Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Cùng với thị trường vượt qua mốc 1.000 điểm và liên tiếp tạo đỉnh mới, nhiều cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị mua hoặc theo dõi trong tuần qua cũng đã tăng trưởng mạnh. Theo Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* Theo KIS, mức giá hợp lý của HDBank là 41.300 đồng/CP

Mức giá hợp lý của HDBank 41.300 đồng, cao hơn 25,2% so với giá niêm yết là 33.000 đồng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với HDBank.

Những thông tin tích cực được đưa ra tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu HDB như lợi nhuận năm 2017 đạt hơn 2.400 tỷ đồng và lên kế hoạch hơn 3.900 tỷ đồng cho năm 2017, lãnh đạo Ngân hàng còn tiết lộ thêm kế hoạch trả cổ tức và cổ phiếu thưởng tới 25-30% trong năm 2017, đã tiếp sức cho màn chào sàn ấn tượng của cổ phiếu này trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/1.

Chỉ với 1 phiên giao dịch duy nhất nhưng cuộc đua mua của nhà đầu tư nội và ngoại trong từ những phút đầu giao dịch đã khiến HDB không ngừng nóng lên. Và đột biến đã xẩy ra trong đợt khớp ATC, kéo HDB lên mức giá trần 39.600 đồng/CP, tăng 20% so với mức tham chiếu 33.000 đồng/CP. Như vậy, so với mức giá mục tiêu là 41.300 đồng/CP, giá hiện tại của cổ phiếu HDB còn thấp hơn gần 4,3%.

* VCSC khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu DHG

Thuế suất tăng sẽ khiến triển vọng lợi nhuận của DHG càng bị ảnh hưởng. Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị kém khả quan dành cho DHG với giá mục tiêu 98.700 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời -12,0%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,2%).

Thông tin bị truy thu và phạt gần 31 tỷ đồng tiền thuế vào những ngày cuối cùng của năm 2017 đã tác động thiếu tích cực tới diễn biến cổ phiếu DHG trong những phiên chào năm mới. Thống kê, DHG chỉ đứng giá duy nhất trong phiên đầu tuần ngày 2/1 và liên tiếp giảm trong 3 phiên tiếp theo đó, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHG giảm 5.900 đồng/Cp (-5,13%) từ mức 115.000 đồng/Cp xuống 109.100 đồng/Cp.

* Theo BSC, mức giá mục tiêu của QCG là 20.000 đồng/CP

Các chỉ báo cho thấy cổ phiếu QCG trong giai đoạn bắt đầu của một chu kì tăng trong ngắn hạn. Đường giá đã vượt lên trên đường xu hướng, cùng với đó là khối lượng giao dịch ở mức cao. Chỉ báo OBV liên tục duy trì ở mức cao, thể hiện lực cầu mạnh cùng với đó là chỉ số RSI cũng đang trong xu hướng tăng. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mức giá mua đối với QCG là 15.100 – 15.500 đồng/CP, giá mục tiêu là 20.000 đồng/CP và cắt lỗ tại mức giá 13.500 đồng/CP.

Một trong những thông tin tích cực QCG vừa đón nhận là Sở Xây dựng TP. HCM vừa chấp thuận cho Công ty bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 725 căn hộ thuộc dự án Khu dân cư Ven sông - Khu chức năng số 4 (Khu đô thị mới Nam thành phố, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM). Được biết, dự án này tọa lạc trên diện tích 11.967 m2. Tổng số căn hộ 1.212 căn.

Nối tiếp giao dịch khởi sắc trong những phiên cuối năm 2017, cổ phiếu QCG tiếp tục tăng mạnh cả về giá và thanh khoản trong tuần qua. Thống kê, QCG đã đón nhận 3 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 3/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu QCG tăng 1.600 đồng/Cp (+10,74%) từ mức 14.900 đồng/Cp lên 16.500 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu PC1

Với mức P/E 9,5, mức giá mục tiêu của PC1 năm 2018 là 44.500 đồng/CP, cao hơn 15,28% so với mức giá hiện tại. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERPORM đối với cổ phiếu PC1.

Mặc dù là doanh nghiệp xây lắp điện đầu ngành, cùng triển vọng kinh doanh năm 2018 sẽ tăng trưởng mạnh nhưng diễn biến cổ phiếu PC1 trong tuần đầu năm vẫn khá lình xình. Thống kê, PC1 đã đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PC1 tăng nhẹ 100 đồng/Cp (+0,26%) từ mức 38.600 đồng/Cp lên 38.700 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu của năm là 44.500 đồng/CP, giá hiện tại của cổ phiếu PC1 còn thấp hơn gần 15%.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu MWG

Mặc dù đóng góp của An Khang nhiều khả năng sẽ không đáng kể trong ngắn hạn, nhưng thương vụ này sẽ giúp MWG thiết lập những bước tiến đầu tiên vào thị trường dược có quy mô lớn, và mang lại thêm tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua cho MWG với giá mục tiêu 182.800 đồng (tổng mức sinh lời 39,1% bao gồm lợi suất cổ tức 0,6%).

Đang tăng khá tốt từ cuối năm 2017 nhưng trong phiên cuối tuần, khi đón nhận thông tin Mekong Enterprise muốn thoái toàn bộ 5 triệu cổ phiếu MWG, tỷ lệ 1,58% đã khiến cổ phiếu này quay đầu điều chỉnh, lấy đi phần nào thành quả có được trong những phiên trước. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 1 phiên giảm ngày 5/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG tăng 2.400 đồng/Cp (+1,83%) từ mức 131.000 đồng/Cp lên 133.400 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu là 182.800 đồng/CP, giá hiện tại của MWG còn thấp hơn 37%.

* Theo BSC, giá mục tiêu của cổ phiếu BHN là 156.150 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mức giá mua đối với cổ phiếu BHN là 130.368 – 134.400 đồng/CP. Giá mục tiêu 156.150 đồng/CP. Cắt lỗ 129.024 đồng/CP.

Dù giao dịch không mấy cải thiện nhưng trong tuần qua, cổ phiếu BHN khá khởi sắc khi đón nhận 3 phiên tăng khá tốt và chỉ điều chỉnh trong phiên cuối tuần ngày 5/1 do áp lực bán chốt lời gia tăng. Như vậy, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BHN tăng 11.900 đồng/Cp (+9,33%) từ mức 127.600 đồng/Cp lên 139.500 đồng/Cp. Tuy nhiên, so với giá mục tiêu là 156.150 đồng/CP, giá hiện tại của BHN còn thấp hơn 11,94%.

* MBS khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DRC

Triển vọng từ dự án lốp Radial giai đoạn 2 đi vào hoạt động kể từ cuối năm 2018 sẽ là động lực tăng trưởng của DRC trong những năm tới. Công suất lốp Radial sẽ tăng lên gấp đôi, đạt 600.000 lốp/năm. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu DRC với mức giá mục tiêu 22.400 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 5,8% so với mức giá hiện tại.

Mặc dù được khuyến nghị theo dõi nhưng với những phân tích khá tích cực về triển vọng trong tương lai đã giúp cổ phiếu DRC có một tuần giao dịch tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Thống kê, DRC đã đón nhận 4 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRC tăng 2.500 đồng/Cp (+10,33%) từ mức 24.200 đồng/Cp lên 26.700 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị đầu tư cổ phiếu JVC

Thị trường thiết bị y tế Việt Nam đang rất hấp dẫn, có quy mô thị trường dự kiến đạt 1 tỷ USD vào năm 2018, trong khi đó mức độ độc quyền tự nhiên của ngành tương đối cao do thị trường phân phối thiết bị y tế có rào cản thâm nhập thị trường cao.

Với hoạt động kinh doanh đã quay trở lại quỹ đạo bình thường, tạo ra lợi nhuận và dòng tiền tăng trưởng ổn định, chúng tôi khuyến nghị đầu tư đối với cổ phiếu JVC.

Không nằm ngoài nhận định của MBS, sau tuần giao dịch điều chỉnh cuối năm 2017, cổ phiếu JVC đã bùng nổ với triển vọng tương lai doanh nghiệp khá sáng sủa. Thống kê, JVC đã đón nhận 4 phiên tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu JVC tăng 1.250 đồng/Cp (+30,11%) từ mức 4.110 đồng/Cp lên 5.360 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu MSN

Giá cổ phiếu MSN đã tăng khá nhanh trong thời gian 2 tháng trở lại đây phản ánh những chuyến biến tích cực về kinh doanh của công ty cũng như xu hướng của thị trường đổ vào các cổ phiếu có vốn hoá lớn. Chúng tôi vẫn đánh giá khả quan đối với MSN và khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi và tích luỹ ở các vùng giá hấp dẫn hơn.

Với  việc VCF tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lên tới 660%, Công ty TNHH MTV Masan Beverage (MSB) đang nắm giữ 68% vốn tại VCF sẽ thu về được khoảng 1.200 tỷ đồng, đây là thông tin tích cực tiếp sức cho đà tăng của cổ phiếu MSN trong tuần qua.  Thống kê, MSN đã đón nhận 3 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 4/1, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN tăng 8.000 đồng/Cp (+10,43%) từ mức 76.700 đồng/Cp lên 84.700 đồng/Cp. 

Tin bài liên quan