ĐHĐCĐ Dược Việt Nam (DVN): Đẩy mạnh công tác thoái vốn trong năm 2022, cổ đông mong sớm chuyển sàn

ĐHĐCĐ Dược Việt Nam (DVN): Đẩy mạnh công tác thoái vốn trong năm 2022, cổ đông mong sớm chuyển sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng ngày 26/4, Tổng công ty Dược Việt Nam (mã chứng khoán DVN - UPCoM) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Ban lãnh đạo Công ty dự báo, năm 2022, ngành dược sẽ được tăng nguồn cung và giảm giá thành nguyên liệu, từ đó lợi nhuận của các doanh nghiệp dược Việt Nam có thể được cải thiện tốt hơn trong năm 2022. Đồng thời, nhu cầu thuốc kênh ETC (thuốc kê theo đơn của bác sĩ) sẽ tăng trở lại, khả quan trong nửa đầu năm 2022 khi người dân dự trữ thuốc cho biến thể Omicron và phục hồi chậm vào nửa cuối năm 2022.

Ngoài ra, động lực tăng trưởng cho thị trường dược phẩm còn đến từ cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, người dân ngày càng quan tâm đến chăm sóc sức khỏe dẫn đến mức chi tiêu cho y tế cũng tăng, nhất là làn sóng M&A trong thời gian qua sẽ là động lực tăng trưởng của ngành.

Theo đó, Vinapharm đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 5.686,4 tỷ đồng, tăng 14% so với thực hiện năm 2021. Song lợi nhuận trước thuế đạt hơn 159 tỷ đồng, giảm 32%, do Tổng công ty phải trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư theo biến động của thị trường (năm 2021 Tổng công ty đã hoàn nhập 33 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, năm nay, CTCP Dược phẩm Sanofi Synthelabo Việt Nam (SSV) sẽ chấm dứt hoạt động và thực hiện phân phối toàn bộ lợi nhuận còn lại trong năm 2022 cho DVN với tổng số tiền 184 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này Tổng công ty không ghi nhận doanh thu mà thực hiện ghi nhận thu hồi giá trị đầu tư ban đầu theo quy định. Do đó, doanh thu từ cổ tức năm 2022 của DVN cũng ghi nhận giảm tương ứng 108 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT cho biết nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là quyết tâm thực hiện thoái vốn nhà nước sau thời gian chậm trễ.

Ông Sơn chia sẻ, đây thực sự là khó khăn trong suốt 4 năm qua mà Tổng công ty vẫn chưa thực hiện được. Mặc dù Vinapharm đã có rất nhiều quyết định về thoái vốn, tuy nhiên, khó khăn còn đến từ lo ngại của Bộ Y tế nếu để xảy ra sơ suất trong quá trình thoái vốn có thể làm ảnh hưởng đến sinh mệnh của đơn vị.

“Nếu chưa thoái vốn được thì chúng ta sẽ không thực hiện được những mục tiêu, hoạt động khác như: đầu tư tài chính, đầu tư vào các doanh nghiệp ngành dược khác có hiệu quả, đặc biệt là những doanh nghiệp có khả năng tái cơ cấu đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp khác”, ông Sơn đánh giá.

Đồng thời, năm nay, Tổng công ty sẽ tăng cường hợp tác giữa Vinapharm và CTCP Sanofi (SVN) để tiếp tục hợp tác trong việc hoàn thiện, triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống phân phối. Đặc biệt là trao đổi về cơ hội chuyển giao các sản phẩm mà Sanofi không có kế hoạch tiếp tục sản xuất.

Theo kế hoạch, sau khi SSV hoàn tất việc giải thể, Vinapharm sẽ góp 15% vào nhà máy Sanofi mới vào cuối năm nay. Nhà máy này có quy mô lớn và được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh cao gấp 2 - 3 lần so với SSV.

Về kế hoạch trả cổ tức, Công ty sẽ thực hiện mức chi trả cổ tức theo tỷ lệ 2,1%, tương ứng giá trị gần 50 tỷ đồng.

Năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất doanh nghiệp đạt gần 5.000 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2020 và hoàn thành 92% kế hoạch năm.

Nguyên nhân do doanh thu thực hiện của 2 Công ty con là CTCP Dược phẩm Trung ương Codupha và CTCP Dược Trung ương 3 chỉ đạt 80% kế hoạch vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số Công ty con thay đổi cơ cấu sản phẩm, giảm các mặt hàng có giá trị cao nhưng biên lợi nhuận thấp.

Lợi nhuận trước thuế đạt 234,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước và vượt 53% kế hoạch năm, do Công ty mẹ nhận được phần chi trả cổ tức cao hơn dự kiến từ một số doanh nghiệp mà DVN có cổ phần vốn góp lớn. Ngoài ra, một số công ty thành viên đã thực hiện các biện pháp giảm giá thành sản phẩm, tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi lý do cổ đông chiến lược là Tập đoàn Việt Phương thoái toàn bộ hơn 40 triệu cổ phiếu DVN sau hơn 5 năm gắn bó, bà Hàn Thị Khánh Vân, Phó tổng giám đốc cho biết, Việt Phương là tập đoàn kinh tế đa ngành, trong đó lĩnh vực dược phẩm y tế là một trong những lĩnh vực đầu tư chiến lược trong vòng 10 năm qua.

Việt Phương trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty từ tháng 12/2016, tính đến thời điểm Việt Phương thoái vốn đã hết thời gian gia hạn chuyển nhượng cổ đông chiến lược. Việc thoái vốn của Việt Phương cũng là nhằm tái cấu trúc tài chính và danh mục đầu tư. Tuy nhiên, Việt Phương vẫn cam kết sẽ gắn bó và đồng hành cùng Vinapharm.

Về thắc mắc sự tham gia của 2 quỹ đầu tư lớn đến từ PVI có tạo ra biến động đến định hướng phát triển của Tổng công ty trong thời gian tới? Ông Đinh Xuân Hấn Tổng giám đốc khẳng định, Vinapharm luôn hoan nghênh sự xuất hiện của các cổ đông mới. Hiện tại, Vinapharm chưa nhận được yêu cầu nào của các cổ đông mới liên quan chiến lược cũng như nhân sự của Tổng công ty. Tuy nhiên, sự tham gia của các quỹ đầu tư sẽ là làn gió mới cho hoạt động đầu tư, tài chính và mang lại hiệu quả cho Vinapharm.

Cổ đông cũng đưa ra đề nghị Vinapharm đưa cổ phiếu DVN lên sàn giao dịch chứng khoán chính thức sau khi đủ điều kiện, hiện DVN vẫn đang giao dịch trên UPCoM, ông Hấn khẳng định, chuyển sàn là mong muốn nói chung của Tổng công ty. Vinapharm sẽ trình cổ đông phương án khi nhận thấy thời điểm thích hợp để đảm bảo quyền lợi cho toàn bộ cổ đông DVN.

Tin bài liên quan