ĐHĐCĐ thường niên 2022 Vinamilk (VNM): Cổ đông thắc mắc về giá cổ phiếu

ĐHĐCĐ thường niên 2022 Vinamilk (VNM): Cổ đông thắc mắc về giá cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 26/4/2022, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán VNM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2022 theo hình thức trực tuyến. 

Năm 2021 là năm cuối trong giai đoạn 5 năm 2017 - 2021, đánh dấu cột mốc 45 năm thành lập Công ty. Trong giai đoạn này, Vinamilk vươn lên hạng 36 trong danh sách các công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu (theo Plimsoll, Anh Quốc). Đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á lọt vào Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và Top 5 thương hiệu thực phẩm mạnh nhất toàn cầu với giá trị thương hiệu 2,4 tỷ USD (theo Brand Finance, Anh Quốc).

Giá cổ phiếu do thị trường quyết định

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk

Ở phần thảo luận, trả lời câu hỏi giá cổ phiếu của VNM đang tăng trưởng không xứng với giá trị công ty, công ty có mua cổ phiếu quỹ, bà Liên cho biết, HĐQT không có ý định mua cổ phiếu để cứu giá. Vinamilk luôn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững tăng trưởng cả lợi nhuận và doanh thu. Giá cổ phiếu do quyết định thị trường.

Đối với câu hỏi của cổ đông Đặng Hùng Phước, rằng Vinamilk có kế hoạch niêm yết cổ phiếu ra nước ngoài hay không? Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT cho biết, cách đây mấy năm đã nghiên cứu, đã có mong muốn, nhưng việc này không hề đơn giản trong bối cảnh hiện nay, nên hiện tại chưa có kế hoạch này. Trong tương lai khi điều kiện thuận lợi đây sẽ là hướng đi tốt cho công ty.

Về chiến lược M&A bà Mai Kiều Liên cho biết, M&A vẫn tập trung vào tiêu dùng nhanh như sức khỏe dinh dưỡng của mọi người dân Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về mức tiêu thụ bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp, bà Mai Kiều Liên lý giải: "Việt Nam là đất nước không có thói quen dùng sữa, thời gian trước không có ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa và công nghiệp sữa cho đến sau giải phóng. Thu nhập thấp cũng là một lý do. Tuy nhiên, những năm qua, mức tiêu thụ sữa đã tăng khoảng 2,5%. Vinamilk cam kết góp phần cải thiện tầm vóc người Việt qua việc cung cấp các giải pháp chất lượng phù hợp với thể trạng người Việt. Phấn đấu để mọi trẻ em Việt nam đều được sử dụng sữa.

“Đã có một khối lượng khách hàng trung thành tiêu dùng dòng sản phẩm chất lượng cao Ogannic. Dòng sản phẩm này là bước chuẩn bị cho tương lai. Dòng sản phẩm này tiếp tục có đóng góp quan trọng trong tổng doanh thu của Vinamilk”, bà Liên cho biết.

Cũng theo bà Liên, xuất khẩu các sản phẩm của công ty năm qua tăng trưởng 10%/năm, 2022 cũng dự kiến tăng 5 - 10% tùy bối cảnh thị trường, vì thời gian qua nguyên liệu tăng rất cao.

Đối với băn khoăn tiềm năng tăng trưởng của các sản phẩm sữa đã bão hòa sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của Vinamilk, Tổng giám đốc Vinamilk cho rằng, ngành sữa chưa bão hòa, vì mức tiêu thụ còn rất thấp so với khu vực. Lợi thế tăng của Vinamilk và ngành sữa vẫn còn, bởi GDP tăng trưởng, thu nhập tăng, thì mức sử dụng sản phẩm sữa tăng cao. Bình quân 1 năm 1 triệu trẻ em ra đời, đối tượng này chỉ sử dụng sữa. Dân số cũng chuyển đổi, nhưng cũng tăng trưởng thêm. Những lợi thế đó cho thấy ngành sữa chưa bão hòa. Theo đánh giá của Vinamilk, từ nay đến năm 2025, tổng doanh thu của toàn ngành sữa sẽ đạt 126.000 tỷ đồng, riêng Vinamilk là 86.000 tỷ đồng.

Cổ đông Đặng Thị Thanh Phương góp ý, Vinamilk nên cân nhắc việc đặt tên cho các sản phẩm, ví dụ sản phẩm sữa óc chó nên đổi tên, Vinamilk cũng nên phát triển mạnh hơn hình thức giao hàng tận nhà.

Cổ đông Văn Đức Huy góp ý, công ty nên mua 1 thương hiệu giao chuyển hàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty. Cổ đông này cũng băn khoăn, lượng nhân sự quá lớn có phải gánh nặng cho công ty? Tuy nhiên, bà Mai Kiều Liên cho rằng, Vinamilk không bị áp lực vì lực lượng nhân sự khổng lồ, bởi công ty chỉ có 5.000 - 6.000 lao động, trong khi doanh số 3 tỷ USD.

“Vấn đề lớn là đáp ứng của nhân sự trong tình hình mới. Đây là điều chúng tôi quan tâm nhất. Chúng tôi đã có kế hoạch để đào tạo và đào tạo lại nhân viên hiện với công nghệ mới”, bà Liên nhấn mạnh.

Chốt kế hoạch doanh thu tăng 5% và bán thêm thực phẩm, đồ dùng khác cho gia đình

Đại hội cũng thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 64.070 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế giảm lần lượt 7,1% và 8,1% so với thực hiện năm trước, tương ứng đạt 12.000 tỷ đồng và 9.770 tỷ đồng.

Năm 2021, Vinamilk ghi nhận doanh thu đạt 60.919 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ và là năm đầu tiên vượt mốc 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm mạnh so với mức 46,4% của năm 2020 xuống còn 42,5%, dẫn đến lợi nhuận sau thuế cũng giảm 5% so với năm trước xuống mức 10.633 tỷ đồng.

Tăng trưởng gặp khó, nhưng Vinamilk vẫn duy trì đều đặn chính sách cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ khá cao. Theo đó, Vinamilk thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 38,5%, trong đó công ty đã tạm ứng 2 đợt vào tháng 9/2021 (15%) và tháng 1/2022 (14%). Cổ tức còn lại 9,5% dự kiến sẽ được chi trả vào ngày 19/8/2022 theo danh sách cổ đông chốt ngày 7/7.

Bên cạnh đó, Vinamilk cũng trình cổ đông phương án cổ tức năm 2022 với cùng tỷ lệ 38,5% tương ứng số tiền dự chi hơn 8.000 tỷ đồng. Mức chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022 là 3.850 đồng/cổ phiếu, đây là mức chi trả cổ tức bằng tiền cao trên thị trường. Công ty dự kiến sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% cùng thời điểm với cổ tức còn lại của năm 2021.

Trong giai đoạn 2022 - 2026, HĐQT định hướng phát triển sản phẩm và trải nghiệm ưu việt cho người tiêu dùng, nhất là đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Đồng thời, Vinamilk sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ Internet vạn vật, dữ liệu lớn, và tự động hóa và robotics.

Ngoài ra, Vinamilk sẽ khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua các hoạt động M&A, hoặc đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ và đầu tư các dự án khởi nghiệp phù hợp với chiến lược tăng trưởng của Công ty; tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm cơ hội chuyển dịch đầu tư sản xuất tại chỗ.

ĐHĐCĐ phê duyệt việc sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh của Công ty và thông qua danh sách các ngành, nghề kinh doanh của Công ty sau khi được sửa đổi, bổ sung.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, nguyên Tổng Thư ký Quốc hội được bầu làm thành viên HĐQT Vinamilk nhiệm kỳ mới

Các thành viên HĐQT mới của Vinamilk nhiệm kỳ 2022-2026.

Các thành viên HĐQT mới của Vinamilk nhiệm kỳ 2022-2026.

ĐHĐCĐ phê duyệt tổng mức thù lao năm 2022 cho HĐQT là 25 tỷ đồng với cơ cấu 11 thành viên và các lợi ích khác cho HĐQT là bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm y tế, và khám sức khỏe theo chính sách chung của Công ty. Tổng thù lao này giữ nguyên như trong những năm qua. Thù lao HĐQT sẽ được tính và chi trả tương ứng với số lượng thành viên thực tế.

Đại hội cũng đã thông qua danh sách ứng viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2026. Cụ thể, ông Alain Xavier Cany do cổ đông Platinum Victory Pte. Ltd. nắm giữ 10,62% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề cử (hiện là Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 của Vinamilk, Phó chủ tịch HĐQT REE);

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ 36% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề cử 3 ứng viên là ông Lê Thành Liêm, bà Đặng Thị Thu Hà và ông Hoàng Ngọc Thạch. Trong đó, bà Hà là Trưởng ban Đầu tư 3 của SCIC, Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 của Vinamilk, Chủ tịch HĐQT DHG, Thành viên HĐQT Benovas. Còn ông Thạch hiện đang là Trưởng ban Đầu tư 5 của SCIC,

Ông Đỗ Lê Hùng, ứng viên độc lập, do HĐQT giới thiệu. Ông Hùng là Thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán REE (từ tháng 3 năm 2021 đến nay), Thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán DHG (từ tháng 6 năm 2019 đến nay); Thành viên HĐQT độc lập, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Vinamilk (từ tháng 4/2017 đến nay);

HĐQT Vinamilk cũng giới thiệu bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc; ông Nguyễn Hạnh Phúc, nguyên Tổng Thư ký Quốc hội, ứng viên độc lập; bà Tiêu Yến Trinh, ứng viên độc lập. Bà Trinh hiện là Tổng giám đốc Talentnet, thành viên HĐQT PNJ...

Trong khi đó, nhóm cổ đông F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&NBev Manufacturing Pte Ltd nắm giữ 20,39% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề cử 2 ứng viên là ông Lee Meng Tat và ông Michael Chye Hin Fah.

Tin bài liên quan