ĐHĐCĐ 2024 VietinBank (CTG): Tốc độ tăng trưởng bền vững, không có yếu tố kỹ thuật

ĐHĐCĐ 2024 VietinBank (CTG): Tốc độ tăng trưởng bền vững, không có yếu tố kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG - sàn HOSE) được tổ chức sáng ngày 27/4, kéo dài so với thường lệ bởi 2024 là năm đánh dấu nhiệm kỳ mới của HĐQT và Ban Kiểm soát VietinBank.

Nhiệm kỳ mới có 10 thành viên HĐQT, trong đó một thành viên HĐQT độc lập là ông Cát Quang Dương thay bà Nguyễn Thị Bắc, 3 thành viên Ban Kiểm soát và 2 đại diện của cổ đông lớn MUFG là ông Koji Iriguchi và ông Takeo Shimotsu.

Về chiến lược kinh doanh năm 2024, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, Ngân hàng đang tập trung thực hiện 2 kế hoạch với 3 năm từ 2024-2026 với cổ đông chiến lược và 2024-2028 theo đánh giá của Moody's. Hàng năm, Ngân hàng có rà soát chỉnh sửa phù hợp với thị trường dựa trên nghiên cứu thị trường và ý kiến của các chuyên gia.

“Chúng tôi đánh giá tính khả thi của kế hoạch là rất cao, xác suất thành công là rất lớn”, ông Bình tự tin.

Cụ thể cho năm 2024, ông Bình cho biết, tăng trưởng tổng tài sản và nguồn vốn theo dự kiến là mức thấp nhất nhưng sẽ cố gắng thực hiện cao hơn bởi tín hiệu khả quan đến ngay từ kết quả kinh doanh quý I khi tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 3 là 3,7% và tính đến thời điểm hiện tại là 4,1%. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng bền vững, không có yếu tố kỹ thuật.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank phát biểu tại ĐHCĐ

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank phát biểu tại ĐHCĐ

“Với kế hoạch và kết quả trên, chúng tôi cam kết năm nay sẽ dùng nhiều biện pháp để giữ đà tăng trưởng lợi nhuận từ 5 - 10%, bằng các biện pháp tăng thu ngoài lãi, kiểm soát chi phí. Kiểm soát làm sao có cơ cấu huy động vốn hiệu quả nhất”, ông Bình nói.

Trước câu hỏi của cổ đông về vấn đề NIM khi ngân hàng nói chung và VietinBank vẫn phải dựa vào cho vay nhưng bối cảnh chung cho vay đang gặp nhiều khó khăn. Ông Bình cho biết, NIM là một thách thức nhưng có nhiều biện pháp để giữ như chủ động quy mô, kỳ hạn để có quy mô cơ cấu vốn. Đặc biệt, với mức tín dụng được giao ngay từ đầu năm là 14,05%, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng tín dụng liên tục đã giúp VietinBank tăng tín dụng hơn 4% và rất bền vững trong khi tất cả ngân hàng đều giảm.

Xung quanh câu chuyện NIM, Thành viên HĐQT Lê Thanh Tùng chia sẻ thêm, vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Do Việt Nam đi trước các nền kinh tế khác về giảm lãi suất nên áp lực tỷ giá cũng cao hơn… Theo đó, VietinBank đã theo sát tình hình thị trường và có những giải pháp phù hợp với thị trường để giữ vững NIM. Trong quý I/2024, NIM tăng nhẹ từ 2,85% cuối năm 2023 lên 2,93% và mục tiêu năm 2024 là lên 3%.

Liên quan đến câu hỏi về nợ xấu trong ngành nói chung và VietinBank nói riêng, Thành viên HĐQT Nguyễn Thế Huân nhận định, nợ xấu có xu hướng tăng từ năm 2023 và sang năm 2024, toàn ngành vẫn đối mặt áp lực gia tăng do nền kinh tế còn nhiều bất ổn và khó dự báo. Bản thân nội tại một số ngành như bất động sản vẫn còn khó khăn, chưa có phục hồi rõ nét, NHNN đã đề xuất gia hạn Thông tư 02 tới hết 2024, là giải pháp giúp doanh nghiệp và ngành ngân hàng đối phó với việc nợ xấu gia tăng.

Ông Huân thông tin thêm, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu VietinBank là 1,13%, nợ nhóm 2 khoảng 1,55%. Trong năm 2024, VietinBank mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,8% và nợ nhóm 2 dưới 3%. Trên cơ sở năng lực tài chính của Ngân hàng, xây dựng kịch bản nợ xấu năm 2024 trên nguyên tắc luôn luôn chủ động, kiểm soát, dự báo tình hình.

“Năm 2024, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu để khi có những biến động, diễn biến khó khăn xảy ra, Ngân hàng có thể chủ động vượt qua nhờ có nền tảng tài chính”, ông Bình nhấn mạnh.

Trước quan ngại của cổ đông về nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước giảm mạnh liệu có gây áp lực trong năm 2024 không? Ông Tùng cho biết, Kho bạc Nhà nước là khách hàng lớn và là một nguồn vốn huy động lớn của VietinBank. Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược của VietinBank là an toàn hiệu quả, hướng đến nguồn có giá rẻ.

Về kết quả kinh doanh năm 2023, thông tin tại ĐHCĐ cho biết, lợi nhuận trước trích DPRR đạt hơn 50.000 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2022 và đạt cao nhất từ trước tới nay. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ đạt 19.457 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 13.927 tỷ đồng.

Năm 2024, kế hoạch tổng tài sản tăng trưởng từ 8 - 10%, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 1,8%. Giai đoạn 2024 - 2029, HĐQT đề xuất kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản từ 9 đến 10%/năm, dư nợ tín dụng và huy động vốn duy trì tốc độ tương tự. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức khoảng 16-18%, trong khi tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Chủ tịch VietinBank nhận định: “Hiện tại mức tăng trưởng tín dụng mà ngân hàng được NHNN phê duyệt năm 2024 là 14%. Cơ bản là chúng ta có thể đạt và vượt con số này”.

5 chủ điểm trọng tâm được Ngân hàng tập trung trong năm 2024 được Chủ tịch HĐQT cho biết, đó là: tăng trưởng tín dụng vào các ngành lĩnh vực tiềm năng, tăng quy mô CASA, đẩy mạnh hoạt động ngoài lãi, thúc đẩy thu hồi nợ xấu và thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ sinh thái.

Phương án sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2023 để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ cũng được đề cập, tuy nhiên, ông Minh Bình nói: “Ngân hàng kỳ vọng là sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng phương án cuối cùng vẫn theo việc phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước"

Đáng chú ý, ông Minh Bình cho biết, hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Tin bài liên quan