Định giá chào sàn cho cổ phiếu niêm yết

Định giá chào sàn cho cổ phiếu niêm yết

Thực tế những năm qua cho thấy, có cổ phiếu khi chào sàn đã tăng trần liên tục tới hàng chục phiên, cũng có những cổ phiếu rớt giá một cách thảm hại. Bạn muốn cổ phiếu mà bạn đang quan tâm tăng hay giảm giá? Cái gì làm nó biến động khủng khiếp đến vậy? Các nhà đầu tư, các CTCK, lãnh đạo các CTCP có cổ phiếu đưa niêm yết, cần mức giá chào sàn như thế nào?

Bạn và họ có thể kiểm soát đến đâu? Bài viết này nhằm giúp các cá nhân và tổ chức nào thực sự quan tâm và muốn giải đáp một cách triệt để các câu hỏi hóc búa đã nêu ở trên.

* FA: nền tảng của giá là khả năng sinh lời của công ty. Điều này là hiển nhiên, không đọc bài này các bạn cũng biết. Nhưng cũng rất ít bạn nhận ra một thực tế là: Rất hiếm khi xuống dưới mức giá tính theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, ngay cả khi khủng hoảng đến độ phải đóng cửa thị trường.

Muốn tính mức giá chào sàn trên cơ sở FA - Phân tích cơ bản, bạn nên dùng cả 6 phương pháp để có cách nhìn nhiều chiều. Sau đó, người định giá phải biết lập luận, bảo vệ cách chọn phương pháp thích hợp nhất cho cổ phiếu mục tiêu. Bạn phải bảo vệ rằng: phương pháp mà bạn lựa chọn mới lột tả hết những tiềm năng của công ty. Nếu thị trường trả dưới mức giá đó thì bạn sẽ đưa vào tầm ngắm. Điều này đòi hỏi người định giá phải hiểu biết sâu sắc về bản chất các phương pháp định giá DN.

* TA: mức giá giao dịch thường biến động không ngừng và có khoảng cách khá xa so với mức giá tính trên cơ sở FA. Vì vậy, khi thị trường chưa đủ bình tĩnh, trong ngắn hạn, người đưa ra mức giá phù hợp là các TRADER thực sự - những người hiểu biết sâu sắc về thị trường, TA - Phân tích kỹ thuật. Thời điểm chào sàn nên được tư vấn của các CTCK có uy tín.

* PR: công ty tốt nhưng ít người biết nó tốt thì giá cổ phiếu cũng không tăng, nếu có tăng cũng bởi thuận xu thế chung của thị trường. Điều này giải thích nhiều kẻ lạm dụng thông tin nội gián vẫn thất bại mà vẫn không biết tại sao thất bại. Một số công ty đã tiến hành PR rầm rộ, tạo sự chú ý của đông đảo giới đầu tư cũng góp phần quan trọng vào sự thành công trong ngày ra mắt. Để tránh tình trạng ''mang con bỏ chợ'', công ty phải có một "cái loa" - một nhân viên PR thật sự chuyên nghiệp.

* 4R: bạn mong muốn và nỗ lực để cổ phiếu của bạn lên giá nhưng luôn có người làm ngược lại, vì thế mới có thị trường. Nhiều diễn đàn có tầm ảnh hưởng đặc biệt lớn, đôi khi có khả năng vô hiệu hoá mọi nỗ lực của bạn, thậm chí của nhiều tổ chức. Đáng tiếc là nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của 4R. Cần nhắc để bạn nhớ rằng: nhiều khi thương trường thành chiến trường. Khi thương trường thành chiến trường, cần một cái đầu khoáng đạt, hiểu biết về xã hội học và tâm lý tài chính. Lý tưởng nhất là công ty có người có kỹ năng đánh bạc nhưng mục tiêu chủ yếu của anh ta là để giải trí chứ  không phải vì tiền.

* VNA: cố gắng với bốn nội dung trên là chưa đủ, đôi khi mọi việc bị đảo ngược hoàn toàn chỉ đơn giản là: việc chọn ngày chào sàn - ngày giao dịch đầu tiên còn phụ thuộc vào thời gian làm thủ tục lưu ký, thời gian thẩm định hồ sơ của Sở giao dịch. Với TTCK việc nhanh hoặc chậm một vài ngày có thể là sự bắt đầu cho một chu kỳ thăng hoa hoặc rớt giá một cách thảm hại. Đây không nên coi là một rủi ro, vì nếu cố gắng nó có thể nằm trong tầm kiểm soát của bạn -  công ty niêm yết.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, xác xuất thành công sẽ rất lớn nếu bạn quan tâm và giải quyết thật cẩn thận 5 thứ đã nêu: FA, TA, PR, 4R và VNA.