Đi tìm hồn phố thị: Gìn giữ những vàng son

Đi tìm hồn phố thị: Gìn giữ những vàng son

(ĐTCK) Hồn phố thị được thể hiện qua nhiều khía cạnh, trong đó có kiến trúc, bóng dáng quy hoạch ghi dấu các thời kỳ, giai đoạn lịch sử.

Kỳ cuối: Gìn giữ những vàng son

Hà Nội trong mắt “ai”

Quan sát Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, du khách đến Thủ đô thường rất thích chụp ảnh cùng những gánh hàng rong, hàng hoa, thích ngồi ăn uống, lai rai cùng Hà Nội trên những con phố nhỏ liêu xiêu.

Bên cạnh đó, du khách còn thích thăm thú, ngắm nghía các công trình mang tính biểu tượng, đặc biệt là các công trình kiến trúc cổ, như: Chùa Một cột, Nhà hát lớn, đài phun nước vườn hoa con cóc, Khách sạn Metropole, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân…

Hà Nội, có lẽ là một trong những điển hình của đô thị có bề dày lịch sử với trên 1.000 năm văn hiến, có sự nối tiếp trong dòng chảy văn hóa, lịch sử và phát triển chung. Trong sự tiếp biến đó, có những thứ, những công trình kiến trúc được gìn giữ tốt, trở thành một trong nhiều hình ảnh đặc trưng, mang tính biểu tưởng của Thủ đô. Tuy nhiên, cũng có nhiều công trình bị hao mòn, tổn hại và đứng trước nguy cơ bị biến mất.

Đánh giá về vai trò của quy hoạch, kiến trúc cổ của Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhà nhân học, chuyên gia văn hóa cho rằng, dù bị đô hộ nhưng Hà Nội đã được xây dựng thành một đô thị hiện đại dưới bàn tay người Pháp. Người Pháp đã đưa dấu ấn kiến trúc, quy hoạch của họ vào câu chuyện phát triển Thủ đô, phản ánh một trình độ, văn hóa, văn minh và tư duy quy hoạch đô thị hiện đại. Có thể nói, Hà Nội là hình ảnh một nước Pháp khác đã được xây dựng ở Viễn Đông.

Đi tìm hồn phố thị: Gìn giữ những vàng son ảnh 1

Hoàng Thành Thăng Long trong Lễ hội áo dài 

“Tôi biết nhiều người châu Âu, Pháp, Mỹ muốn đến Hà Nội để chiêm ngưỡng sự cổ kính (với các khu phố cổ), lại chiêm nghiễm một phần dáng dấp của miền Nam nước Pháp”, GS. Huy nhấn mạnh.

Góp ý cho Hà Nội trong chặng đường phát triển phía trước, theo GS. Huy, Hà Nội nên có cách ứng xử phù hợp trong câu chuyện quy hoạch đô thị và các công trình kiến trúc. Một mặt bảo tồn các công trình ở khu phố cổ, phố Tây, việc làm mới cần được tuân thủ các quy định về chiều cao, kiến trúc, nên dành việc phát triển các tòa nhà cao ốc, công trình hiện đại quy mô ở các quận, huyện vùng ven. Có như vậy, Hà Nội mới giữ được phần hồn đã chinh phục bao người, bao du khách.

Đồng quan điểm, theo kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Văn phòng Kiến trúc Toobstudio, Hà Nội có 36 phố phường, là đô thị có nhịp sống và buôn bán sầm uất trên toàn thành phố. Đây chính là một trong những nét đặc trưng, trong khi nhiều đô thị khác thường chạy dài theo trục đường chính, đường cao tốc….

Hà Nội cũng có nhiều di tích nằm xen kẽ, rải rác trong thành phố. Trước yêu cầu phát triển của đô thị, để hài hòa, theo ông Quang, không nhất thiết phải giữ lại các ngôi nhà không phải là di tích đã rơi vào tình trạng cũ, nguy hiểm và cần được xây dựng mới. Tuy nhiên, công trình mới thay thế vẫn phải giữ được tinh thần vốn có của Hà Nội.

“Nguyên tắc của đô thị là phải phát triển, chảy cùng mạch vận động của cuộc sống, trừ khi đó là đô thị bảo tồn. Nói cách khác, đô thị phải sống cùng với đời sống kinh tế - xã hội, phải vận động và phát triển theo nó. Vấn đề ở đây là có kiểm soát, có quy hoạch được câu chuyện phát triển hay không. Theo tôi, việc kiểm soát xây dựng ở khu phố cổ, ven hồ Hoàn Kiếm và một số khu vực nhạy cảm là nên làm để giúp bảo vệ bầu không khí về kiến trúc ở đây”, ông Quang nhấn mạnh.

Quy hoạch còn nhiều trăn trở

Nhìn nhận về câu chuyện quy hoạch, theo kiến trúc sư Lê Minh Quang, Giám đốc, Kiến trúc sư trưởng Văn phòng kiến trúc MW Archstudio (TP.HCM), phát triển đương nhiên là phải có sự thay đổi đáng kể song hành cả lượng và chất. Đáng tiếc các bài học tiêu cực trước đó của các quốc gia phát triển mạnh về quy hoạch đô thị luôn chỉ tìm cách giải quyết vội vã gần như duy nhất vế đầu là lượng. Trong khi đó, vế còn lại là chất gần như bị bỏ qua, hoặc là xem nhẹ, hoặc được xác định với tỷ lệ tham gia vào các quá trình quy hoạch đô thị gần như rất thấp.

Như các phân tích ở trên, phải xác định cốt lõi quy hoạch đô thị là vấn đề xã hội học và chiến lược lâu dài. Trong đó, mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên là đại diện, thì lúc đó câu chuyện là nên xác định các nguồn lực, điểm mạnh, tính bản địa đặc trưng của vùng miền đó (khí hậu, con người, thói quen, văn hóa đặc trưng…). Từ đó, xây dựng một kịch bản quy hoạch giải quyết các vấn đề trên cho riêng vùng miền ấy.

Đi tìm hồn phố thị: Gìn giữ những vàng son ảnh 2

Hà Nội có nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp 

Theo ông Quang, vấn đề cạnh tranh giữa cũ và mới luôn gây tranh cãi, nhất là với đất nước đang phát triển và thiếu kinh nghiệm trong giai đoạn đầu của quy hoạch tổng thể như nước ta, thì đây là điều khó tránh khỏi.

“Nghiên cứu các quốc gia có bước phát triển trước ta, tôi nhận thấy có các kinh nghiệm, cách làm như sau: hoặc là họ chấp nhận làm mới hoàn toàn; hoặc là họ lồng ghép giữa cũ và mới; hay họ tách biệt ra hẳn cũ và mới không nằm cạnh nhau”, ông Quang nói.

Tuy nhiên theo ông Quang, dù cho cách nào đi nữa, thì giá trị hàng đầu họ phải đạt được sự hiệu quả thực nghiệm, có tính lâu dài trong tương lai. Trong đó, vai trò, tỷ lệ giữa cũ và mới được xác định rất rõ ràng trong chiến lược phát triển tương lai của họ. Sau đó, mới tiến hành các bước tiếp theo để hình thành thực tế.

Với các chiến lược đã nêu trên, thì điểm quan trọng trong các kịch bản quy hoạch nói chung hay như các ngành khoa học khác là sự phản biện nghiêm túc đa chiều để tìm ra kết quả tiệm cận của tận cùng vấn đề.

Hồn phố thị là yếu tố mềm, phi lý tính, nhưng cũng giống như một cô gái, nếu vẻ đẹp bề ngoài dễ gây thiện cảm bước đầu với người đối diện, thì nét duyên thầm mới là thứ mang lại sức hút dài lâu. Trong tiến trình phát triển, tiến hóa của các đô thị, phần hồn này sẽ là thứ làm nên bản sắc văn hóa, tạo nên nét riêng cho các thành phố.

Chuỗi bài viết với chủ đề “Đi tìm hồn phố thị”, với góc nhìn đa chiều của các chuyên gia, kiến trúc sư, Báo Đầu tư Bất động sản hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ có thêm được những lát cắt sinh động về hồn phố thị, từ đó, có cách ứng xử phù hợp, văn hóa với nơi mình đang sống, để những vàng son thuở nào sẽ còn được hiện hữu lâu hơn, trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan