ĐHĐCĐ Hoà Bình (HBC): Ông Lê Viết Hải thừa nhận xung đột thượng tầng xuất phát từ cách thức quản lý

ĐHĐCĐ Hoà Bình (HBC): Ông Lê Viết Hải thừa nhận xung đột thượng tầng xuất phát từ cách thức quản lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) cho biết, những xung đột thượng tầng thời gian qua xuất phát từ cách thức quản lý khi HBC tham vọng mở rộng thị trường quốc tế, nhưng bước đi ban đầu không thành công.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 chiều ngày 27/6, Hoà Bình đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu trúng thầu đạt 17.000 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 12.500 tỷ đồng, giảm 11,6% so với thực hiện năm 2022 (chưa kiểm toán) và lợi nhuận hợp nhất đạt 125 tỷ đồng (năm 2022 lỗ 2.575 tỷ đồng).

Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc HBC cho biết, Hoà Bình có kế hoạch định giá lại tài sản, trong đó có bất động sản của Tập đoàn để gia tăng hạn mức tín dụng và bổ sung thêm vốn cho Công ty.

Đối với mảnh đất tại Võ Thị Sáu, TP.HCM, Tập đoàn ghi nhận khoảng 30 tỷ đồng nhưng giá hiện tại không dưới 150 tỷ đồng. Mảnh đất tại 1C Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP.HCM có diện tích 5.000 m2, trước đây có giá 97 tỷ đồng, sau khi giải quyết pháp lý sẽ ghi nhận trên 500 tỷ đồng. Ngoài ra, 3ha đất huyện Nhà Bè, TP.HCM trước đây mua giá khoảng 2 triệu/m2, sau khi chuyển qua đất ở sẽ có giá trị thấp nhất 20 triệu/m2, thu về khoảng 600 tỷ đồng và các bất động sản khác.

Trong tháng 6/2023, HBC cũng chuyển nhượng Công ty TNHH Máy xây dựng Matec cho nhà đầu tư Ashita Group với giá trị 1.100 tỷ đồng. Nguồn vốn thu được sẽ bổ sung vào vốn lưu động và giúp Công ty tạo thanh khoản sắp tới.

Tại đại hội, cổ đông đã thông qua phương án phát hành 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 12.000 đồng/CP, tương ứng với số vốn có thể huy động được là 3.288 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền thu được, HBC sẽ sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác, thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án. Tính đến ngày 23/6/2023, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng.

Theo thông tin từ ông Nam, hiện có 4 đối tác quan tâm đến đợt phát hành của HBC. Trong đó, có một đối tác đến từ Australia sẵn sàng chi 60 - 100 triệu USD để mua cổ phiếu HBC.

Phần thảo luận có sự tham gia của ông Lê Viết Hải, ông Lê Văn Nam và ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT HBC

Vì sao năm 2022 HBC có lợi nhuận âm đến hơn 2.500 tỷ đồng?

Ông Lê Viết Hiếu: Trong năm 2022, HBC lỗ hơn 2.572 tỷ đồng. Trong cơ cấu, trích lập dự phòng là 2.000 tỷ đồng và lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 500 tỷ đồng. Có 2 nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.

Thứ nhất do ảnh hưởng giá cả nguyên vật liệu sản xuất tăng các tháng đầu năm; một số dự án dừng thi công nhưng vẫn phải duy trì chi phí. Chủ đầu tư có thể dừng dự án và sa thải nhân viên nhưng HBC không thể, vì vẫn có máy móc thiết bị ở công trường, cán bộ nhân viên làm hồ sơ thanh toán,… đã ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí của HBC.

Thứ hai là lãi suất vay. FED đã tăng rất nhiều lần năm 2022 từ 0,25% tăng lên 4,25%, lãi suất huy động Việt Nam cũng tăng tương ứng. Chi phí lãi vay tăng cao, do đó, chiến lược tương lai HBC sẽ giảm nợ/VCSH vì chi phí vay quá cao.

Vì sao chưa có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022? Khi nào có báo cáo kiểm toán? Khi nào gửi UBCKNN để khắc phục tình trạng cổ phiếu giúp HBC giao dịch bình thường?

Ông Lê Viết Hiếu: Lý do dẫn đến trễ BCTC, do có đơn trình báo của một vài thành viên HĐQT lên UBCKNN và đơn vị kiểm toán nên Tập đoàn phải bổ sung tài liệu, hồ sơ để giải trình. Đơn vị kiểm toán là quốc tế nên phải nâng thẩm quyền phê duyệt, nên thời gian bị kéo dài. Việc giải trình với đơn vị kiểm toán cũng như UBCKNN đã được thực hiện và có đầy đủ hồ sơ.

Đối với vấn đề trích lập dự phòng, năm nay là năm khó khăn với bất động sản, đơn vị kiểm toán cũng có nhiều thận trọng trong đánh giá năng lực thanh toán các chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư HBC đã gửi đơn kiện, cũng như quyết định thi hành án, đơn vị kiểm toán cũng yêu cầu chứng minh năng lực thanh toán của các chủ đầu tư.

Về những dự án HBC có đơn thi hành án từ Cục thi hành án, HBC đã rất thành công trong việc thu hồi. Tổng nợ gốc Hoà Bình gửi đơn kiện là khoảng 680 tỷ đồng, trong khi đó nợ HBC được công nhận từ Cục thi hành án là 1.000 tỷ đồng. HBC đã thu hồi 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, có một số doanh thu HBC thực hiện nhưng chủ đầu tư dừng triển khai dự án và thiếu nhân sự xác nhận khối lượng công việc nên cần thời gian để đơn vị kiểm toán kiểm tra tất cả hồ sơ, khối lượng công việc HBC đã làm để chứng minh doanh thu năm 2022.

Dự kiến đến ngày 30/6 sẽ có BCTC kiểm toán.

Về biện pháp khắc phục cổ phiếu, theo quy định của UBCKNN là sau 6 tháng kể từ ngày bị hạn chế.

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 Hoà Bình đưa ra là đặt trên giả định nền kinh tế cải thiện, nhưng kịch bản xấu nhất là gì?

Ông Lê Văn Nam: Quan điểm của chúng tôi khá thận trọng. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị kịch bản xấu nhất là doanh thu năm 2023 của Hoà Bình đạt 9.500 tỷ đồng.

Liên doanh Hoa Lư tự tin bao nhiêu phần trăm trong quá trình đấu thầu dự án sân bay Long Thành?

Ông Lê Viết Hiếu: Tôi không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào, nhưng với sự quyết tâm, năng lực của các nhà thầu trong nước, Hoà Bình tự tin có thể trúng thấu dự án sân bay Long Thành.

Ông Lê Viết Hải và ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons (trái) trong Liên minh Hoa Lư gồm các nhà thầu: Central, Hoà Bình, Coteccons, An Phong.
Ông Lê Viết Hải và ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons (trái) trong Liên minh Hoa Lư gồm các nhà thầu: Central, Hoà Bình, Coteccons, An Phong.

Vì sao một loạt nhân sự cấp cao lâu năm nghỉ việc? Làm gì để đề phòng tình trạng nhân sự thượng tầng nghỉ việc? Làm gì ngăn chặn xung đột thượng tầng?

Ông Lê Viết Hải: Vấn đề nhân sự cấp cao lâu năm nghỉ việc là đáng tiếc nhưng trong nguy có cơ. Trong điều kiện khó khăn, một số nhân sự nhận thấy công việc ít, duy trì ở công ty không giúp ích cho công ty nên tự nguyện nghỉ việc, giúp HBC giảm bớt gánh nặng chi phí, nhưng đa số vẫn ở lại gắn bó với Công ty.

Còn một số nhân sự thấy áp lực công việc, Công ty thiếu hụt tài chính nên cũng xin thôi việc. Hầu hết nhân sự đã nghỉ đều yêu quý HBC và hứa quay lại khi tài chính Công ty ổn định.

Về những xung đột thượng tầng, đây là vấn đề xuất phát từ cách thức quản lý của tôi khi tôi sẵn sàng đưa những người có năng lực, trình độ, cùng tầm nhìn, hoài bão về với Tập đoàn để tạo nên sự hợp lực tốt nhất, thực hiện thành công sứ mệnh, mục tiêu chiến lược của Hoà Bình, làm thế nào để Hoà Bình phát triển được ra thị trường quốc tế. Nhưng những bước đi ban đầu không thành công.

Tuy nhiên, HBC đã xây dựng được một nền móng tốt để trong thời gian tới thực hiện được chiến lược đó. HBC đã có những đối tác tiềm năng, xác định các thị trường có thể khai thác hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Trong thời gian tới, sau khi khắc phục được những vấn đề nội tại, phát triển ra thị trường nước ngoài sẽ quyết liệt, thành công hơn.

Những người tôi đưa về tôi có phần chủ quan khi không kiểm soát tỷ lệ thành viên HĐQT đứng về phe nào. Tôi không quan tâm, những người nào thực sự có năng lực, tài năng, tầm nhìn, tôi đều trân trọng và đưa về.

Tuy nhiên, số lượng thành viên HĐQT độc lập của HBC đang vượt quá quy định của công ty niêm yết với 4/8 thành viên HĐQT là thành viên HĐQT độc lập, tỷ lệ 50 – 50% trong khi quy định chỉ là 20% khiến xảy ra tình trạng xung đột lợi ích, kéo bè kết cánh, gây khó khăn cho công ty.

Trong phần thay đổi điều lệ Công ty, tôi cũng rất quan tâm đến để có thể tránh mất kiểm soát. Đây là bài học kinh nghiệm tôi có thể rút ra.

Đến 19h, toàn bộ tờ trình đã được thông qua.

Tin bài liên quan