Đến năm 2030, Quảng Bình đạt 38% tỷ lệ đô thị hoá, có 16 đô thị và đến 2050 sẽ có 17 đô thị, định hướng phát triển đô thị thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đến năm 2030, Quảng Bình đạt 38% tỷ lệ đô thị hoá, có 16 đô thị và đến 2050 sẽ có 17 đô thị, định hướng phát triển đô thị thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đô thị Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2050: Đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
Đến năm 2030, dự kiến, Quảng Bình có 16 đô thị và đến 2050 sẽ có 17 đô thị, định hướng phát triển đô thị thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 sẽ được UBND tỉnh Quảng Bình công bố tại Hà Nội ngày 25/6/2023.

Theo Quy hoạch, Quảng Bình đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa 38%. Dự kiến, đến năm 2030, Quảng Bình sẽ có 16 đô thị và năm 2050 có 17 đô thị. Địa phương cũng xác định phát triển đô thị theo hướng thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững.

Về không gian đô thị, Quảng Bình định hướng gồm 5 cụm đô thị. Trong đó, cụm đô thị trung tâm lấy Đồng Hới làm hạt nhân, các đô thị vệ tinh gồm đô thị Hoàn Lão, Việt Trung, Đinh Mười.

Các cụm đô thị còn lại gồm cụm đô thị phía Nam lấy Kiến Giang làm trung tâm, các đô thị vệ tinh Lệ Ninh và Ánh Sơn; Cụm đô thị phía Bắc lấy Ba Đồn làm trung tâm, các đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòn La, Quảng Phương, Tiến Hóa; Cụm đô thị phía Tây lấy đô thị Đồng Lê làm trung tâm, các đô thị vệ tinh gồm Quy Đạt, Hóa Tiến, Cha Lo; Cụm đô thị du lịch lấy Phong Nha làm trung tâm đô thị của Khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cùng với đô thị vệ tinh là Phúc Trạch.

Điểm nhấn của trong phương án phát triển đô thị chính là đô thị trung tâm Đồng Hới. Quảng Bình xác định thành phố Đồng Hới là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đồng thời là trung tâm logistics, giao thông năng động. Quảng Bình hướng đến phát triển thành phố Đồng Hới trở thành đô thị có ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp phát triển mạnh, là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ.

Đến năm 2030, dân số thành phố Đồng Hới dự kiến khoảng 25 vạn người và đến 2050 sẽ lên 35 vạn người. Hiện tại, Đồng Hới đang là đô thị loại II và đang tập trung xây dựng, phát triển lên đô thị loại I, trong giai đoạn 2031-2050 sẽ nâng cấp thành đô thị loại I. Không gian đô thị Đồng Hới sẽ phát triển mở rộng theo hướng Bắc và hướng Nam, các phân khu chức năng chính sẽ gồm trung tâm đô thị, cửa ngõ, công nghiệp, bảo tồn nông nghiệp du lịch nghỉ dưỡng.

Được biết, những năm gần đây, thành phố Đồng Hới đã có những bước phát triển khá ấn tượng, trong đó điểm nhấn là ven sông Nhật Lệ và khu vực phía bán đảo Bảo Ninh, hàng loạt những cây cây cầu được xây dựng qua sông Nhật Lệ nhằm mục đích kích hoạt, thu hút đầu tư phát triển Bảo Ninh trở thành trung tâm đô thị, du lịch biển.

Bán đảo Bảo Ninh nằm ở phía đông TP Đồng Hới, nối với trung tâm thành phố bằng hai cây cầu Nhật Lệ 1 và 2. Với địa thế thuận lợi, hàng loạt khu đô thị mới, resort ven biển, khu nghỉ dưỡng, cây xanh, hồ nước dần mọc lên khắp bán đảo có diện tích hơn 1.600 ha này.

Đơn cử như Dự án khách sạn 6 sao Dolce Penisola Quảng Bình nằm trong dự án khu du lịch và dịch vụ Sunrise Bảo Ninh, tọa lạc tại trung tâm Thành phố Đồng Hới với diện tích trên 8.200 m2. Dự án do Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji (trụ sở tại Hà Nội) làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 800 tỷ đồng.

Khách sạn có quy mô 2 tòa tháp, cao 27 tầng, 1.600 căn khách sạn, 71 căn shophouse, 21 căn văn phòng và các tổ hợp tiện ích khác. Nối liền hai tòa tháp ở tầng 27, với độ cao khoảng 100 m, đơn vị đầu tư sẽ lắp đặt chiếc cầu kính dát vàng và một bể bơi trong suốt.

Cạnh đó là Dự án La Celia City còn gọi là Khu đô thị Bảo Ninh 2 được quy hoạch tổng thể hơn 18 ha, gồm: 278 lô biệt thự, nhà ở thương mại và 3 tòa căn hộ chung cư với khoảng 2.000 căn hộ. Dự án được do Công ty CP Tập đoàn Nam Mê Kông (Mekong Group) làm chủ đầu tư với số vốn hơn 4.400 tỷ đồng.

Một dự án khác là Regal Legend do Công ty CP Đất Xanh Miền Trung làm chủ đầu tư được quy hoạch trên diện tích 21 ha, dọc đường Võ Nguyên Giáp. Đây là hệ thống dự án các Shophouse, Shoptel, Villa, được đầu tư với số vốn 10.000 tỷ đồng.

Hiện tại, Quảng Bình đang triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển, dự báo trong thời gian đến, sau công bố Quy hoạch tỉnh, làn sóng đầu tư vào Quảng Bình sẽ sôi động, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng đô thị và du lịch.

Tin bài liên quan