Dịch nCoV tác động thế nào đến CPI

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Conora (nCoV) gây ra vẫn diễn biến phức tạp, nhưng theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), nCoV không tác động tiêu cực đến lạm phát, thậm chí ngược lại.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê).

Thiên tai, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh là những nguyên nhân chính khiến giá cả leo thang, vậy vì sao bà cho rằng, nCoV không tác động tiêu cực tới lạm phát?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng do thiên tai, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh xuất phát từ nhu cầu tăng đột biến, trong khi nguồn cung hàng hóa có hạn hoặc do một số đối tượng gom hàng, “thổi giá”. Việt Nam là một trong số những quốc gia, vùng lãnh thổ đã có người bị nhiễm nCoV, song tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân cũng như phục vụ hoạt động sản xuất đều rất dồi dào.

Tôi cho rằng, mặc dù nCoV đang diễn biến phức tạp (tính đến trưa ngày 6/2/2020 đã có 28.276 trường hợp nhiễm bệnh, 565 ca tử vong), nhưng với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến của phương tiện thông tin đại chúng để người dân không hoang mang trước dịch bệnh, thì nCoV không tác động tiêu cực đến CPI, thậm chí còn tác động tích cực đến kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Vì sao vậy, thưa bà?

Người Việt có tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, sau Tết Nguyên đán, hoạt động lễ hội diễn ra khắp nơi, rất nhiều người dân đi du xuân, nên sau Tết, CPI tăng khá cao do nhu cầu ăn uống ngoài gia đình, đi lại, lưu trú tăng mạnh.

Nhưng năm nay, trước diễn biến của dịch bệnh nCoV, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 06/CT-TTg (ngày 31/1/2020) về việc hạn chế tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; giảm quy mô lễ hội đã tổ chức.

Sau đó, ngày 2/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc, đối với những địa phương đã công bố dịch phải dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người, trừ các trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Với sự vào cuộc quyết liệt như vậy, năm nay, hoạt động du xuân, lễ hội giảm hẳn, nên nhu cầu đi lại, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí giảm rất mạnh, góp phần kéo CPI giảm xuống.

Theo bà, nCoV còn có tác động nào nữa đến kiểm soát CPI?

Cũng do dịch bệnh nCoV, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2, thậm chí cả tháng 3 sẽ giảm mạnh, đặc biệt là khách Trung Quốc (chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Nhu cầu đi tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của khách du lịch nội địa cũng giảm do lo sợ bệnh nCoV. Hoạt động du lịch giảm có tác động tiêu cực đến kinh tế, nhưng cũng khiến các loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ du lịch giảm, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát lạm phát do cầu giảm.

Mặc dù vậy, Ban Chỉ đạo điều hành giá vẫn cho rằng, không được chủ quan vì còn nhiều yếu tố tác động làm tăng CPI. Tại phiên họp mới đây, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được đưa ra trong kịch bản điều hành giá để mặt bằng giá giảm ngay trong các tháng còn lại của quý I/2020 và quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nhưng dịch bệnh nCoV cũng khiến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm, khiến nguồn cung một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu bị giảm, nên có nguy cơ đẩy giá các mặt hàng này lên?

Người Việt có thói quen mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình… vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, nên sau Tết, nhu cầu với những mặt hàng này không cao. Thông thương giữa Việt Nam và Trung Quốc tạm thời gián đoạn, nên nguồn cung hàng hóa tiêu dùng nhập từ Trung Quốc giảm, nhưng những mặt hàng này không thực sự bắt buộc phải mua sắm ngay như lương thực, thực phẩm, rau quả…, nên trong bối cảnh dịch nCOV diễn biến phức tạp, người dân cũng hạn chế mua sắm. Hơn nữa, hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và hàng sản xuất trong nước sẵn sàng lấp chỗ trống trong trường hợp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không đủ.

Dịch bệnh nCoV cũng khiến hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là rau quả, thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc bị gián đoạn, buộc phải tiêu dùng nội địa, khiến cung tăng, nên cũng góp phần làm giảm tốc độ tăng CPI.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, không được chủ quan trong kiểm soát giá.

Tức là vẫn còn nhiều yếu tố khiến CPI tăng, thưa bà?

Thời tiết năm nay tiếp tục diễn biến khó lường, nhiều khả năng diễn biến tiêu cực hơn các năm trước. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Iran, tình hình Trung Đông còn căng thẳng... Vì vậy, nhiều định chế tài chính quốc tế dự đoán giá dầu năm nay vẫn rất cao, khoảng 64 - 65 USD/thùng.

Ở trong nước cũng có nhiều yếu tố kích giá tiêu dùng, như việc tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2020. Giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục cũng tiếp tục điều chỉnh tăng theo lộ trình.

Nhưng quan trọng nhất là giá thịt lợn đang rất cao do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi năm 2019. Tính đến đầu năm 2020, tổng sản lượng lợn giảm 13,8%, trong khi thời gian tái đàn phải mất 3 - 4 tháng. Vì vậy, để kiểm soát được CPI dưới 4% trong năm nay, phải kiểm soát được giá thịt lợn.

Tin bài liên quan