Diễn biến lạ ở mã CTF

Diễn biến lạ ở mã CTF

(ĐTCK) Một tuần trước khi Công ty cổ phần City Auto (CTF) công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chưa bằng một nửa so với thị giá cùng thời điểm, cổ phiếu CTF gần như chết thanh khoản. Hai phiên sau đó, giá cổ phiếu này giảm mạnh.

Ngày 1/6/2018, Hội đồng quản trị CTF công bố nghị quyết về việc phát hành 216 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,2 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng 45% thị giá 22.500 đồng/cổ phiếu cùng ngày.

Nguồn vốn huy động dự kiến 216 tỷ đồng sẽ được CTF sử dụng để đầu tư khoảng 200 tỷ đồng xây dựng thêm các showroom trong giai đoạn 2018 - 2019, mua lại các showroom hoặc mua cổ phần chi phối công ty có cùng mạng lưới đa dạng, có hệ thống showroom để mở rộng thị phần, phần vốn còn lại bổ sung vốn lưu động. Trong trường hợp không thu được số tiền như dự tính, Công ty sẽ đàm phán với các ngân hàng/tổ chức tín dụng để bù đắp thêm vốn cho các nhu cầu đầu tư.

Thông thường, đối với một doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, khi có kế hoạch huy động thêm vốn nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, mở rộng thị phần sẽ được cổ đông ủng hộ, nhất là với giá phát hành thấp hơn nhiều so với thị giá. Có nghĩa rằng, cổ đông chấp nhận áp lực pha loãng cổ phiếu ở hiện tại để đánh đổi với sự phát triển của công ty trong tương lai.

Đối với CTF, ở mức giá đóng cửa phiên 1/6 là 22.500 đồng/cổ phiếu, thì với kế hoạch phát hành như trên, giá tham chiếu của cổ phiếu này tại ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm sẽ điều chỉnh về 17.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, diễn biến ở cổ phiếu CTF khá lạ khi hai phiên sau ngày Công ty công bố nghị quyết về việc phát hành, thanh khoản tăng và giá giảm mạnh. Cụ thể, ngày 5/6, giá cổ phiếu CTF giảm 6,9%, xuống 20.950 đồng/cổ phiếu, với 3.260 đơn vị được chuyển nhượng; phiên sau đó, 6/6, giá giảm thêm 4,5%, còn 20.000 đồng/cổ phiếu, với 6.430 đơn vị được chuyển nhượng. Trong khi 1 tuần trước đó, cổ phiếu này chỉ có 20 đơn vị được giao dịch tại mức giá 22.500 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, các doanh nghiệp thường đưa giá phát hành thấp hơn so với thị giá nhằm đảm bảo mức độ thành công của đợt phát hành. Với doanh nghiệp tăng trưởng tốt, đây là cơ hội để nhà đầu tư mua được cổ phiếu với giá thấp. Nếu nhà đầu tư chưa đặt niềm tin vào doanh nghiệp, hoặc vì lý do nào đó, thì có thể bán ra, không thực hiện quyền.

“Diễn biến mới đây của CTF chưa thể khẳng định ngay điều gì, nhưng cổ đông cũng cần lưu ý đến vấn đề pha loãng và giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ Công ty”, một chuyên viên phân tích nói và cho rằng, nhu cầu vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với năng lực tài chính hiện tại của CTF nên Công ty phải tăng vốn điều lệ hoặc vay dài hạn để đảm bảo vốn cho việc đầu tư. Dù là phương pháp nào thì cũng được xem là yếu tố pha loãng giá cổ phiếu.

Ở thời điểm hiện tại, CTF có vốn điều lệ 180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2017 là 22,7 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) khoảng 1.262 đồng. Năm 2018, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 28,8 tỷ đồng, tăng 27%; cổ tức dự kiến 10%.

Nếu Công ty phát hành thành công, vốn điều lệ sẽ tăng lên 396 tỷ đồng, khối lượng cổ phiếu lưu hành tăng, EPS năm 2018 sẽ giảm mạnh, kéo theo P/E tăng, khiến cổ phiếu kém hấp dẫn.

Trong khi đó, CTF nói riêng và các doanh nghiệp phân phối xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam nói chung có thể bị ảnh hưởng bởi các quy định ban hành cuối năm 2017 về việc siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu đối với ngành công nghiệp ô tô (khí thải, xuất xứ, độ an toàn…).

Quý I/2018, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn ngành giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị phần các thương hiệu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc nhìn chung sụt giảm. Chẳng hạn, với Ford, số lượng nhập khẩu là 5.405 chiếc, giảm 22% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, thị trường ô tô có diễn biến phức tạp, các thương hiệu cạnh tranh khốc liệt liên tục triển khai chương trình khuyến mãi để giành thị phần.

Về giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ CTF từ khi niêm yết tháng 5/2017 đến nay. Thời điểm mới niêm yết, cơ cấu cổ đông CTF khá cô đặc. Công ty mẹ là Tập đoàn Tân Thành Đô - nhà phân phối lâu năm các sản phẩm xe ô tô như Jaguar-Land Rover, Maserati, Volkswagen và Ford sở hữu 10,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 58,33% vốn điều lệ.

CTF thừa hưởng mô hình kinh doanh của công ty mẹ, cả cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn đại lý Ford thông qua hình thức thuê hoạt động từ Tập đoàn. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2018, Tân Thành Đô đã bán một nửa số cổ phần CTF, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 29,17%.

Đồng thời, ông Trần Ngọc Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTF bán 50% lượng cổ phiếu nắm giữ, tương ứng 565.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,28% xuống 3,14%. Tương tự, ông Trần Lâm, thành viên Hội đồng quản trị CTF bán 425.000 cổ phiếu trong tổng số 850.000 cổ phiếu nắm giữ, giảm tỷ lệ sở hữu về 2,36%. Ông Trần Trung Chánh, Tổng giám đốc CTF cũng giảm tỷ lệ sở hữu khi bán một nửa số cổ phiếu nắm giữ.

Ở chiều ngược lại, CTF xuất hiện các cổ đông lớn là vợ chồng ông Ngô Công Minh, bà Phạm Thị Ái Hạnh với tổng tỷ lệ sở hữu 22,33%; ông Ngô Đức Toan sở hữu 7,33%.

Việc nhiều cổ đông nội bộ bán ra tổng cộng 35% vốn điều lệ CTF khiến cổ đông nhỏ lẻ hoang mang.

Tin bài liên quan