Doanh nghiệp cần chủ động bảo hiểm rủi ro tỷ giá

Doanh nghiệp cần chủ động bảo hiểm rủi ro tỷ giá

(ĐTCK-online) Rủi ro về tỷ giá hiện đang là vấn đề được các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có nhận dạng chính xác được những rủi ro này hay không lại là một câu chuyện khác. ĐTCK đã có cuộc trao đổi xoay quanh chủ đề này với ông Nguyễn Hồng Long, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc Trung tâm Kinh doanh và sản phẩm cấu trúc của Ngân hàng TMCP Kỹ thương.

Ông đánh giá về việc quản lý rủi ro tỷ giá tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào?

Tỷ giá USD/VND trong ba năm vừa qua biến động mạnh theo chiều hướng tăng liên tục. Khoảng cuối tháng 3/2008, tỷ giá USD/VND chỉ ở mức 15.820, hiện tại đã lên đến 20.930, tăng 32%. Tỷ giá VND với các ngoại tệ mạnh khác còn biến động dữ dội hơn. Ví dụ, giữa tháng 7/2008, tỷ giá EUR/VND ở mức 26.800, cuối tháng 10/2008 giảm mạnh 22% xuống 20.900 và hiện tại đang ở mức 30.100 (tăng 44%, cao hơn so với thời điểm cuối tháng 10/2008). Trong cùng khoảng thời gian trên, tỷ giá GBP/VND biến động hơn 40%, tỷ giá JPY/VND biến động 55%. Nhiều doanh nghiệp có thể sẽ bị tăng mạnh chi phí do biến động tỷ giá. Ví dụ, nếu doanh nghiệp vay JPY và nguồn thu trả nợ bằng VND thì chi phí trả nợ có thể bị đội lên vài chục phần trăm nếu không có các biện pháp bảo hiểm tỷ giá hợp lý.

Trước tình hình thị trường biến động như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận rõ tầm quan trọng của các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá trong hoạch định và thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là chưa có chính sách nội bộ rõ ràng về bảo hiểm các rủi ro thị trường nói chung và rủi ro tỷ giá nói riêng (hedging policy). Vì vậy, nhu cầu bảo hiểm thường phát sinh khi tỷ giá đã biến động theo chiều hướng bất lợi cho doanh nghiệp.

Việc thiếu một chính sách nội bộ rõ ràng cũng gây khó khăn cho các cán bộ trực tiếp tham gia giao dịch, vì trong trường hợp kết quả không được như mong muốn, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng các sản phẩm mới, sản phẩm phái sinh thì họ có thể bị quy trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, việc thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch về các công cụ phái sinh, thị trường phái sinh chưa phát triển cũng là một hạn chế đối với doanh nghiệp trong việc lựa chọn công cụ cũng như thực hiện các giao dịch  bảo hiểm tỷ giá.

 

Rủi ro hiện nay của các doanh nghiệp trong việc vay ngoại tệ là gì?

Khi vay ngoại tệ thì rủi ro tỷ giá sẽ xuất hiện khi doanh nghiệp dùng nguồn thu bằng đồng nội tệ (VND) để trả nợ. Vì vậy, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, có nguồn thu bằng ngoại tệ để thanh toán nợ, nếu cân đối dòng tiền hợp lý thì sẽ tự bảo hiểm được rủi ro tỷ giá.

Ngược lại, đối với doanh nghiệp nhập khẩu, bán hàng trong nước, doanh nghiệp không có nguồn ngoại tệ tái tạo sẽ có rủi ro tỷ giá khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp đồng nội tệ bị mất giá mạnh thì chi phí trả nợ sẽ tăng lên rất nhiều. Thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước có các khoản vay ngoại tệ dài hạn sẽ đối diện với rủi ro tỷ giá rất lớn nếu không có biện pháp bảo hiểm tỷ giá hợp lý.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 07/2011/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 9/5/2011 với nội dung theo hướng thắt chặt hơn việc cho vay ngoại tệ, giới hạn đối tượng vay là các doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ tái tạo để trả nợ vay. Điều này một mặt có tác dụng giảm bớt căng thẳng tỷ giá, mặt khác góp phần giảm bớt rủi ro tỷ giá của các doanh nghiệp trong việc vay ngoại tệ.

 

Vậy để phòng ngừa rủi ro trên, doanh nghiệp cần có những công cụ gì, thưa ông?

Do thị trường phái sinh trong nước chưa phát triển nên các công cụ doanh nghiệp dùng để bảo hiểm tỷ giá chưa có nhiều. Hiện tại, doanh nghiệp có thể dùng các sản phẩm phái sinh như hợp đồng ngoại hối kỳ hạn (Fx Forward), hợp đồng ngoại hối hoán đổi (Fx Swap), hợp đồng ngoại hối quyền chọn (Fx Option), hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo (Cross Currency Swap), trong đó FX Option chưa được phép làm đối với tiền đồng. Với một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam , công ty mẹ có thể tham gia thị trường NDF (Non-Deliverable Forward - Giao dịch ngoại hối kỳ hạn không chuyển giao gốc) để bảo hiểm tỷ giá. Tuy nhiên, gần đây thị trường này cũng đang bị thu hẹp rất nhiều và có tính thanh khoản thấp.

Trong các công cụ trên, theo ông, công cụ nào là hữu ích nhất cho các doanh nghiệp để phòng ngừa tỷ giá?

Không thể có câu trả lời chính xác cho vấn đề này, vì mỗi công cụ đều có các ưu điểm riêng và còn tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể về bảo hiểm tỷ giá/đặc thù dòng tiền thu - trả của doanh nghiệp cần bảo hiểm, quy định liên quan của luật pháp. Ví dụ, khi dùng hợp đồng ngoại hối kỳ hạn (Forward), doanh nghiệp chắc chắn được tỷ giá sẽ áp dụng trong tương lai đối với các khoản ngoại tệ phải thu/trả, nhưng doanh nghiệp sẽ không thể tận dụng được cơ hội tăng lợi nhuận như đối với sản phẩm quyền chọn (Option) nếu tỷ giá biến động theo chiều có lợi cho doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp có các khoản ngoại tệ phải thu và phải trả nhưng không trùng khớp về ngày thu/trả, hợp đồng ngoại hối hoán đổi thường được dùng để điều chỉnh các chênh lệch về thời điểm này. Hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo (Cross Currency Swap) có thể dùng để bảo hiểm rủi ro cả về lãi suất và tỷ giá đối với các khoản vay trung và dài hạn. Doanh nghiệp thuần túy hoạt động ở Việt Nam thì không thể tiếp cận được thị trường NDF… Tóm lại, dùng công cụ nào phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

 

Ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp trong việc phòng ngừa rủi ro về tỷ giá?

Doanh nghiệp nên chủ động nhận dạng và đo lường các rủi ro về tỷ giá có thể phát sinh đối với các dòng tiền phải thu/trả, các cam kết phát sinh trong tương lai, các rủi ro tỷ giá khác từ hoạt động kinh doanh, đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp từng bước thiết lập các chính sách nội bộ rõ ràng về bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Việc bảo hiểm rủi ro về tỷ giá giúp doanh nghiệp tập trung vào hoạt động kinh doanh chính (core business) của mình, giảm thiểu việc tỷ giá biến động ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách, đẩy mạnh tham gia các chương trình đào tạo, tiếp cận tìm hiểu các sản phẩm mới, đặc biệt là các công cụ phái sinh để thấy rõ tác dụng, tầm quan trọng của việc sử dụng các sản phẩm này trong bảo hiểm rủi ro, tạo văn hóa chủ động nhận dạng và bảo hiểm rủi ro trong doanh nghiệp.