“Dò sóng” kênh đầu tư lên ngôi trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Kênh đầu tư nào sẽ lên ngôi năm 2023 đang là câu hỏi của rất nhiều nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán được dự báo còn rung lắc trong vài quý tới và nhà đầu tư lướt sóng đối mặt nhiều rủi ro. Ảnh: Đức Thanh.

Thị trường chứng khoán được dự báo còn rung lắc trong vài quý tới và nhà đầu tư lướt sóng đối mặt nhiều rủi ro. Ảnh: Đức Thanh.

Lãi suất tiết kiệm đang cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, giá cổ phiếu đang ở vùng hấp dẫn, bất động sản nhiều dự án chiết khấu tới 30-40%, tiền ảo đang ở trong giai đoạn thê thảm nhất... Kênh đầu tư nào sẽ lên ngôi năm 2023 đang là câu hỏi của rất nhiều nhà đầu tư.

Gửi tiết kiệm vẫn sáng giá, chứng khoán có thể sôi động trong nửa cuối năm

Năm 2022 là năm vô cùng sóng gió với các nhà đầu tư, từ trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, bất động sản, cho tới tiền ảo hoặc một số đồng ngoại tệ (ví dụ yên Nhật). Khủng hoảng của thị trường tài chính toàn cầu khiến lãi suất tiết kiệm vụt sáng trở thành kênh đầu tư “vua” năm 2022, nhưng hầu hết các nhà đầu tư đều trong trạng thái kẹp hàng. Vậy năm 2023, kênh đầu tư nào sẽ lên ngôi?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm sau. Nửa cuối năm, khi thị trường chứng khoán trở nên ổn định hơn, vùng mua an toàn hơn, dòng tiền cá nhân có thể nhập cuộc sau một thời gian đứng ngoài, giúp thị trường sôi động hơn.

So với vùng đáy quanh 900 điểm, VN-Index đã hồi phục đáng kể, song theo ông Phan Dũng Khánh, rủi ro đang rình rập, bởi trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều cổ phiếu đã tăng bằng lần, thị trường đã xuất hiện hiện tượng “fomo” (tâm lý sợ bỏ lỡ).

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực hơn nhờ khối ngoại mua ròng. Hiện nay, dòng tiền khối ngoại vẫn ổn, nhưng động lực tăng tiếp bắt đầu yếu đi, mức độ tác động tích cực tới thị trường giảm dần. Hơn nữa, tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng giảm, nên mức độ tác động ngày càng thấp. Trong khi đó, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, tổ chức lại đang bán ròng trên thị trường.

Thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hãm bớt mức độ tăng lãi suất, cũng như 12 ngân hàng tham gia hạ lãi suất khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, song theo ông Phan Dũng Khánh, chỉ một số ít đối tượng được hưởng lãi suất giảm và thị trường trong trung hạn vẫn chịu nhiều áp lực.

Nhiều chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán cũng nhận định, nhà đầu tư còn tâm lý phòng thân trong ít nhất 1-2 quý tới, cho đến khi lạm phát của Mỹ dần rõ nét hơn.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, năm 2023 vẫn sẽ là một năm khó khăn với nhà đầu tư và doanh nghiệp, bởi mặt bằng lãi suất sẽ vẫn ở mức cao. Mặc dù tốc độ tăng lãi suất của Fed có thể giảm bớt, lãi suất trên thế giới đã đạt đỉnh, song mặt bằng lãi suất cao vẫn tiếp tục được duy trì. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức về vốn và lãi suất.

“Hiện tại, dù sức ép từ tỷ giá, lãi suất không còn căng thẳng như 2 tháng trước, nhưng sự thận trọng vẫn là cần thiết, sau 1-2 quý tới, khi mọi việc rõ hơn, tôi nghĩ, thị trường sẽ phục hồi lạc quan hơn, vững chắc hơn”, ông Long nhận định.

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán sẽ còn rung lắc trong vài quý tới, nhà đầu tư lướt sóng sẽ chịu nhiều rủi ro, song nếu đầu tư dài hạn 2-3 năm, thì vùng giá hiện tại vẫn có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Thực tế, những nhà đầu tư thành công thường đánh giá khủng hoảng là cơ hội làm giàu “ngàn năm có một”.

Riêng thị trường vàng năm 2023 vẫn được đánh giá là kém hấp dẫn, nhất là với bối cảnh thị trường Việt Nam.

Còn với tiền ảo, sau cú sốc Luna và FTX trong năm nay, những nhà đầu tư ưa mạo hiểm nhất cũng dần tháo chạy khỏi thị trường này. Ông Phan Dũng Khánh cho rằng, khủng hoảng của thị trường tiền ảo hiện tại sẽ khiến thị trường chứng khoán, bất động sản hưởng lợi.

Mặc dù vậy, do quy mô nhỏ và bị rơi vào khủng hoảng đầu tiên, nên theo ông Khánh, thị trường tiền ảo có thể phục hồi đầu tiên, trước cả chứng khoán. Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư rủi ro và không hợp pháp ở Việt Nam, nên không phải là lựa chọn phù hợp với số đông.

Bất động sản, trái phiếu chưa thể sớm sôi động trở lại

Trong khi thị trường chứng khoán đang được kỳ vọng phát triển tích cực trong năm 2023, thì bất động sản vẫn được dự báo còn gặp nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù Ngân hàng Nhà nước vừa nới room tín dụng toàn hệ thống thêm 1,5-2%, song dòng vốn sẽ được giám sát chặt, rót vào lĩnh vực ưu tiên, không có chuyện ngân hàng bơm vốn giải cứu bất động sản, trong khi thị trường trái phiếu cũng chưa thể sớm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

“Bất động sản là thị trường cạnh tranh, không nên ưu tiên giải cứu. Doanh nghiệp bất động sản cần tự điều chỉnh để giá cả sản phẩm phù hợp với mặt bằng thu nhập người dân, khi đó thị trường mới có thanh khoản. Trong một năm qua, giá bất động sản nhiều khu vực bị đẩy lên trên trời, thậm chí cao hơn Singapore, Hồng Kông là rất vô lý”, TS. Hiếu nhận định.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh cũng cho rằng, thị trường bất động sản mới hạ nhiệt vài tháng gần đây, trong khi thị trường chứng khoán đi xuống từ đầu năm nay, nên nếu phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trước. Chưa kể, bất động sản trong nước đã bắt đầu chu kỳ tăng giá được gần 10 năm và chỉ mới hạ nhiệt vài tháng gần đây, nên khó có chuyện sẽ tăng trở lại ngay vào năm tới.

“Thông thường, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh một thời gian, thì nhà đầu tư mới tích lũy vào bất động sản và bất động sản sẽ là kênh tăng giá sau cùng. Nếu thị trường chứng khoán chưa phục hồi, bất động sản sẽ chưa phục hồi ngay được. Chính phủ hay hệ thống ngân hàng cũng không thể bơm tiền giải cứu bất động sản đầu cơ được, bởi nền tảng của nền kinh tế phải là các ngành sản xuất”, ông Phan Dũng Khánh phân tích.

Riêng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân sẽ chưa thể lấy lại niềm tin một sớm một chiều. Do đó, thị trường này có nguy cơ sẽ còn tiếp tục ảm đạm trong năm 2023.

Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một trong những kênh đầu tư tốt, song nhà đầu tư cá nhân phải có kiến thức tài chính để lựa chọn được trái phiếu của doanh nghiệp tốt. Trong giai đoạn hiện tại, các chuyên gia phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn trái phiếu của doanh nghiệp sản xuất, thay vì trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Nương theo dòng tiền

Với bối cảnh hiện nay, thị trường đang mở ra rất nhiều cơ hội cho người cầm tiền. Tuy nhiên, ngay cả với nhà đầu tư có tiền, thì việc rót vào kênh đầu tư nào cũng là lựa chọn khó khăn.

Với bất kỳ khoản đầu tư nào, yêu cầu đặt ra với nhà đầu tư cũng dựa trên 3 yếu tố: an toàn, khả năng sinh lời và tính thanh khoản. Tuy nhiên, tùy vào khẩu vị rủi ro, độ tuổi…, mà mỗi nhà đầu tư lại nên lựa chọn kênh đầu tư khác nhau.

Với nhà đầu tư trẻ hoặc nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, đầu tư vào chứng khoán có thể là lựa chọn phù hợp nhất lúc này. Nhưng với nhà đầu tư cao tuổi, gửi tiết kiệm lại là lựa chọn hàng đầu. Còn với nhà đầu tư trường vốn, sở hữu tiền mặt khủng, thì quan sát để “vào hàng” bất động sản là lựa chọn không tồi.

Với thị trường chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, dấu hiệu quan trọng nhất để nhà đầu tư “vào hàng” năm tới là dòng tiền. Nhà đầu tư cá nhân tham gia khi có các dòng tiền lớn nhập cuộc sẽ an toàn hơn.

Riêng với bất động sản, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhiều nhà đầu tư vẫn đang trong tâm lý chờ đợi thị trường giảm sâu hơn. Việc xác định đáy của thị trường là rất khó, vì vậy, chuyên gia này khuyến nghị, trong bối cảnh nhiều dự án bất động sản đã chiết khấu hấp dẫn, nếu mức giá này đã đáp ứng được kỳ vọng bản thân, phù hợp túi tiền và có thể được thị trường chấp nhận, thì nhà đầu tư nên xem xét mua vào.

Riêng với đầu tư chứng khoán, chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư phải tuyệt đối tuân thủ kỷ luật đầu tư về chốt lời và cắt lỗ, đồng thời tránh rơi vào tâm lý đám đông. Tương tự, với trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư nên thận trọng xem chất lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu mình đang nắm giữ ra sao, không nên bán tháo bằng mọi giá. Nếu doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ, cần tiếp xúc ngay với đại diện pháp lý để đàm phán phương án trả nợ với nhà phát hành.

Nhà đầu tư chứng khoán cần tỉnh táo thời điểm này. Để phục hồi mạnh, thị trường chứng khoán cần dòng tiền. Để có được dòng tiền dồi dào, thì ít nhất, chu kỳ tiền đắt phải bắt đầu thay đổi, nhưng chu kỳ này chưa có dấu hiệu thay đổi.

Năm 2023, trong bối cảnh dòng tiền trên thế giới bị thắt chặt, dù việc thắt chặt có thể giảm, nhưng kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc. Trong phiên họp tháng 12/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm mức độ tăng lãi suất, song không có nghĩa là không tăng. Thậm chí, ngay cả khi Fed không tăng lãi suất, thì lãi suất vẫn nằm ở mức đỉnh một thời gian.

Việc thị trường hồi phục trong gần một tháng qua chỉ mang tính chất ngắn hạn, chưa bền vững. Theo tôi, hiện tại là cơ hội tốt để nhà đầu tư giảm bớt tỷ trọng margin cũng như tỷ trọng cổ phiếu. Với nhà đầu tư đang cầm tiền cũng chưa nên “đu” vào lúc này. Vùng mua sẽ an toàn hơn trong nửa cuối năm sau.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Maybank Investment Bank

Tin bài liên quan