ĐHĐCĐ Thiên Long (TLG): Lợi nhuận sau thuế đạt 114,6 tỷ đồng, tăng 34%

ĐHĐCĐ Thiên Long (TLG): Lợi nhuận sau thuế đạt 114,6 tỷ đồng, tăng 34%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 26/4, CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã TLG - sàn HOSE) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT cho biết, năm 2021 là năm thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, năm 2021, Công ty ghi nhận nhận lợi nhuận sau thuế tăng 15,4% so với cùng kỳ lên 277 tỷ đồng.

Ông Cô Gia Thọ nhấn mạnh, sau khi các đợt phong tỏa chấm dứt, Công ty trở lại quỹ đạo tăng trưởng với dự báo doanh thu và lợi nhuận đều khả quan. Đầu năm 2022, công ty khởi công mở rộng nhà máy thêm 10.000 m2 để gia tăng năng lực sản xuất. Công ty còn tổ chức lại kho bãi với mô hình kho trung tâm 14.000 m2 tại KCN Lê Minh Xuân và đầu tư hệ thống quản trị kho hàng VMS nhằm tối ưu hóa nguồn lực, giảm chi phí.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 của TLG (Đơn vị: Tỷ VNĐ).

Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 của TLG (Đơn vị: Tỷ VNĐ).

Trong năm 2022, Thiên Long đặt kế hoạch doanh thu tăng 21,8% so với cùng kỳ lên 3.250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 1,2% lên 280 tỷ đồng. Được biết, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định kịch bản học sinh đi học ổn định, thị trường hồi phục và trở lại bình thường.

Về cổ tức, năm 2021, Công ty thông qua kế hoạch cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Bước sang năm 2022, mức cổ tức dự kiến tăng lên là 30%.

Bầu lại HĐQT và Ban kiểm soát

Trong nhiệm kỳ mới 2022-2025, Công ty cũng thực hiện bầu lại thành viên HĐQT và Ban kiểm soát. Trong đó, HĐQT gồm 7 người gồm ông Cô Gia Thọ, bà Trần Thái Như, bà Cô Ngân Bình, bà Cô Cẩm Nguyệt, ông Tayfun Uner, ông Phạm Tri Nguyên và ông Nguyễn Đình Tâm. Ban Kiểm soát gồm 3 người gồm bà Nguyễn Thị Bích Ngà, bà Tạ Hồng Diệp và bà Vũ Thị Thanh Nga.

Trong đó, ông Cô Gia Thọ đang là Chủ tịch HĐQT Thiên Long từ tháng 4/2008 đến nay, ông Thọ đang nắm giữ và đại diện CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh sở hữu hơn 42 triệu cổ phiếu TLG, tương ứng 54,11% vốn điều lệ công ty.

Về kế hoạch đầu tư, năm 2022, Công ty dự kiến mở rộng Nhà máy Thiên Long Long Thành với diện tích sàn 8.000 m2 và diện tích xây dựng 40.000 m2.

Đối với khối thương mại, định hướng mở rộng thị trường quốc tế trong năm 2022 và chiến lược 5 năm tới. Công ty đã và đang triển khai các dự án về cải tiến chất lượng sản phẩm, không chỉ về chất lượng mà còn về bao bì, thiết kế, để tiếp cận các khách hàng lớn ở thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, Âu, Mỹ…

Ngoài ra, trong năm 2022, Công ty sẽ chú trọng hơn vào việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm STEAM, DIY mang thương hiệu Thiên Long, không chỉ phát triển tại thị trường Việt Nam mà còn định hướng xuất khẩu sang Đông Nam Á và thế giới.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, doanh thu thuần của TLG đạt 794 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 114,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 34% so với cùng kỳ năm trước.

Phần thảo luận trong đại hội:

Chi tiết dự án phát triển xây dựng nhà máy mới của Thiên Long Long Thành về công suất, diện tích, hiệu quả của dự án?

Ông Nguyễn Đình Tâm, thành viên HĐQT: Dự án xây dựng nhà máy mới ở Thiên Long Long Thành được xây dựng trên diện tích 11.557,8 m2, bao gồm nhà xưởng và công trình phụ trợ. Trong đó, diện tích nhà xưởng là 9.615 m2, về công suất thiết kế và sản xuất cung cấp, TLG tập trung sản xuất vào keo, các nhóm sản phẩm học cụ, mỹ thuật.

Dự án sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10/2022 và dự kiến vận hành vào cuối năm 2022. Tổng số vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 230 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của dự án khoảng 81 tỷ đồng/năm.

Trong quá trình phát triển, TLG còn có quỹ đất khoảng gần 6.000 m2, tuỳ theo nhu cầu của thị trường và sự phát triển, TLG sẽ tiếp tục xây thêm 1 block thứ 2, đây là mặt bằng đáp ứng sự phát triển tuỳ theo nhu cầu của tập đoàn.

Hiệu quả và lý do TLG đầu tư vào kho trung tâm?

Ông Lâm Văn Hải, Phó tổng giám đốc Thường trực Khối Thương mại: Hiện nay, TLG đang có 6 kho nằm rải rác các nơi, nên cần phải quản trị hiệu quả. Hầu hết xu thế quản trị chuỗi suppy chain đang là thế mạnh và trở thành yếu tố thành công cho doanh nghiệp sản xuất. Việc quản trị chuyển đổi số trong quản trị kho là câu chuyện vô cùng quan trọng để đạt được những hiệu quả nhất định. Từ 6 kho tập trung về 1 kho và đặc biệt với chiến lược không chỉ trong ngắn hạn mà còn dài hạn với diện tích 14.000 m2, TLG có thể đảm bảo ít nhất sự phát triển trong 2-3 năm với nhu cầu và kế hoạch kinh doanh của TLG.

Ở những 5 năm tiếp theo, khi nhu cầu kho tăng trưởng thì TLG vẫn có nền tảng phát triển một cách ổn định tại KCN vì TLG đã chọn một KCN chuyên nghiệp để đầu tư, đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động. Giá trị lớn nhất mà TLG mang lại là hiệu quả trong việc quản trị năng suất, hiệu suất của việc nhận hàng, giao hàng và làm tăng thêm tính tối ưu hoá dịch vụ cho tất cả khách hàng và người tiêu dùng.

Một trong những đổi mới lớn nhất của TLG năm 2022 là tối ưu hoá quản trị phân phối đa kênh và kho trung tâm sẽ làm nhiệm vụ đó với kế hoạch vào quý III, TLG sẽ khởi động kho trung tâm. TLG sẽ quản trị thật tốt để tạo ra năng suất cho tương lai.

Triển vọng của ngành bút viết và văn phòng phẩm trong thời đại hậu Covid?

Ông Tayfun Uner, thành viên HĐQT: Có 4 điểm chính về xu hướng của ngành văn phòng phẩm. Thuận lợi của thị trường Việt Nam nhiều học sinh đến trường và ngành dịch vụ phát triển mạnh. Trên thế giới nói chung có một số kênh mới nổi là E-Commerce và sự phát triển sản phẩm high-end là cơ hội rất lớn cho ngành văn phòng phẩm trên thế giới.

Ngoài ra, với nhiều cải tiến về ý tưởng sản phẩm mới thì sản phẩm không chỉ tăng về sản lượng mà còn tăng về giá trị, điều này giống những điều mà TLG đang hướng tới với chiến lược tăng giá bán bình quân, kết hợp với sản lượng tăng.

Sự hợp tác giữa TLG và Newell?

Ông Tayfun Uner: Rất hài lòng và tự tin với mối quan hệ đối tác chiến lược với TLG và có lòng tin về ban lãnh đạo với nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong ngành.

Kế hoạch nhân sự kế thừa cho đội ngũ lãnh đạo?

Ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT: Trong 40 năm qua, từng giai đoạn TLG đều có kế hoạch đào tạo đội ngũ kế thừa. TLG có nhiều kế hoạch để đào tạo đội ngũ kế thừa theo từng các cấp để duy trì sự phát triển bền vững.

Xung đột quân sự Ukraine ảnh hưởng tới hoạt động công ty như thế nào?

Bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc điều hành: TLG không ảnh hưởng về mặt xuất khẩu nhưng chịu ảnh hưởng lớn về mặt nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá dầu tăng lên nhanh. Tuy nhiên, TLG đã lường trước những khó khăn trong giai đoạn đại dịch, vì vậy TLG đang có lượng tồn kho khá lớn và đó là một trong những lý do mà chi phí đầu vào trong quý I được kiểm soát.

TLG cũng đã chuyển sang một phần vào việc tăng giá bán trong đầu năm nên tỷ suất lợi nhuận từ đầu năm rất khả quan. TLG cũng tự tin hoàn thành đạt được kế hoạch năm 2022.

Dự kiến tình hình kinh doanh quý II?

Ông Lâm Văn Hải: TLG đặt mục tiêu doanh thu quý II là 811 tỷ đồng, với mục tiêu tăng trưởng 37% so với cùng kỳ. TLG hiện có nhiều lợi thế khi thị trường Việt Nam đang mở cửa, học sinh đi học trở lại, các văn phòng làm việc trở lại bình thường, nhu cầu văn phòng phẩm tăng trở lại. Không chỉ dừng lại ở tham vọng đạt được mục tiêu kinh doanh, từng kênh phân phối tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng bứt phá trong quý II để đảm bảo chuỗi cung ứng phục vụ cho mùa cao điểm của văn phòng phẩm.

Tin bài liên quan