Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (ABS): 6 tháng đầu năm ghi nhận 11,81 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 16,4% kế hoạch năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (mã ABS - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu tăng 16,4% và lợi nhuận tăng 29,9% trong quý II/2022.
Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận (ABS): 6 tháng đầu năm ghi nhận 11,81 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 16,4% kế hoạch năm

Trong quý II/2022, Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận ghi nhận doanh thu đạt 500,13 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 8,29 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 4,8% lên 5,3%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 28,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 5,85 tỷ đồng lên 26,53 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 43,5%, tương ứng tăng thêm 3,46 tỷ đồng lên 11,42 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 25,1%, tương ứng giảm 1,36 tỷ đồng về 4,05 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận ghi nhận doanh thu đạt 783,33 tỷ đồng, tăng 39,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 11,81 tỷ đồng, tăng 39,8% so với cùng kỳ.

Cơ cấu doanh thu của ABS trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cơ cấu doanh thu của ABS trong 6 tháng đầu năm 2022.

Xét về cơ cấu doanh thu trong 6 tháng đầu năm, Công ty hụt doanh thu kinh doanh bất động sản và cho thuê kho. Ngược lại, doanh thu bán phân bón các loại, sản phẩm khác thuộc nông nghiệp tăng 39,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 187,1 tỷ đồng lên 663,4 tỷ đồng; doanh thu bán xăng, dầu, nhớt các loại tăng 85,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 55,2 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng…

Trong năm 2022, Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.380 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 16,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận tăng 4,4% so với đầu năm lên 1.663,1 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 974,3 tỷ đồng, chiếm 58,6% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 361,8 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 221,4 tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng tài sản.

Cơ cấu phải thu ngắn hạn của khách hàng ABS tính tới 30/6/2022.

Cơ cấu phải thu ngắn hạn của khách hàng ABS tính tới 30/6/2022.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 6,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 57 tỷ đồng lên 974,3 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn khách hàng chủ yếu 424,2 tỷ đồng CTCP Quốc tế Mekong Plaza; 329 tỷ đồng CTCP ĐT Phát triển Đô thị Smart Eco City; 80,9 tỷ đồng CTCP Đầu tư Xây dựng BIRA; 43,5 tỷ đồng CTCP TM Tổng hợp Toan Vân…

Đối với đầu tư tài chính ngắn hạn, Công ty có thuyết minh đang ghi nhận 340,2 tỷ đồng vào CTCP VCD Riverbank, tương ứng 72% vốn điều lệ (khoản đầu tư nhằm mục đích kinh doanh và ghi nhận đầu tư tài chính ngắn hạn).

Đối với khoản mục 221,4 tỷ đồng phải thu dài hạn, Công ty thuyết minh đây là số tiền góp vốn đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị sinh thái Năm Sao Five Star Eco City do CTCP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư, dự án có tổng vốn đầu tư là 2.085,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 8,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 39,9 tỷ đồng lên 511,2 tỷ đồng và chiếm 30,7% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu ABS giảm 350 đồng về 11.500 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan