Công suất của các nhà máy may đã được khôi phục.

Công suất của các nhà máy may đã được khôi phục.

Doanh nghiệp dệt may hết khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xuất khẩu dệt may tích cực ngay từ đầu năm, giúp các doanh nghiệp ngành này lạc quan về một năm kinh doanh tươi sáng.

Tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng

Trong tháng 1/2022, dệt may - 1 trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - đã mang về 3,57 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với giá trị 1,85 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 51,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Tiếp đến là các thị trường EU, Hàn Quốc…

Với kết quả xuất khẩu tích cực trong quý đầu năm, các doanh nghiệp trong ngành đang tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu 4.182 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 253,8 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 120% và 188% so với mức thực hiện trong năm ngoái.

Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK) đặt kế hoạch doanh thu năm nay đạt 2.605 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 27,5% về doanh thu và 8% về lợi nhuận. Trong khi đó, vừa trải qua một năm bội thu, song Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG (mã TNG) đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng trong năm nay.

Doanh nghiệp dệt may bước vào năm 2022 với tâm thế vững vàng hơn khi sản lượng đơn hàng đầy ắp.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công

Hiện nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng đơn hàng đến hết quý III năm nay và chỉ tập trung sản xuất để đáp ứng đơn hàng. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho biết, doanh nghiệp dệt may nói chung, TCM nói riêng bước vào năm 2022 với tâm thế vững vàng hơn khi sản lượng đơn hàng đầy ắp. Công suất đã trở lại 100% sẽ giúp Công ty có doanh thu tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đơn hàng.

Trong tháng 1 vừa qua, TCM ghi nhận doanh thu gần 17,27 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1,1 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty đã đi vào ổn định, năng suất phục hồi và chi phí logistic có xu hướng giảm giúp biên lợi nhuận cải thiện đáng kể.

Thị trường xuất khẩu chính của TCM là Mỹ (chiếm tỷ trọng 34,58% % tổng lượng hàng xuất khẩu), tiếp đến là Hàn Quốc (chiếm 24,72%), Nhật (chiếm 17,07%).

Để tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh quốc (UKVFTA) mang lại, TCM đã đẩy mạnh tiếp cận thị trường châu Âu. Trong tháng 1/2022, xuất khẩu của Công ty vào thị trường này chiếm 8,78%, trong đó thị trường Anh chiếm ưu thế, với 8%.

Lãnh đạo TCM chia sẻ, Nhà máy May Thành Công Vĩnh Long 2 đã hoàn thành và đang tiến hành lắp đặt máy móc, dự kiến đến cuối tháng 3 có thể đi vào vận hành. Nhà máy này được xây dựng để phục vụ chủ yếu hai khách hàng lớn đến từ Mỹ là Adidas và Revise, dự kiến sẽ đóng góp tích cực vào doanh thu, lợi nhuận của TCM trong năm nay.

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG cũng báo cáo kết quả kinh doanh tích cực ngay trong tháng đầu tiên của năm. Tháng 1 vừa qua, Công ty ghi nhận doanh thu 514 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu tháng 1 cao nhất trong vòng 5 năm qua của Công ty. Lợi nhuận sau thuế đạt 21,3 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.

Với những tín hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu trong tháng đầu năm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã xây dựng kịch bản xuất khẩu dệt may năm 2022 khá tích cực, với kịch bản thấp nhất là 38 - 39 tỷ USD, tương đương mức thực hiện năm ngoái, kịch bản cao nhất là đạt 42,5 - 43,5 tỷ USD.

Biên lợi nhuận cải thiện

Nếu như năm ngoái, doanh nghiệp dệt may chịu áp lực gia tăng chi phí, bao gồm chi phí nhân công (khi làm việc theo phương án “3 tại chỗ”, chi phí test Covid định kỳ) và cước vận tải tăng cao thì năm nay, áp lực này đã giảm hẳn.

Tại TCM, theo ông Tùng, chi phí vận chuyển đã hạ nhiệt, lưu thông hàng hóa thông thoáng, bình thường trở lại giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, cải thiện biên lợi nhuận.

Ngoài câu chuyện giảm chi phí nhân công và vận chuyển so với năm 2021, theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, biên lợi nhuận mảng sợi của TCM cải thiện bởi giá bán sợi kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng nhanh hơn giá nguyên liệu bông, xơ đầu vào nhờ ba yếu tố: Một là, xu hướng giá sợi tăng nhanh tiếp diễn; Hai là, nhu cầu sợi cho dệt may tiếp tục ở mức cao trong khi nguồn cung sợi từ Trung Quốc đang cạn dần; Ba là, giá dầu Brent vượt đỉnh 7 năm tạo áp lực tăng giá sợi tái chế.

Trên thị trường chứng khoán, TCM, TNG, STK, VGT, MSH… là nhóm cổ phiếu được ưa thích khi nhắc đến ngành dệt may. Các cổ phiếu này đã có đà tăng mạnh mẽ trong thời gian qua. Tính đến ngày 23/2/2022, TNG có thị giá 32.200 đồng/cổ phiếu, tăng 18,3% so với thời điểm 1/10/2021 (thời điểm bắt đầu trạng thái “bình thường mới”). Cùng thời gian này, cổ phiếu TCM tăng 5%, STK tăng 12%, VGT tăng 32%...

Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, cổ phiếu dệt may hồi phục và tăng trưởng trở lại. Trong đó, STK có lợi thế đi đúng xu hướng dài hạn của ngành sợi khi giảm tỷ trọng sợi nguyên sinh, tăng mạnh sợi tái chế, giúp tăng biên lợi nhuận.

STK kỳ vọng tăng trưởng trong trung hạn nhờ các dự án mới nâng tổng công suất thêm 80.000 tấn (tăng 133% so với hiện tại) nhằm vào phân khúc sợi tái chế, sợi có chất lượng cao.

Với TNG, doanh nghiệp này hưởng lợi từ xu hướng gia tăng xuất khẩu dệt may tại Mỹ, EU và Singapore. Nhà máy Đồng Hỷ và Võ Nhai tiếp tục mở rộng nâng tổng công suất lên 9%. Việc tỷ trọng nhóm khách hàng FOB thành công sẽ giúp TNG tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận trong thời gian tới.

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã VGT) được Yuanta Việt Nam đánh giá tích cực. Theo đó, biên lợi nhuận năm 2022 của Tập đoàn được cải thiện nhờ đóng góp từ mảng sợi (60% lợi nhuận).

Xuất khẩu sợi sẽ là động lực tăng trưởng cho VGT trong năm nay, do nhu cầu nhập khẩu sợi tăng mạnh từ các nước khi nguồn cung thiếu hụt tại Trung Quốc. Mảng dệt may kỳ vọng tăng trưởng doanh thu nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục trên thế giới, tuy nhiên, lợi nhuận mảng này kỳ vọng sẽ không tăng trưởng do áp lực giá đầu vào.

Trong trung hạn, VGT sẽ tiếp tục đầu tư dự án Khu dân cư tại quận 1, TP.HCM và giai đoạn 2 Nhà máy sợi Nam Định (tổng vốn đầu tư 635 tỷ đồng), đây sẽ là các động lực tăng trưởng của VGT trong năm 2022 và 2023. Việc tái cấu trúc, thoái vốn tại các công ty con sẽ là các thông tin hỗ trợ ngắn hạn.

Mỗi doanh nghiệp ngành dệt may có lợi thế riêng nhưng đều bước vào năm 2022 với tâm thế lạc quan và tự tin sẽ gặt hái thành công khi sản lượng đơn hàng dồi dào và công suất lấp đầy 100%.

Tin bài liên quan