Điện Gia Lai (GEG) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 400 tỷ đồng, tăng vốn lên 3.614 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC, Công ty, mã chứng khoán: GEG) công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Năm tài chính 2021.
Điện Gia Lai (GEG) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 400 tỷ đồng, tăng vốn lên 3.614 tỷ đồng

ĐHĐCĐ của GEC sẽ diễn ra vào lúc 08h30 sáng ngày 26/4/2022 tại Văn phòng GEC TP.HCM, 253 Hoàng Văn Thụ, P2, Quận Tân Bình.

Trong đó, tờ trình về Tài chính được trình thông qua bao gồm: báo cáo tài chính 2021 đã được kiểm toán; lựa chọn đơn vị kiểm toán năm 2022; phân phối các quỹ và chia cổ tức năm 2021; kế hoạch sản xuất kinh doanh và dự kiến phân phối lợi nhuận năm 2022; chi trả cổ tức năm 2021; phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ; chủ trương phát hành cổ phiếu ESOP và đăng ký và niêm yết trái phiếu.

Năm 2021 được xem là năm có thành quả đáng khích lệ của GEC khi đưa vào vận hành 3 Nhà máy Điện Gió, tổng công suất 130 MW với giá ưu đãi FiT1 8,5 cents/kWh cho Nhà máy IAB Gia Lai và 9,8 cents/kWh cho VPL1 Bến Tre và TPĐ2 Tiền Giang.

Tổng công suất phát điện đa dạng các loại hình Năng lượng tái tạo (NLTT) của GEC đạt 545 MWp, tăng gấp gần 6 lần trong những năm gần đây và trải dài trên 14 tỉnh thành.

Sản lượng Điện toàn hệ thống năm 2021 đạt 783 triệu kWh - tăng 9% cùng kỳ, góp phần giảm phát thải 1,2 triệu tấn CO2, cung cấp điện cho khoảng 120.100 hộ gia đình; đưa con số giảm phát thải từ khi thành lập đến nay đạt 8,5 triệu tấn CO2 và số hộ gia đình được cung cấp Điện lên đến 2,6 triệu giai đoạn 2010-2016.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021, Doanh thu thuần của GEC đạt 1.381 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm 16% đã đưa biên lợi nhuận gộp (LNG) tăng 5 điểm % lên 56%, cao hơn mức 39% của trung bình Ngành.

Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021 đạt 369 tỷ đồng và 325 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 20% và 10%, vượt 15% và 22% kế hoạch.

Với việc đang hoàn thiện thi công và đóng điện các Dự án hiện nay, Công ty đệ trình ĐHĐCĐ thông qua tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 2.073 tỷ đồng - tăng 37% so với thực hiện năm 2021. Kế hoạch năng lượng tái tạo phấn đấu trong năm lên con số 400 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2021.

Tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức ổn định trong nhiều năm vừa qua, GEC trình ĐHĐCĐ chia cổ tức tỷ lệ 6% bằng cổ phiếu, đây được xem là mức cổ tức hợp lý do GEC đang tập trung nguồn lực phát triển giai đoạn này.

Hiện nay, thị giá gổ phiếu GEC đang duy trì tại vùng 28.000 đồng, tăng 19% so với đầu năm và thanh khoản trung bình đạt 1,7 triệu cổ phiếu/phiên, cao hơn gần gấp 2 trung bình Ngành.

Với vị thế là doanh nghiệp năng lượng tái tạo duy nhất trong Rổ VNSI 20 - 20 Doanh nghiệp Xanh niêm yết tại HOSE, trong giai đoạn gần đây, Nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục mua vào cổ phiếu GEG khi năm 2021 đã mua ròng 6,4 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, Công ty cũng trình việc phát hành cổ phiếu ESOP (3% của Vốn Điều lệ hiện hữu) cho cán bộ quản lý và thâm niên cũng như chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:10 (10% của vốn điều lệ hiện hữu) với giá bán 14.000 đồng/cổ phần.

Tổng số tiền thu dự kiến là 526 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 3.614 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để hoàn thiện các Dự án hiện nay và phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong danh mục của Công ty, hướng đến mục tiêu nâng tổng công suất lên 1.700+ MWp vào năm 2025.

Bên cạnh việc áp dụng các thông lệ quốc tế vào công tác QTCT, GEC luôn bám sát các văn bản Luật để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả.

Nhằm tuân thủ Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Chứng khoán 2019, GEC trình ĐHĐCĐ thông qua 5 vấn đề liên quan đến quản trị bao gồm: (ix) Thù lao Hội đồng Quản trị (HĐQT) và dự trù kinh phí hoạt động của HĐQT và các cơ quan trực thuộc HĐQT năm 2022; (x) Bổ sung Ngành nghề kinh doanh; (xi) Phê duyệt Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty; (xii) Phê duyệt Sửa đổi, bổ sung Quy chế nội bộ QTCT và (xiii) Phê duyệt Sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động HĐQT.

Đối với thù lao HĐQT, dự trù kinh phí hoạt động của HĐQT và các cơ quan trực thuộc dự kiến trong năm 2022 được trình thông qua tối đa 5% Lợi nhuận sau thuế theo kết quả hoạt động kinh doanh trên BCTC kiểm toán năm 2022.

Ngoài ra, để phát triển đồng bộ các loại hình năng lượng tái tạo, đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu rủi ro thời tiết và phụ thuộc vào số ít loại hình Năng lượng, GEC xin bổ sung thêm ngành nghề thu gom rác thải, xử lý, tiêu hủy rác thải và tái chế phế liệu nhằm chuẩn bị cho việc phát triển lĩnh vực Điện Rác trong thời gian sắp đến.

Nhằm triển khai chiến lược 5 năm 2021-2025 thông qua việc thực hiện chuỗi giá trị ngành Năng lượng từ dự án, pháp lý và thiết kế, thi công xây dựng đến vận hành nhà máy, HĐQT định hướng mở rộng sang Điện Rác, Điện Trấu và Điện Sinh khối, tập trung tại khu vực các tỉnh Miền Tây và Đồng Nai.

Trong tháng 3/2022 vừa qua, Công ty Chứng Khoán Yuanta và HSC đã tiến hành khuyến nghị Nắm giữ và Mua cổ phiếu GEC với giá mục tiêu lần lượt 28.930 (+23% so với giá đầu năm) và 29.900 (+28% so với giá đầu năm).

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu GEG của Điện Gia Lai kết phiên ngày 6/4 đạt mức 27.200 đồng/cổ phiếu.

Quý 1/2022 thời tiết thuận lợi cho cả 3 lĩnh vực hoạt động của GEC, đặc biệt các dự án Điện Gió mới đưa vào vận hành thương mại mang lại hiệu quả cao, sau đó là Thủy điện và Điện Mặt trời. Ứớc Lợi nhuận trước thuế Quý 1/2022 của GEC đạt gần 190 tỷ đồng, hoàn thành hơn 55% Lợi nhuận dự kiến 2022 và gần 50% Lợi nhuận phấn đấu của GEC.

Tin bài liên quan