy mô vài trăm ha. 2 khu đất ở trung tâm thành phố hiện là nhà máy may Việt Thái và Việt Đức với quy mô hơn 2 ha, do đó Công ty coi là của để dành, chưa có kế hoạch di dời nhà máy để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm dự án bất động sản.

Kế hoạch lợi nhuận đã được đại hội cổ đông thông qua chưa tính đến phần lợi nhuận của các dự án bất động sản tiềm năng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/4, cổ phiếu TNG tăng 6,2% lên 22.400 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt 2,41 triệu cổ phiếu/ phiên.

Tin bài liên quan