Người lao động làm việc tại xưởng của Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (ảnh minh hoạ: V.Food).

Người lao động làm việc tại xưởng của Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (ảnh minh hoạ: V.Food).

Doanh nghiệp thực phẩm ở TP.HCM đã sẵn sàng “3 tại chỗ”

0:00 / 0:00
0:00
Hầu hết các thành viên của Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) đều đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đủ hàng hoá ra thị trường.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA cho biết, hầu hết các thành viên của Hội đều đáp ứng được chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Thông báo số 615/TB-VP ngày 13/7/2021 về việc chỉ cho phép các doanh nghiệp phải đảm bảo “3 tại chỗ” hoặc “2 cung đường 1 điểm đến” mới được tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này xuất phát từ tâm thế chủ động của các doanh nghiệp. Bởi trước khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, FFA đã có những khuyến nghị và hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó trong tình huống dịch xấu nhất.

Trong đó, FFA tập trung cho việc chuẩn bị bố trí chỗ ăn ở cho người lao động để vừa duy trì chuỗi sản xuất mà vẫn đảm bảo an toàn cho người lao động, tránh nguy cơ lây lan dịch từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại.

Do đó, khi Thành phố có chỉ đạo thì các đa phần các doanh nghiệp thành viên, nhất là các đơn vị sản xuất các mặt hàng thực phẩm thiết yếu chủ lực của TP. HCM ngay lập tức đều đã kích hoạt và sẵn sàng áp dụng ngay các phương án phòng dịch thắt chặt để vừa bảo vệ người lao động, vừa đáp ứng chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy.

Đơn cử, với nhóm thịt heo tươi sống, các doanh nghiệp thành viên cũng khẳng định đều đã kích hoạt hoàn toàn hệ thống và đảm bảo nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục giữ bình ổn.

Như công ty Vissan, kể từ ngày 28/06/2021 đã tổ chức cắm trại tập trung làm việc đảm bảo tại công ty cho 100% số lượng lao động khoảng 1.500 người.

Và dự kiến quá trình cắm trại tập trung thực hiện 3 tại chỗ này của Vissan sẽ kéo dài cho đến khi tình hình dịch bệnh tại TP. HCM được kiểm soát. Vì vậy, lãnh đạo Vissan khẳng định cung ứng đầy đủ nhu cầu thị trường.

Hay với Công ty chăn nuôi CP, các trang trại đã kích hoạt toàn bộ hệ thống đảm bảo 3 tại chỗ và đều quy định các cá nhân mỗi khu không được trao đổi qua lại.

Sản lượng cung ứng cho TP. HCM thịt heo tươi sống bình quân hàng ngày cung cấp 350 con đến 400 con/ngày, trong những ngày vừa qua đã tăng lên 600 con/ngày.

Ở nhóm mặt hàng thịt và trứng gia cầm, các doanh nghiệp thành viên của FFA cũng khẳng định đều đã kích hoạt hoàn toàn hệ thống và đảm bảo nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục giữ bình ổn.

Cụ thể, đối với mặt hàng gia cầm, hầu hết các nhà máy đã chuẩn bị đầy đủ các phương án cho lao động làm việc tại chỗ nên sản lượng cung ứng cho TP.HCM sẽ luôn đảm bảo sẽ dồi dào, không bao giờ bị thiếu.

Giá thịt gia cầm các loại như gà, vịt sẽ tiếp tục ổn định giá; tuy nhiên, chủng loại sẽ không đa dạng như ngày thường.

Đối với mặt hàng lương thực như gạo thì hiện tại các doanh nghiệp đã duy trì lượng tồn kho lớn, sản lượng gạo dự trữ đảm bảo đủ cung ứng đến cuối năm.

Doanh nghiệp cũng dễ dàng trong việc sắp xếp, bố trí nhân sự, cơ bản đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động và giữ giá bán theo mức hiện tại.

Đối với nguyên liệu chính là dột mì dùng cho sản xuất mì ăn liền, bánh các loại,… nguồn dự trữ đảm bảo cung ứng trong 3 tháng tới và doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ các phương án bố trí ăn ở cho người lao động.

Vì vậy, các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng đầy đủ và dù giá nhập khẩu hiện nay đã tăng đến 30% nhưng doanh nghiệp tạm thời vẫn giữ nguyên giá cũ (Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Bột Mỳ).

Ở nhóm hàng gia vị và nước chấm, hầu hết các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị đầy đủ các phương án bố trí chỗ ăn ở cho người lao động và sẵn sàng kích hoạt để đảm bảo tiếp tục hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi cho biết, còn một số nhóm hàng về mì ăn liền đang có gặp khó khăn khi triển khai áp dụng việc bố trí ăn ở cho lao động tại nhà máy do người lao động có tâm lý tránh dịch.

Nhưng doanh nghiệp đang vận động công nhân bằng nhiều hình thức và hiện nay đã có 50% công nhân đồng ý tham gia sản xuất.

Đối với nhóm mì ăn liền, đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã nỗ lực chuẩn bị phương án bố trí cho công nhân ở tại chỗ, tăng trợ cấp để khuyến khích công nhân ở lại.

Song, hiện số lượng công nhân nhà máy tại TP.HCM đăng ký chỉ đạt không đến 50%.

Ngoài ra, các đơn vị cung cấp nguyên liệu cho Acecook hiện nay cũng gặp những khó khăn tương tự, nên nguy cơ sẽ giảm năng suất sản xuất, cung ứng nguyên liệu. Theo đó, sản lượng của Acecook dự kiến sẽ giảm hơn 50%.

Mặc dù, đây không phải là doanh nghiệp bình ổn và có nhiều khó khăn nhưng Acecook cam kết sẽ không tăng giá từ giờ đến cuối năm dù chi phí đầu vào tăng cao nhằm chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng.

Ở nhóm mặt hàng thủy hải sản chế biến, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bố trí khâu xuất nhập hàng hóa nên sản lượng sẽ bị giảm phần nào.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan