ĐHĐCĐ PV Trans Pacific (PVP): Kế hoạch lãi 160 tỷ đồng và tiếp tục đầu tư 109 triệu USD vào đội tàu

ĐHĐCĐ PV Trans Pacific (PVP): Kế hoạch lãi 160 tỷ đồng và tiếp tục đầu tư 109 triệu USD vào đội tàu

(ĐTCK) Sáng ngày 19/4, CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PV Trans Pacific, mã PVP – sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Nội dung tường thuật

09:09 19/04

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư tham gia đại hội bằng hình thức trực tuyến, nhà đầu tư được cấp tên đăng nhập và mật khẩu qua thư mời đại hội, hình thức bỏ phiếu online.

Tính tới 9 giờ sáng ngày 19/4, Đại diện PV Trans Pacific đã Báo cáo kiểm tra tư cách cổ đông. Trong đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 có 19 nhà đầu tư tham gia, tương ứng chiếm 82,11% vốn điều lệ. Theo quy định của pháp luật, Đại hội đủ điều kiện tổ chức.

Ảnh: Lê Toàn

Ảnh: Lê Toàn

Đồng thời, thông qua quy chế tổ chức Đại hội, Quy chế bầu cử, thể lệ biểu quyết.

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, PV Trans Pacific sẽ trình cổ đông Báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2022 và kế hoạch hoạt động năm 2023 của HĐQT; Báo cáo kết quả hoạt động Sản xuất kinh doanh và Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán; Kế hoạch Sản xuất kinh doanh và đầu tư trong năm 2023; Báo cáo hoạt động năm 2022 và Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban kiểm soát; Lựa chọn Công ty kiểm toán độc lập kiểm toán BCTC năm 2023; Phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2022; Báo cáo thù lao HĐQT, BKS năm 2022 và kế hoạch thù lao năm 2023.

09:44 19/04
Kế hoạch lợi nhuận 160 tỷ đồng trong năm 2023

Ông Lê Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PV Trans Pacific Báo cáo về hoạt động năm 2022 và Kế hoạch hoạt động năm 2023 của HĐQT.

Năm 2022 là một năm có nhiều biến động đối với thị trường vận tải quốc tế nói chung và thị trường dầu thô nói riêng bao gồm các sự kiện như xung đột Nga – Ukraine; giá dầu tăng giảm đột ngột do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine và do tác động của các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định giá dầu và nguy cơ suy thoái kinh tế; thị trường mua/bán tàu tăng mạnh.

Nhận thức được những khó khăn thách thức tiếp tục kéo dài tại cả thị trường vận tải trong nước và quốc tế, HĐQT đã tích cực chỉ đạo và phối hợp cùng Ban điều hành đưa ra những nhóm giải pháp giải quyết những vấn đề trọng tâm của Công ty.

Ông Lê Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PV Trans Pacific Báo cáo về hoạt động năm 2022 và Kế hoạch hoạt động năm 2023 của HĐQT. Ảnh: Lê Toàn
Ông Lê Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PV Trans Pacific Báo cáo về hoạt động năm 2022 và Kế hoạch hoạt động năm 2023 của HĐQT. Ảnh: Lê Toàn

HĐQT đã thực hiện đầy đủ chức năng đại diện của các chủ sở hữu trong việc giám sát hoạt động điều hành của Công ty, định hướng phù hợp và chỉ đạo kịp thời đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu do ĐHĐCĐ giao phó, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, điều lệ Công ty.

Kết thúc năm 2022, PV Trans Pacific ghi nhận tổng doanh thu 1.723,6 tỷ đồng, vượt 19% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 216,1 tỷ đồng, vượt 26% so với kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 117,6 tỷ đồng, vượt 112% so với kế hoạch và tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ tăng từ 18% lên 23%.

Trong năm 2022, Công ty đã hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực; đảm bảo thu nhập, đời sống người lao động; xây dựng và đào tạo được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, người lao động có trình độ phù hợp, nhiệt huyết tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong các năm tiếp theo; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định, chính sách điều hành minh bạch có sự phân công, phân cấp rõ ràng trong bộ máy điều hành…

Về công tác đầu tư, năm 2022, Công ty có kế hoạch triển khai 5 dự án đầu tư mua tàu gồm 3 dự án đầu tư chuyển tiếp (đầu tư 1 tàu VLCC/VLGC và 2 tàu Aframax 2&3) và 2 dự án đầu tư tàu MR. Tuy nhiên, do biến động về kinh tế thế giới, lạm phát và chiến tranh giữa Nga – Ukraine làm cho tình hình thị trường mua bán tàu biển có nhiều diễn biến khó lường, giá các chủng loại tàu đã tăng cao vượt quá tổng mức đầu tư được phê duyệt và không đảm bảo hiệu quả của dự án. Vì vậy, PV Trans Pacific đã cập nhật lại hồ sơ đồng thời bám sát thị trường mua/bán tàu để gấp rút triển khai thực hiện đầu tư trong năm 2023.

Đối với việc thanh lý tàu PVT Athena, sau khi kết thúc hợp đồng cho thuê bareboat, tàu đã được bán thanh lý trong quý III/2022 trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về bán thanh lý tàu, góp phần đem lại doanh thu cho Công ty.

Về công tác niêm yết, Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào ngày 17/1/2023.

Bước sang năm 2023, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng, bằng 84,1% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng, bằng 74% so với cùng kỳ và nộp ngân sách Nhà nước 52,4 tỷ đồng.

Được biết, trước đó, trong năm 2022, PV Trans Pacific thực hiện tổng doanh thu 1.723,6 tỷ đồng, hoàn thành 119% kế hoạch doanh thu (kế hoạch 1.450 tỷ đồng doanh thu); và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 216,1 tỷ đồng, hoàn thành 126% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 172 tỷ đồng).

Trước đó, trong năm 2021, PV Trans Pacific cũng ghi nhận doanh thu 1.266 tỷ đồng và lợi nhuận 193 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 115,1% và 114,9% kế hoạch năm.

Có thể thấy, theo dữ liệu lịch sử, PV Trans Pacific luôn đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng và kết thúc năm tài chính sẽ vượt kế hoạch kinh doanh đầu năm.

Trong năm 2023, thị trường vận tải dầu thô quốc tế và tàu tanker được dự báo là năm phục hồi về giá cước tàu/tàu gas. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục khó khăn do mức độ phục hồi và thời gian phục hồi của thị trường được đánh giá phụ thuộc nhiều vào các yếu tố/diễn biến địa chính trị và còn nhiều biến động khó lường.

Đối với thị trường vận tải dầu thô trong nước, Công ty tiếp tục đảm bảo duy trì 100% thị trường vận tải dầu thô cho NMLD Dung Quất, đồng thời mở rộng hoạt động vận tải tại thị trường quốc tế.

10:14 19/04
Thận trọng trong quyết định đầu tư đội tàu khi giá tàu đang duy trì mức cao

Ông Hoàng Đức Chính, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc PV Trans Pacific Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch sản xuất năm 2023.

Về diễn biến giá cước năm 2022 đối với phân khúc thị trường tàu VLCC khai thác tàu chuyên, giá cước các tuyến TD2, TD3C trung bình duy trì ở mức WS 81-83, tương đương TCE 50.000 đến 52.000 USD/ngày; phân khúc thị trường tàu VLCC khai thác tàu tuyến, giá cho thuê định hạn 1 năm đối với tàu VLCC khoảng 42.000 đến 44.000 USD/ngày; Phân khúc thị trường Aframax khai thác tàu chuyến, giá cước các tuyến ngắn trong khu vực tương đương tuyến Bạch Hổ - Dung Quất cũng tăng lên mạnh tuyến Spore/HK giá cước khoảng 1.450.000 đến 1.480.000 USD; Seria/Cilicap khoảng 1.250.000 đến 1.300.000 USD.

Ông Hoàng Đức Chính, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc PV Trans Pacific Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch sản xuất năm 2023. Ảnh: Lê Toàn
Ông Hoàng Đức Chính, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc PV Trans Pacific Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 và Kế hoạch sản xuất năm 2023. Ảnh: Lê Toàn

Phân khúc thị trường Aframax cho thuê định hạn, giá cho thuê định hạn (TC) 1 năm đối với tàu dưới 10 tuổi tăng lên mức 40.000 đến 42.000 USD/ngày, các tàu trên 15 tuổi cho thuê định hạn 1 năm khoảng 30.000 đến 33.000 USD/ngày.

Phân khúc thị trường tàu VLGC, thị trường vận chuyển LPG nhận nhiều tín hiệu tích cực không chỉ từ nhu cầu châu Âu mà còn từ Trung Quốc và Ấn Độ khi các nước này dần hồi phục phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Giá BLPG1 trung bình năm 2022 là 76,73 USD/tấn với mức TCE bình quân là 48.000 USD/ngày, hiện đang duy trì mức cao khoảng 140 USD/tấn do nhu cầu tăng cao trong các tháng mùa đông. Tương ứng TCE 128.000 USD/ngày.

Phân khúc thị trường tàu MR CPP vẫn tiếp tục diễn ra rất sôi động và ở mức cao do nhu cầu dầu CPP đang tăng mạnh trong thời gian qua khi nhu cầu đi lại, khôi phục sản xuất sau Covid-19. Ngoài ra, do EU đang cấm đội tàu Nga vào các cảng EU, giảm nhập khẩu dầu Nga trong khi các nhà máy lọc dầu khu vực châu Âu ít đầu tư, lớn tuổi không đáp ứng đủ nhu cầu nên phải tăng nhập khẩu từ Trung Đông, Ấn Độ và các khu vực khác để thay thế.

Đối với thị trường mua bán tàu, theo thống kê, giá tàu Aframax dưới 5, 10 và 15 tuổi hiện đã tăng lên lần lượt 58, 43 và 29 triệu USD, giá tàu MR dưới 5, 10 và 15 tuổi hiện nay tương ứng 41, 31 và 22 triệu USD. Tuy nhiên, rất ít giao dịch do các chủ tàu đang tranh thủ khai thác lợi dụng giá cước spot đang tăng rất cao.

Về thị trường vận tải dầu thô trong nước, sản lượng vận chuyển dầu thô năm 2022 duy trì ổn định với tần suất 5-6 chuyến/tháng. Theo đó, trong năm 2022 tổng số chuyến thực hiện cho BSR của PV Trans/ PV Trans Pacific là 70 chuyến, tương ứng sản lượng dầu thô vận chuyển nội địa trong năm khoảng 5,6 triệu tấn.

Để vận chuyển toàn bộ khối lượng dầu nội địa này theo nhu cầu sử dụng tàu của BSR, PV Trans/ PV Trans Pacific đã bố trí, sử dụng thường xuyên 2 tàu Aframax PVT Mercury, PVT Hera (hoặc swap Apollo thay thế trong thời gian PV Trans Pacific tổ chức khai thác tàu PVT Hera tại thị trường quốc tế với khách hàng Vitol/Mansel theo hình thức cho thuê định hạn T/C), cùng 9 chuyến tàu thuê ngoài thay thế để đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển dầu của BSR.

Trong năm 2022, PV Trans Pacific tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ với các chủ tàu, người thuê tàu, các công ty môi giới để thuận lợi cho hoạt động thuê/cho thuê tàu Aframax, cung cấp 9 lượt tàu ngoài để vận chuyển 9 lô dầu cho BSR.

Đối với thị trường quốc tế, trong năm 2022, PV Trans Pacific tiếp tục đưa các tàu Apollo/tàu PVT Hera tham gia khai thác quốc tế và chuẩn bị sẵn sàng các phương án khai thác tàu MR/Aframax/VLGC do PV Trans Pacific đầu tư.

Đối với việc thu xếp vốn cho các dự án đầu tư, Công ty đã chủ động làm việc với các tổ chức tài chính như Ngân hàng Wooribank, Ngân hàng Vietcombank… các Ngân hàng đã cam kết tài trợ cho dự án đầu tư tàu VLGC, tàu Aframax/tàu MR với mức lãi suất cho vay phù hợp với FS và đảm bảo hiệu quả dự án.

Trong năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư ngay từ năm 2023 gồm 1 tàu VLGC (chuyển tiếp), các tàu Aframax/tàu MR hoặc tàu VLCC trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường để phát triển đội tàu, tăng quy mô sản xuất kinh doanh nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư và hiệu quả sử dụng vốn.

Trong đó, tổng vốn đầu tư 109 triệu USD (50 triệu USD đầu tư 1 tàu VLGC chuyển tiếp; 59 triệu USD đầu tư mới năm 2023).

Không phải lúc nào cũng đầu tư, không đầu tư bằng mọi giá. Công ty sẽ xem xét thời điểm đầu tư phải hiệu quả, cân nhắc đầu tư loại nào, thời điểm cụ thể, việc đầu tư là có kế hoạch, định hướng để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho Công ty, cổ đông”, ông Hoàng Đức Chính nhấn mạnh về việc thận trọng quyết định đầu tư khi giá tàu đang tăng cao.

Tổ chức quản lý khai thác an toàn và hiệu quả các tàu PV Trans Pacific đã đầu tư trên thị trường quốc tế, quản lý khai thác các tàu dầu thô để thực hiện vận chuyển dầu thô từ các mỏ trong nước cho NMLD Dung Quất trên cơ sở tối ưu hiệu quả chung của Công ty, cổ đông.

Thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại PV Trans Pacific để tuyển dụng và đào tạo lực lượng cán bộ trẻ có năng lực chuyên môn và năng lực ngoại ngữ tốt, giàu nhiệt huyết làm việc, đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ nhân sự kinh doanh khai thác tàu, nhân sự quản lý kỹ thuật tàu hàng lỏng có khả năng tốt làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế.

10:45 19/04
Cổ tức tiền mặt 10% trong năm 2022

Ông Hoàng Đức Chính, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc PV Trans Pacific Báo cáo kế hoạch kinh doanh, đầu tư và phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.

Đồng thời đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 52,4 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư 109 triệu USD.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, năm 2022, PV Trans Pacific dự kiến trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%, tương ứng tổng số tiền 94,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng trích lập quỹ đầu tư phát triển 109 tỷ đồng; quỹ khen thưởng, phúc lợi và quỹ Ban điều hành 12,96 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông trình cổ đông kế hoạch cổ tức 10% bằng tiền và bầu thêm thành viên HĐQT. Ảnh: Lê Toàn
Đại hội đồng cổ đông trình cổ đông kế hoạch cổ tức 10% bằng tiền và bầu thêm thành viên HĐQT. Ảnh: Lê Toàn

Ông Nguyễn Thế Dân, thành viên HĐQT trình cổ đông kế hoạch bầu và miễn nhiệm thành viên HĐQT.

Công ty trình cổ đông kế hoạch miễn nhiệm thành viên HĐQT với ông Bùi Văn Vinh. Đồng thời bầu mới 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 gồm ông Lê Mạnh Tuấn (bầu lại do hết nhiệm kỳ); ông Trần Duy Tân (bầu mới).

Trong đó, ông Mạnh Tuấn sinh năm 1968, trình độ Kỹ sư kinh tế - Đại học Bách khoa Hà Nội và ông Trần Duy Tân sinh năm 1987, trình độ Cử nhân Kinh tế Quốc tế.

Như vậy, sau bầu mới, HĐQT của PV Trans Pacific gồm 5 người là ông Lê Mạnh Tuấn, ông Hoàng Đức Chính, ông Nguyễn Thế Dân, bà Trần Thị Kim Khánh và ông Trần Duy Tân.

11:24 19/04
PV Trans Pacific chưa có kế hoạch thanh lý tàu năm 2023 và thực hiện khấu hao nhanh

Phần thảo luận:

Ông Lê Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PV Trans Pacific trả lời câu hỏi của cổ đông.

Tiến độ đầu tư và xác suất có đầu tư 1 tàu trong 6 tháng đầu năm 2023?

Hiện tại, Công ty đang tiến hành các thủ tục để đầu tư, đang lựa chọn tàu MR, các thủ tục ra thị trường đã tương đối hoàn thiện, sau đây chỉ cần tiến hành một số nội dung như thủ tục trình cổ đông HĐQT, đàm phán giá, hy vọng trong 6 tháng đầu năm sẽ đầu tư xong ít nhất 1 tàu.

Năm 2023, ngay từ đầu năm đã chuẩn bị thủ tục để đầu tư, bám sát và theo kế hoạch, sẽ báo cáo nếu phù hợp sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư.

Ông Lê Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PV Trans Pacific trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: Lê Toàn

Ông Lê Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PV Trans Pacific trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: Lê Toàn

Giá cước tăng rất mạnh nhưng hoạt động cốt lõi tăng không cao, tại sao lại như vậy?

Thị trường vận tải nói chung và thị trường vận tải tàu nói riêng, giá cước mấy tháng đầu năm không cao, chỉ tăng cao 6 tháng cuối năm 2022, Công ty chốt được giá trong 8 tháng đầu năm 2022, vì vậy chỉ hưởng lợi giá tốt giai đoạn cuối năm (4 tháng).

Mặt bằng giá cước chưa phản ảnh hết vào kết quả kinh doanh năm 2022, chủ yếu là các tháng cuối năm 2022.

Việc Công ty vượt kế hoạch là thành công của Công ty. Với tình hình thị trường như vậy, các công ty vận tại trên thị trường năm 2022 cũng không phải tốt, nhiều công ty còn khó khăn.

Với dự án Long Sơn, Công ty có khả năng khai thác?

Dự án Long Sơn là hoá dầu, Tập đoàn Dầu khí đã chuyển nhượng cho đối tác, hiện tại Công ty chưa tham gia vào vận tải, nếu sau khi đầu tư tàu MR, Công ty có thể sẽ tham gia vận tải tại dự án Long Sơn.

Đề nghị công ty tăng cường bộ phận IR, nhằm gia tăng tiếp cận với thông tin?

Công ty vừa chuyển sàn sang HoSE trong tháng 1/2023, Công ty đang kiện toàn website, đang thực hiện lộ trình hoàn thiện, mục tiêu quý II/2023 sẽ làm tốt hơn về truyền thông.

Vì sao room Công ty bị khoá, trong khi PVTrans thì không bị khoá?

Mặc dù có ngành nghề giống nhau, nhưng Công ty có ngành nghề là mua bán kinh doanh nhiên liệu, ngành này đang có khống chế của room nước ngoài. Chính vì ngành nghề này đã hạn chế room ngoại, sắp tới Công ty sẽ xem xét, cân đối ngành nghề để phù hợp.

Ông Hoàng Đức Chính, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc PV Trans Pacific trả lời câu hỏi của cổ đông

Việc thanh lý tàu PVT Athena giúp Công ty có một phần lợi nhuận đột biến trong năm 2022, bước sang năm 2023, công ty có kế hoạch thanh lý tàu nào không?

Công ty chưa có kế hoạch thanh lý tàu trong năm 2023.

Việc giá tàu tăng cao trong năm qua dẫn tới kế hoạch đầu tư chưa đạt kỳ vọng, năm 2023, Công ty dự kiến có tiếp tục đầu tư với giá tàu hiện tại hay tiếp tục chờ thời cơ?

Công ty sẽ cân đối, lựa chọn thời điểm với giá cước và giá thuê phù hợp, nếu đảm bảo hiệu quả kinh doanh, Công ty sẽ tiến hành đầu tư. Theo kế hoạch, quý II/2023, Công ty sẽ đầu tư được 1 tàu MR, hiện tàu MR đang nằm trong kế hoạch và khả năng đầu tư. Tuỳ thuộc điều kiện, sẽ lựa chọn thời điểm.

Đội tàu hiện tại của Công ty đang khai thác với tỷ lệ như thế nào tuyến nội địa và quốc tế, cơ cấu doanh thu?

Ông Hoàng Đức Chính, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc PV Trans Pacific trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: Lê Toàn

Ông Hoàng Đức Chính, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc PV Trans Pacific trả lời câu hỏi của cổ đông. Ảnh: Lê Toàn

Trong cơ cấu doanh thu có 3 thành, lĩnh vực vận tải, khai thác mỏ và doanh thu thương mại. Đối với hoạt động vận tải, 100% doanh thu mảng quốc tế (chiếm 25% doanh thu toàn công ty); Tuy nhiên, hoạt động vận tải hoàn toàn khai thác tuyến quốc tế.

Công ty đang sử dụng phương pháp khấu hao nhanh giúp giá trị sổ sách của các tàu thấp hơn giá trị thị trường, Công ty có tận dụng giá tàu cao để thanh lý và lộ trình thanh lý tàu trong 5 năm tới?

Công ty tận dụng thời điểm thị trường tốt để khấu hao nhanh, khấu hao 6 năm so với bình thường 10 năm. Việc khấu hao nhanh để giúp công ty khi thị trường biến động xấu, tài sản vẫn tốt, làm cho lành mạnh tình hình tài chính công ty. Hiện tại, đội tàu của công ty đang hoạt động hiệu quả, chưa có kế hoạch thanh lý.

11:30 19/04
Lợi nhuận 4 tháng là 80 tỷ đồng

Dự kiến kết quả kinh doanh quý I/2023

Quý I/2023, Công ty tận dụng được giá tốt của thị trường, doanh thu 323 tỷ đồng, 101% kế hoạch quý, lợi nhuận trước thuế gần 60 tỷ đồng, đạt 161% kế hoạch quý.

Luỹ kế 4 tháng, lợi nhuận trước thuế là hơn 80 tỷ đồng.

Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận hoàn thành và vượt mức, Công ty phấn đấu vượt mức kế hoạch trình cổ đông.

Kế hoạch tăng vốn?

Mục tiêu mang lại hiệu quả tối đa cho cổ đông và công ty, Công ty sẽ làm sao cho ổn định hiệu quả và kết quả kinh doanh. Công ty có kế hoạch tăng vốn, có thể chia 1 phần tiền mặt, 1 phần cổ phiếu, Ban lãnh đạo sẽ cân nhắc cho phù hợp.

“Hiện nay công ty đang tốt và tốt trong thời gian dài, cổ đông có thể nhìn cả hành trình từ năm 2015 tới nay. Công ty có khó khăn trong giai đoạn Covid và suy thoái kinh tế nhưng chỉ khó khăn trong đầu tư mới. Hiện nay đang triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư”, ông Lê Mạnh Tuấn, Chủ tịch nhấn mạnh về triển vọng tương lai Công ty.

11:46 19/04

Sau phần thảo luận, Đại hội bước vào nội dung bầu và miễn nhiệm thành viên HĐQT. Ông Nguyễn Thế Dân, thành viên HĐQT trình cổ đông kế hoạch bầu và miễn nhiệm thành viên HĐQT.

Ông Nguyễn Thế Dân, thành viên HĐQT trình cổ đông kế hoạch bầu và miễn nhiệm thành viên HĐQT. Ảnh: Lê Toàn

Ông Nguyễn Thế Dân, thành viên HĐQT trình cổ đông kế hoạch bầu và miễn nhiệm thành viên HĐQT. Ảnh: Lê Toàn

12:05 19/04
Ông Hoàng Đức Chính chúc mừng hai thành viên HĐQT mới được bầu là ông Lê Mạnh Tuấn (ở giữa) và ông Trần Duy Tân (bên trái). Ảnh: Lê Toàn

Ông Hoàng Đức Chính chúc mừng hai thành viên HĐQT mới được bầu là ông Lê Mạnh Tuấn (ở giữa) và ông Trần Duy Tân (bên trái). Ảnh: Lê Toàn

Ban lãnh đạo PV Trans Pacific chụp ảnh lưu niệm kết thúc ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Ảnh: Lê Toàn

Ban lãnh đạo PV Trans Pacific chụp ảnh lưu niệm kết thúc ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Ảnh: Lê Toàn

Kết thúc Đại hội, toàn bộ tờ trình đều được thông qua.

Tin bài liên quan