Dự án đầy đủ tiện ích, thuận tiện cho việc di chuyển vào trung tâm thành phố thu hút sự quan tâm từ thị trường. Ảnh: Lê Toàn

Dự án đầy đủ tiện ích, thuận tiện cho việc di chuyển vào trung tâm thành phố thu hút sự quan tâm từ thị trường. Ảnh: Lê Toàn

Địa ốc phía Nam tìm điểm sáng năm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn cung mới “nhỏ giọt” cộng với giá bán bị đẩy lên quá cao khiến bất động sản nhà ở tại trung tâm TP.HCM khó tiếp cận, tạo điều kiện cho các thị trường vùng ven lên ngôi.

Đô thị vệ tinh “sáng đèn”

Bối cảnh dân số tăng nhanh, hạ tầng nội đô quá tải, nguồn cung mới khan hiếm và giá neo cao tại những đô thị lớn như TP.HCM đang khiến nhiều người trẻ có xu hướng lựa chọn mua nhà ở tại các khu vực lân cận với đa dạng sản phẩm và mức giá hợp lý hơn. Nắm bắt được xu thế đó, các doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng đổ về các địa phương trong vùng TP.HCM để đầu tư những đô thị quy mô lớn, hiện đại.

Theo đó, tại những địa phương lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương… xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm nhà ở, vừa cung cấp cho người dân địa phương, vừa có thể dành cho người làm việc ở TP.HCM. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên tục được đầu tư mở rộng đã và đang tạo điều kiện cho xu hướng di dân từ khu vực trung tâm thành phố về vùng ven.

Ghi nhận cho thấy, tại Long An, một số khu đô thị quy mô lớn đang thu hút mạnh nhu cầu ở thực lẫn đầu tư. Chẳng hạn, Khu đô thị Waterpoint của Nam Long Group đang triển khai phân khu mới, trong khi các giai đoạn trước đó đã có cư dân vào sinh sống đông đúc. Đáng chú ý, ngoài dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự, villa ven sông, dự án này còn có sản phẩm căn hộ EHome Southgate giá vừa túi tiền (từ 1 tỷ đồng/căn) thu hút đông đảo người có nhu cầu ở thực.

Hay tại Đồng Nai, các dự án như Izumi City, Nam Long Đại Phước, Aqua City... cũng là những “điểm sáng” của khu vực này, trở thành xu hướng lựa chọn nhà ở cho những người thích cuộc sống thoải mái, mà không quá xa TP.HCM.

Theo các chuyên gia trong ngành, đây không phải là xu hướng mới nhưng khuynh hướng giãn dân đô thị ngày càng gia tăng kéo theo nhu cầu nhà ở ven đô ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group - doanh nghiệp phát triển nhiều dự án tại khu vực vùng ven TP.HCM chia sẻ, trên thị trường hiện rất thiếu các dự án, sản phẩm có giá vừa túi tiền cho khách hàng có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ này đang rất cao và cần nguồn cung lớn nên trong thời gian tới, Tập đoàn Thắng Lợi tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời hướng tới đồng hành cùng Chính phủ trong “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

“Chúng tôi đã và đang ứng dụng công nghệ vào trong kinh doanh, bán hàng và vận hành doanh nghiệp. Điều này mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng khi tìm hiểu và đầu tư vào dự án do Tập đoàn Thắng Lợi phát triển. Với mỗi dự án, chúng tôi cố gắng phát triển thành những khu đô thị đáng sống với tỷ lệ lấp đầy tăng trưởng trung bình 25%/năm. Việc này giúp khách hàng và nhà đầu tư an tâm hơn bởi sản phẩm có thanh khoản cao và ổn định”, ông Quyền nói và chia sẻ thêm, một điều hạnh phúc là đến nay, Thắng Lợi Group đang đạt được điều đó.

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Phó tổng giám đốc MIKHome nhìn nhận, nếu như hơn 10 năm trước vùng ven được định nghĩa đơn giản chỉ là những vùng đất xung quanh các đô thị lớn thì nay được mở rộng hơn cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông.

“Theo đó, với khoảng cách di chuyển 2-3 tiếng đồng hồ là đến được trung tâm thành phố, khu vực này vẫn được gọi là vùng ven. Chưa kể, khi giá bất động sản ở các khu vực vùng ven cũ được đẩy lên cao, nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các vùng lân cận để tìm kiếm các vùng ven mới với cơ hội đầu tư tốt hơn. Vì vậy mà phạm vi vùng ven ngày càng mở rộng”, bà Huệ giải thích.

Cú huých từ hạ tầng

Khách hàng tham quan dự án của Novaland ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn

Khách hàng tham quan dự án của Novaland ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn

Ghi nhận thực tế cho thấy, người mua nhà hiện không quan tâm quá nhiều đến khu vực địa lý, mà chú trọng vào thời gian di chuyển, nghĩa là chuyện làm việc ở TP.HCM nhưng sinh sống tại Đồng Nai, Bình Dương, thậm chí Long An không còn quá xa lạ.

Điều này xuất phát từ thực tế là hạ tầng giao thông kết nối đô thị với các khu vực lân cận ngày càng hoàn thiện, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, đồng thời giá bất động sản khu vực này còn hấp dẫn. Nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn ven TP.HCM có thể đáp ứng mọi nhu cầu về tiện ích nên nhiều người lựa chọn nơi đây làm căn nhà thứ hai hoặc chuyển hẳn về sinh sống.

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, xu hướng người dân thành phố dịch chuyển về khu vực ven TP.HCM để sinh sống trở nên rõ nét hơn kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và kết nối hạ tầng, chất lượng dịch vụ ngày càng hoàn thiện hơn ở nơi đây trở thành chất xúc tác quan trọng cho xu hướng này.

Theo giới chuyên gia, xu hướng “ly tâm” từ trung tâm thành phố về vùng lân cận TP.HCM sẽ còn kéo dài bởi việc kết nối các khu đô thị ở Đồng Nai, Bình Dương hay Long An với Thành phố ngày càng thuận tiện, nhanh chóng. Bên cạnh đó, chênh lệch về chất lượng sống giữa các khu vực cũng ngày càng thu hẹp, trong khi giá cả sinh hoạt và dịch vụ ở vùng ven vừa phải hơn.

Tuy nhiên, để chọn được những dự án bất động sản vùng ven ưng ý, đảm bảo khả năng sinh lời không phải chuyện dễ. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, những sản phẩm bất động sản có vị trí đẹp, tiềm năng tăng giá tốt… chỉ có thể là sản phẩm của những chủ đầu tư uy tín, cho nên nhà đầu tư cần tìm đến những chủ đầu tư này.

“Khi tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư dự án, bên cạnh lời giới thiệu của chuyên viên môi giới bất động sản, nhà đầu tư cần quan tâm đến các sản phẩm trước đó cũng như công tác tổ chức sau bán hàng của họ như thế nào. Đặc biệt, nên tìm hiểu tận mắt dự án, đánh giá về những lợi thế liên quan đến vị trí địa lý, hạ tầng giao thông cũng như các tiện ích đi kèm, mật độ dân cư và cơ sở pháp lý của dự án”, bà Huệ chia sẻ thêm.

Còn theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EximRS, thời điểm hiện tại, bất động sản đang được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn, nhưng khi đầu tư không nên dùng nhiều vốn vay, mà chỉ nên vay dưới 40% giá trị bất động sản, còn lại nên sử dụng vốn sẵn có, bởi đầu tư vào bất động sản lúc này cần xác định là đầu tư dài hạn, không nên “lướt sóng” ngắn hạn để tránh rủi ro.

Tin bài liên quan