Điểm sáng hoạt động đấu giá quý I

Điểm sáng hoạt động đấu giá quý I

(ĐTCK) Quý I/2014, Sở GDCK Hà Nội tổ chức 21 cuộc bán đấu giá cổ phần ra công chúng, nhưng chỉ có 9 cuộc thành công trọn vẹn. Tại Sở GDCK TP. HCM, quý I diễn ra 6 cuộc đấu giá, nhưng chỉ có 3 cuộc bán hết số cổ phần được chào bán. Với tỷ lệ thành công chưa đến 50%, điều gì đang tạo nên sự khác biệt giữa các cuộc bán vốn? Bên cạnh sức hấp dẫn tự thân của DNNN, vai trò của nhà tư vấn IPO có tính chất quyết định thành công của mỗi đợt đấu giá cổ phần.

SHS - Điển hình tư vấn thành công…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quyết tâm cổ phần hóa 432 DNNN từ nay đến 2015, Bộ Giao thông - vận tải (GT-VT) là bộ đi đầu “nói đi đôi với làm”, khi tư lệnh ngành kiên quyết thúc đẩy các DN trong ngành tiến hành cổ phần hóa. Không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng còn mở một không gian đủ rộng cho các DN trực thuộc tự xây dựng phương án cổ phần hóa, tự đề xuất lượng cổ phần Nhà nước nắm giữ, với một yêu cầu là cổ phần hóa phải làm thật, bán thật, để chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi mô hình hoạt động, tạo sức bật mới cho DN sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

Gần 10 DN ngành GT-VT đã thực hiện cổ phần hóa trong quý I/2014, trong đó có 5 DN bán được trọn vẹn số cổ phần chào bán là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải và Tổng công ty Xây dựng đường thủy. Điểm đáng chý ý là 3/5 DN bán vốn lớn nhất và thành công nổi bật của Bộ GT-VT tính trong quý I năm nay do cùng 1 CTCK tư vấn: CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS).

Giúp DNNN bán hết lượng cổ phần chào bán là một nỗ lực lớn của nhà tư vấn trong bối cảnh lượng cung hàng ngày càng nhiều, còn sức cầu của nhà đầu tư là hữu hạn. Nhưng thành công lớn nhất của 3 cuộc IPO do SHS tư vấn là ở chỗ các DN sau cổ phần hóa có một cơ cấu cổ đông hài hòa, với sự xuất hiện của các nhà đầu tư chiến lược, mua lượng lớn cổ phần với cam kết đi cùng DN trong 5 năm, còn Nhà nước giữ vai trò như một cổ đông sở hữu 35% vốn. Cùng với yếu tố nội lực DNNN khá tốt, ông Vũ Đức Tiến, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành SHS cho rằng, yếu tố tạo nên sự thành công của các cuộc bán vốn DNNN mà SHS làm tư vấn bắt đầu từ việc SHS đã đi cùng DN từ những bước đầu tiên trong xây dựng phương án cổ phần hóa.

Tìm nhà đầu tư cho DN, cách nào?

Điểm khó nhất trong các đợt IPO DNNN, theo ông Tiến, là làm thế nào để DN xây dựng được cơ cấu cổ đông hợp lý và tìm được nhà đầu tư chiến luợc phù hợp. Cả 3 DNNN mà SHS tư vấn đều tìm được nhà đầu tư chiến lược bằng nỗ lực bền bỉ tìm kiếm, kết nối, đàm phán của “bà đỡ” SHS. “Nếu thuần túy tư vấn IPO theo cách chuẩn hóa hồ sơ thì không có gì khó”, ông Tiến nói và cho rằng, mục tiêu trọng yếu của DNNN khi IPO là đổi mới mình và nhà tư vấn sẽ chỉ giúp DNNN thực hiện được mục tiêu này khi hiểu rõ về DN, đồng cảm với mục tiêu của DN, “cùng thuyền với DN” trong các cuộc đàm phán, lựa chọn đối tác.

Nhưng bao nhiêu CTCK sẵn sàng “lăn xả” hỗ trợ DNNN IPO với đồng phí ít ỏi như hiện tại? Ông Tiến cho rằng, nhìn vào phí tư vấn, đấu giá thì những nỗ lực của nhà tư vấn đã không được đánh giá đúng, nhưng chính thực tế này đã giúp dịch vụ tư vấn của SHS có sự khác biệt rất lớn so với các CTCK khác. “SHS làm tư vấn vì mục tiêu dài hạn, chúng tôi mong muốn song hành cùng các DNNN hàng đầu và mở rộng không gian kinh doanh cho SHS chính từ bước đi vững chắc này”, ông Tiến nói.

Việc tìm nhà đầu tư chiến lược cho DNNN trước IPO đã khó, việc thu hút nhà đầu tư đại chúng tham gia đấu giá khi DN IPO qua Sở GDCK cũng khó khăn không kém. Thực tế, với gần 1.000 DN có cổ phiếu giao dịch trên 3 sàn, nhà đầu tư đại chúng có quá nhiều sự lựa chọn, trong khi tham gia đấu giá DNNN, người mua luôn phải chấp nhận một khoảng chờ ít nhất vài tháng mới có thể chuyển nhượng cổ phiếu đã mua. Tuy nhiên, cuộc đấu giá Tổng công ty Xây dựng Thăng Long do SHS tư vấn có gần 100 nhà đầu tư, cuộc đấu giá Cienco 4 cũng do SHS tư vấn, có trên 600 nhà đầu tư đấu giá. “Roadshow không phải là cách làm hiệu quả, chúng tôi chọn cách kết nối DN với nhà đầu tư bằng việc tư vấn cách thức thông tin minh bạch, rõ ràng và đầy đủ nhất, để các bên đủ cơ sở lựa chọn, quyết định”, ông Tiến chia sẻ. “Khi chúng tôi hiểu DN, chúng tôi không chỉ tư vấn cho DN tốt lên, mà còn tư vấn cho nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội từ DN”, ông Tiến nói và khẳng định, SHS sẽ bước những bước đi vững chắc cùng các DN đối tác và nhà đầu tư.

Với gần 30 DN thực hiện IPO quý I, cả nước còn trên 400 DNNN sẽ IPO từ nay đến hết năm 2015. Từ thực tế cổ phần hóa quý I cho thấy, việc chọn được nhà tư vấn tốt, hiểu DN, hiểu ngành, có hệ thống đối tác lớn, là yếu tố tiên quyết giúp các DNNN, đặc biệt là DNNN lớn, thực hiện IPO thành công.

Tin bài liên quan