ĐHĐCĐ DNP Holding: Tiếp tục mua thêm doanh nghiệp ngành nước, đẩy mạnh ngành gia dụng thông qua Inochi

ĐHĐCĐ DNP Holding: Tiếp tục mua thêm doanh nghiệp ngành nước, đẩy mạnh ngành gia dụng thông qua Inochi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 26/4, CTCP Nhựa Đồng Nai – DNP Holding (mã DNP) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.

Tại Đại hội, HĐQT đã thống nhất thông qua việc thay đổi tên gọi của Công ty từ “Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai” thành “Công ty cổ phần DNP Holding” để phù hợp hơn với hoạt động Công ty hiện tại và định hướng trong tương lai.

Báo cáo tại Đại hội, ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, hiện DNP Holding hoạt động theo mô hình tập đoàn, sau 10 năm tái cấu trúc, DNP Holding mở rộng từ sản xuất ống và bao bì nhựa sang 4 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi: Nước sạch và Môi trường, Vật liệu xây dựng, Đồ gia dụng cao cấp và Bao bì, thay vì chỉ sản xuất ống và bao bì nhựa.

Kết quả sau tái cấu trúc (từ tháng 6/2021) doanh thu DNP Holding tăng trưởng từ 306 tỷ đồng lên hơn 6.000 tỷ đồng (năm 2021), tổng tài sản tăng trưởng 58 lần và vốn chủ sở hữu tăng trưởng 47 lần. Đến nay, DNP đã có 25 đơn vị thành viên, 10 công ty liên kết, 2 dự án đang được triển khai.

Năm 2021, DNP Holding chính thức sở hữu 51,14% của Công ty cổ phần CMC (CVT), theo lãnh đạo tập đoàn, đây là bước tiến quan trọng hiện thực hóa chiến lược của DNP là trở thành nhà cung cấp số 1 về quy mô và sự đa dạng của bộ sản phẩm vật liệu cho khâu hoàn thiện các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực sản phẩm gia dụng cao cấp với thương hiệu Inochi (Công ty Tân Phú Việt Nam) ghi nhận bứt phá mạnh trong năm 2021, tăng trưởng 293,4% về doanh thu, nằm trong Top 3 thương hiệu nhựa gia dụng trên kênh MT và đã mở rộng được 17 showroom, 15 shop in shop và 21 shop liên kết trên toàn quốc. Đồng thời, thương hiệu này bước đầu đã xuất khẩu thành công ra thị trường quốc tế.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Phú Việt Nam cho biết, Inochi hiện đã có hơn 350 sản phẩm khác nhau và được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng đột phá trong năm 2022, với mức doanh thu dự kiến 650 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2021.

Với DNP Water, ông Ngô Đức Vũ, thành viên HĐQT DNP Holding cho biết, nhu cầu nước sạch đang gia tăng trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam tăng nhanh. DNP Water tiếp tục tăng quy mô thông qua việc đầu tư vào các công ty nước mới và phát triển dự án tại các khu vực tiềm năng, trong đó tập trung các dự án liên vùng góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm, biến đổi khí hậu và hậu quả khai thác nước ngầm quá mức.

Theo kế hoạch năm 2022, DNP Holding đặt kế hoạch với doanh thu 7.524 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Tham vọng đến năm 2026 doanh thu đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với doanh thu năm 2021.

Lợi nhuận trước thuế, nếu không bị ảnh hưởng bởi các bút toán phân bổ lợi thế thương mại và khấu hao sau M&A, được đặt mục tiêu là 295 tỷ đồng, tăng 29%. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch ở mức 100 tỷ đồng, tăng 133%.

Trong năm 2022, DNP sẽ tái cấu trúc mảng bao bì, theo đó sẽ dịch chuyển mảng bao bì mềm thuộc công ty mẹ sang Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam (Công ty con trực tiếp) nhằm hợp nhất mảng bao bì mềm và bao bì cứng dưới cùng một pháp nhân. Ở lĩnh vực bao bì mềm, DNP cung cấp cho các khách hàng lớn và khắt khe ở thị trường như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật.

Đại hội cũng tiến hành bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2022-2027.

HĐQT DNP Holding nhiệm kỳ mới

HĐQT DNP Holding nhiệm kỳ mới

Thảo luận tại Đại hội

Mục tiêu thách thức đối với mảng gạch ngói sau khi DNP đầu tư vào CMC? Cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 40% trong năm nay?

Ông Trần Đức Huy, Chủ tịch CMC: CMC đặt mục tiêu đầy thách thức là 5.000 tỷ đồng trong năm 5 năm. Riêng năm 2022, CMC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 40%. Trong quý I/2022, doanh thu của CMC tăng 30%. Trong tháng 4, con số là 60%.

Mảng gạch ngói còn dư địa lớn cho doanh nghiệp tạo được sự khác biệt. CMC tập trung tạo ra sản phẩm tốt, giá tốt nhưng giờ thêm tập trung thêm vào bán hàng tiếp thị.

Theo đó, công ty có 3 trụ cột chính cho tăng trưởng 5 năm tiếp theo, gồm mở rộng kênh phân phối, thực hiện marketing kéo - nhiều công ty vật liệu xây dựng tại Việt Nam thành công đã sử dụng. Trước đây, thị trường miền Nam chỉ đóng góp 10%, còn lại 90% từ thị trường miền Bắc. Tuy nhiên, trong tháng 3/2022, doanh số thị trường miền Nam tăng 100%, doanh số tháng 4 tăng 102%. Trụ cột này sẽ đóng góp 20% tăng trưởng năm nay cho CMC.

Trụ cột thứ 2 là tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm, riêng dòng sản phẩm mới ngói thành công - tăng trưởng hơn 60%, còn dòng cao cấp tăng trưởng hơn 80%. Riêng 2 phần này sẽ đóng góp tăng trưởng 15% cho CMC.

Trụ cột thứ 3 là từ các kênh trước đây CMC chưa khai thác, như xuất khẩu, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu trên 200 triệu USD, và kênh bán hàng dự án. Phần này sẽ đóng góp tăng trưởng 5%.

Ban Điều hành CMC tự tin năm nay tăng trưởng 40%.

Vị thế của Inochi trong ngành đồ gia dụng cũng như cơ sở thực hiện kế hoạch, tầm nhìn 5 năm tới?

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Phú Việt Nam: Nếu đi siêu thị, sẽ thấy sự hiện diện ở quầy kệ trung tâm. Mục tiêu 5 năm Tân Phú là công ty sản xuất đồ gia dụng với thương hiệu Inochi được yêu thích nhất Việt Nam, tổng doanh số 5.000 tỷ đồng, trong đó Inochi chiếm 50% tối thiểu 2.500 tỷ đồng. Năm nay, kế hoạch 650 tỷ đồng gấp đôi năm trước, khá là thách thức, vì trong 2 năm qua tất cả các công ty gia dụng đều giảm sản lượng, trung bình giảm 50%, trong khi đó Inochi tăng trưởng gấp 3 lần năm trước, liên tục mở rộng kinh doanh và mua máy mới.

Tổng thị trường đồ gia dụng ở Việt Nam là tỷ USD, nói về xuất khẩu là nửa tỷ USD - rất lớn và tiềm năng.

Trung Quốc với chính sách Zero Covid sẽ vừa là thách thức vừa là cơ hội, động lực năm nay Inochi làm là phát triển sản phẩm mới, thị trường mới, tăng trưởng xuất khẩu khi Trung Quốc đang gặp thách thức.

Theo đó, Tân Phú sẽ làm tốt kênh hiện hữu, kênh MT, mở dòng sản phẩm mới. Song song sản phẩm nhựa có ưu thế và kinh nghiệm hơn 40 năm đang làm, sẽ phát triển tất cả đồ gia dụng với các nguyên vật liệu khác như gốm sứ, thuỷ tinh, silicon… và bán cả ở thị trường cũ và mới.

Ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT DNP: Khi đi siêu thị, chỉ thấy các sản phẩm cao cấp của Tupperware, Lock&Lock…, còn thương hiệu gia dụng của Việt Nam gần như vắng bóng. Hiện đa số các phân khúc đồ gia dụng doanh nghiệp Việt Nam chọn thì bình dân hơn, bán ở kênh truyền thống, như nhựa thì xanh đỏ tím vàng, gốm sứ thì Bát Tràng…. Cứ mỗi khi đi siêu thị phải mua đồ nhập khẩu mà giá rất cao.

Tôi cho rằng đây là khoảng trống tạo cơ hội cho thương hiệu Việt. Trong khi Công ty DNP Tân Phú cũng có lợi thế cạnh tranh, đó là hạ tầng sản xuất sẵn có, ít nhất với sản phẩm gia dụng bằng nhựa thì cũng đã xuất khẩu được các thị trường khó tính như Nhật, Úc, Mỹ…

Điểm nhấn mạnh là DNP Tân Phú phát triển Inochi không chỉ phát triển đồ nhựa, mà là tạo mô hình tăng trưởng chữ T - xuất phát điểm là phát triển các sản phẩm đồ gia dụng từ vật liệu nhựa, thì tới nay cung cấp thêm đồ thuỷ tinh, gốm sứ… và sẽ kết hợp các nguyên vật liệu này cho ra các sản phẩm.

Công ty cũng hợp tác, học tập công nghệ Nhật Bản để đảm bảo thiết lập tiêu chuẩn mới cho sản phẩm Việt Nam tương đương với Nhật Bản. Hiện Inochi đang kết hợp với công ty gốm sứ hàng đầu của Nhật Bản để bán sản phẩm gốm sứ trong các cửa hàng với giá Việt Nam.

Năm 2021 thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhưng doanh thu hợp nhất lại tăng gần gấp đôi, nguyên nhân vì sao?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Vài khu vực bị ảnh hưởng bởi covid có sụt giảm, như bao bì xuất khẩu suy giảm sản lượng, nhưng tổng thể chung trong tập đoàn thì tăng, doanh thu từ 3.289 tỷ đồng lên 6.237 tỷ đồng, tương ứng 90%. Dựa trên tăng trưởng lớn nhất là mảng vật tư ống và vật tư ngành nước tăng 550 tỷ đồng, gia tăng sản lượng thị phần, bổ sung chuỗi sản phẩm vật tư công nghệ nước như bơm van, đồng hồ… Đây là ngành thiết yếu nên dù covid vẫn được tiêu thụ.

Thứ hai là thông qua M&A (quý II/2021) đưa doanh thu hợp nhất tăng thêm 1.250 tỷ đồng, bên cạnh đó lĩnh vực nhựa gia dụng Inochi tăng trưởng gấp 3 lần từ 110 tỷ đồng lên 330 tỷ đồng.

Và ngành nước, tăng trưởng thêm 350 tỷ đồng từ các dự án mới từ các khu vực cận đô thị như DNP Bắc Giang, DNP Long An công suất, cộng thêm việc M&A hợp nhất thêm một số đơn vị Cần Thơ 2, Ninh Hòa, Bình Phước nên doanh thu mảng nước tăng.

Quỹ IFC đóng vai trò gì ở DNP water và khả năng tìm kiếm đối tác nước ngoài khác?

Ông Vũ Đình Độ: IFC tổng tài sản vài chục tỷ USD và họ lựa chọn đầu tư DNP water - là doanh nghiệp ngành nước duy nhất và có những yêu cầu rất đặc biệt. IFC tham gia trái phiếu chuyển đổi của DNP water, chuyển trong 2023 và hiện họ làm với tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc để tiếp tục đầu tư vào DNP water. Hy vọng có thông tin sớm cho cổ đông trong quý II/2022.

Tin bài liên quan