ĐHĐCĐ PV Drilling (PVD): Mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 8.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đầu tư 2 giàn Jackup

ĐHĐCĐ PV Drilling (PVD): Mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 8.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đầu tư 2 giàn Jackup

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 24/4, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí – PV Drilling (mã PVD - sàn HOSE) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên theo hình thức trực tuyến.

Năm 2024, PVD đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 6.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2023; tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30%, về mức 380 tỷ đồng.

Đối với Công ty mẹ, PVD đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 2% và 27% so với thực hiện năm 2023.

Kế hoạch được xây dựng trên các giả định: Đơn giá bình quân của 4 giàn khoan tự nâng tăng 10 - 15% so với năm trước; giàn khoan nửa nổi TAD hoạt động xuyên suốt tại Brunei; giàn đất liền PV Drilling 11 có việc 4 tháng; và 0,5 giàn khoan tự nâng thuê.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc PVD cho biết, đến nay, các giàn khoan PVD sở hữu đã ký hợp đồng và có việc làm ổn định, xuyên suốt năm 2024 và sang năm 2025. PVD đón đầu cơ hội mới với kế hoạch đầu tư hoặc hợp tác để có thêm giàn khoan, đầu tư HWU và các thiết bị khác.

Năm nay, PVD có kế hoạch đầu tư khoảng 2.661 tỷ đồng, trong đó chủ yếu PV Drilling thực hiện các dự án chuyển tiếp từ năm 2023 như cụm thiết bị sửa giếng HWU, xây dựng nhà xưởng..., và đầu tư thêm giàn khoan tự nâng, thiết bị MPD, CRTi để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sau khi xem xét nhu cầu đầu tư cùng với việc cân đối nguồn vốn, dòng tiền, PV Drilling đề xuất phương án không chi trả cổ tức năm 2023.

Phần thảo luận do Đoàn Chủ tịch điều phối

Bao gồm: ông Mai Thế Toàn, Chủ tịch HĐQT; ông Đỗ Đức Chiến, Phó chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc.

Tình hình, khối lượng công việc tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam trong thời gian sắp tới?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Đối với khách hàng trong khu vực Đông Nam Á có nhu cầu khoan dài hạn bắt đầu từ 2024 trở đi có Petronas, Hibiscus, Pertamina…, trong đó, Petronas và Pertamina đã có những kế hoạch dài hạn trong 10 năm tới.

Tại thị trường Indonesia, PVD II có hợp đồng bắt đầu làm việc tại thị trường này từ tháng 10/2022 sẽ kéo dài đến hết năm 2025. Trong năm 2023, PVD đã tiếp tục đấu thầu và thắng thầu giàn số 3 cho Pertamina. Theo chiến lược của Pertamina, sau năm 2030 họ sẽ đưa sản lượng dầu lên 1 triệu thùng/ngày.

Tại thị trường Malaysia, công ty chủ đạo là Petronas, bên cạnh đó có Total; Hibicus là công ty mới nổi của Malaysia và một vài công ty khác có kế hoạch phát triển mỏ đến năm 2030 và sau 2030. Ngoài ra còn một số khách hàng từ thị trường Thái Lan với các hợp đồng dài hạn.

Tại thị trường Việt Nam, từ 2024 đến các năm sau có những dự án lớn như Đại Hùng Phase 3, Lạc Đà Vàng, Lô B – Ô Môn (sắp đấu thầu giàn khoan, nhu cầu 2 giàn khoan cuối 2025 - đầu 2026). Ngoài ra còn một loạt các công ty cũng tích cực triển khai khoan như Thăng Long JOC, Hoàng Long JOC…

Với khối lượng giàn khoan của PVD đang có, hoàn toàn yên tâm trong kế hoạch tại thị trường khu vực. Với nhu cầu này, PVD vẫn đang triển khai kế hoạch đầu tư, phối hợp với đối tác, đầu tư thêm giàn khi có cơ hội có hợp đồng đưa vào khai thác sớm.

Thông tin công bố quý I/2024 khả quan với doanh thu ước đạt 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế trên 200 tỷ đồng, tại sao PVD đề ra kế hoạch kinh doanh cả năm ở mức khá thấp?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Kế hoạch 2024 đã được lập từ cuối năm 2023. Đến nay, doanh thu Công ty có thể tăng đến 8.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong kế hoạch, PVD chưa thuê thêm giàn, kéo dài hợp đồng với HAKURYU-11 và đưa vào khai thác giàn với đối tác giá tương đối tốt trên 160.000 USD có thể giúp tăng doanh thu.

Lợi nhuận PVD cũng có thể tự tin đạt và vượt năm 2023. Trong năm 2023, PVD có đột biến về đền bù hợp đồng và nhờ việc lập kế hoạch tương đối thận trọng, nên kết thúc năm Công ty vẫn đạt và vượt kế hoạch.

Kế hoạch hợp tác chiến lược thời gian tới?

Ông Nguyễn Xuân Cường: Công ty mới chuyển đổi của PVD tập trung vào giàn thế hệ mới Premium, đây là hợp tác chiến lược của PVD bổ sung vào giàn khoan của PVD. Hiện tại, giàn mới nhất của PVD đã 9 tuổi là giàn số 6, giàn khác gần 17 - 20 tuổi. Kể cả chọn đối tác sắp tới đầu tư giàn khoan, PVD sẽ làm sao để cố gắng trẻ hóa đội ngũ giàn khoan.

Giàn khoan của PVD độ tuổi trung bình khoảng 15 năm, trong bối cảnh cạnh tranh như bây giờ và kế hoạch hạn chế đầu tư đóng mới thì đây lại là điểm mạnh của PVD. Giá cạnh tranh của Premium có thể cạnh tranh ở 160.000 – 170.000 USD, tuy nhiên PVD với các giàn khoan ở độ tuổi trung bình, với sự duy trì bảo dưỡng thì hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt hơn mà vẫn đạt được lợi nhuận tốt.

Cơ hội của PVD trong cung cấp dịch vụ cho ngành năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng?

Ông Đỗ Đức Chiến: PV Tech (do PVD nắm giữ trên 90%) đang triển khai chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) và lĩnh vực ngoài ngành truyền thống. PVD Tech cũng đang tái cấu trúc, chiến lược chuyển bớt cổ phần của PVD tại PVD Tech cho các đối tác có hoạt động, thế mạnh NLTT, để mở rộng thị phần phát triển ra ngoài ngành và có cơ hội nắm lấy thị phần trong lĩnh vực NLTT, có nguồn tài chính tiếp tục đầu tư lĩnh vực khác.

Hiện nay, PVD Tech đang triển khai, mở rộng nhà xưởng giai đoạn 3, triển khai một số bảo dưỡng trạm biến áp ngoài khơi, bảo dưỡng các tuabin khí, máy phát điện NLTT; hiệu chỉnh, lắp đặt các trạm điện gió trên bờ…

PVD làm gì để kiểm soát biến động tỷ giá đồng USD thời gian sắp tới?

Ông Đỗ Đức Chiến: Thời gian qua, đồng USD tăng giá cao, biến động khó lường, PVD tiền vay cũng nhiều và các dự án đầu tư chủ yếu tính bằng USD.

Do đó, giải pháp của PVD là tiếp tục thương lượng với khách hàng làm dịch vụ, nhận tiền USD về cho PVD và phát hành hoá đơn bằng USD, khách hàng dễ chấp nhận thanh toán tiền USD. Ngoài ra, PVD chỉ chuyển sang VND khi cần chuyển đổi, còn PVD sẽ duy trì số dư đồng USD ở mức cao nhất để giữ được mệnh giá đồng USD. Đồng thời, Công ty tiếp tục sử dụng các sản phẩm phái sinh từ NHNN để giữ ổn định đồng USD trong lúc thị trường biến động.

Công ty dự kiến khi nào có thể trả cổ tức tiền mặt?

Ông Đỗ Đức Chiến: PVD đang tập trung mở rộng thị phần khoan và dịch vụ kỹ thuật giếng khoan ở nước ngoài, do đó việc đầu tư trong năm nay đã có kế hoạch. Năm nay, PVD xin dừng chưa trả cổ tức, sang năm tới hy vọng sản xuất tốt hơn, hiệu quả cao hơn Công ty sẽ cân nhắc trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ phù hợp với lợi nhuận.

Ban lãnh đạo có thể cập nhật tiến độ triển khai các dự án đầu tư hiện nay, đặc biệt là các dự án giàn khoan đến năm 2030, tuổi các giàn khoan tự nâng (Jackup) đã cao, PVD có dự kiến thay thế không?

Ông Mai Thế Toàn: Năm 2024, dự kiến tổng mức đầu tư PVD là 2.660 tỷ đồng, trong đó dự kiến đầu tư 1 giàn khoan tự nâng, còn lại có đầu tư thiết bị sửa chữa giếng khoan, mở rộng đầu tư nhà xưởng, công tác bảo quản, bảo dưỡng, chuẩn bị phần chuyển đổi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực NLTT.

Năm 2023, PVD đã lập dự án đầu tư giàn Jackup. Tại thời điểm lập dự án đầu tư, thị trường với các giàn khoan khá tốt, gồm cả Trung Đông, trong khu vực này có nhu cầu giàn khoan cao, chúng tôi lập dự án mua giàn khoan cũ nhưng để hoạt động thì cần thời gian nâng cấp thì mất một khoản thời gian.

Nhưng đến nay, do tác động địa chính trị, nhu cầu khai thác dầu mỏ, hay Saudi Aramco hoãn một số dự án và một số giàn được đưa ra ngoài, chúng tôi đang đánh giá xem tiếp theo việc tác động thị trường liên quan đến giàn khoan như thế nào để có quyết định chính xác.

Theo hướng chuyển dịch năng lượng, khả năng các giàn thị trường khoan thăm dò, khai thác có thể chắc chắn cho khoảng 10 năm nữa, nhưng xa hơn thì cần đánh giá chính xác. Nếu đầu tư, PVD sẽ đầu tư giàn cũ để đảm bảo tổng mức đầu tư thấp, thời gian khấu hao ngắn, dự án hiệu quả.

Đến năm 2030, chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 2 giàn Jackup cho dịch vụ khoan, trong đấy phương án đầu tư cụ thể có thể đầu tư toàn bộ, có thể liên kết liên doanh với đối tác để chia sẻ rủi ro.

Tin bài liên quan