Doanh nghiệp lại kêu cứu - Bài 3: Vốn kinh doanh - sự khốn khó tận cùng của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Việc hệ thống ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay, cùng lãi suất vay cao đang là cản trở lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và khả năng sinh tồn của doanh nghiệp.
Ngành bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền đã gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng.

Ngành bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền đã gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng.

Bài 3: Vốn kinh doanh - sự khốn khó tận cùng của doanh nghiệp

Việc hệ thống ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay, cùng lãi suất vay cao đang là cản trở lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và khả năng sinh tồn của doanh nghiệp.

Lợi nhuận khó lòng đủ để trả lãi vay ngân hàng

Công ty TNHH Lập Phúc (TP.HCM) đã nổi tiếng trong và ngoài nước với hơn 30 năm chuyên về cơ khí khuôn mẫu xuất đi các nước châu Âu, Mỹ và được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Suzuki, Sanyo, Panasonic… chấp nhận. Cũng vì thế, doanh nghiệp này phải cố gắng hoạt động bình thường để giữ uy tín với bạn hàng.

Thế nhưng mới đây, tại buổi tọa đàm “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc phải thốt lên: “Đối với ngành sản xuất, làm ra được đồng tiền để trả lãi ngân hàng là rất khó. Đặc biệt, để kiếm ra được đồng lãi trả lãi vay 10% trở lên là điều không thể, vì hiện doanh nghiệp có làm tốt cũng không thể có sản phẩm nào đạt lợi nhuận tới 20 - 30%”.

Tương tự, theo ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi (chuyên sản xuất và cung cấp vật tư cơ điện), thời buổi này, nếu quản lý tốt thì doanh nghiệp sản xuất cũng chỉ lãi ròng khoảng 6 - 7%, không đủ để trả lãi vay, chứ chưa nói cho các chi phí khác

Đó là với doanh nghiệp có lãi, còn với công ty đang lỗ thì còn khốn khổ hơn. Điển hình nhất là doanh nghiệp dệt may.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may TP.HCM giảm trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang phải cắt giảm chi tiêu, giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động.

Nguyên nhân phổ biến là thiếu hụt dòng tiền do không tiếp cận được vốn vay. Có doanh nghiệp thu không đủ trả nợ, bị chuyển sang nợ xấu. Do vậy, các doanh nghiệp không đầu tư và có xu hướng bán lại, làm mất thương hiệu. Theo dự báo, các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với doanh nghiệp của ngành dệt may.

Doanh nghiệp ngành cơ khí điện TP.HCM cũng rất khó khăn, khi đơn hàng giảm, thậm chí giảm đến 50%, tức làm “không đủ ăn” thì lấy đâu ra lãi để trả, nên rất dễ bị xếp vào nhóm nợ xấu, sẽ ảnh hưởng lớn đến việc vay vốn sau này, nếu hồi phục.

Theo HUBA, hiện nay, lãi cho vay của các ngân hàng thương mại hầu hết đều trên 10%/năm, nên sẽ rất khó khăn với doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.

Doanh nghiệp không dễ vay vốn

Công ty TNHH Decor T.T (TP.HCM, xin không nêu tên) là doanh nghiệp chuyên thầu xây dựng và nội thất cho các dự án bất động sản lớn. Từ cuối năm 2020 tới nay, theo ông N.V.K (Phó giám đốc Công ty TNHH Decor T.T), Công ty nhận làm tất cả các công trình dân dụng (nhà dân), thậm chí nhận… sửa nhà dân dụng, cốt để “duy trì sự sống”, bởi các dự án bất động sản “đứng hình” đã kéo theo doanh nghiệp xây dựng, nội thất “đứng bóng” và nợ lẫn nhau, trong khi hàng hóa không bán được, lại phải trả nợ hoặc lãi vay cao ngất.

Nhưng “nhặt tiền lẻ” vẫn không đủ chi trả lương, lãi…, nên Công ty TNHH Decor T.T muốn vay thêm chỉ để cầm cự, nhưng không ngân hàng nào cho vay.

Tình cảnh trên là phổ biến ở TP.HCM hiện nay. Tại văn bản mới đây gửi lãnh đạo TP.HCM về khốn khó của doanh nghiệp, HUBA cho hay, ngành bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền đã gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng. Trong đó, ngành vật liệu xây dựng thê thảm nhất, khi có khoảng 40% doanh nghiệp không hoạt động được và khả năng đến cuối năm 2023, sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, nếu không có gì thay đổi.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành này gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất. Tài sản thế chấp là đất nông nghiệp được định giá rất thấp và giá trị tài sản đảm bảo nói chung giảm đến 30%, đòi hỏi phải bổ sung tài sản thế chấp, trong khi doanh nghiệp gần như cạn kiệt tài sản.

Không chỉ doanh nghiệp liên quan ngành bất động sản, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch thường trực HUBA cho hay, doanh nghiệp ngành xây dựng công nghiệp TP.HCM cũng khốn đốn không chỉ bởi thị trường sụt giảm, mà còn do tiêu chí phòng cháy chữa cháy không rõ ràng, chưa thống nhất, dẫn tới nhiều dự án không hoàn công được, không có giấy phép, không thể sử dụng để thế chấp vay vốn.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP.HCM đang khốn khó vô cùng. Trong đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu… và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp, nay không còn gì để thế chấp để vay thêm vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong tình thế đó, chỉ có hình thức tín chấp mới có thể giải quyết được nguồn vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, muốn vậy phải có phương án kinh doanh tốt và hợp đồng kinh tế có hiệu quả cao, thì ngân hàng mới có thể cho vay. Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như Việt Nam hiện nay, phương án tốt và hợp đồng kinh tế hiệu quả gần như bất khả thi với doanh nghiệp.

Theo khảo sát của HUBA, các gói hỗ trợ về vốn chưa được doanh nghiệp đánh giá cao với tỷ lệ thụ hưởng chỉ dưới 10%.

Ngân hàng phải đồng hành chia sẻ

“Hiện nay, hệ thống ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay với mức an toàn cao cho ngân hàng, như định giá trị tài sản thế chấp thấp, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp bị kéo thấp xuống, yêu cầu bổ sung tài sản thế chấp đối với các hợp đồng đã cho vay. Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, báo cáo của HUBA gửi UBND TP.HCM viết.

Với vấn đề trên, hầu hết doanh nghiệp cho rằng, ngân hàng cần có giải pháp linh hoạt như gia hạn nợ vay, cho vay với tài sản hình thành trong tương lai (công nghệ, máy móc nhập khẩu, đã có hợp đồng mua bán, hóa đơn), đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hàng năm, thí điểm cho vay tín chấp, tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp…

Về phần mình, HUBA cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm (2023) đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm, thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ năm 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm. Theo đó, thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó, góp phần giảm áp lực trả nợ so với yêu cầu phải chia đều nợ phải trả.

Với lãi vay các ngân hàng thương mại đang từ 10% trở lên, HUBA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3% để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.

Doanh nghiệp bất động sản cũng khẩn thiết kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội về thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Bản chất quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với ngân hàng là “cộng sinh”, nên trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ngân hàng cần phải đồng hành với doanh nghiệp, chứ không chỉ “lo an toàn” cho bản thân.

Doanh nghiệp TP.HCM đối mặt vô vàn khó khăn trong quý I/2023

- Ngành chế biến lương thực - thực phẩm TP.HCM sụt giảm khoảng 2% doanh số;

- Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may giảm trên 8% so với cùng kỳ;

- Ngành cơ khí điện giảm đơn hàng, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%;

- Ngành xây dựng công nghiệp gặp thêm khó khăn do tiêu chí phòng cháy chữa cháy không rõ ràng, chưa thống nhất, dẫn đến nhiều dự án không hoàn công được, không có giấy phép, không thể sử dụng thế chấp vay vốn.

- Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm xuất khẩu 15%, trong đó, các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%;

- Ngành bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng, thiếu tiền trả cho nhà thầu, trả cho trái chủ, trả lãi ngân hàng, trả lương cho người lao động…

- Ngành vật liệu xây dựng hiện có khoảng 40% doanh nghiệp không hoạt động được, khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, nếu không có gì thay đổi.

Tin bài liên quan