Doanh nghiệp niêm yết sẵn sàng tăng tốc

Doanh nghiệp niêm yết sẵn sàng tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thận trọng song vẫn giữ tâm thế lạc quan vào triển vọng kinh doanh trong năm mới Tân Sửu 2021, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết chia sẻ kế hoạch đón đầu cơ hội.

Kỳ vọng vào những quyết sách mới của Chính phủ

Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Intracom
Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT CTCP Intracom

Dịch Covid-19 sẽ vẫn là trở lực lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Nhưng tôi tin với những chính sách ưu đãi và các gói hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ dần từng bước phục hồi.

Trong khi thị trường thế giới còn nhiều biến động và khó khăn, thì việc khai thác thị trường trong nước là rất quan trọng.

Chính phủ cần có các biện pháp để đẩy nhanh việc đầu tư công, khai thác khu vực kinh tế tư nhân, liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các chuỗi giá trị để sớm phục hồi kinh tế.

Cũng giống các doanh nghiệp tư nhân khác, chúng tôi kỳ vọng vào những quyết sách mới của Chính phủ trong năm 2021 sẽ cởi bỏ được các khó khăn cho doanh nghiệp. Một môi trường kinh doanh minh bạch, với cơ chế thông thoáng sẽ tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp vượt lên khó khăn hiện nay.

Năm qua, do ảnh hưởng của Covid-19, Intracom cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang bị chậm nhịp, nhưng đây cũng là dịp để doanh nghiệp tự đánh giá, kiện toàn lại hoạt động, lấy đà tăng tốc và bứt phá.

Năm nay, Intracom xác định sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã sẵn sàng cho những dự án mới về năng lượng, nông nghiệp, y tế… và trọng tâm là bất động sản.

2021 có nhiều điểm sáng

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau

Năm 2020, Phân bón Cà Mau đặt kế hoạch lợi nhuận thấp do nguồn khí bấp bênh, nhà máy NPK dự định sớm đưa vào hoạt động nhưng do dịch Covid-19, các nhà thầu chính không sang được.

Năm 2021, Phân bón Cà Mau đưa nhà máy NPK vào hoạt động nên sẽ phải khấu khao lớn, dự kiến theo FS 10 năm, nhưng đang xem xét đề xuất để giãn 15 năm. Cuộc chơi NPK là phải dài hơi như Bình Điền 10 năm, Phú Mỹ năm nay đỡ lỗ hơn chứ năm ngoái cũng rất khó khăn. Dù vậy, chúng tôi nhìn nhận có điểm sáng. Đó là dịch bệnh làm nhu cầu thiết yếu tăng, giá lương thực tăng, hầu hết các nước chuyển sang mục tiêu an ninh lương thực, bởi thế nhu cầu tiêu thụ ure sẽ tiếp tục cao.

Mới đây, chúng tôi tổ chức hội nghị kinh doanh, nhiều khách hàng đã phản đối xuất khẩu với mong muốn ưu tiên trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ phải cân đối vì hiện năng lực sản xuất đạm là 2,5 triệu tấn, mà nhu cầu chỉ có 1,8 triệu tấn. Nếu Phân bón Cà Mau không xuất khẩu, các doanh nghiệp khác như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc sẽ bị ảnh hưởng, mà chuyển hàng ra Bắc thì khó vì chi phí logistics cao.

Ure có triển vọng hơn nên chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt hiệu quả tốt, đồng thời có dòng tiền tốt để hỗ trợ cho sản phẩm mới như NPK.

Sẽ đầu tư vào AI, BigData, Cloud

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc CTCP FPT
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc CTCP FPT

Năm 2020, FPT đạt mức tăng trưởng hai con số về lợi nhuận, nhưng quan trọng hơn là sự thay đổi về chất lượng tăng trưởng.

Mảng công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực chuyển đổi số của Tập đoàn đang có những thay đổi tích cực.

Chẳng hạn, mảng cung cấp dịch vụ công nghệ cho thị trường nước ngoài đã ghi nhận những dự án có quy mô trên 100 triệu USD.

Có thể kể đến hợp đồng quy mô 150 triệu USD với một trong những công ty kinh doanh xe hơi lớn nhất tại Mỹ và FPT đã vượt qua 200 đối thủ để giành được hợp đồng này. Hay hợp đồng với hãng đồ uống lớn nhất thế giới tại Nhật Bản với trị giá khoảng 120 triệu USD trong vòng 5 năm tới…

FPT đang chuyển dịch từ công ty dịch vụ công nghệ thông tin truyền thống sang công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số ở cả ba mảng trọn gói gồm tư vấn, triển khai và quản trị.

Thế mạnh của FPT ở ba mảng dịch vụ này chính là phương pháp luận chuyển đổi số FPT Digital Kazen giúp khách hàng xây dựng chiến lược chuyển đổi số bám sát chiến lược kinh doanh. Hệ sinh thái các giải pháp chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tối ưu hiệu suất, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tìm kiếm mô hình kinh doanh mới.

Chúng ta đang chuẩn bị đón làn sóng 5G. Với làn sóng này, FPT sẽ tiếp cận và đầu tư vào các sản phẩm mới, đặc biệt liên quan đến AI, Bigdata, Cloud. Vị thế của FPT trên thị trường công nghệ thông tin thế giới đang rất tốt.

Vấn đề quan trọng với FPT hiện nay là làm thế nào để sản sinh ra được nguồn lực đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số trên thị trường.

Mở rộng công suất để bắt kịp nhu cầu thị trường

Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch CTCP Nhựa công nghệ Pha Lê
Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch CTCP Nhựa công nghệ Pha Lê

Vượt qua nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện Nhà máy gạch nhựa SPC tại Đồng Nai của liên doanh Hoàng Gia Pha Lê (PLP sở hữu 50% vốn) đã chạy hết công suất 4 dây chuyền lắp đặt. Máy móc thiết bị 4 dây chuyền tiếp theo đã được Công ty ký hợp đồng và được vận chuyển về nhà máy vào tháng 12/2020, đang tiến hành lắp đặt. Bốn dây chuyền còn lại cũng đã được Hoàng Gia Pha Lê chuyển tiền thanh toán cho đối tác, giữa tháng 1 cập cảng Việt Nam và vận chuyển về nhà máy trước dịp tết Nguyên đán.

Theo kế hoạch, 12 dây chuyền sẽ hoàn chỉnh lắp đặt sau Tết và vận hành công suất tối đa ngay sau khi đưa vào hoạt động. Như vậy, Nhà máy Đồng Nai với vốn đầu tư 300 tỷ đồng, công suất 10 triệu m2 sàn gạch nhựa SPC mỗi năm chuẩn bị chạy hết công suất.

Ngoài hợp đồng lớn với MSI, nhà phân phối vật liệu trong Top 10 thị trường Mỹ, Hoàng Gia Pha Lê đang triển khai hợp tác với nhiều nhà phân phối khác. Trong đó, kênh xuất khẩu chiếm 90% sản lượng bao gồm các nhà phân phối liên bang ở Mỹ như MSI, Mohawk, Novalis, CFL… và nội địa chiếm 10%.

Bên cạnh 12 dây chuyền ở Đồng Nai, một nhà máy mới ở Hải Phòng cũng đã được tiến hành xây dựng song song với mục tiêu bắt kịp xu thế thị trường. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng, với 14 dây chuyền công suất lớn, tổng sản lượng theo thiết kế là 14 triệu m2/năm.

Nhà máy Hải Phòng dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5/2021, 8 dây chuyền đầu tiên sẽ lắp đặt xong trong tháng 6 và 6 dây chuyền tiếp theo sẽ về trong tháng 7, lắp máy xong trong tháng 8.

Phát triển ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ hiện đại

Ông Lê Hải , Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP ABBANK
Ông Lê Hải , Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP ABBANK

Năm 2021 là năm đầu tiên ABBANK triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh trung hạn 2021 - 2025.

Theo đó, ABBANK sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp hành động nhằm khai thác sâu các nhóm khách hàng mục tiêu, nâng cao năng lực bán hàng của đội ngũ để gia tăng doanh thu.

Ngân hàng sẽ tối ưu chi phí thông qua tập trung hóa hoạt động vận hành và thẩm định, phê duyệt tín dụng, tin học hóa 100% quy trình nghiệp vụ trọng yếu của ngân hàng, tăng cường trải nghiệm của khách hàng trên toàn bộ các kênh bán hàng với nền tảng kinh doanh số để thu hút và gắn kết khách hàng, xây dựng hệ sinh thái kết nối với các đối tác (Fintech, RegTech, EduTech), quản lý rủi ro chủ động với sự hỗ trợ từ các cổ đông nước ngoài.

Để hướng tới với mục tiêu nằm trong nhóm đầu các ngân hàng tư doanh về hiệu quả hoạt động, ABBank sẽ liên tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, trên một nền tảng công nghệ hiện đại và quản trị rủi ro vượt trội nhằm mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững về quy mô và hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Việc đưa cổ phiếu giao dịch tập trung trên thị trường UPCoM cuối năm 2020 không chỉ đánh dấu sự tự tin của ABBANK về năng lực cạnh tranh, mà còn là cơ hội để Ngân hàng thu hút thêm nhiều nguồn lực từ cổ đông, các nhà đầu tư, giúp ABBANK thực thi các mục tiêu phát triển đã đặt ra.

Ba mảng hoạt động đều có triển vọng tích cực hơn

Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đạt Phương
Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đạt Phương

Năm 2020 trải qua nhiều biến động bởi sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh Covid-19, có nhiều thời điểm khó khăn đối với Đạt Phương như phải dừng hoạt động thi công xây lắp, nhưng doanh nghiệp đã linh hoạt, nhanh chóng có sự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhằm bù đắp cho những khoảng thời gian này. Lợi nhuận sau thuế đạt 237,4 tỷ đồng, hoàn thành 103,7% kế hoạch.

Năm 2021 sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin triển vọng sẽ tốt hơn năm 2020 trên cả 3 lĩnh vực xây lắp, thủy điện và bất động sản.

Mảng xây lắp hạ tầng vẫn luôn là lĩnh vực được nhà nước coi là trọng tâm ưu tiên, mặt khác Đạt Phương lại là doanh nghiệp có uy tín và vị thế tại thị trường về tiến độ, chất lượng thi công cùng kinh nghiệm dày dặn.

Mảng điện năng tiếp tục duy trì hoạt động ổn định do nhu cầu của cuộc sống ngày một tăng lên. Vào cuối quý III, đầu quý IV/2021, chúng tôi sẽ đưa vào vận hành nhà máy thủy điện 1C, góp phần tăng trưởng doanh thu 30% so với năm 2020.

Thị trường bất động sản có xu hướng tăng trưởng tốt hơn trong năm tới. Do đó, Đạt Phương hiện vẫn đang ưu tiên tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đưa ra thị trường dự án Đồng Nà vào quý II/2021 song song với việc phát triển các dự án khác tại Quảng Nam.

Đã đủ đơn hàng cho tới cuối quý I

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG

Ngành dệt may chịu ảnh hưởng nặng nề từ sức mua và nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Song bằng rất nhiều nỗ lực, năm 2020, TNG đã đạt doanh thu 4.485 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 183,46 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2019.

Trong kết quả 2020, có điểm sáng về hàng nội địa, theo đó doanh thu đạt 299 tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch năm và tăng 40% so với cùng kỳ.

Cho đến cuối tháng 1/2021, chúng tôi đã nhận đủ đơn hàng cho các nhà máy chạy hết công suất tới cuối quý I và đang xuống đơn hàng cho quý II/2021.

Hiện tại, TNG đang xây dựng các kịch bản cho năm 2021 để chủ động trong mọi tình huống, trong đó ưu tiên việc đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho 16.000 người lao động trong hệ thống của Công ty.

Hiện các nhà máy Đại Từ, Võ Nhai giai đoạn 1, Đồng Hỷ… đã chạy tối đa công suất. Công ty tạm chưa triển khai kế hoạch đầu tư nhà máy Võ Nhai giai đoạn 2. Chúng tôi kỳ vọng năm 2021, đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế, các thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại.

Tập trung khai thác mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế

Ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Tiến Bộ
Ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Tiến Bộ

Năm 2020, TTB Group bằng tất cả nỗ lực của mình đã khắc phục mọi khó khăn, ổn định và duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh một cách có hiệu quả.

Các dự án được thi công đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ bàn giao cho khách hàng. Công ty vẫn duy trì được việc làm ổn định cho người lao động.

Trong định hướng kế hoạch 2020 - 2025, TTB Group tập trung khai thác mọi nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng kinh doanh bất động sản và giải phóng mặt bằng có hiệu quả, đảm bảo thời gian tiến độ xây dựng phù hợp với cảnh quan đô thị và yêu cầu của các khu chung cư thương hiệu TBCO, Green City…

Công ty cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chất lượng, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động; quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động; coi trọng phát triển kinh doanh đi đôi với đảm bảo an toàn về con người và tài sản doanh nghiệp.

Tin bài liên quan