Giá dầu mỏ có ảnh hưởng trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất

Giá dầu mỏ có ảnh hưởng trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất

Doanh nghiệp niêm yết “đón đầu” cơ hội phục hồi

(ĐTCK) Tại Diễn đàn đầu tư vào Việt Nam trực tuyến với NĐT quốc tế tổ chức hôm 20/4 tại Hồng Kông, các NĐT tổ chức lớn đều đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam trong quý I/2009 khá tốt so với bình diện chung của nền kinh tế toàn cầu và thể hiện sự quan tâm lớn đến cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Vậy DN nội địa, vốn chịu không ít “sứt mẻ” từ khó khăn của năm 2008 và dư âm trong quý I/2009, sẽ nắm bắt như thế nào cơ hội mở ra từ sự phục hồi của nền kinh tế?

Ông Phan Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico)

Kết thúc quý I/2009, Sudico lãi 9 tỷ đồng trên kế hoạch năm 2009 là 373 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân chủ quan còn do yếu tố khách quan từ những khó khăn của nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết sẽ đạt kế hoạch năm 2009 như ĐHCĐ đã thông qua. Ngoài hỗ trợ từ Nhà nước, tín hiệu khả quan liên quan trực tiếp đến Sudico đó là khả năng phục hồi của thị trường bất động sản. Khi đó, Sudico sẽ tận dụng cơ hội một số DN cùng ngành do khó khăn về vốn phải đình trệ dự án hiện có để tiếp tục hợp tác đầu tư với các đơn vị này, hay thông qua việc nhận chuyển nhượng đầu tư một số dự án bất động sản. Quý III và IV, Công ty tập trung đẩy nhanh công tác kinh doanh dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, chỉ đạo kinh doanh và thu tiền từ dự án Toà nhà hỗn hợp HH3, ĐN 3 - CT9.

Dự kiến đến năm 2010, việc đầu tư các khu vui chơi giải trí và dịch vụ công cộng tại Khu đô thị mới An Khánh (25/230 héc-ta) và Khu đô thị mới Tiến Xuân (300/1.200 héc-ta) sẽ tạo thêm cho Công ty khoản lợi nhuận dự kiến 150 - 200 tỷ đồng/năm.

Năm 2009, Công ty dự kiến đạt 936 tỷ đồng doanh thu (bằng 277% năm 2008); tỷ suất lợi nhuận/doanh thu 40%.

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phụ trách công bố thông tin CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL)

Quý I/2009, RAL đạt tổng doanh thu 270,646 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 15 tỷ đồng. ĐHCĐ năm 2009 của RAL sẽ được tổ chức vào ngày 6/5 để thông qua một số chỉ tiêu như tổng doanh thu 900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 40,6 tỷ đồng, cổ tức 20%. Dự kiến, đến hết tháng 4, Công ty sẽ đạt tổng doanh số tiêu thụ trên 355 tỷ đồng, vượt 12,18% so với cùng kỳ năm 2008.

Năm 2009, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục gặp khó khăn, hàng ngoại tràn vào Việt Nam càng tạo áp lực cạnh tranh gay gắt. Trước tình hình trên, RAL đã xây dựng định hướng phát triển trong năm 2009. Về cơ bản, Công ty sẽ tạm dừng việc đầu tư lớn, chú trọng ổn định và nâng cao hiệu quả công nghệ mới đầu tư, chỉ đầu tư chiều sâu, mức độ nhỏ. Ngoài ra, RAL sẽ tìm kiếm các tập đoàn nước ngoài để liên doanh, liên kết.

Bà Trang Thị Hậu, Kế toán trưởng CTCP Nhựa Bình Minh (BMP)

BMP đang hợp nhất báo cáo tài chính (BCTC) quý I, nên chưa thể công bố con số lợi nhuận chính xác. Công ty sẽ công bố trong 1 - 2 ngày tới. Về tổng thể, như nhiều công ty sản xuất khác, BMP cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới. Tuy nhiên, doanh số của Công ty vẫn đạt tương đương quý I năm trước (hơn 200 tỷ đồng), nhưng hiệu quả sản xuất - kinh doanh tăng cao hơn (quý I/2008, BMP đạt 26,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế). Giá dầu mỏ có ảnh hưởng trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào của BMP. Trong quý I/2009, giá dầu mỏ đứng ở mức giá thấp so với cùng kỳ năm trước là một thuận lợi cho Công ty. Dù tình hình khó khăn chung, nhưng BMP sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch và duy trì tỷ lệ cổ tức 2.000 đồng/CP.

Bà Trần Thị Kim Loan, Phụ trách công bố thông tin CTCP Vĩnh Hoàn (VHC)

Có thể VHC phải xin phép HOSE dời thời gian nộp BCTC sang tháng 5, do Công ty phải hợp nhất BCTC của Công ty Vĩnh Hoàn (Hoa Kỳ). Riêng VHC, tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý I như sau: kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xuất khẩu đạt 9.200 tấn…

Thời gian qua, nhiều ý kiến đánh giá thiên về khó khăn của DN thủy sản do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thực tế các DN xuất khẩu cá như VHC đã gặp ít khó khăn hơn so với DN xuất khẩu tôm… Cụ thể, đơn hàng của VHC sang hai thị trường chính là Mỹ và châu Âu vẫn tương đương năm ngoái, chỉ có giá bán là giảm. Quý I/2008, các DN thủy sản đều liêu xiêu vì chi phí lãi vay ngân hàng tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh. Tình trạng đó đã không xảy ra trong quý I năm nay. Vấn đề chỉ là công tác tiêu thụ.

Dự kiến, lợi nhuận của VHC vẫn duy trì bằng mức năm trước. Năm 2009, VHC không có kế hoạch mở rộng sản xuất, Công ty chỉ hướng tới việc tăng vùng nuôi. Hiện tại, VHC chủ động được 30% nguyên liệu, 70 % còn lại là thu mua bên ngoài. Phát triển thêm vùng nuôi mới, VHC sẽ chủ động hơn nữa về nguồn nguyên liệu đầu vào.