Năm 2021, SHB đã thu hồi nợ và trích lập dự phòng để tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn.

Năm 2021, SHB đã thu hồi nợ và trích lập dự phòng để tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 SHB: Chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB - sàn HNX), đại diện Ngân hàng cho biết, dư nợ bất động sản hiện chiếm 6,75% trên tổng dư nợ. Trái phiếu doanh nghiệp là 6.600 tỷ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản là 4.100 tỷ đồng.

Trong phần thảo luận, cổ đông cũng có ý kiến về việc SHB chưa có trụ sở đàng hoàng tại Trần Hưng Đạo. Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, Ngân hàng sẽ xây dựng trụ sở mới và hiện vẫn đang tập trung hoàn thiện các thủ tục theo quy định của Nhà nước, thành phố Hà Nội…

“Chúng tôi cũng rất đau đáu, sốt ruột khi đất vẫn để nguyên đó, không cho thuê để khi nào có giấy phép sẽ triển khai xây dựng luôn”, ông Hiển nói.

Khác với kỳ ĐHCĐ năm ngoái, cổ đông rất hào hứng khi được nhận cổ tức bằng cổ phiếu và bán lại với giá cao. Năm nay, cổ đông phàn nàn về việc chia cổ tức chậm và phải chịu thiệt khi nhận được cổ phiếu trong thời điểm thị trường có diễn biến rất xấu.

“Giá cổ phiếu hiện đang giảm mạnh trong khi nếu trả trước cổ đông sẽ có lợi hơn nhiều, đề nghị Ban lãnh đạo sau khi được NHNN, UBCK cho phép, tiến hành trả cổ tức nhanh hơn”, cổ đông nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hiển thừa nhận năm 2019 - 2020, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu có sự chậm trễ và cổ tức năm 2021 sẽ tiến hành nhanh hơn.

Đối với tờ trình về việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ dự kiến tối đa 20% vốn tăng thêm và dự kiến chào bán cổ phiếu cho người lao động với tỷ lệ 1,69%, tương đương 45,12 triệu cổ phiếu mới, cổ đông kiến nghị giá bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài không thấp hơn 10.000 đồng/CP.

Ông Hiển cam kết: “Chúng tôi sẽ đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở có năng lực điều hành, quản trị để SHB phát triển an toàn bền vững, lâu dài, đảm bảo lợi ích cho SHB nói chung và cổ đông nói riêng và giá cổ phiếu sẽ không thấp hơn 10.000 đồng/CP”.

Ông Hiển cũng tiết lộ, năm nay sẽ khoá room bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn thành bán cổ phiếu xong cho cổ đông nước ngoài.

Như vậy, sau khi thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu và chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng lên mức 36.459 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng, trước băn khoăn của cổ đông về lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%, liệu có khả thi, ông Hiển cho biết, lợi nhuận quý I/2022 của SHB đạt 3.226 tỷ đồng, đã hoàn thành khoảng 30% mục tiêu cả năm. “Quý I vướng vào thời gian lễ tết mà kết quả kinh doanh đạt được 30% nên tôi tin tưởng kế hoạch lợi nhuận năm 2022 sẽ đạt được”, ông Hiển nói.

Lãnh đạo SHB cho biết thêm, năm 2021, SHB đã thu hồi nợ và trích lập dự phòng để tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và Vinashin trước thời hạn. Năm nay, do trích lập dự phòng rủi ro giảm khoảng 3.000 tỷ đồng so với năm ngoái nên cũng giúp Ngân hàng tăng lợi nhuận.

Ông Hiển nhấn mạnh: “Chúng ta có cơ sở đúng, phương pháp đúng, nguyên lý đúng, tổ chức thực hiện đúng, con số nhận về sẽ đúng… SHB hướng tới là Ngân hàng Top 3 về hiệu quả và đến năm 2025 sẽ là Ngân hàng số 1 về hiệu quả”.

Tại ĐHCĐ đã thông qua các tờ trình, trong đó, kế hoạch mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng trên 12%, vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng 87%; dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%.

Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là nguồn vốn huy động và tổng dư nợ tín dụng, SHB dự kiến tăng lần lượt 9,8% và 14,4%, đạt 504.539 tỷ và 421.715 tỷ đồng vào cuối năm nay. Nợ xấu kiểm soát dưới 1,3%.

Được biết, SHB sẽ tiếp tục hợp tác với các tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới BCG, IFC, IBM… nhằm cung cấp các giải pháp toàn diện nâng cao hiệu quả kinh doanh, thông qua việc đổi mới mô hình kinh doanh có sự kết nối trong hoạt động của SHB với các sáng kiến chiến lược then chốt.

Trong giai đoạn tiếp theo, chuyển đổi số tiếp tục là trụ cột phát triển của SHB, hướng tới phát triển ngân hàng theo hướng hiện đại hóa, ngày càng kinh doanh hiệu quả và vươn tầm quốc tế. Đồng thời, SHB chú trọng xây dựng chiến lược phát triển khách hàng chuỗi giá trị, hệ sinh thái, lấy khách hàng làm trọng tâm. Trong đó, tập trung phát triển khách hàng mới, chú trọng phát triển phân khúc khách hàng mục tiêu, tệp khách hàng truyền thống, khách hàng đa ngành, khai thác hệ sinh thái khách hàng, đem lại hiệu quả cao phù hợp với tiềm năng của vùng miền, địa bàn.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/4, cổ phiếu SHB đứng tại mức giá 16.900 đồng/CP.

Tin bài liên quan